Theo
lối chiết tự, âm nhạc bao gồm âm + nhạc. Nhạc mà không có âm thì chỉ là nhạc câm;
ngược lại, âm mà không có nhạc thì chỉ gây bực dọc cho người nghe bởi vì âm nhạc
khác với tiếng động, tiếng ồn, ở chỗ nhạc là sự kết hợp hài hoà về cao độ và thời lượng của âm thanh để tạo thành
giai điệu trầm bổng, ru hồn người nghe. Đơn giản nhất là đơn âm, nhưng chỉ là
như vậy thì khá buồn chán. Người nhạc công hay người ca sĩ có thể dùng tiểu xảo
như luyến láy, “nhấn”, “rung”… để biến đơn âm thành một chuỗi âm, nối tiếp
nhau. Phức tạp hơn là hợp âm với ba âm phát lên cùng
một lúc, hoà lẩn vào âm chính để nâng cao độ thánh thót của bài nhạc. Tương tự
như vậy, khi độc tấu một bài nhạc, người nhạc công đem hết tài hoa của mình vào
bài nhạc, mong rằng người nghe đồng cảm và cảm nhận được tài năng của mình, cũng
như nét lắng đọng trong
bài nhạc. Nhưng người nhạc công không thể dấu được nỗi cô đơn khi trình tấu theo
lối này (vì không ai phụ giúp cả). Nhạc hoà tấu biểu hiện sự chung sức của nhiều
nhạc công, mỗi người một vẻ, hỗ trợ cho nhau bằng nhạc cụ của mình, tạo nên một
sắc thái hợp đoàn, không tranh giành hơn thua.
Nhạc
Việt Nam thường được viết theo âm giai ngũ cung (gắn liền với nhạc dân
gian), hay âm giai thất cung (theo cách viết nhạc Tây phương, nhưng vẫn giữ
được nét độc đáo của âm nhạc Việt). Người ta có thể dùng nhạc cụ Tây phương như
keyboard, violin, Hawaiian guitar … để đàn các bản cổ nhạc; và dùng nhạc cụ cổ truyền để đàn tân nhạc. Phần lớn thì các nhạc cụ thường được chế biến cho người nhạc
công còn đủ hai tay (để cầm hoặc di chuyển nhạc cụ, khảy dây đàn, rung cần đàn …) mặc dầu tiêu, sáo, kèn được phát âm bằng hơi từ miệng của người nhạc công. Nếu lỡ chỉ còn
một tay, không lẽ họ không cỏn cơ hội để chơi nhạc nữa sao? Mời bạn đọc tiếp để
xem câu trả lời, ở một đoạn sau.
Từ
thuở xa xưa con người luôn gắn liền với âm nhạc; với những nhạc cụ thô sơ trong
thời cổ đại, đến những nhạc cụ tân tiến trong những thập kỷ cận đại và gần đây
hơn, những nhạc cụ điện tử bằng máy tính. Trong lịch sử cận đại của âm nhạc ở
Việt Nam, không ai không biết nhạc sĩ Mai Đình Tới, một người đã sáng chế và chơi thuần thục nhiều
nhạc cụ có một không hai, dựa theo nguyên tắc căn bản của cách tạo ra âm thanh.
Không lẽ làm nhạc cụ lại quá dễ dàng như vậy sao? Thật ra nếu quá dễ như vậy,
thì các bảo tàng viện trên thế giới đã không có
cơ hội lưu trữ, trưng bày các cây đàn độc nhất vô nhị, thí dụ như cây đàn vĩ cầm
được mệnh danh là Messiah Stradivarius mà người ta tin rằng hiện
giờ cây đàn này vẫn giữ nguyên phong độ như hơn 300 năm trước. Hỏi ra mới biết
để làm được một cây đàn quý hiếm như vậy, người nghệ công xứ Ý này đã phải nghiên
cứu loại gỗ đặc biệt (Old Tjikko - một loại cây sống xuyên
thiên niên kỷ), đốn gỗ vào tháng giêng khi nhiệt độ ngoài trời đủ lạnh để nhựa
cây dồn hết xuống rễ (để cho gỗ thật nhẹ), và chọn hình dáng phù hợp với đàn,
trước khi làm thành sản phẩm cuối cùng. Xin mời xem The Secrets Of The Violin - Documentary (Stradivarius,
Guarneri del Gesù) để biết thêm về lý do đã làm nên tên tuổi cho các cây đàn vĩ cầm
lừng danh.
