marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Các Hiệp Hội Tín Dụng Ontario



                                                                  GS   Nguyễn vĩnh Thượng

Lời tác giả: Bài viết này đã đăng trên tạp chí Thời Báo, số 24, tháng 7 năm 1988 tại Toronto, Ontario, Canada.

I.-Dẩn nhập:
Ý niệm về các Hiệp Hội Tín Dụng (Credit Unions) đã có và được thực hiện tại Canada từ đầu thế kỷ 20 này. Thực ra thì ý niệm về các Hiệp Hội Tín Dụng không phải là một ý niệm mới mẻ do Canada sáng tạo, nhưng nó đã có nguồn gốc lịch sử ở Âu Châu. Thực vậy, các Hiệp Hội Tín Dụng đã được phát triển ở Âu Châu vào năm 1850, và từ đó các Hiệp Hội này đã được phổ biến và lan rộng ra khắp nơi trên thế giới.
Hiệp Hội Tín Dụng (viết tắt HHTD) là một tổ chức tài chánh có tính cách hợp tác (a co-operative financial organization) thuộc quyền sở hữu của các hội viên, và được điều hành bởi chính các hội viên này. Mục đích của HHTD là khuyến khích sự tiết kiệm của các hội viên bằng cách gởi tiền vào trương mục tiết kiệm có lời của HHTD, và đồng thời Hiệp Hội sẽ sử dụng nguồn tài chánh đó cho các hội viên hoặc gia đình của họ vay mượn trong các dịch vụ kinh doanh hoặc chi tiêu cá nhân…Ngày nay, các HHTD là một thành phần của hệ thống tài chánh có tính cách hợp tác và được thành lập ở khắp nơi trên thế giới.
Như các tổ chức có tính cách hợp tác khác, HHTD cho phép các hội viên được cơ hội trực tiếp điều hành các công việc của hiệp hội. Một ban điều hành (Board of Directors) được chọn lựa bởi hội đồng hội viên. Trong các phiên họp thường niên, các hội viên sẽ duyệt xét sự điều hành của hiệp hội và biểu quyết chính sách bằng cuộc bỏ phiếu có tính cách dân chủ.
Nguyên tắc dân chủ cơ bản của tất cả các HHTD được đặt nền tảng trên quan niệm “một hội viên - một lá phiếu” (one member – one vote) và dĩ nhiên theo nguyên tắc này thì một hội viên dù có bao nhiêu cổ phần đi nữa thì vẫn chỉ có thể bỏ một lá phiếu trong các cuộc biểu quyết ở các phiên họp mà thôi, và một nguyên tắc cơ bản nữa là cổ phần của hội viên có thể rút ra sau một thời gian thông báo ngắn.
Tại tỉnh Ontario, các hội viên của HHTD được giới hạn trong những thành phần có chung nghề nghiệp, hoặc có chung một nhóm chủng tộc hoặc ở tại một cộng đồng địa phương v… v…

