marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

GS TS Trần Thái Đỉnh (1922-2005)


Thụy Khuê
 
     
Tiểu sử  

 Trần Thái Đỉnh sinh ngày 14 /11/ 1922 tại Hưng Yên. Mất ngày 13/11/2005 tại Sài Gòn. Bút hiệu khác là Trần Hương Tử. Học trường đạo từ nhỏ, vào Tiểu chủng viện Trung Linh, Bùi Chu. Sau đó, được gửi theo học Đại chủng viện Saint Sulpice (Xuân Bích), Hà Nội. Trở lại Bùi Chu, học thần học tại Đại chủng viện Quần Phương. Thụ phong linh mục năm 1947. Được chỉ định dạy học tại Tiểu chủng viện ở Bùi Chu.

 Năm 1953, qua Pháp du học, gia nhập Tu hội Saint Sulpice tại Issy-les-Moulinaux. Trong hai năm (1955-1957), ông dự thính trực tiếp những bài giảng của triết gia Merleau-Ponty tại Collège de France (Pháp Quốc Học Viện). Đậu tiến sĩ triết học tại Institut Catholique de Paris năm 1958.

Trở về Việt Nam, ông dạy triết tại Đại chủng viện Bùi Chu, Gia Định, đồng thời dạy triết Tây tại các đại học Văn khoa Sài Gòn và Đà Lạt. Năm 1972, ông giữ chức Trưởng ban Việt ngữ tại Đại học văn khoa Đà Lạt và được bầu làm Bề trên Tu hội Saint Sulpice tại Việt Nam và Giám đốc Đại chủng viên Xuân Bích tại Huế. Dạy triết Tây cho Đại học Văn khoa Huế.

 Năm 1973, vì tai nạn xe gắn máy, ông phải điều trị ở bệnh viện một năm. Trong hoàn cảnh này, ông bỏ tu. Sau 1975, ông bỏ hàng ngũ linh mục, lập gia đình.

Sau 1975, các giáo sư của miền Nam không còn được giảng dậy ba môn: Văn, Sử, Triết, nữa; Nguyễn Văn Trung lui về nghiên cứu. Theo Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh nhận việc dịch những văn bản nội bộ của nhà chung để sinh sống. Trong suốt thời gian từ 1975 đến 2005, khi ông mất, giáo sư Trần Thái Đỉnh không viết thêm gì về triết học nữa. 

Tác phẩm:

La théorie du Bouddhisme (Lý thuyết Phật giáo) Luận án tiến sĩ, Paris, 1960.

  Khái niệm bản ngã trong tư tưởng triết học Phật giáo, Sài Gòn.
Người công giáo trước thời đại (viết chung), Sài Gòn, Đạo và Đời, 1961.
Triết học nhập môn, Sài Gòn, 1961.
Những suy niệm siêu hình học của Descartes, Sài Gòn, 1962.
Triết học hiện sinh (1967).
Cơ cấu luận (1968).
Hiện tượng học là gì? Sài Gòn, Hướng Mới, 1969.
Biện chứng pháp là gì?
Sài Gòn, Hướng Mới, 1969.
Triết học Kant, Sài Gòn, 1969.
Phương pháp luận Descartes, Sài Gòn, 1973.
Những lời giảng dạy của chúa Giêsu, tpHCM.
Sách giáo lý của giáo hội công giáo, bản dịch cuốn Catéchisme de l'Eglise Catholique của Giáo hội Pháp, Paris, 1992. Sách dầy 1270 trang, CA, Thời điểm Công giáo, 1995. (Theo trang www.chungta.com, chúng tôi chưa có điều kiện để kiểm chứng lại.) 

Không ai có thể chối cãi tầm quan trọng của triết học trong đời sống văn học. Hiển nhiên là một nhà văn chỉ có thể viết một cách sâu sắc, nếu tư tưởng đạt đến một chiều sâu triết học nào đó. Có thể nói, nếu không có ảnh hưởng triết học hiện sinh, chúng ta không có những thành tựu của nhóm Sáng Tạo, hay nhạc Trịnh Công Sơn.

 Một nền văn học không đi kèm với một nền giáo dục triết học như tình trạng hiện nay của chúng ta, tất nhiên giới sáng tác trẻ đã và sẽ còn bị thiệt thòi. Và đó là lý do khiến chúng tôi trở lại với những cố gắng quảng bá triết học Tây phương vào Việt Nam của một số giáo sư đại học những năm 60 của thập kỷ trước, mà linh mục Trần Thái Đỉnh là một khuôn mặt độc đáo.

Viết về triết học, Trần Thái Đỉnh luôn có sự lựa chọn mấu chốt cơ bản, để người đọc có thể nắm được cái sườn chính của con đường tư tưởng: ông viết về Descartes, vì Descartes là cha đẻ của nền triết học mới, hiểu theo nghĩa chữ moderne. Ông viết về Kant vì Kant được coi là cha đẻ của triết học đương thời hay ngày nay, hiểu theo nghĩa chữ contemporain: Kant là người thầy đầu tiên của triết học hiện sinh.

Ông viết về biện chứng pháp vì biện chứng pháp là phương pháp luận của mọi thời.

Ông viết về hiện tượng học vì hiện tượng học, cho đến nay, vẫn là phương pháp khoa học chính xác nhất có thể áp dụng cho tất cả các nền khoa học nhân văn và tư tưởng.

Trong tương lai sẽ phải phục hồi dần môn triết học ở đại học Việt Nam, những công trình nghiên cứu triết học của giáo sư Trần Thái Đỉnh đã và sẽ còn giúp phần không nhỏ cho sinh viên trong những bước đầu làm quen với triết học, giúp họ hiểu thấu một số vấn đề cơ bản của triết học cũng như có một cái nhìn toàn thể về lịch sử tư tưởng trước khi bước sâu vào các địa hạt chuyên môn như sáng tác hoặc biên khảo.

 Vì vậy, việc in lại sách của Trần Thái Đỉnh, trở thành một đòi hỏi tất yếu, trong tình trạng thiếu sách viết về triết học hiện nay. Mặc dầu đã có vài cuốn sách triết được dịch, nhưng vẫn thiếu những sách giáo khoa cơ bản. Chính loại sách phổ thông này mới thực sự giúp cho độc giả nhập môn triết học, rồi sau đó mới có thể đi sâu vào việc "đọc" trực tiếp những triết gia, là giai đoạn thứ nhì, của những sinh viên làm luận án hoặc các chuyên gia về triết học.


Nguồn: http://thuykhue.free.fr/stt/t/ttdinh00.html