marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Những Kỷ niệm dưới mái trường Petrus Ký

 LPK NGUYỄN KIM QUANG (1953- 1960)


Tôi  thường viết về những kỷ niệm thời thơ ấu nơi mình sinh ra và lớn lên, viết về ngôi trường tiểu học mình từng theo học, viết về con đường làng… một cách khá dễ dàng. Nhưng hôm nay muốn viết về những kỷ niệm thời niên thiếu dưới mái trường Trung học Petrus Ký thật không dễ, có lẽ tại vì Trường Petrus Ký là một trường trung học chỉ dành riêng cho con trai, chung quanh trường không có một lủy tre, hay một con đường có lá me bay, trước cổng trường cũng không có một hàng quán như xe kem hay xe đậu đỏ bánh lọt v.v…
Lục trong ký ức thì nhớ trường nằm trên đường Nancy thời đó, sau này gọi là Đại lộ Cộng Hòa và bây giờ có tên là đường Nguyễn Văn Cừ. Đầu đường Nancy có Công trường Khải Định nằm trên giao lộ các con đường Chasseloup Laubat (Hồng Thập Tự), 11è R.I.C Frédéric (Nguyễn Hoàng), Drouhet (Hùng Vương),   Nancy  (Cộng Hòa) và Hui Bon Hoa (Lý Thái Tổ)…. Khu vực này có Công viên Âu Lạc nằm ở ngã sáu đầu đường 11è R.I.C. (Nguyễn Hoàng).  Công viên Âu Lạc cũng không thơ mộng gì lắm vì nó ở ngay bên cạnh đường rầy xe lửa Saigon – Mỹ Tho, buổi trưa các công nhân làm việc gần đó thường hay đến nghỉ lưng…
Bên kia cổng Trường Petrus Ký là những dãy nhà im ắng bên ngoài có hàng rào che chắn, hàng ngày nơi cổng chính có nhiều công chức mặt lạnh như tiền đi ra đi vào. Đó là doanh trại cũ của Quân đội Pháp có tên là Thành Ô-ma (Camp des Mares), năm 1955 trại này là hành dinh của Ủy Hội Quốc tế Kiểm soát Đình Chiến Đông Dương, sau đó là Nha Công An Nam Phần và kế đến là Bộ Tư Lệnh Cảnh sát Quốc Gia Việt Nam.
Trước cổng Trường Petrus Ký có hai trụ cột xi-măng cao khoảng 4 mét ghi khắc hai câu đối chữ Hán do giáo sư Ưng Thiều làm năm 1951 để chỉ đạo đức học tập và trí dục cho học sinh và được ông Hiệu trưởng Phạm Văn Còn chấp thuận:
    Khổng Mạnh Cương Thường Tu Khắc Cốt
    Tây Âu Khoa Học Yếu Minh Tâm.

Trên hai trụ cột là tấm bảng chiều ngang có ghi hàng chữ:
    Trường Trung học Petrus Ký
Dọc theo bên này đường của trường lác đác có vài cây phượng đến mùa hè trổ bông lai rai, không đẹp và nên thơ như những hàng phượng thắm của một số trường khác…
Đi về phía đường Armand Rousseau (đường Thành Thái) là một học khu có nhiều trường Cao đẳng và Đại học như Trường Sư Phạm Quốc Gia, Trường Đại học Sư Phạm, Đại học Khoa học, sau này có thêm Trung Tâm Thính Thị Anh ngữ, Trung Tâm Sinh Ngữ dạy nhiều ngôn ngữ Anh, Pháp, Nhật, Đức, Y-pha-nho… đây là những lớp học buổi chiều do giáo sư Hoàng Gia Lịnh làm Giám đốc, những ai tốt nghiệp hai năm tại Trung tâm này sẽ được bổ nhiệm dạy sinh ngữ tại các trường trung học hay làm việc tại các cơ sở của Bộ Ngoại Giao…  Học sinh hay người lớn muốn vào học Trung Tâm này chỉ ghi danh kể cả Anh Văn, riêng môn Pháp văn phải qua kỳ thi tuyển rất khó; năm 1960 tôi đậu hạng 60/62 trên tổng số hơn 1000 người tham dự vào lớp Pháp văn do Giáo sư Maugé người Pháp dạy, sinh viên trong lớp có nữ Trung úy Hồ Thị Vẽ, sau này chị Vẽ là nữ Trung Tá Chỉ huy phó Đoàn Nữ Quân Nhân QL.VNCH, khi đi học chị Vẽ thường lái xe du lịch và nói tiếng Pháp như một cô đầm chính quốc.