II.- Tóm tắt lịch sử HHTD tại tỉnh Ontario:
Lịch sử các HHTD ở tỉnh Ontario là một thành phần của lịch sử các HHTD tại Canada, và có liên quan mật thiết với nhau. Vì vậy chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của lịch sử các biến chuyển của HHTD tại tỉnh Ontario, nếu biết được sự hình thành các HHTD tại Canada ngay từ lúc khởi đầu.
Vào năm 1900, một nhà báo và là phóng viên tại nghị trường, ông Alphose Desjardins, đã thành lập một HHTD đầu tiên tại Canada lấy tên là “Caisse Populaire De Lévis” tọa lạc tại thành phố Lévis, thuộc tỉnh Québec. Năm 1906, một bộ luật quy định việc quản trị hợp tác xã : “The Cooperative syndicates Act” đã được Quốc Hội tỉnh Québec thông qua. Một năm sau 1907, một bộ luật về các HHTD liên bang: “The Federation Credit Union Legislation” đã được Quốc Hội liên bang Canada thông qua, dự luật này do Desjardins nghiên cứu và dự thảo.
Thực ra Desjardins đã nghiên cứu cặn kẽ về các hợp tác xã đã thành công ở Âu Châu, các tư tưởng và cuộc đời của các nhà kinh tế lãnh đạo trong ý niệm về hợp tác xã kinh tế tài chánh như Henry Wolff (Anh), Charles Gide (Pháp), Luigi Luzzatti (Ý). Sau nhiều năm nghiên cứu cặn kẻ và dự thảo một kế hoạch rất công phu để xây dựng một khuôn mẫu về HHTD cho cộng đồng người Canada gốc Pháp, Desjardins đã đưa ra một nguyên tắc cơ bản là “số tiền của HHTD dùng làm vốn đầu tư phải hoàn toàn do các hội viên đóng góp bằng các cổ phần, và cổ phần có thể được rút ra khỏi HHTD sau một thời gian ngắn kể từ khi được hội viên thông báo (the money for share capital must come entirely from the members and it would be withdrawable on short notice)”. Ngoài ra, Desjardins cũng đã lấy nguyên tắc hợp tác cơ bản là một người một lá phiếu, và sự điều hành HHTD phải theo nguyên tắc bất vụ lợi (non-profit operation). Thực vậy, sự đóng góp của Desjardins về hai nguyên tắc chính yếu vừa kể vào phong trào của HHTD đã làm đề cương hướng dẩn thực hiện nguyên tắc dân chủ cơ bản của sự hợp tác trong lãnh vực kinh tế tài chánh. Ngoài ra ông còn đưa ra một cơ cấu quản trị tam đầu chế hiệp nhất (unique tri-partie management structure) bao gồm: một Ban điều hành (Board of Directors), một Uỷ ban tín dụng (Credit Committee) và một Uỷ ban giám sát (Supervisory Committee).
Các “Caisses Populaires” (HHTD) ở tỉnh Québec đã phát triển và thành công một cách nhanh chóng. Ngày nay, các “Caisses Populaires” này được coi như là một khuôn mẫu cho hệ thống tài chánh có tính cách hợp tác trên lãnh vực kinh tế ở khắp nơi trên thế giới.
Vào năm 1908, Desjardins đã được mời sang Hoa Kỳ để giúp đỡ cho việc soạn thảo một dự luật về HHTD ở tiểu bang Massachusettes, một năm sau 1909 dự luật này hoàn thành và đã được đệ trình lên Quốc Hội Tiểu bang, và được thông qua vào tháng 5 năm 1909. Ngoài ra, ông cũng đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc thành lập các HHTD ở St. Maries Parish thuộc tiểu bang Manchester, các HHTD ở New Hampshire và ở New York vào năm 1912.
Trong khi các “Caisses Populaires” của Desjardins đã chiếm ưu thế trong việc tổ chức và quản lý các HHTD ở Québec, và một số nơi ở Hoa Kỳ được thực hiện một cách linh động  để thích ứng với điều kiện kinh tế xã hội tại đây. Song song với HHTD đó, ta thấy trong các cộng đồng người Canada gốc Anh cũng đã có Moses Coady đưa ra quan niệm về “credit union” để phát động phong trào tại Antigonish thuộc tỉnh Nova Scotia. Năm 1928, Đại học St. Francis Xavier tại thành phố Antigonish thuộc tỉnh Nova Scotia có một chương trình giáo dục tráng niên mà các sinh viên chia ra nhiều nhóm nghiên cứu đi đến các cộng đồng nhỏ tại nông thôn, và tìm ra các phương pháp giải quyết các vấn đề kinh tế tại nông thôn. Từ đó hình thức hiệp hội hợp tác tài chánh đã được đưa ra, và HHTD Antigonish ra đời. Phong trào này lan rộng ra ở các vùng nông thôn và ven bờ biển Nova Scotia. Vào năm 1933, nhiều HHTD đã thành lập do các cộng đồng nhà nông, ngư phủ.
Ở tại tỉnh Ontario, bộ luật về các hiệp hội tín dụng (The Ontario Credit Union Act) ra đời và có hiệu lực vào năm 1928. Trước khi bộ luật này ra đời thì cũng đã có khoảng 15 tổ chức đã hoạt động, điển hình như:
-Ottawa Civil Service Co-operative Credit Society đã thành hình năm 1908 và được hợp thức hoá năm 1928.
-Co-operative Credit Society of Notre Dame De Ottawa cũng thành lập năm 1913, và được hợp thức hoá năm 1929.
Các Hiệp Hội này cũng tổ chức tương tự như các Caisses Populaires tại Québec, nhưng không giống tại Antigonish. Phần lớn các Hiệp Hội này được thành lập tại thành phố Parishes, gần thủ đô Ottawa, bởi cộng đồng người Canada gốc Pháp. Năm 1940, sự thành lập một số HHTD ở miền Nam Ontario đều theo khuôn mẫu của các HHTD tại các tiểu bang Hoa Kỳ gần biên giới Canada; điển hình là các HHTD tại thành phố Chatham ở phía nam Ontario (The Credit Union movement in Ontario is very similar to that in the United States). Như đã trình bày ở trên, những nét chính của HHTD tại Hoa Kỳ đều lấy nền tảng triết lý của Caisses Populaires do Desjardins đề xướng; nhưng có điều khác biệt là HHTD ở Hoa Kỳ chiếm ưu thế ở các cộng đồng thành thị, còn các HHTD tại Québec chiếm ưu thế ở các cộng đồng nông thôn. Ngày nay tại Ontario, HHTD phát triển mạnh mẽ tại cộng đồng thành thị, tuy nhiên hướng phát triển ở cộng đồng nông thôn cũng đang thành hình.
Năm 1940, một bộ luật mới về HHTD tại Ontario đã thông qua để thay thế bộ luật cũ (năm 1928) đã không cung ứng với đà phát triển và cũng đã không có những điều kiện để chánh phủ giám sát một cách thích hợp.
Vào năm 1941, “Ontario Credit Union League” (Liên Hội các HHTD) đã thành lập với 67 HHTD hội viên. Ngày nay, tổ chức này đã đổi tên thành Credit Union Central of Ontario, và có hàng trăm HHTD tại Ontario là hội viên. Đây là một tổ chức nhằm bảo trợ về chuyên môn quản trị tài chánh cho các HHTD hội viên.
Năm 1976, tất cả các Credit Unions và Caisses Populaires tại Ontario đều là hội viên của “Ontario Share and Deposit Insurance Corporation” (OSDIC), chiếu theo đạo luật về các HHTD (Credit Unions and Caisses Populaires Act) được ban hành vào năm 1976. OSDIC là cơ quan chính phủ có mục đích giám sát các HHTD về việc quản trị nguồn tài chánh của Hiệp Hội.
Vào năm 1983, một bộ luật canh cải về HHTD (the Credit Union and Caisses Populaires Amendment Act) ra đời. Theo bộ luật này thì mỗi HHTD phải có một số tiền để bảo đảm trong trường hợp thua lỗ, và mỗi trương mục tiết kiệm của mỗi cá nhân được bảo đảm an toàn đến số tiền $ 60,000.00 (sáu mươi ngàn đô-la).