So
với hội hoạ thì âm nhạc có nhiều điều kỳ thú hơn. Người ta có thể vừa làm việc,
vừa nghe nhạc (nhưng không thể vừa làm việc, vừa ngắm tranh!). Người mù vẫn có
thể đến với âm nhạc dễ dàng (nhưng người điếc thì dĩ nhiên không thể hưởng thụ
những kỳ diệu của âm nhạc, trừ khi họ dùng máy trợ thính) và người mù khó lòng
vẻ được tranh (mà nếu có vẻ được, tranh cũng không thể được vẹn toàn và có giá
trị nghệ thuật). Có những người khuyết tật không những tìm được hạnh phúc trong
âm nhạc mà còn thành danh nữa; thí dụ như nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt, nhạc sĩ Thanh Điền, nhạc sĩ Thái Văn Hai, nhạc sĩ Nguyễn Thế Vinh, nhạc sĩ Bùi Ngọc Thịnh …Cũng có người mù đem tiếng đàn, tiếng hát của mình để đổi lấy miếng cơm; và cũng có người mù tìm đến âm nhạc chỉ vì niềm đam mê.
Âm
nhạc thật tình không có biên giới. Từ lâu, nhạc Việt đã từng có các bài nhạc Tây
phương với lời Việt như Mây Lang Thang, Nhạc Pháp - Lời Việt, Mưa Trên Biển Vắng (Je Ne Pourrais Jamais T'oublier) và gần đây hơn nhạc Hoa Lời Việt. Nhưng có lẽ người Việt và người Nhật gần gũi với
nhau nhiều hơn qua các bản tình ca, từ các bản nhạc Nhật
chuyển sang lời Việt đến các bản nhạc Việt chuyển sang lời Nhật. Mời bạn nghe Mayumi
Itsuwa trình bày 이별후애
(Koibito Yo)
và Vũ Khanh trình bày Hận tình trong mưa bằng tiếng Việt; bài 美しい昔 (Diễm
Xưa bằng tiếng Nhật) và Khánh Ly trình bày cùng bài hát bằng tiếng Việt. Gần đây hơn, Diễm Xưa
còn được hát bằng phiên bản tiếng Anh và Lee Kirby, Kyo York lại hát Diễm Xưa bằng tiếng Việt. Ngược lại, có những ca sĩ Việt nam trình bày những bài nhạc Pháp không thua gì ca sĩ
Pháp, và ca sĩ Việt hát bài Green Fields bằng cả
hai thứ tiếng Việt và Anh - không thua gì nhóm The Brothers Four.
Người ngoại quốc tấu nhạc Việt cũng không dấu được
nỗi đam mê; thí dụ như nhạc sĩ Hàn quốc Jmi Ko đàn vĩ cầm bài Xin chào Việt Nam, hay nhóm
The Six Tones hợp tấu bài Nam Ai. Ngược lại, người Việt trình tấu nhạc ngoại quốc cổ điển cùng những nhạc sĩ ngoại quốc bản địa cũng không hề thua
sút ai. Thế mới biết âm nhạc không dành riêng cho dân tộc nào.
Xét
về năng khiếu được phát triển từ khi còn rất trẻ, người ta thấy các thần đồng
xuất hiện trong âm nhạc nhiều hơn so với trong hội hoạ. Xin mời xem một cậu bé người Ấn độ (Lydian Nadhaswaram) đánh đàn piano như
“bị ma đuổi” và xin đừng hỏi tại sao chú ấy lại có thể đánh đàn hay như vậy (vì
thật sự, không ai có thể trả lời thoả đáng)! Và cô bé Anna Lee, 6 tuổi, “dám”
hoà đàn vĩ cầm với Singapore Symphony Orchestra; một cậu bé 3 tuổi người Nga đánh trống trong giàn nhạc giao hưởng
qua bài Jacques Offenbach's Orpheus in the Underworld!
