GS TS Nguyễn Thanh Liêm
Lịch sử là cả
một quá trình văn hóa làm nên bộ mặt hôm nay (hiện giờ) của một dân tộc. Bởi
vai trò quan trọng đó mà người làm chính trị và các chế độ chính trị luôn luôn
tìm cách sửa đổi hay bóp méo lịch sử cốt để dẫn chứng hay biện minh cho những
chiêu bài chính trị phần lớn là lỗi lầm của họ. Họ muốn che đậy hầu hết sự thật
của những việc làm bất nhân, tàn bạo mà chế độ đã hay sẽ áp dụng. Chế độ càng
phi nhân, càng tàn nhẫn độc ác thì sự áp bức bóp méo lịch sử càng nặng nề và
càng sâu rộng. Bởi đó mà sự thật lịch sử ít khi được phơi bày một cách trung thực,
đầy đủ như các nhà sử học chân chính mong muốn. Nó thường bị che đậy hay bóp
méo không nhiều thì ít, hoặc có chủ đích hẳn hoi hoặc sai lạc một cách vô tình.
Ở một nước tự do như nước Mỹ, với đội ngũ trí thức đông đảo to lớn như vậy, với
tổng số chất xám vĩ đại như vậy, và với quyền hạn khoa học vô biên như vậy mà một
số sách giáo khoa lịch sử còn không nói lên hết được mọi khía cạnh của sự thật
(hãy đọc “Lies My Teacher Told Me,” của James W. Loewen) thì huống hồ gì những
sự thật lịch sử dưới chế độ độc tài chuyên chế như chế độ Cộng Sản ngày nay.
Sách giáo khoa về lịch sử Mỹ thường cố tình bỏ qua những sai lầm của chế độ về
phương diện kỳ thị chủng tộc, hay những tàn phá trong chiến tranh mà Mỹ đã tham
dự... để chỉ đề cao những thành tựu về kinh tế và chính trị của chủ nghĩa tư bản
tự do. Sách giáo khoa về lịch sử Nhật Bản cũng vậy, cũng cố tình bỏ qua những độc
ác tàn bạo của quân đội Nhật trong Thế Chiến Thứ II. Nhưng khi nói về chủ
trương bóp méo lịch sử để phục vụ cho chế độ chính trị, thì không có chế độ nào
làm việc đó một cách toàn diện và sâu rộng bằng chế độ Cộng Sản.
Việc bóp
méo, sửa đổi lịch sử nhân loại và quốc gia dưới chế độ cộng sản thật vô cùng tồi
tệ. Nó tồi tệ gấp trăm lần chế độ quân chủ chuyên chế hay chế độ thực dân đô hộ
thuở xưa. Cộng Sản Nga Sô chẳng hạn, đã viết lịch sử nước Nga méo mó đến độ
trong năm 1988 (sau khi có công cuộc đổi mới và khai phóng, perestroika và
glasnost) chính phủ phải ra lệnh bãi bỏ bài thi lịch sử ở các trường trung học
vì những bài học lịch sử đã dạy ở học đường hoàn toàn sai bét, và các nhà giáo
còn đang cần thời gian để viết lại toàn bộ sách giáo khoa về lịch sử nước này.
Chế diễu lối
bóp méo hoàn toàn lịch sử của các nhà viết sử cộng sản, dân Nga đã định nghĩa một
cách mỉa mai và ý nhị rằng sử gia cộng sản Nga là “một con người có thể tiên
đoán được quá khứ.” (“someone who can predict the past.”). (New York Times, May
31, 1988, p.1). Đi đúng con đường Nga Sô đã vạch, nhà viết sử cộng sản Việt Nam
cũng đẽo gọt và nhồi nặn lịch sử lại cho nó đẹp theo đúng cái khung đạo đức
cách mạng và khung thẩm mỹ cộng sản. Tiểu sử của Hồ Chí Minh chẳng hạn, cũng
như lịch sử các chiến công của những anh hùng Cộng Sản Việt Nam, tất cả đều được
dựng nên từ tưởng tượng cốt để tuyên truyền để thần thánh hóa những nhân vật đó
hơn là nói lên sự thật lịch sử.