II.-Kết luận:
Tại Ontario, các HHTD đã phục vụ cho hàng trăm ngàn dân cư tỉnh Ontario trong lãnh vực kinh tế tài chánh một cách thiết thực trong khoảng 60 năm qua, nhu cầu này ngày càng phát triển mạnh, trong những năm gần đây, các HHTD đã thành hình và lan tràn trong nhiều cộng đồng tại Ontario. Các công nhân xí nghiệp, hội viên của các hội đoàn, các nhóm chủng tộc (ethnic group), các cộng đồng ở thôn quê, các nhóm tôn giáo, các nghiệp đoàn của các ngành nghề chuyên môn đều có thể thành lập HHTD nếu họ thấy nhu cầu hợp tác tài chánh đòi hỏi; điển hình như trong cộng đồng Hy Lạp, Do Thái, Ý, Trung Hoa . . .  đã có những HHTD ở Toronto. Hiện nay, tại Ontario các cơ sở thương mại của người Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ nên có lẽ rồi đây khi nhu cầu hợp tác về kinh tế tài chánh đòi hỏi thì chúng ta sẽ có thể thành lập một HHTD cho cộng đồng người Việt.
                                                                            Toronto, tháng 7 năm 1988
                                                                                  Nguyễn vĩnh Thượng

Tài liệu tham khảo như đã ghi trong bài A brief History of Credit Unions in Ontario, mục Essays.