Từ khi có
tri giác, con người luôn bị ràng buộc với một mối lo: làm sao cho hôm nay được êm
ấm, ngày mai được tốt đẹp hơn. Lớn lên thì lo mưu sinh, rồi lo việc lập gia đình,
sanh con để nối dõi tông đường, nuôi con thành người… Khi về già, lại lo cho cảnh
tử biệt. Cuộc sống cứ quay cuồng theo thời gian; mấy ai có dịp dành cho mình chút
thời gian để tìm hiểu về kiếp người.
Nếu chỉ nhìn
vào hoàn cảnh cá nhân, có lẽ mình khó lòng hiểu được chuyện kiếp người. Mình thật
sự quá bé nhỏ, chỉ là một bóng người trong số hơn 7.6 tỷ người trên thế giới, như hạt cát trong sa mạc. Vì vậy người ta thường
so sánh cuộc đời mình với cuộc đời của những người chung quanh, rồi tự hỏi tại
sao cuộc đời mình lại khác biệt như vậy. Hỏi nhưng không có câu trả lời chính đáng;
rốt cuộc đổ tội cho ông Trời: tại số của mình! Từ đó người ta tin vào nhân duyên; duyên số của con người (có người lại
cho rằng chữ “nhân” trong “nhân duyên” không có nghĩa là người, mà là “nguồn cội”
như trong “nguyên nhân”, hay “nhân quả”).
Người tin vào
Chiêm Tinh học thì cho rằng số phận của mình được gắn liền vào 1 ngôi sao nào đó.
Người xưa nhìn lên trời, thấy một số vì sao gần trái đất, ban đêm sáng hơn các
vì sao xa trái đất, cứ ngỡ rằng vũ trụ chỉ có ngần ấy sao. Nếu thật là cứ mỗi
người (đang sống) có một vì sao, hiện giờ vũ trụ phải có hơn 7.6 tỷ sao; nếu có
hai người được kết hợp chung với 1 vì sao, thì hiện giờ vũ trụ không có hơn 7.6
tỷ sao. Chuyện “trên trời” như vậy, ai có thể kiếm chứng được đây? Chiêm Tinh
gia chắc chắn không thể kiểm chứng được vì mắt trần không thể nhìn thấu được vũ
trụ. Khoa học gia chắc cũng không thể kiểm chứng được bởi vì có những vì sao quá
xa trái đất (xa hơn 10 tỷ quang niên) chưa chắc còn tồn tại. Xin mời xem video
clip dưới đây
Trở lại chuyện “dưới đất”, nhiều người từng muốn thay trời để giải thích số phận con người; đúng hay sai tuỳ theo lòng tin của người nghe. Thuyết nhân quả trong đạo Phật cũng là thuyết nhân quả (causality) trong Siêu hình học (xin đừng cố truy tìm nhân này bắt đầu từ quả nào, vì cuối cùng sẽ gặp bế tắc và bị “tẩu hỏa nhập ma”). Khi không thể giải thích được lý do tại sao nhiều trẻ em với số tuổi còn quá nhỏ lại có nhiều khả năng quá sức tưởng tượng, người ta gọi các em là thần đồng, là hiện thân của những người tài giỏi đã quá cố, bây giờ lại tái sinh. Khi không thể lý giải được tại sao trên trái đất có muôn loài, từ con người, thú vật đến đất đá, cỏ cây; người ta đặt ra thuyết Luân Hồi (xin đừng hỏi vòng luân hồi bắt đầu từ điểm nào và tại sao có sinh, có diệt mà tổng số muôn loài lại không cố định – hay cố định mà không ai biết? hay phần sai biệt đã vào niết bàn?). Có người lại không tin như vậy; mà chỉ tin vào phán xét của đấng Thiêng Liêng khi quyết định đưa người chết vào nước trời, hay giam mãi mãi trong địa ngục. Không ai biết nước trời và địa ngục ở đâu, nhưng người ta nói sau khi chết đi, mình sẽ biết (?) và tiếc rằng mình không thể truyền kiến thức này cho ai cả. Dầu sao đi nữa, cách phán xét của đấng thiêng liêng hay luật luân hồi cũng giống như luật phạt/thưởng ở dân gian và giúp con người tránh dữ, làm lành.
Nhưng làm
sao giải thích được việc có người muốn lìa bỏ thế gian, sống đời tu hành, ngay
cả từ khi còn rất trẻ, khi họ chưa bị ảnh hưởng nhiều của tôn giáo, khi chưa thấu
hiểu được sự đời. Người ta nói đó là vì do ơn trên kêu gọi. Có người sống gần nửa
đời, hay gần cuối đời, bỗng cảm thấy thất vọng, chán chê với đời, nên quyết định
lìa bỏ, xa lánh tất cả để đi tu. Lại có người đi tu được một thời gian, bỗng cảm
thấy không chịu được đời khổ hạnh nữa, hoặc vì mất niềm tin, nên quyết định trở về thế tục. Cả
hai trường hợp đi tu và trở về thế tục đều được cho là do nhân duyên với tôn giáo.
