Nguyễn Văn Lục
Từ năm 1918 bắt đầu chấm dứt thi Hương. Nhưng mãi
đến năm 1950 mới bắt đầu có kỳ thi tú tài 2, tiếng Việt. Có nghĩa là chỉ trong
vòng 25 năm, môn triết Tây mới chính thức được giảng dạy ở Bắc và nhất là miền
Nam VN... Thời gian kể là ngắn. Vậy mà sức tác động và ảnh hưởng của nó trên
giới thanh niên trí thức miền Nam thật lớn lao đến không ngờ được. Chúng tôi đã
gặp lại bạn bè cùng trang lứa đều cảm thấy hãnh diện về điều ấy.
Bài viết này viết với tâm thành của một người
trong cuộc nhìn lại mình, nhìn lại bạn bè, nhìn lại thế hệ mình, nhìn lại tầm
ảnh hưởng những tư tưởng ấy trên mỗi cá nhân. Nó đã cuốn lốc theo cả một thế hệ
như cơn lũ, kéo theo những bè mảng, những *ngộ nhận*, những *huyền thoại*
từ nhiều phía, ngay cả những om xòm nếp sống chán chường buông thả. Nhưng
nó cũng nâng lên tầm cao ý thức trách nhiệm, *dấn thân*, *nhập cuộc*,
*lên đường* và đưa đến những quyết định chọn lựa, những thái độ
trước thời cuộc của từng người... Nó cũng ảnh hưởng trên những xu hướng chính
trị, những xác lập về một thái độ cần phải có trước hiện tình đất nước như
chống chiến tranh, khát vọng hòa bình, mong mỏi đất nước không còn chiến tranh,
cho cây rừng còn xanh lá. (tựa đề sách của Nguyễn Ngọc Lan)
Đã có biết bao nhiêu đổi thay, biết bao ngã rẽ,
chọn lựa, cảm thức về sự thành bại hay thất vọng, nhưng chúng tôi cảm thức được
rằng chúng tôi đã nhận được từ một nền giáo dục ấy những hành trang cho tuổi
trẻ lên đường. Chúng tôi hãnh diện về điều ấy. Bài viết sau đây muốn đi lại từ
đầu những vị đã đóng góp cho ngành triết học Tây Phương ở miền Nam Việt Nam,
đồng thời nêu bật những đặc tính cũng như tinh thần giảng dạy của môn học này
tác động trên giới trí thức thành thị như thế nào. Chúng tôi sẽ giải thích
thế nào để chúng tôi có quyền hãnh diện. Và đó là mục đích chính của bài
này.
Nguồn: http://www.art2all.net/tho/tho_nvl/nvl_20namtriet.html