Năm 1953 xong lớp Nhứt Trường Tiểu học Tân Định, tôi đậu vào Trung học Petrus Ký với hạng thứ 264 trên 460 học sinh được tuyển chọn với trên 3000 học sinh các tỉnh thành Miền Nam tham dự. Trường thời đó gọi là Lycée Petrus Ký (viết tắc là L.P.K) cho nên đậu vào Petrus Ký là một vinh dự lớn cho mình và cho gia đình; báo Thần Chung năm 1953 có đăng danh sách học sinh trúng tuyển vào Petrus Ký nơi trang nhứt.
Ngày đầu tiên vào trường, đứng xếp hàng dưới những tàn cây sao cao ngất bên hông những dãy lớp học đồ sộ uy nghi, chúng tôi mặc đồng phục quần short và áo sơ mi trắng chỉnh tề theo hàng ngũ lần lượt đi vào sân trong,dưới sự hướng dẫn của các giám thị và dừng lại ở trước cửa mỗi lớp học một cách có trật tự. Khi vừa qua khỏi cổng vào sân bên trong, nhìn bên phải giữa hành lang chính (préau) thấy thầy hiệu trưởng Phạm Văn Còn, thầy giám học Trương Văn Huấn và thầy tổng giám thị Nguyễn Văn Trương oai vệ đứng đó càng làm cho học sinh chúng tôi thấy cái không khí uy nghi của ngôi trường hơn.

Năm đầu vào học, trường còn dạy chương trình Pháp nên gọi là 7è moderne, các thông báo, các phần thưởng, các hình phạt…  vẫn còn dùng tiếng Pháp; qua năm sau trường đổi qua chương trình Việt nên gọi là Đệ Lục. Tôi học Đệ Lục B cùng với các bạn Đỗ Ngọc Yến (cựu chủ bút báo Người Việt) –  đến giờ sinh ngữ Yến và hai bạn nữa qua học Hán Văn với thầy Ưng Thiều, chúng tôi 37 người còn lại học Anh Văn với thầy Nguyễn Văn Sang, thầy Đinh Xuân Thọ. Cùng lớp Đệ lục B có các bạn hiện giờ đang ở Orange County như anh Nguyễn Minh Quân, Giám đốc ở Phủ Đặc Ủy Tình Báo Trung Ương, anh Nguyễn Văn Ức,cựu Trung tá Không Quân…

Năm 1955 một biến cố chính trị và quân sự xảy ra vì có sự tranh chấp chính quyền giữa Thủ tướng Ngô Đình Diệm và các lực lượng giáo phái. Trường Petrus Ký cũng bị ảnh hưởng vì Lực lượng Bình Xuyên của ông Bảy Viễn đóng quân tại trường. Sau khi thương thuyết giữa Chính phủ và Lực lượng Bình Xuyên bất thành, một đơn vị lính Dù phần đông là người Nùng của Chính phủ tấn công vào trường. Phía Bình Xuyên yếu thế, từ từ rút lui ra phía sau đường Trần Bình Trọng và chạy về Tổng Hành Dinh ở bên kia cầu Chữ Y. Quân Chính phủ làm chủ tình hình,xông vào trường lục soát và nhanh chóng báo cáo về Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã bắt được ông Bảy Viễn. Nhưng người mà quân Dù báo cáo bắt được không phải Bảy Viễn mà là ông Hiệu trưởng Phạm Văn Còn đang mặc một complet tussor màu hột gà, mang kính trắng gọng vàng rất oai nghiêm…