Trong khi đó
một số các sự thật quan trọng của lịch sử thì lại bị che giấu kỹ. Thủ tiêu hay
dùng mọi thủ đoạn để triệt hạ những nhà ái quốc không theo cộng sản là một sự
thật mà Cộng sản Việt Nam cố tình giấu nhẹm. Nhưng dù có cố tình che lấp hay
bóp méo, một số sự kiện lịch sử đúng thật vẫn được một số người thấy, biết và
ghi lại qua cái nhìn trung thực và giá trị của họ cho hậu thế. Những người này
là những chứng nhân hết sức có giá trị của lịch sử. Họ là những người có công lớn
đối với dân tộc, nhất là đối với lịch sử của một nước. Làm chứng nhân một cách
trung thực ngay thẳng, họ là những người đã can đảm bảo vệ công lý, cũng như bảo
vệ sự thật trong lịch sử dân tộc họ.
Một trong những
chứng nhân lịch sử có giá trị đó là Bác Sĩ Trần Ngươn Phiêu. Qua tác phẩm “Phan
Văn Hùm,” nói về thân thế và sự nghiệp của nhà ái quốc trí thức Phan Văn Hùm,
Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu đã ghi lại cho chúng ta những sự kiện lịch sử đúng thật
qua cái nhìn trung thực và hết sức giá trị của ông về một giai đoạn lịch sử đen
tối ở miền Nam, và nhất là những sự kiện lịch sử liên quan mật thiết tới cái chết
bí mật của một nhà trí thức yêu nước có tiếng ở miền Nam do Cộng sản chủ
trương.
Tình hình
chính trị ở miền Nam trở nên cực kỳ xáo trộn, bất ổn vào giữa thập niên 1940.
Những biến cố lớn lao dồn dập xảy ra trong thời gian này ở tại Sài Gòn, thủ đô
chính trị, văn hóa, kinh tế của miền Nam. Bác sĩ Phiêu ở vào tuổi mười mấy đang
theo học tại các trường trung học lớn nhất và nổi tiếng nhất ở đây. Ông lại có
cơ hội quen biết và chơi thân với người con trai của nhà ái quốc Phan Văn Hùm,
và từ sự thân thiết đó bác sĩ đã có dịp hoạt động cho nhóm Phan Văn Hùm. Đây
cũng là cơ hội để ông giao tiếp và hiểu biết khá nhiều về những hoạt động của tất
cả những nhà trí thức cách mạng ở miền Nam trong giai đoạn lịch sử cực kỳ rối
ren, đen tối này. Có thể nói là lịch sử đã đặt ông vào tư thế của một chứng
nhân quan trọng trong giai đoạn quan trọng này.
Mặt khác vì
có liên hệ quen biết với gia đình nhà cách mạng mà Bác sĩ Phiêu đã liên lạc lại
với Phan Kiều Dương, người con thứ của ông Phan Văn Hùm hiện đang dạy tại một đại
học ở Paris, để thu thập thêm nhiều tài liệu quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của
nhà cách mạng này. Ngoài ra Bác sĩ Phiêu cũng đã liên lạc được với những người
trong giới quen biết trước đây với ông, những người đó hiện còn sống ở Pháp hay
ở Mỹ đều là những người ít nhiều có những liên hệ hoạt động với hay hiểu biết về
những người trong nhóm Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu và Phan Văn Hùm để có thêm
tài liệu cho tác phẩm của ông. Với kinh nghiệm sống và hoạt động với Phan Văn
Hùm, với tư thế của một chứng nhân lịch sử, và với những tài liệu quý giá về
nhà cách mạng, Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu có đủ tư cách hơn ai hết trong nỗ lực viết
lên “Thân Thế Và Sự Nghiệp” của nhà trí thức cách mạng yêu nước quan trọng này
của miền Nam.
