marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

Khái niệm triết học tại Saigon trước 1975

 Dương Ngọc Dũng

Về phương diện chính trị văn hóa có thể khẳng định ngay thành phố Sài Gòn là trung tâm của miền Nam, giống như Huế ở miền Trung hay Hà Nội ở miền Bắc. Cái gọi là triết học phần lớn phát xuất từ các trí thức Nam bộ có may mắn được đi học trường Tây và hấp thụ văn hóa Pháp, chẳng hạn Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, Trần Văn Giàu, Phan Văn Hùm, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long. Mặc dù tất cả những người này không ai được đào tạo chính qui trong ngành triết, nhưng do tình hình lịch sử khách quan đã tập trung sự chú ý của họ (tôi muốn nói Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, và Trần Văn Giàu) vào triết học, chủ yếu là triết học Marx. Do đó ngay từ đầu triết học đã gắn liền với giai cấp trí thức cao cấp nhất trong xã hội thời đó: những người do học vấn hay khả năng tài chính có thể du học bên Pháp, sử dụng tiếng Pháp, và có bằng cấp cao về luật, văn chương, hay toán học. Chính vì vậy việc thảo luận triết học giữa các trí thức nói trên ngay từ đầu đã mang tính chất “tinh hoa”, “quý tộc”, mà người thường (không thông thạo Pháp văn) hoàn toàn bị loại ra khỏi vòng chiến. Có thể nói mà không sợ quá lời rằng giỏi tiếng Pháp trong những thập niên 40 là được coi gần như một loại “thiên tài” hoặc ít ra cũng thuộc về môn thứ câu lạc bộ thu hẹp chỉ gồm các phần tử tinh hoa, ưu tú nhất của dân tộc. Di sản của quan niệm này đã di cư vào các chương trình trung học và đại học Văn Khoa được thành lập tại miền Nam sau năm 1954. Hai đặc trưng của di sản này là: học nổi triết học tức là “thiên tài” và “thiên tài” thì phải nói tiếng Pháp “như gió.” Hoàn cảnh khách quan là những người đầu tiên xây dựng chương trình cho đại học Văn Khoa chủ yếu bao gồm hai lực lượng trí thức chính: giới cựu học (giỏi Hán văn) và lớp tân học (giỏi Pháp văn), nhưng dĩ nhiên lớp tân học đóng vai trò quan trọng hơn trong công tác điều hành, quản lý, và soạn thảo chương trình. Bộ phận triết học hoàn toàn được mô phỏng theo chương trình giảng dạy của Pháp, ngay ở cấp trung học cũng thế: căn bản triết học bao gồm tâm lý học, đạo đức học, luận lý học, và siêu hình học. Các danh từ triết học trong sách giáo khoa trong giai đoạn đầu chỉ là những cố gắng phiên dịch từ các thuật ngữ Pháp văn tương đương cho nên càng củng cố tính chất “quý tộc” sẵn có trong bộ môn triết vì đó là những thuật ngữ Hán Việt nghe hết sức “cao sang”, “huyền bí,” chẳng hạn như: tiên thiên, hậu nghiệm, siêu hình, tam đoạn luận, diễn dịch, quy nạp, v.v… Tôi còn nhớ khi học lớp Đệ Nhất (tức lớp 12 bây giờ) rất nể phục các học sinh học luôn siêu hình học (métaphysique) trong chương trình ban C (Văn chương, sinh ngữ), vì nếu theo ban A (Lý, hóa vạn vật) hay B (Toán, lý, hóa) thì môn triết chỉ bao gồm ba môn tâm lý, đạo đức, và luận lý mà thôi.  Tôi cũng chẳng biết siêu hình học là cái gì, nhưng nội nghe ba chữ “siêu hình học” là đã thấy hết sức tâm phục khẩu phục rồi, cho rằng phải tài ba xuất chúng lắm mới học nổi một môn học cao siêu như vậy. Những sinh viên học triết ở bậc đại học thì càng được tôi sùng bái kính cẩn hơn nữa, nói gì đến các bậc giáo sư có bằng cấp triết học từ tận Pháp quốc trở về. Đối với đầu óc của tôi bấy giờ (những thập niên 60 và 70) các bậc giáo sư đó không phải đơn thuần chỉ là “thiên tài” mà chính họ là hiện thân của “chân lý tuyệt đối”. Tôi muốn nói đến các giáo sư Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Trung, Lê Thành Trị, Lê Tôn Nghiêm, những “ngôi sao” của đại học Văn Khoa thời bấy giờ.
Đọc tiếp, xin mời bấm vào đây: Triết học tại Saigon trước 1975.
Nguồn: www.chungta.com