Trần văn Miêng*
Cao Lãnh trên bước đường hình thành và vươn lên:
Năm 1620: Việc kết hôn của quận chúa Ngọc Vạn, con gái thứ ba của Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên và Prea Chey Chetta II, vua nước Chân Lạp, được coi là cuộc hôn nhân chính trị. Lúc ấy, Chân Lạp đi vào giai đoạn suy yếu, luôn bị Xiêm đánh phá nên cần có một đồng minh để chống Xiêm. Phần Chúa Nguyễn cũng cần một đồng minh để ổn định biên giới phía Nam đồng thời có thêm nguồn tiếp liệu để kình chống cùng Đàng Ngoài. Thật vậy, sau đó, đã hai lần (năm 1621 và năm 1623), chúa Nguyễn đã giúp Chân Lạp đánh đuổi khi bị quân Xiêm sang đánh phá. Về phía Đàng Trong, nhờ sự khôn khéo của Quận Chúa Ngọc Vạn (lúc ấy đã thành Hoàng Hậu Sodach Prea Peaccac Vodey Prea Voreac Khsattey)(1) của Chân Lạp, vua Chân Lạp đã cho phép người Việt được đến làm ăn ở Prei Nokor và Kampong Trabei (Gia Định và Bến Nghé) là những nơi còn hoang vu và sau đó vua Chetta II nhượng hai vùng nầy để Chúa Nguyễn lập trạm thu mua sản vật đem về Thuận Hóa. Năm 1679, nhóm quân Minh không đầu phục nhà Thanh đã xin vào Đàng Trong sống, cũng được Chúa Nguyễn Phúc Tần cho đưa họ vào vùng đất mới nẩy. Nhóm quân của Dương Địch Ngạn được cho đồn trú vùng Định Tường; quân của Trần Thượng Xuyên được đưa đến vùng Đồng Nai. Dần dần, cả vùng nầy, tức Miền Đông Nam Bộ ngày nay, trở thành đất mới của Đàng Trong với Cù Lao Phố (Đồng Nai Đại Phố) và Mỹ Tho Đại Phố rất sung túc. Lúc bấy giờ, Cao Lãnh, vùng đất thuộc Định Tường cũng là môt trong ba cửa ngõ đi vào vùng đất trũng Đồng Tháp Mười, và chúng tôi chưa thấy tài liệu chính xác vào thời điểm nào, người Việt đến khai phá vùng nầy.(2) Chỉ biết rằng, vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, khi người Việt đến khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, phải dừng chân ở ven Đồng Tháp Mười, về phía tả ngạn sông Tiền, tức khu Cao Lãnh ngày nay, vì là nơi đất đai tương đối đã cao ráo, tiện việc khai phá, để từ đây, làm bàn đạp tiến vào vùng trũng bên trong. Đó là đoàn người từ Bình Định đi vào và đã qui tụ thành một xóm: Xóm Bả Canh, ở ven sông Cái Sao Thượng (khoảng chung quanh cầu Đình Trung bây giờ). Sở dĩ có địa danh ấy vì Bả Canh là sinh quán của bà con nầy, đó là một thôn của xã Đập Đá, huyện An Nhơn, tinh Bình Định. Một trong những lưu dân trong đợt tiên phong nầy là ông Nguyễn Tú. Ông đã hô hào bà con phá rừng để canh tác và sau đó, vùng nầy thành hai làng Mỹ Trà và An Bình. Thời gian tiếp theo, khi mở thêm đường, dân làng Mỹ Trà thấy gần cầu Đình Trung, có hai ngôi mộ, được các kỳ lão cho biết là mộ của ông bà Nguyễn Tú. Năm 1878, hương chức làng Mỹ Trà đã cho lập mộ bia tại đây để ghi nhớ công đức của Tiền Hiền Nguyễn Tú và khoảng năm 1954, mộ bia nầy vẫn còn nhưng không rõ ngày nay ra sao. Ngoài ra, làng An Bình có một con rạch nhỏ mang tên ông: Rạch Ông Tú. Nhánh sông An Bình, chảy từ Đình An Bình qua khỏi nhà thờ công giáo độ vài trăm thước, bên bờ phải, có nhánh sông nhỏ hơn mà hai bên bờ sông có nhiều cây bứa (trái bứa để nấu canh chua) và trong ngọn rạch nầy có nhà chú Xã Nhượng, là Rạch Ông Tú. Viết đến đây, tôi nhớ lại, thởi chiến tranh Việt Pháp, gia đình tôi tản cư, sống ở Rạch Miểu (Mỹ Trà), con rạch nằm phía dưới đình Đình Trung vài trăm thước thì ở Rạch Ông Tú, hai con của chú Xã Nhượng là anh Tư Minh và chị Sáu Tâm, đang học ở Sài Gòn, do “giặc giã”, phải quay về quê. Anh Tư và chị Sáu mở hai lớp học (lớp Ba và lớp Nhì) dạy miễn phí cho trẻ em. Chúng tôi, nhóm học sinh Mỹ Trà, mỗi ngày, từ Mỹ Trà băng qua Đường Tắt, tức con đường băng tắt ngang cánh đồng giữa hai làng Mỹ Trà và An Bình, để tới Rạch Ông Tú (An Bình) mà thụ giáo với Thầy Tư Minh và Cô Sáu Tâm. Thầy Tư và Cô Sáu dạy rất nhiệt tình, rất hay nên tôi, đứa học trò lớp Nhì của thầy cô, nhờ công lao dạy dỗ của thầy cô mới có được căn bản khá vững trong việc học, khi trở lại nơi trường chính qui. Ân tình nầy, mãi mãi tôi không bao giờ quên. Xin thưa thêm, cô giáo Sáu của chúng tôi, về sau là hiền thê của chú ký giả Trần Tấn Quốc, người lập giải “Huy chương vàng Thanh Tâm” (không rõ có phải tên của giải thưởng nầy đã mang tên của cô giáo chúng tôi chăng?)
xem tiếp, mời bấm vào dây Cao Lãnh trong niềm thương nỗi nhớ trang 205 - 241
* Trần Văn Miêng quê quán ở Quận Cao Lãnh, tỉnh Sa-Đéc. Ông là Giáo Sư Trung Học Đệ Nhị cấp ở các trường Trung Học Kiến Phong, Hồ Ngọc Cẩn trước năm 1975. Ông đã viết nhiều sách giáo khoa có giá trị trước 1975.