Lớp Đệ Lục B còn có anh Lưu Thanh Giao hiện ở VN, Giao là con thầy Lưu Thanh Niên, giáo sư trường Kiến Thiết, Giao ngồi cuối lớp phía trái, trong giờ học anh thường rù rì với các bạn bên cạnh, có bữa anh đưa cho xem tin tức trong một trang in roneo, thỉnh thoảng anh nhờ anh em ký ủng hộ một thỉnh cầu nào đó… Ở các lớp khác cũng vậy, hầu như lớp nào cũng đều có vài anh làm việc giống như anh Giao. Các bạn này do các anh lớp trên hay các anh sinh viên, nhất là sinh viên trường Luật Saigon theo Phong Trào Bảo Vệ Hòa Bình của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ móc nối cài vào để sẵn sàng rủ rê học sinh yêu sách, xuống đường biểu tình, kêu gọi đình công, bãi thị khi cần….Phần đông các bạn đã tế nhị né tránh những anh này và chăm chỉ học hành…Tuy vậy, cũng có một số người và ngay cả tôi cũng bị ảnh hưởng vì những bạn này rất hiền từ, tích cực tham gia sinh hoạt phong trào hướng đạo, hiệu đoàn, văn nghệ, thể thao, nhất là tình nguyện đi xây dựng giúp đồng bào bị hỏa hoạn ở các khu Bàu Sen, Nancy, cầu Chữ Y… Mỗi lần đi như vậy rất vui đều có các anh lớp trên hay các anh chị sinh viên hướng dẫn, có cả các chị bên Gia Long đi tiếp tế nước uống, chăm sóc y tế, ca hát:
    Hò lơ! hó lơ! hò lờ! rất vui…

Tôi đi theo nhóm của anh Nguyễn Văn Thiện (sinh viên Trường Luật) ngoài việc giúp đồng bào xây dựng nhà cửa, anh Thiện còn phổ biến các bài thơ của Tố Hữu làm trước năm 1945 rất hay như các bài : Ta Đi Tới, Mã Chiến Sơn,…  về âm nhạc thì anh dạy hát và đờn bài Mùa Hoa Nở (Dân Liên Xô ca hát trong vườn hoa…). Được biết anh Thiện là một trong những người lãnh đạo Phong trào Thanh Niên SVHS theo Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, anh là người Bến Tre có bí danh là Trường Giang, lúc còn học ở Collège Le Myre De Villers anh đã quậy rồi… Và khi học Luật anh đã theo Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và sau đó, anh xin vào dạy Sử Địa các lớp Đệ nhất ở Petrus Ký. Anh Nguyễn Văn Thiện sau bị bắt cùng với giáo sư Vũ Ký và một số giáo sư khác trong Phong Trào Trí Vận và bị đài đi Côn Đảo. Sau năm 1975 anh Thiện được thả về và làm hiệu trưởng Trường Petrus Ký từ năm 1975 đến năm 1977. Khi được thả từ trại cải tạo miền Bắc về, tôi có đến thăm anh Thiện và hỏi về tình hình đất nước, anh ngập ngừng và nói: Anh đã lầm! Nhưng tôi nghĩ anh không lầm và các người bạn của anh như các ông luật sư Nguyễn Hữu Thọ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa cũng không lầm, nhưng các anh đã bị các “người anh em ngoài nớ” bán đứng cho Cộng sản Quốc tế…

