marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Ý Nghĩa Của Ngày Tết Nguyên Đán

           Nguyễn vĩnh Thượng


Tết Nguyên Đán là ngày lễ hội lớn nhất và có từ lâu đời nhất của người Việt Nam và Trung Hoa. Ở Việt Nam, người ta cử hành lể Tết Nguyên Đán rất là tưng bừng, nhộn nhịp và ở mọi nơi của đất nước. Ở hải ngoại, các cộng đồng người Việt cũng cử hành lể Tết một cách tưng bừng và nhộn nhịp như vậy.

Chữ Tết  có gốc từ chữ tiết tức thời tiết , ý chỉ sự luân chuyển của vũ trụ, của trái đất lần lượt từ các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu. Chữ Đán  có nghĩa là buổi sáng sớm, là khởi điểm của một năm mới.
Tết Nguyên Đán là một thời điểm để kết thúc năm cũ và mở đầu một năm mới theo âm lịch. Như vậy, Tết Nguyên Đán chính là biểu hiện  một sự hoà điệu giữa con người và thiên nhiênĐất - Trời - Người.
Tết là ngày hội của gia đình, người Việt Nam thường có tập tục tụ họp dưới một mái gia đình trong mấy ngày Tết. Dù phải xa nhà vì công ăn việc làm, hay phải đi ra tỉnh để đi học, người ta cũng cố gắng trở về sum họp dưới mái ấm gia đình để khấn vái trước bàn thờ ông bà, tổ tiên , và cũng có cơ hội sống lại những kỷ niệm của thời thơ ấu. Đó là tục lệ “về quê ăn Tết” của người Việt Nam mình.

Người ta chuẩn bị Tết có khi cả tháng trước đó.   Sơn nhà, chùi các bộ lư trên bàn thờ ông bà, trang trí lại nhà cửa. Các nhà nông hoặc những người buôn bán thì tính sổ cuối năm, kiểm điểm lại các hoạt động của năm qua và hoạch định đón chào năm mới với nhiều hy vọng sẽ gặp được nhiều điều tốt đẹp hơn.

Theo truyền thống tập tục của ông bà ta thì ngày 23 tháng chạp âm lịch là ngày tiển đưa ông Táo về Trời. Người ta tin tưởng rằng ông Táo về chầu Ngọc Hoàng để tâu trình các việc xảy ra ở trần gian trong năm qua. Không khí của ngày Tết Nguyên Đán cũng bắt đầu từ đây. Ngày xưa, người ta ăn Tết cả tháng: “ Tháng Giêng ăn Tết ở nhà“ , ngày nay thì ăn Tết ngắn hơn: vài ba ngày hoặc một tuần lễ.

Vài tục lệ trong ngày Tết như:
 Câu đối ngày Tết: người ta thường nhờ các ông đồ Nho viết câu đối ở trên giấy đỏ để dán lên cột nhà hay hai bên cửa nhà để mừng chúa xuân.
Tục chơi bông: người ta đi chợ bông để mua các loại bông tươi và đẹp trước các ngày Tết cho đến trưa ngày 30 Tết: hoa đào, hoa mai, hoa vạn thọ, hoa cúc vàng, trái quấc tức là trái tắc v..v.. để trang trí trong nhà cửa với niềm tin tưởng rằng màu sắc rực rở của bông tươi và trái tắc đầy cây tắc sẽ đem nhiều sự may mắn và hạnh phúc.
Tục chưng trái cây: chuối, bưởi, cam, quit, hồng, mảng cầu xiêm, dừa xiêm, đu đủ, xoài, thơm, một chùm sung để trên mâm chưng ở bàn thờ ông bà tổ tiên hoặc ở phòng khách.
Tục chơi tranh:  người ta thích tìm hoặc mua các bức tranh dân gian, các tấm lịch treo có in phong cảnh đẹp hoặc có in hình các thiếu nử đẹp.
Tục ăn mặc đẹp: vào ngày Tết người ta thường hoặc may các bộ quần áo mới hoặc lựa các bộ quần aó quý mà cả năm ít có dịp đem ra xài để ăn diện cho đẹp, và cả việc trang điểm cho đẹp hơn nữa. Thêm vào đó, người ta cũng sắm sửa các giày dép, nón, khăn v..v.. mới. Ngày Tết đi thăm người thân phải ăn mặc lành lặn và đẹp.
Tục ăn uống : ngày Tết nhà nào cũng chuẩn bị đầy đủ các loại bánh chưng, bánh tét…, kho thịt, kho cá,làm mức đủ loại v.v. để cả nhà được thưởng thức món ăn ngon và cũng để đải bạn bè, thân nhân; tục ngữ có câu:
” Đói đến chết ba ngày Tết cũng no”.
Trong ca dao cũng có câu tóm tắt sinh hoạt của ngày Tết:
            “Thịt mở, dưa hành, câu đối đỏ,
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.”

Lễ cúng tất niên : vào buổi trưa hoặc buổi chiều ngày 30 âm lịch, có năm tháng 12 thiếu thì vào ngày 29 âm lịch. Gia chủ lập mâm cơm trên bàn thờ ông bà tổ tiên, thắp đèn, đốt nhang, khấn vái, kính mời hương hồn ông bà, tổ tiên về chung vui với con cháu trong mấy ngày Tết.

