marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2019

Phụ nữ trong Phật giáo




 Gs. Nguyễn Vĩnh Thượng


           Tăng đoàn (Shanga) Phật giáo gồm có Tu sĩ và Cư sĩ. Tu sĩ gồm có Nam tu sĩ/ Tăng/Tì-kheo  và Nữ tu sĩ/Sư Cô/Tì-kheo ni là hai chúng xuất gia, có nhiệm vụ truyền giáo, hoằng dương chánh pháp. Cư sĩ gồm có Nam cư sĩ và Nữ cư sĩ là những vị chấp nhận và thực hành giáo lý của Đức Phật nhưng họ vẫn giữ đời sống thế tục, là hai chúng tu tại gia có nhiệm vụ hộ trì chánh pháp.
            Thuật ngữ Phật giáo gọi 4 nhóm trên là tứ chúng.    
             Trong bài viết “Phụ nữ trong Phật giáo” (Women in Buddhism), chúng tôi sẽ trình bày:
                    I.-Phụ nữ trong cộng đồng các tu sĩ Phật giáo.
                    II,-Phụ nữ trong cộng đồng các cư sĩ Phật giáo.

I.-Phụ nữ trong cộng đồng các tu sĩ Phật giáo:

          Theo truyền thuyết, Thái tử Siddhartha được sanh ra từ bên hông phải của Hoàng hậu Maya để tránh khỏi sự dơ bẩn (pollution) của con đường sanh sản thông thường (birth canal). Hoàng hậu Maya từ trần sau khi sanh Thái tử Siddhartha có 7 ngày. Thái tử được bà Prajapati, em gái của Hoàng hậu Maya, trông nôm nuôi nấng.

          Sau khi Đức Phật lịch sử đắc đạo khoảng 5 năm, bà Prajapati (có tên đầy đủ là Maha-Prajapati Gotami) cùng với một nhóm phụ nữ tháp tùng theo bà đã đến gặp Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ( Shakya Muni Buddha) và thỉnh cầu cho họ được xuất gia để làm nữ tu sĩ/Sư cô (Srt. Bhiksuni, Pali Bhikkhuni, Av. Ordained nun). Thoạt tiên Đức Phật đã từ chối lời thỉnh cầu này. Bà Prajapati vẫn kiên nhẫn tiếp tục thỉnh cầu lần thứ hai rồi đến lần thứ ba . . . Đức Phật vẫn từ chối lời thỉnh cầu của bà Dì, chính là mẹ nuôi của mình. Nhưng sau đó, Ngài Ananda, một đệ tử thân cận Đức Phật, nhân danh bà Prajapati đã nhiều lần trình và thỉnh cầu sự chấp thuận của Đức Phật để nữ giới được xuất gia. Rồi cuối cùng, Đức Phật đã chấp thuận thỉnh cầu này. Bà Prajapati là phụ nữ đầu tiên được chấp nhận vào Tăng đoàn Phật giáo. Sự do dự của Đức Phật có lẽ vì phong tục xã hội Ấn độ lúc bấy giờ không chấp nhận người thanh niên sống đời sống độc thân, nhất là người phụ nữ độc thân.
                 Đức Phật dạy rằng: “Phụ nữ thì bình đẳng với đàn ông trong khả năng giác ngộ” (Women were equal to Men as regards the ability to attain enlightenment). Như vậy “sự giác ngộ” không liên hệ gì đến giới tính của người tu tập. Từ đây người phụ nữ Ấn độ được phép rời bỏ cuộc sống bình thường để xuất gia và trở thành thành viên của cộng đồng tu sĩ Phật giáo. Đã có 500 phụ nữ xuất gia theo bà Prajapati, trong số đó có bà Yasodhara là người vợ của Thái tử Siddhartha trước khi Ngài xuất gia.