Chắc nhờ ham học và bị ràng buộc kỷ luật gia đình nên tôi đã “thoát” được “bùa mê” của các thầy chú, nếu không thì đã trở thành đệ tử của Lê Văn Tám hay là sư phụ của Nguyễn Văn Trổi rồi…
Tôi nhớ ngày 6 tháng 11 năm 1955, học sinh Petrus Ký được lệnh tập họp trên đường Thống Nhất cùng học sinh các trường khác trong Đô Thành để đón mừng đoàn quân chiến thắng quân Bình Xuyên từ Rừng Sát trở về. Đến 10 giờ sáng từ đàng xa hướng Thảo Cầm Viên (Sở Thú) đã thấy đoàn quân từ từ tiến tới theo tiếng nhạc quân hành, dẫn đầu là Đại tá Dương Văn Minh, Tư lệnh Chiến dịch Hoàng Diệu, tiếp theo sau là Bộ Tham Mưu và các chiến sĩ oai hùng. Đoàn quân dừng lại trước khán đài dựng giữa Công trường Nhà thờ Đức Bà và Đại lộ Thống Nhứt được các đoàn thể công chức, sinh viên học sinh và dân chúng hoan nghinh nhiệt liệt, choàng vòng hoa,… sau đó nữ ca sĩ Khánh Ngọc lên khán đài ca bản Chiến Sĩ Của Lòng Em, cô hát tiếp nhạc phẩm Em Chỉ Yêu Có Anh Binh Nhì rồi nheo mắt nhìn ông Đại tá một cách tình tứ lãng mạn…

Mười ngày trước đó, chúng tôi cũng tập họp tại địa điểm này để dự cuộc diễn binh mừng Ngày Quốc Khánh đầu tiên do Tổng thống Ngô Đình Diệm chủ tọa và khai sinh nền Đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa.
Theo thời gian, chúng tôi lớn dần lên và qua kỳ thi bằng Trung học Đệ I Cấp thời đó rất khó với tỷ số thi đậu toàn quốc từ 18 đến 20%., nhưng học sinh Petrus Ký đã đậu 90 – 95%.

Lên Đệ Tam mọi người thấy mình như đã trưởng thành vì ngoài giờ học văn hóa, học sinh còn phải tham dự Lớp P.M.S (Preparation Militaire Supérieure) tức là Lớp Huấn Luyện Cao Đẳng Quân Sự. Sau hai năm học lớp này ai thi đỗ được bằng P.M.S thì khi đi lính sẽ tự động được mang cấp bậc Chuẩn úy trừ bị. Những người có bằng P.M.S lúc đó ai cũng hãnh diện ‘ta đây’ là sĩ quan, nhưng sau này đã phải lỡ khóc lỡ cười khi bị động viên vào quân trường Thủ Đức vì họ chưa quen nhiều với khẩu súng Garant, Carbine hay Thompson…  chưa được thực tập chỉ huy cấp Trung đội, Đại đội, thì… đã phải khăn gói quả mướp lên đường ra đơn vị chiến đấu… trên  vai mang cái lon Thượng sĩ gân (Chuẩn úy) còn mới toanh.

Nhớ lại thời học Cao Đẳng Quân Sự sinh viên phải mặc đồng phục kaki trắng, mang giày bố trắng, đầu đội bê-rê đen phía sau có 2 tua màu vàng đỏ, rất oai hùng. Mỗi lần có dịp mặc bộ “nhung phục” này là có nhiều  chàng P.M.S đi qua Gia Long, Trưng Vương để dợt le…  Nhiều trự chiều Thứ Bảy đi ăn kem, bát phố Bonard cũng mặc bộ đồng phục này cho oai… Nhưng, khi bị khách nhàn du nhất là cánh phụ nữ thấy “lính lạ” nhìn họ chăm chăm thì các chàng tò te quíu chân quíu cẳng đi băng xiên băng nai hai hàng giống như mấy mợ có bầu đi chợ rồi các chàng từ từ lặn mất, chứ không oai hùng như sau này ở quân trường Thủ Đức về phép với bộ quân phục thẳng nép, cầu vai có gắn alpha….
Bắt đầu niên khóa 1958- 1959 lớp Huấn Luyện Cao Đẳng Quân Sự không còn nữa. Tôi còn nhớ đầu năm 1958, trong giờ học P.M.S. tại một trại lính cũ của quân đội Pháp để lại trên đường Hùng Vương (sau này là Trường Quân Y) Trung tá Nguyễn Xuân Vinh, Tư lệnh Không Quân QLVNCH, tức nhà văn Toàn Phong đã đến dạy Toán với đề tài: Tình cảm của Thúy Kiều đối với Kim Trọng bằng một biểu đồ Parabol. Hôm đó cũng có ca nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đến biểu diễn ca và đàn guitar bản Nắng Chiều ra mắt lần đầu tiên của anh tại lớp P.M.S này.

