Nguyễn Vĩnh Thượng
Lời tác giả: bài viết “Ý Nghĩa Ngày Phật Đản” đã đăng trên nguyệt san “Làng Văn” ở Toronto, trong số đặc biệt kỷ niệm ngày Phật đản 1985. Lúc đó ông Nguyễn hữu Nghĩa làm Chủ Nhiệm, bà Nguyên Hương làm Chủ Bút.
Ngày Phật đản tức là ngày đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời. Trước khi trở thành đức Phật, ngài đã là Thái tử Sĩ Đạt Ta (Siddhartha ). Thái tử Sĩ Đạt Ta sanh vào ngày rằm tháng tư âm lịch vào năm 624 trước Tây lịch tại thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavaubu) thuộc vùng trung bắc Ấn Độ, ở phía tây nam nước Népal. Cha của ngài là Hoàng Đế Tịnh Phạn ( Cuddbodana) họ Cồ-đàm (Gotama)và mẹ của ngài là Hoàng Hậu Ma-gia (Mayadevi). Ngài tên là Siddhartha Gautama. Ngài mất mẹ rất sớm: sau khi hạ sanh hoàng tử được bảy ngày thì hoàng hậu băng hà.
Theo phong tục của xứ Ấn Độ lúc bấy giờ, năm 608 trước Tây lịch. Thái tử Sĩ-đạt-ta đã tuân lệnh vua cha mà kết hôn với công chúa Da-du-đà-la (Yasodahasa). Lúc ấy, ngài được 16 tuổi đời. Sau đó, ngài đã có một đứa con trai duy nhất đặt tên là La-hầu-la (Rahula). Thái tử Sĩ-đạt-ta đã sống trên nhung lụa, đã có vợ đẹp và con khôn, và ngài đã nắm chắc trong tầm tay mình cái quyền uy chúa tể của quốc gia mình. Nhưng ngài đã không cho đó là nguồn hạnh phúc chân thật của đời mình. Ngài đã luôn ưu tư đến những cảnh khổ của mọi người dân đã sống trong tiểu quốc của ngài.
Rồi sau những tháng ngày suy tư về thân phận của con người đang sống trong cõi đời này. Thái tử Sĩ-đạt-ta đã ý thức được rằng cuộc đời là vô thường:thành rồi trụ, trụ rồi hoại, hoại rồi diệt. Có đó rồi mất đó. Ngài cũng đã ý thức rằng tất cả những thú vui vật chất đều có tính chất nhất thời , tạm bợ và vô ích mà hằng ngày thái tử đã từng hưởng thụ nơi cung điện. Bởi vậy nên ngài đã quyết định xuất gia tức là thoát ly khỏi gia đình để sống một đời sống tu sĩ đầy đạo hạnh nhằm mục đích đi tìm chân lý cho cuộc đời đầy khổ đau của kiếp người. Năm 595 trước Tây lịch, lúc đó thái tử được 29 tuổi đời, ngài đã ra đi khỏi cung điện vào giữa một đêm khuya vắng lặng với một tâm hồn thanh tịnh, với niềm tin sẽ tìm ra được một con đường giải thoát cho con người khỏi cảnh khổ đau. Sự xuất gia của thái tử Sĩ-đạt-ta quả là một hành động cao cả và vĩ đại. Ngài đã từ bỏ vương quyền và đế nghiệp, đã từ bỏ vua cha, đã từ bỏ vợ con giữa lúc ngài đã là một hoàng tử trẻ tuổi và đầy vinh quang phú quý. Điều này chứng tỏ rằng ngài ra đi không phải vì thất chí, chán nản và muốn trốn tránh thế sự, không phải ngài không muốn phụng dưỡng vua cha, mà cũng không phải vì ngài kém tình thương vợ con; nhưng ngài ra đi vì ngài đã rất đầy đủ nghị lực, ý chí và nhất là tình thương yêu nhân loại rất bao la của ngài. Sự xuất gia của thái tử Sĩ-đạt-ta đã có một ý nghĩa vĩ đại và một giá trị nhân bản đích thực và toàn diện.