Từ chương 1
với “Buổi Thiếu Thời”, rồi chương 2 “Du Học Pháp” đến chương 3 “Hồi Hương Tiếp
Tục Tranh Đấu,” Bác Sĩ Phiêu đã ghi lại thật đầy đủ những chi tiết liên quan đến
gia thế cũng như thời kỳ còn cấp sách đến trường của Phan Văn Hùm. Sinh trưởng ở
đâu, trong một gia đình như thế nào, anh chị em ra sao, bắt đầu học tiểu học ở
đâu, lên trung học và đại học học ở những trường nào về môn học gì? Cưới vợ
sinh con những năm nào? Và trong thời gian đi học có tham gia các hoạt động
cách mạng không, ở trong những phong trào tranh đấu nào? v.v... Tất cả những
chi tiết đó làm thành một quá trình văn hóa xã hội trí thức cách mạng rất đáng
chú ý ở Phan Văn Hùm cũng như ở phần lớn những trí thức cách mạng miền Nam khác
như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, Trần Văn Ân... Họ là những người
có căn bản học vấn, có kiến thức sâu rộng về văn hóa, chính trị, xã hội, vượt hẳn
căn bản học vấn và kiến thức văn hóa xã hội của Hồ Chí Minh. Họ có thái độ phản
tĩnh, biết đặt câu hỏi và biết suy tư, hơn hẳn thái độ chỉ biết nghe theo và
thuần phục của Hồ Chí Minh. Bởi vậy nên cùng sống qua ở Pháp nhưng họ không chấp
nhận Cộng sản, không mù quáng theo gót Stalin, trong khi đó Hồ Chí Minh đã dễ
dàng trở thành đồ đệ của chủ nghĩa Cộng sản Đệ tam và tuân hành triệt để chính
sách Stalin và Đệ Tam Quốc Tế. Những người trí thức cách mạng này chắc chắn là
thông minh hơn, học rộng và hiểu biết hơn Hồ Chí Minh nhiều lắm. Rất tiếc là họ
đã thua Hồ Chí Minh lý do là vì Hồ Chí Minh là con người quỷ quyệt nhất trong số
những kẻ quỷ quyệt từ trước tới giờ ở trên đất nước Việt Nam mình.
Từ chương 4
“Giai Đoạn Tranh Đấu Công Khai,” qua chương 5 “Sóng Gió Trước Đệ Nhị Thế Chiến,”
đến chương 6 “Những Năm Biệt Xứ Ở Tân Uyên,” Bác sĩ Phiêu đi sâu vào cuộc đời dấn
thân tranh đấu của Phan Văn Hùm trong mục tiêu cao cả là đem lại độc lập cho xứ
sở, tự do hạnh phúc cho toàn dân. Con đường tranh đấu của trí thức miền Nam thường
khởi sự bằng báo chí, ngôn luận, bởi điều kiện ở Nam Kỳ cho phép làm việc đó.
Phan Văn Hùm và Hồ Hữu Tường hợp tác làm tờ Đồng Nai, quyết nối gót Nguyễn
An Ninh trong đường lối tranh đấu của ông trước đây qua tờ “La Cloche Fêlée”
(Chuông Rè). Từ báo chí sang qua tích cực hoạt động bên cạnh Nguyễn An Ninh,
tham gia đi diễn thuyết, dấn thân vào các việc tổ chức đình công, biểu tình chống
chánh phủ Pháp, chống chế độ thuộc địa, v.v.. bị đày đi Côn Đảo và lưu đày biệt
xứ ở Tân Uyên, cuộc đời tranh đấu gian nan của Phan Văn Hùm được Bác sĩ Phiêu
ghi lại với nhiều chi tiết đặc biệt mà từ trước tới giờ ít người biết đến.