Lớp Đệ Tam B4, chúng tôi thường gọi là Đệ Tam Bê Bối, nổi tiếng quậy nhất trường, sau này ra trường có nhiều anh rất thành côngnhư Trần Khánh Vân (đang ở Santa Ana),  làm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Phát Triển Gia Cư, anh Phạm Văn Ngym khóa 18 Võ Bị Đà Lạt (đã chết trong trại tù Miền Bắc), làmTrung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 46/SĐ25BB. Năm 1957 anh Ngym, anh Huỳnh Công Khanh và tôi cùng học Đệ Tam B4, anh Khanh học giỏi và sau này là giáo sư dạy Toán nổi tiếng ở Saigon, khi đi lính chúng tôi lại phục vụ cùng chung một đơn vị là Sư Đoàn 25BB, Ngym là Trung tá, tôi Đại úy, anh Khanh Chuẩn úy. Với kỷ luật quân đội, Chuẩn úy Khanh rất e dè  ké né khi gặp bạn cũ là Trung tá Ngym. Ngày đầu tiên anh Khanh về trình diện Trung Đoàn bị Trung tá Ngym chỉ thị vác ba-lô theo Đại Đội Trinh sát 46 đi giải vây đồn Bò Cạp (Củ Chi) đang bị địch tấn công, đêm đó giáo sư bụng bự Huỳnh Công Khanh suýt anh dũng nền nợ nước và rất oán giận anh Ngym. Khi gặp Ngym tôi nói: “Mầy ác quá! Nó mới ra trường mà”. Ngym nói: Võ bị Đà Lạt là vậy đó! Nhưng sau đó, anh Ngym đã tế nhị và kín đáo giúp đỡ bạn, cho anh Khanh về làm việc ở hậu cứ và thường xuyên cử anh đi liên lạc với các bạn cùng khóa ở Petrus Ký, phối hợp với anh Trần Khánh Vân và các bạn khác để tổ chức Họp mặt Tất Niên mỗi năm tại Đền Đức Thánh Trần trên đường Hiền Vương… Mỗi lần họp mặt rất vui, bạn bè khắp nơi bốn vùng chiến thuật về khá đủ.Một lần họp mặt Tất Niên, Trần Khánh Vân cho tôi biết thầy Nguyễn Văn Gần dạy Sử Địa đã thi đỗ bằng Tiến sĩ Văn chương Pháp, (thi viết tại Saigon, thầy phải mua vé hàng không khứ hồi đi Paris để thi oral và thầy đã đậu).