Trong suốt sáu năm tu hành nơi rừng sâu núi thẩm. Ngài đã sống một cuộc sống rất khắc khổ, đã chịu đựng muôn ngàn thử thách và đã phấn đấu để vượt biết bao trở ngại nhờ một niềm tin mãnh liệt rằng sẽ tìm được chân lý cho cuộc đời. Cuối cùng sau 49 ngày tham thiền, nhập định dưới gốc Bồ Đề đạo (Buddhagaya). Ngài đã giác ngộ vào rằm tháng 12 âm lịch vào năm 589 trước Tây lịch, lúc ấy ngài đã được 35 tuổi đời. Ngài đã trở thành Phật: ngài là một người đã tỉnh thức. Từ đó các đệ tử ngài tôn xưng ngài là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài đã thuyết giảng bài đầu tiên tại vườn Lộc Quyển (Migad ) trong xứ Isipatana, gần Bênares, về chân lý cao cả mà ngài đã giác ngộ được. Sau đó, ngài đã đi chu du khắp mọi nơi trên nước Ấn Độ - từ miền cực Bắc dưới chân núi Hy-mã-lạp-sơn (Himalaya) đến miền cực Nam bên bờ sông Hằng (Gange) – để truyền bá giáo pháp của ngài trong suốt thời gian 45 năm.
Năm 544 trước Tây lịch, đức Phật đã trở về một làng nhỏ là Kusinara, rồi nhập diệt một cách an tịnh tại đó, lúc ấy ngài được 80 tuổi đời.
Đại hội Phật giáo thế giới kỳ II tại Tokyo (Nhật Bản) vào năm 1952 đã quyết định lấy năm đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn làm mốc thời gian cho Phật lịch một cách thống nhất cho toàn thể Phật giáo đồ trên thế giới. Đức Phật ra đời vào năm 624 trước Tây lịch, nhập diệt vào năm 544 trước Tây lịch. Vậy năm 1985 Tây lịch là năm 2529 Phật lịch (1985+544).
Ngày Phật đản có ý nghĩa quan trọng nhất đối với các Phật tử ở khắp nơi trên thế giới. Thật vậy, sự ra đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đánh dấu một bước tiến văn hóa vĩ đại trong lịch sử nhân loại. Ngài là một nhân vật lịch sử vừa có đầy đủ nhân tính lại vừa có đầy đủ thần tính. Ngài quả thật là ‘một con người xuất trần vi thượng khách” vì đại nguyện cứu khổ cho chúng sanh, vì hạnh phúc của nhân loại mà ngài đã xuất hiện trên thế gian này. Bởi thế nên trong kinh điển Phật giáo đã ghi rằng “Đức Phật ra đời là vì một đại sự nhân duyên", đại sự nhân duyên ấy chính là sự khai mở cho chúng sanh một con đường giác ngộ.”
Đức Phật ra chào đời giữa lúc hoàn cảnh xã hội Ấn Độ đầy dẫy những bất công do sự phân chia giai cấp hết sức phi lý. Những đặc quyền đặc lợi đều dành riêng cho giai cấp cao, còn các giai cấp thấp thì phải làm nô lệ, phải chịu sự thống trị hà khắc và bóc lột của các giai cấp trên. Đó là mầm mống của chia rẽ, của hận thù, của tranh chấp. Về phương diện tư tưởng thì lúc bấy giờ đã có rất nhiều hệ phái triết học bất đồng chánh kiến, họ tranh cãi lẫn nhau. Trước thực trạng xã hội đầy thống khổ, bị phân hóa đến cùng cực và gần như không có lối thoát.Đức Phật đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại bằng tinh thần bi-trí-dũng để cải hóa xã hội đầy bất công ấy trở thành một xã hội bình đẳng, tự do và khai phóng. Ngài đã khai thị con đường trung đạo và truyền bá tư tưởng nhân bản để giúp con người tự giải phóng chính mình khỏi những thực tại khổ đau của cuộc đời.