Âm
nhạc nối kết tình người. Thật vậy, có ai ngờ rằng hai người khuyết tật với hai điểm
tương đồng (chỉ còn xử dụng được cánh tay trái và cùng làm nghề giáo) đã trở thành
hai người nhạc sĩ tài danh, kết bạn và cùng nhau lưu diễn ở nhiều nơi trên thế
giới. Đó là Giáo sư người Nhật Hashimoto Michinori - liệt nửa người bên phải
sau cơn tai biến mạch máu não năm 1995, và Giáo sư Nguyễn Thế Vinh - mất đi cánh
tay phải năm 1978 sau một tai nạn “vô duyên”. Họ đã phấn đấu, vươn lên từ chỗ
không vẹn toàn; thấu hiểu nhau và cùng nhau chia sẻ một niềm vui: dùng tiếng đàn
của mình để kiếm tiền góp vào quỹ cứu trợ trẻ em khuyết tật! Xin mời bạn xem video của hai người này cùng nhau biểu diễn tại Tokyo vào tháng 10,
năm 2016; và phong cách của hai người nhạc sĩ này khi họ biểu diễn solo: トルコ残照,
Tuổi Đá Buồn.
Theo
bước tiến của thời gian, âm nhạc đã thay đổi khá nhiều, từ những nhạc cụ cổ
truyền đến các nhạc cụ điện tử như electronic keyboard, từ cách viết ký hiệu bằng
tay đến software để viết ký hiệu, từ nhạc công đánh đàn đến robot đánh đàn, từ cách sáng tạo âm nhạc theo cảm hứng đến cách
dùng máy tính để “sáng tạo” âm nhạc, từ cách dùng ký hiệu cổ truyền đến ký
hiệu “tân kỳ” mà ít người hiểu được… Đôi
khi, người ta tự hỏi: có phải âm nhạc theo trường phái “tân kỳ” thật sự là âm
nhạc hay không; vì loại âm nhạc này chỉ được một thiểu số người cảm nhận, thiếu
sự đồng cảm và hưởng ứng quảng đại của quần chúng; hay loại âm nhạc này đã đi
trước thời đại? Bây giờ người ta có thể dùng Optical Music Recognition để nhận diện nốt nhạc từ
scanning image of musical sheet và dùng software
để “chơi nhạc”, thí dụ như iSeeNotes. Vô hình trung, kỹ thuật đã xâm nhập vào lĩnh vực âm nhạc và
có người đã từng lo ngại trong thế giới tương lai, con người sẽ bị “xoá sổ” nhường
chỗ cho máy móc. Người lạc quan hơn lại cho rằng nhạc “chơi bằng máy” “cứng ngắc”,
thiếu truyền cảm hơn nhạc tấu bằng người nhạc công, vì không có những “nhấn”,
“rung” … mà người nhạc công cố tình pha thêm vào bài nhạc. Công tâm mà nói thì
nếu các lối “nhấn”, “rung” đó có thể diễn tả được bằng ký hiệu mà máy có thể hiểu
được, thì có lẽ máy sẽ có thể “diễn tả” nhạc giống như người. Chúng ta hãy chờ
xem!
Thời
gian trôi đi, âm nhạc còn lại. Vào thời điểm bây giờ (2017), các bài nhạc xưa
theo thể điệu Bolero (sáng tác trong khoảng thời gian 1960 – 1975) đang rầm rộ
hồi sinh, khi người người thi nhau hát, hát trong đam mê như vào nửa thế kỷ trước.
Người ta đã tìm lại được sợi dây nối liền âm nhạc với con người. Người ca sĩ trẻ
hát không thua gì những ca sĩ thuộc thế hệ trước; khi họ pha thêm chút sắc thái
riêng biệt của người ca sĩ trong thời đại này. Có những người ca sĩ trẻ có tài bắt chước giọng hát của những người ca sĩ lừng
danh một thời trong các thế hệ trước. Lại có người ca sĩ nam hát “y chang” như giọng của một người ca sĩ nữ từng nổi tiếng
trong nhiều thập niên về trước.
Trong
khi các nhạc sĩ (Việt Nam) nổi tiếng trong thế kỷ trước lần lượt qua đời, các tác
phẩm của họ lại sống thật mạnh mẻ, qua các tiếng hát của hằng triệu người. Thế
mới biết, con người thì trước sau cũng phải chết; nhưng các bản nhạc, những sản
phẩm tinh thần của họ mãi mãi vẫn còn!