Một người học Lớp Đệ Tam B4 nữa là anh Nguyễn Tấn Phận (đang ở San Jose), là tùy viên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, sau là tùy viên Đại tướng kiêm Thủ tướng Trần Thiện Khiêm… anh Phận có lúc làm Quận trưởng Gò Dầu, Tây Ninh.
Lên Đệ Nhất, tôi đổi qua Lớp Đệ Nhất A với các bạn:
– Phùng Vĩnh Tước, hiện ở Santa Ana, Tước nổi tiếng khi làm Cảnh sát trưởng Quận Tân Bình đã dám bắt Cậu Mười (anh Bà Khiêm) về tội đánh bài.
– Trần Tự Lập (con thầy Trần Văn Thử dạy toán) Trưởng ty Cảnh sát Trà Vinh, nổi tiếng trong việc bắt giữ Ngô Công Đức, một dân biểu đối lập VNCH. Trần Tự Lập sau về làm Trưởng ty Cảnh sát Quận 10 và làm CHT Cảnh sát Đô thành vài ngày trong Chính phủ sau cùng của VNCH.
– Nguyễn Thế Phúc, Nha sĩ Quân y, hiện ông bà nha sĩ Phúc còn làm việc, văn phòng trên đường El Cajon, San Diego……
Trong thời gian 7 năm theo học Petrus Ký tôi nhớ có 4 vị hiệu trưởng:

1- Thầy Phạm Văn Còn: hiệu trưởng (1951-1955)
Hồi đó gọi là Proviseur Phạm Văn Còn. Thầy Còn không thuộc ngành sư phạm, nhưng là một công chức cao cấp của Xã Tây (Tòa Đô Chính) thời Thủ tướng Trần Văn Hữu có bằng cấp cao nên được bổ nhiệm về làm hiệu trưởng lo việc giáo dục, đồng thời thầy cũng theo dõi học sinh và giáo sư đễ không phải xảy một vụ Trần Văn Ơn thứ hai tại Trường Petrus Ký.

2- Thầy Nguyễn Văn Kính: hiệu trưởng (1955-1957):
Thầy Nguyễn Văn Kính hiệu trưởng từ Vĩnh Long được bổ nhiệm về điều hành trường thay thế thầy Phạm Văn Còn. Thầy Kính có vẻ cởi mở hơn thầy Còn, chân thầy Kính đi cà vẹo, có lẻ bị tật hay tai nạn bên chân trái, nhưng thầy lại là trưởng đoàn hướng dẫn đoàn Lực sĩ Việt Nam Cộng Hòa tham dự Thế Vận Hội Mùa Hè Úc Châu năm 1956 tại Melbourne trong lúc đang làm hiệu trưởng. Thầy Kính có hai đứa con trai học cùng lớp với tôi năm Đệ Lục là anh Nguyễn Vĩnh Thuận và Nguyễn Trung Hiếu.

3- Thầy Nguyễn Văn Thơ (1957-1958)
Bắt đầu niên khóa 1957 thầy Nguyễn Văn Thơ, giáo sư Pháp văn của trường thay thế thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Kính. Thầy Thơ làm hiệu trưởng một thời gian ngắn nên tôi không nhớ nhiều về thầy. Tuy nhiên, thầy có giọng nói đặc biệt khàn khàn nên các anh trên các lớp Seconde và Première gọi thầy là monsieur Perroquet (con két).

4- Thầy Nguyễn Văn Trương (1958-1960)
Thầy Nguyễn Văn Trương người Bình Dương, tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm Hà Nội, thầy làm Tổng Giám Thị nhiều đời hiệu trưởng, năm 1958 thầy được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Petrus Ký thay thế thầy Nguyễn Văn Thơ. Thời gian thầy Trương làm hiệu trưởng, trường có nhiều thay đổi, nhất là trong sinh hoạt hiệu đoàn, thể thao văn nghệ… nhiều học sinh sau này nổi tiếng có danh thủ bóng bàn Pham Gia Inh, cầu thủ bóng tròn Phạm Huỳnh Tam Lang… ; đặc biệt trong các trận tranh tài thể thao giữa học sinh Petrus Ký và Chu Văn An,nếu có học sinh nào đánh lộn với Chu Văn An bị thầy Tổng giám thị Nguyễn Văn Toản phạt consigne (cấm túc) thì thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Trương tha hết…