Công cuộc
tranh đấu của Phan Văn Hùm có liên hệ tới nhiều người, nhiều phong trào. Những
nhân vật, những sự việc liên hệ này cũng được bác sĩ Phiêu ghi lại khá đầy đủ
thành ra khi đọc tác phẩm Phan Văn Hùm người ta cũng tìm thấy được nhiều tín liệu
quan trọng liên hệ tới giai đoạn lịch sử liền trước và sau 1945. Những ngày biệt
xứ ở Tân Uyên là những ngày thuận lợi cho sự suy tư và viết lách của Phan Văn
Hùm. Những tác phẩm có chiều sâu tư tưởng ra đời trong lúc này.
Từ chương 7
“Miền Nam Trong Khói Lửa,” qua chương 8 “Cách Mạng Hay Độc Tài Phản Cách Mạng,”
đến chương 9 “Những Kẻ Sát Nhân,” tác giả ghi rõ những biến cố xảy ra ở Sài Gòn
sau khi Nhật đầu hàng, Đại Chiến Thế Giới Thứ Hai chấm dứt, người Pháp trở lại,
phong trào Thanh Niên Tiền Phong và Mặt Trận Việt Minh. Cái bi đát nhất, đen tối
nhất, tồi tệ nhất trong giai đoạn lịch sử này là công cuộc thanh toán các nhà
trí thức cách mạng miền Nam không theo Cộng sản của Hồ Chí Minh, mặc dầu họ là
những người anh hùng cách mạng triệt để chống Pháp dành lại độc lập cho xứ sở.
Ai đã giết chết Tạ Thu Thâu, ở đâu, vào lúc nào? Ai đã thủ tiêu Phan Văn Hùm? Tại
sao lại thủ tiêu những nhà cách mạng này? Những kẻ nào đã ra lệnh thủ tiêu Tạ
Thu Thâu, Phan Văn Hùm và nhiều nhà cách mạng khác trong Nam? Những kẻ đó có phải
là làm cách mạng không? Hay là những kẻ phản cách mạng. Đó là câu hỏi của tác
giả ở chương 8, và lẽ dĩ nhiên là câu trả lời của tác giả cũng khá rõ ràng
trong những chương 7, 8, và 9.
Nếu giết người
là một tội phạm thì Cộng sản là một tội phạm. Tội của Cộng sản Việt Nam càng nặng
hơn nữa khi chúng giết hại những người vô tội. Và càng nặng hơn nhiều nữa khi
chúng thủ tiêu những nhà cách mạng, yêu nước đã từng tranh đấu dành độc lập hạnh
phúc cho nhân dân. Tội càng nặng hơn nữa khi Cộng sản Việt Nam cố tình che giấu
sự thật lịch sử. Tướng Grigorenko, trong một bức thư gởi cho tập san Sử Học Nga
hồi năm 1975, đã viết: “Che giấu sự thật lịch sử là một tội phạm đối với dân tộc.”
(“Concealment of the historical truth is a crime against the people.”) Tội của
Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc và đối với lịch sử nước nhà là một cái tội
tày trời... Tội đó đã được Bác Sĩ Trần Ngươn Phiêu phơi bày quyển sách của ông
vậy.
Một số các
tác phẩm của Phan Văn Hùm cũng được bác sĩ Phiêu chọn lọc và cho in lại trong
phần Phụ Lục (Phụ Bản 3 và Phụ Bản 5). Phụ Bản 3 in lại bài của các nhà văn
đương thời viết về Phan Văn Hùm, và Phụ Bản 6 nói đến vài nhân vật có liên can
đến sự ám hại nhà cách mạng này.
Mở đầu quyển
sách, tác giả bảo:
“Trong hoàn
cảnh khó khăn hiện tại, không thể về Việt Nam sưu tầm tài liệu, sách vở - nhất
là vì sách vở miền Nam, sau 30-4-75, đã bị nhà cầm quyền ra chỉ thị ngu xuẩn
cho một lũ thừa hành dốt nát thiêu hủy - nên tôi chỉ làm được có bấy nhiêu.