Đức Phật đã dạy cho chúng ta về lòng từ bi vô lượng vô biên của ngài. Chính lòng từ bi đã phá tan được hố thẳm của sự chia rẻ, của sự ngăn cách giữa chủng tộc này với chủng tộc khác, giữa người theo tôn giáo này với người theo tôn giáo khác, giữa người sang với kẻ hèn, giữa người giàu với kẻ nghèo. Đức Phật đã dạy cho chúng ta về lòng hỷ xả, lòng khoan dung vô lượng vô biên của ngài. Chính lòng khoan dung đã phá tan được những cố chấp, cực đoan, cuồng tín. Chính lòng hỷ xả đã dẹp tan được những căm thù, những sân hận đối với những kẻ đã nói điều xấu, phỉ báng hoặc hảm hại ta.
Đức Phật là một người như chúng ta với đầy đủ nhân tính: ngài được sanh ra trên cõi đời này như một con người, sinh sống như một con người, và từ giã cõi đời này cũng như một con người. Nói cách khác ngài không phải là một nhân vật vô sanh và bất diệt. Nhưng do ở lòng từ bi, do ở lòng khoan dung, do ở đức khiêm tốn, do ở cuộc đời đạo đức thanh tịnh và trong sáng như pha lê, do ở ý chí vững mạnh trên con đường tìm đạo, đi tìm một chân lý vĩnh cửu cho cuộc đời, do ở trí tuệ hoàn toàn sáng suốt như kim cương. Ngài đã giác ngộ, ngài đã tỉnh thức và đã trở thành Phật. Ngài đã trở thành một con người siêu phàm, không phải từ lúc mới sanh ra cõi đời này nhưng từ khi ngài đã tỉnh thức, đã giác ngộ dưới gốc cây bồ đề do sức tự lực phấn đấu của ngài, lúc ấy ngài được 35 tuổi đời. Đức Phật rất khiêm tốn, ngài không bao giờ tư xưng mình là thượng đế hoặc là thần linh. Ngài luôn luôn khuyên những ai đang đi theo dấu chân của ngài thì hãy thực hiện những điều gì ngài đã dạy và đã làm; bởi vì khả năng trở thành Phật đều có sẳn ở trong chính mỗi một con người của chúng ta.
Đức Phật đã dạy cho chúng ta một sự tự do tư tưởng triệt để. Ngài đã khuyên các đệ tử của ngài rằng: đừng bao giờ tin theo các lời dạy của ngài một cách mù quáng chỉ vì sự tôn kính ngài, mà chỉ nên tin theo những lời dạy của ngài sau khi chính bản thân của người đệ tử đã suy nghĩ coi điều đó đúng hay sai, điều đó tà hay chính, sau khi đã thực chứng lời dạy ấy. Do đó, niềm tin nơi đức Phật luôn luôn chính người thực hiện đức tin đó soi sáng bằng lý trí của mình, bằng sự thực nghiệm tâm linh.
Qua giòng lịch sử thế giới trên 2609 năm, xuyên qua hàng triệu ngàn sách vở với nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, những lời dạy của đức Phật là chân lý đời đời từ ngàn xưa cho đến ngàn sau. Những lời dạy của ngài luôn luôn là ngọn đuốc sáng ngời để soi đường cho chúng ta giải quyết những ưu tư, những thắc mắc những vấn đề của cuộc đời và người đời ở bất kỳ thời đại nào và bất kỳ nơi nào trên thế giới của con người.
Ngày Phật đản thứ 2609 của đức Phật Thích Ca Mâu Ni lại đến với tất cả những người con Phật trên khắp thế giới một lần nữa. Các cộng đồng Phật giáo Việt Nam ở khắp năm châu trên thế giới đang hoan kỷ tưng bừng tổ chức trọng thể ngày Phật đản để ghi nhớ mãi mãi ý nghĩa sự ra đời và ý nguyện độ sinh của đấng từ phụ.
Toronto, Ngày Phật Đản 1985
Nguyễn Vĩnh Thượng