Về việc huấn luyện thể dục thể thao,trường Petrus Ký có sân vận độnglớn nhất trong các trường ở Đô Thành  Saigon, nằm phía sau giáp với đường Trần Bình Trọng. Niên khóa chúng tôi học, thầy Bích là Trưởng ban Thể dục Thể thao và 2 phụ tá huấn luyện là thầy Quý và thầy Giỏi.
Các năm học đệ nhất cấp chúng tôi học âm nhạc với thầy Marcel (lai Pháp, chân thầy có tật) thầy dạy nhạc rất hay, qua một năm ai cũng biết căn bản nhạc lý, thầy đàn dương cầm, học sinh viết lại note nhạc giống như viết một bài chánh tả. Có hôm thầy tập học sinh hợp ca nhạc phẩm Quanh Lửa Hồng của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, hát hai bè lên bổng xuống trầm như một ban hợp ca trong nhà thờ:
    Trong đêm thâu quanh ánh lửa hồng
     Dưới ngàn cây xanh lá …
Học Pháp văn từ cấp nhỏ có các thầy Phạm Văn Ba, thầy Phạm Văn Sửu, thầy Trương Văn Cao. Lên đệ nhị cấp chúng tôi học Pháp Văn với thầy Tuấn (sau thầy về trường Ngô Quyền), thầy Huỳnh Văn Hai (thầy nghỉ hoài vì bận đi họp đại biểu Quốc Hội), cô Hồng từ Gia Long qua, giờ cô dạy cả lớp rất vui vì cô dạy rất hay, cuối giờ cô Hồng thường hát một hay hai bản nhạc Pháp…
Giờ Sử Địa ở đệ nhứt cấp chúng tôi học với thầy Lê Xuân Khoa, tôi còn nhớ thầy dạy về nước Iraq, thầy gọi là Lưỡng Hà Địa vì đất nước này có hai con sông Tigris và Euphrates…

Lên đệ nhị cấp chúng tôi học sử với thầy Trần Văn Quế, người Tây Ninh, thầy tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội, có lúc thầy là đại biểu của Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh làm việc ở Miền Bắc và sau thầy về dạy ở Petrus Ký, giờ thầy dạy chúng tôi được biết nhiều chuyện đông tây trên thế giới, thầy dạy như ở đại học, vô lớp để nghe, về nhà lật sách học bài. Một lần thầy cho biết thầy cùng học Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội với nhà cách mạng Nguyễn Thái Học, nhưng ông Nguyễn Thái Học học trên thầy mấy lớp. Thầy Quế thuộc nhóm Caraven 17 người ký tên yêu cầu Chính phủ Ngô Đình Diệm cải tổ nội các và cải cách chính trị. Sau đó cả nhóm Caraven bị bắt đi tù. Thầy Quế được giáo sư Trương Công Cừu bảo lãnh ra và từ đó thầy không còn sinh hoạt chính trị nữa…

Tôi còn nhiều kỷ niệm với các thầy cô khác, nhưng bài viết đã khá dài tôi xin ngừng ở đây, nếu có dịp sẽ trở lại viết về các thầy cô dạy các môn khác…
        *        *
Trên đây là những gì tôi nhớ về ngôi trường thân yêu nơi tôi đã từng theo học 7 năm từ năm 1953 đến 1960, tôi biết mỗi thời kỳ có những thay đổi về nhân sự, chương trình học tập …  nhưng chắc chắn rằng truyền thống Petrus Ký không thay đổi đó là kỷ luật và trật tự. Muốn vào học Trường Petrus Ký học sinh của vùng Saigon và các tỉnh phía Nam phải qua kỳ thi tuyển rất gay go, và chính vì được chọn lọc như vậy cho nên học sinh Petrus Ký đậu rất nhiều và rất cao trong các kỳ thi.

Cho nên chúng tôi lúc nào cũng rất tự hào nhận mình là dân Petrus Ký.-/-

11-20-2014
LPK. NGUYỄN KIM QUANG(1953-1960)

Nguồn: nguyentanphan's blog