Trước bàn thờ
ông Phan Văn Hùm ở nhà Giáo sư Phan Kiều Dương ở Paris, tôi đã hứa cố gắng viết
một quyển sách về đời ông. Mặc dầu biết không có tài, nhưng tôi đã viết với tất
cả tấm lòng, để ghi lại phần nào cuộc đời và sự nghiệp của một nhà cách mạng, một
học giả mà dân chúng miền Nam hằng mến phục và thân thương tặng cho danh hiệu
‘Cọp Đồng Nai’.”
Bác sĩ Phiêu
là một nhà khoa học. Ông ghi lại các sự kiện lịch sử một cách trung thực và
khoa học. Ông không nhồi nặn, bóp méo các sự kiện lịch sử để thần thánh hóa cá
nhân nào, hay tuyên truyền cho một chế độ chính trị nào. Công trình nghiên cứu
của ông có giá trị khoa học, nhất là có giá trị lớn lao về lịch sử. Công của
ông rất lớn đối với lịch sử và đối với các thế hệ sau này. Ông đã thành công
trong việc đem lại công bằng cho các nhà trí thức cách mạng miền Nam, trả lại
đúng giá trị của lịch sử với những soi sáng vào các bí ẩn u tối mà kẻ bạo tàn
đã cố tình che dấu.
Tôi là người
ra đời sau ông hơn nửa thập niên, lại trưởng thành ở nhà quê Lục Tỉnh, không hề
chứng kiến những sự việc xảy ra ở Sài Gòn thời 1945. Lớn lên tôi có nghe danh
Phan Văn Hùm nhưng không biết gì nhiều về nhà cách mạng này. Tôi đã có dịp làm
hiệu trưởng trường Trung học Trịnh Hoài Đức, là trường trung học công lập lớn
nhất của tỉnh Bình Dương. Trường nằm ngay trên đất của xã An Thạnh, bên cạnh chợ
Búng. Tôi đã có nhiều dịp ăn bánh bèo và bún rất ngon ở đây. Vậy mà tôi nào có
biết đây là quê hương của Phan Văn Hùm, đâu có biết là Phan Văn Hùm được sinh
ra ở đây, đi học ở trường tiểu học ở đây! Lúc làm chuyên viên ở Phủ Tổng Thống
tôi có một người cộng sự viên và sau này trở thành bạn thân là anh Phan Tùng
Mai. Tôi biết Phan Tùng Mai là con Phan Văn Hùm. Vậy mà bốn năm làm việc bên
nhau, rất là thân thiết, tôi cũng không được Phan Tùng Mai nói gì về ông Phan
Văn Hùm. Bây giờ thì tôi biết rõ thân thế và sự nghiệp của nhà trí thức cách mạng
này. Và biết rõ hơn nữa tình hình chính trị ở miền Nam trong những năm liền trước
và sau 1945 cũng như hoạt động của những nhà cách mạng trí thức Nam Kỳ cùng số
phận đáng thương của họ. Tôi xin cám ơn Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu, và cũng xin được
có cùng một mong ước như ông ghi trong chương 10, phần “Nén Hương Tưởng Niệm”:
“Nhà cầm quyền
hiện nay đã xóa tên đường Phan Văn Hùm, con đường ở trước nhà ga Sài Gòn cũ để
mong dân chúng quên đi tên tuổi của một nhân tài, một người trọn đời yêu nước,
một nhà cách mạng, nhưng người viết bài vẫn vững tin là trong tương lai thành
phố Sài Gòn chắc chắn sẽ có một con đường mang lại tên Phan Văn Hùm!
Ước ao sao ở
Búng, quê của Phan Văn Hùm và ở Tân Uyên (Biên Hòa), nơi của những năm biệt xứ,
sẽ là hai địa danh có bia kỷ niệm con người danh tiếng một thời của đất Đồng
Nai.”
Thứ Bảy, ngày 25
tháng 10 năm 2014
Nguồn: Diễn đàn Thế Kỷ:
http://www.diendantheky.net/2014/10/nguyen-thanh-liem-quyen-phan-van-hum.html