Về mặt tiền
bạc, có người đột nhiên gặp vận may, như đang nắm trong tay một phép mầu, và từ
đó thành công cứ liên tục rủ nhau về. Thành công thật sự không phải tự nhiên mà
có; mà bắt nguồn từ những tính toán, kế hoạch kỹ lưỡng. Nhưng nếu không gặp vận
may thì bao nhiêu công phu sắp đặt đều phải bỏ trôi theo dòng nước! Vận may không
phải là vĩnh viễn. Khi vận may ra đi, người ta bảo rằng nhân duyên với tiền bạc
đã tận. Không ai biết trước lúc nào mình sẽ gặp được vận may và không ai biết
trước vận may sẽ tồn tại được bao nhiêu ngày! Người ta chỉ còn cách đỗ thừa cho
số mệnh; khoa học cũng đành bó tay.
Trong các mối
nhân duyên, duyên giữa người và người có nhiều thú vị hơn. Không bắt buộc phải là
giữa người nam và người nữ; thí dụ như đôi bạn tri âm Bá Nha - Tử Kỳ. Gặp gỡ nhau là bước đầu của nhân
duyên; kết hợp được bao lâu lại tuỳ theo mối nhân duyên giữa hai người. Có khi
từ lúc ban đầu, hai người đã bắt đầu không thích nhau; một thứ vô hình vô bóng,
xung khắc, đã ngăn chận hai người. Có khi chỉ vì một phút lỡ lời, làm chạm tự ái
của người nghe; để rồi tình bạn từ bấy nhiêu năm đành tan vỡ. Có khi vì nghịch cảnh mà mối tình đẹp như mơ, cuối
cùng lại tan vỡ; như chuyện tình Lan và Điệp
. Có khi chỉ có một
người đem lòng yêu thích, còn người kia thì không hề động lòng; từ đó có chuyện
tình đơn phương. Nhưng cũng có trường hợp hai tâm hồn kết thành một, không thể
tách đôi, như chuyện tình của đôi uyên ương Vũ Minh Tâm và Lê Thị Thảo trong Đồi thông hai mộ.
Lúc ban đầu
gặp gỡ, người ta thường bị thu hút bởi ánh mắt, giọng nói, tiếng cười, phong cách,
học thức, đạo đức, thậm chí là tiền bạc. Để rồi từ đó có xao xuyến, vấn vương. Hạnh
phúc cho những ai tìm được nửa con người còn lại, trọn đời vui sống cùng nhau.
Khổ cho những ai nửa đường đứt gánh; có thể vì những xung đột, đổ vỡ không hàn
gắn được, hay vì chán chê với những gì mình đang có, hay vì nghịch cảnh trời
khiến người kia phải lìa xa nhân thế. Càng sống, người ta càng thấu hiểu lương
duyên là do “trời định” nhưng giữ được hạnh phúc hay không, lại do “nhân định”.
Trong cộng đồng Công giáo thường có những lớp “thăng tiến hôn nhân”, nhằm giúp
vợ chồng làm sống lại những ngày hạnh phúc buổi ban đầu, phân tích lối sống hiện
tại và tìm cách sửa sai. Có cho, có nhận; có hy sinh, có thương yêu; có chia sẻ,
có lắng nghe. Có lẽ cách giữ gìn sợi dây hạnh phúc tốt nhất là làm sao để nó không
chùng và cũng không quá căng. Dây chùng khi không có người căng: hạnh phúc sẽ
hao mòn dần nếu cứ ngày lại ngày qua, mình vẫn bản cũ soạn lại, khiến cuộc sống
không còn thú vị, không còn gì để chờ đợi ở ngày mai. Dây quá căng khi cả hai
người cùng cố kéo nó về phía mình: hãy tạm quên đi tự ái, những lợi ích cá nhân;
hãy đặt mình vào vị trí người kia; dùng nhẫn nhịn để đổi lấy tình yêu. Nếu biết
rằng hỉ nộ, ái ố chỉ là những cảm xúc tạm thời, mình không nên vì nó mà làm mất
hạnh phúc. Nếu những gì mình nói ra có thể làm đau lòng người bạn đời, và không
cải thiện được việc gì cả; xin chớ nói ra, mà ráng giữ chặt trong lòng.
Không ai có
quyền chọn lựa cho sự xuất hiện của mình trên cõi đời này; và không ai có quyền
chọn lựa cho sự ra đi khỏi cuộc đời của mình (trừ những ai quá tuyệt vọng, tìm
đến cái chết như một lối giải thoát). Người ta thường nói khi chết, nhân duyên
mình đã tận. Trong những ngày cuối đời, khi biết nhân duyên sẽ kết thúc nay
mai, người ta thường quay về tìm lại kỷ niệm của những ngày tháng cũ. Những ngày
còn mẹ, còn cha, những ngày khi phố thị chưa đông người, khi văn minh kỹ thuật
còn chưa lấn chiếm đời sống con người. Xa quê lại nhớ về những ngày nắng ấm ở
quê hương, nhớ những ngày mưa lầy lội lối đi, nhớ những mây mù che kín khung trời.
Nhớ những ngày mới lớn, khi tâm hồn chưa vướng bụi trần, mơ ước đong đầy. E ấp
trong tim một bóng hình, không dám thố lộ cùng ai, mong manh, dễ tan vỡ như bóng
nước. Tất cả đã qua đi từ rất lâu, bây giờ chỉ còn những “ước gì” tuy vẫn biết
những điều ước đó sẽ không bao giờ đến.
Cho đến một
ngày nhân duyên chấm dứt thật sự. Thương cho ai thời gian không chịu chạy chậm
một chút; khi cầm tay người thương mà không còn nói được một lời. Chỉ có giọt
nước mắt cuối cùng lăn theo khoé mắt đang từ từ khép.