marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Thơ Phạm Thiên Thư

 Võ Phiến

Nguyễn Du có Ðoạn trường tân thanh, ông có Ðoạn trường vô thanh; Nguyễn Du có thơ Chiêu hồn, ông cũng có Chiêu hồn ca. Mặt khác, Phật có kinh Kim Cương, kinh Hiền Ngu, ông cũng phỏng soạn Kinh NgọcKinh HiềnKinh Thơ v.v. (...) Ðời ông từng bị thu hút ngược xuôi nhiều hướng. Nhưng Phạm Thiên Thư làm (...) không thành (...) làm sư cũng không hẳn ra sư. Con vạc bờ kinh nó ghẹo ông:
“Hỏi con vạc đậu bờ kinh
Cớ sao lận đận cái hình không hư
Vạc rằng: Thưa bác Thiên Thư
Mặc chi cái áo thiền sư ỡm ờ.”
(Ðộng hoa vàng)
Phạm Thiên Thư chỉ đóng trọn vai tuồng xuất sắc khi ông trở về với chính mình, tức một tu sĩ đa tình. Và trong vai tuồng ấy ông thật tuyệt vời, đáng yêu hết sức.
Thử tưởng tượng: Nếu Phạm Thiên Thư sớm tối miệt mài kinh kệ, một bước không ra khỏi cổng chùa, không biết tới chuyện hẹn hò, không hề lẻo đẻo đưa em này đi rước em nọ về v.v. thì nền thi ca của chúng ta thiệt thòi biết bao. Lại thử tưởng tượng Phạm Thiên Thư quanh năm suốt tháng chỉ những em này em nọ dập dìu, nhớ thương ra rít, mà không màng tới kinh Hiền kinh Ngọc, không biết chuông biết mõ gì ráo, thì trong kho thi ca tình ái của ta cũng mất hẳn đi một sắc thái đặc biệt chứ.
Cho nên ông cứ ỡm ờ thế lại hay. Có tu mà cũng có tình. Cái tình của một người tu nó khác cái tình của người không tu, nó có nét đẹp riêng. Thật thế, khi yêu đương có lần ông kêu than vì một dáng hình mất hút:
“dáng em nho nhỏ
trong cõi xa vời”
(Ngày xưa Hoàng thị...)
“Dáng em nho nhỏ” là hình ảnh quen thuộc của phần đông các cô gái trong thơ ca, là chỗ gặp gỡ chung của mọi thi nhân đa cảm. Nhưng “trong cõi xa vời” là khung cảnh riêng của Phạm Thiên Thư, là cái không khí yêu đương riêng biệt của ông. Tu sĩ đa tình, ông làm cho thế giới yêu đương phong phú hẳn lên.
Xưa nay có ai mê gái mà kêu “tình ơi tình ơi”? Họa chăng chỉ có Phạm đại đức. Ông thù thì thủ thỉ, ông kêu khe khẽ những lời ân tình tha thiết không chịu được. Tình yêu của ông thật tội nghiệp. Không phải nó tội nghiệp nó đáng thương vì ông bị hất hủi, bị bạc tình, bội phản, vì ông gặp cảnh tuyệt vọng v.v. Không phải thế. Tội nghiệp là vì bên cạnh các mối tình vời vợi của ông lúc nào cũng thấp thoáng cái ám ảnh của kiếp sống mong manh, của cuộc thế vô thường, của cảnh đời hư ảo. “Dáng em nho nhỏ” cứ như lúc nào cũng chập chờn “trong cõi xa vời”, đáng thương là thế.
Nhớ thuở nào lá vàng rơi trên áo người yêu phơi trước gió thu, bây giờ người yêu không còn nữa:
“nay áo đã cuốn về thiên cổ
lá vàng bay lạnh nỗi niềm không.”
(Áo thu)
Nhớ thuở nào người yêu đan áo tặng mình, áo chưa đan xong thì bỗng:
“rồi bỏ đó em vào thiên cổ
anh một đời ngóng áo thiên thanh.”
(Ðan áo)
 

Xem tiếp bản gốc, xin bấm vào đây.
http://daihocsuphamsaigon.org/index.php/van/baonha1/168-tacgiatacpham/3416-phamthienthu