Giao thừa là đúng 12 giờ đêm của ngày 30 âm lịch, hoặc ngày 29 âm lịch khi tháng 12 thiếu. Đây là thời điểm thiêng liêng nhất: năm củ đi qua, năm mới đến. Đó là sự giao cảm của Trời - Đất - Người (nói chung là có cả các sinh vật khác nữa).
Tiếng pháo giao thừa, người ta có tập tục cho pháo nổ vào đúng lúc giao thừa, tiếng pháo nổ vang rền từ nhà này sang nhà khác. Người ta tin tưởng tiếng pháo sẽ xua đuổi các điều xấu trong năm, tống đưa quá khứ. Tiếng pháo cũng có ý nghĩa là vui mừng, hy vọng một năm mới tốt đẹp hơn sẽ đến. Xác pháo màu hồng tươi ở trên sân nhà, ở trước cổng nhà vào ngày mồng một Tết cũng tượng trưng cho niềm vui và hạnh phúc. Ở Việt Nam, kể từ ngày Tết năm 1995, chính phủ đã tuyệt đối cấm đốt pháo với nhiều lý do như sợ hoả hoạn, lãng phí … Ở hải ngoại cũng bớt đốt pháo đi, tuy nhiên ở các Hội chợ Tết của các cộng đồng người Việt thì vẫn còn đốt pháo, muá lân.
 Hái lộc đầu xuân, người ta thường đi chùa vào đêm giao thừa rồi hái các cành cây non ở chùa với tin tưởng rằng sẽ đem nhiều vận may về, tuy nhiên việc hái lộc đã làm trơ trọi các cây kiểng trong khuôn viên chùa, nên ngày nay chùa nào cũng có bản yêu cầu đừng hái lộc để bảo vệ các cây kiểng đó, khách thập phương đã thay thế nhánh cây bằng cây nhang đã đốt, và đem cây nhang về nhà, coi đó như là một cái lộc vậy.
Chúc tụng: ngày Tết Nguyên Đáng được coi như là một ngày thiêng liêng nên người chúc tụng các lời tốt đẹp với nhiều hy vọng vui mừng trong năm mới. Người lớn thì lì-xì, cho tiền mới cho trẻ em khi các em mừng tuổi. Tiền mừng tuổi vừa có ý nghĩa tượng trưng của sự may mắn, vừa có ý nghĩa thực tế đối với trẻ em; trẻ em có tiền tiêu xài và thường nhớ rỏ các người lớn đã từng cho tiền mừng tuổi.
Tục xông nhà,xông đất: theo tục lệ thì người đầu tiên đến nhà mình vào ngày mồng một thì người này được coi là người xông nhà, xông đất. Người ta tin tưởng nếu người xông nhà tốt hoặc có tên với ý nghĩa tốt hoặc người có đức độ thì sẽ đem đến may mắn cho gia đình đó cả năm.
Tục xuất hành: theo tục lệ có nhiều người tin rằng vào ngày mồng một, muốn ra khỏi căn nhà thì phải chọn giờ tốt, hướng  tốt mà đi.
Tục  khai bút: các nhà nho xưa có tục thường làm thơ hoặc viết những dòng chữ ngắn đầu tiên vào ngày mồng một để mong sẽ đem đến vận may mắn.
Các trò chơi ngày Tết: tùy theo lứa tuổi mà người ta chọn các trò chơi vào ngày Tết để thích hợp với mình: đánh bài, chơi bầu cua cá cọp, đánh cơ, đấu vật, các trò chơi thể thao v..v..
Tiển ông bà: theo tục lệ thì vào chiều ngày mồng ba người ta nấu cơm để làm lể tiển đưa ông bà sau mấy ngày sum họp với con cháu. Ngày Tết coi như chấm dứt. Ngày xưa, người ta ăn Tết cả tháng, ngày nay vào ngày mồng 4 , mọi sinh hoạt bắt đầu trở lại bình thường.

Kết Luận:
          Tết Nguyên Đán được coi là một cái móc thời gian giao tiếp giữa năm cũ và năm mới tính theo âm lịch. Các tập tục trong ngày Tết đã được dân tộc Việt Nam và Trung Hoa giữ gìn từ lâu để đón một mùa xuân mới. Mặc dầu truyền thống cử hành trang trọng ngày Tết vẫn còn, nhưng qua thời gian cũng có sự thay đổi để thích nghi theo cuộc sống xã hội đổi thay.

Ngày nay, nơi quê hương thứ hai- như Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Úc … các cộng đồng Việt Nam ở khắp nơi đều có tổ chức ngày hội Tết để đón chào chuá xuân. Ở trong gia đình, mọi người cũng quay quần xum họp trong ngày Tết Nguyên Đán để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên và để tưởng nhớ quê hương đã ngàn trùng xa cách.

                                 Toronto, 16 December 1998
                                 Nguyễn vĩnh Thượng


( trích từ Canada Việt Báo, Mississauga, Ontario, Canada )