marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Hòn Vọng Phu

Sừng sững trên các dốc núi thường có những tảng đá được thiên nhiên tạo dựng trong hàng trăm năm qua.  Thời gian, mưa nắng, gió sương cùng nhau góp phần bào mòn làm cho đá có hình tượng mỹ thuật hơn. Nếu “tượng” như vậy chỉ núp mình trong rừng cây rậm rạp, có lẽ ít người biết đến; nhưng nếu tượng phơi mình trên ngọn núi hay dọc theo triền núi, ít cây cỏ chung quanh, thì gây được sự chú ý, chiêm ngưỡng của nhiều người hơn. Chuyện thông thường như vậy xuất hiện khắp nơi trên thế giới; nhưng với óc tưởng tượng phong phú, người Việt đã biến các tượng đá thành huyền thoại. Gần như hể ở đâu có núi đồi, có đá lộ thiên là nơi đó có tượng đá mang tên người. Tượng “người vợ ôm con trông chồng hoá đá” có lẽ là tượng được nhiều người hâm mộ nhất và được nhiều người viết nhất trong Văn học Việt Nam từ rất nhiều năm qua, với tên tượng Vọng Phu.

Nhiều người thắc mắc không biết tượng Vọng Phu thật sự ở đâu trên xứ Việt và bao nhiêu tượng đã được mệnh danh Vọng Phu. Theo một nguồn đáng tin thì Việt Nam có hơn 12 núi Vọng Phu, rải rác từ miền Bắc, xuống tận cuối miền Trung (vì miền Nam không có nhiều núi). Nổi tiếng nhất là núi Vọng Phu ở Lạng Sơn vì núi này nằm ở miền Bắc, cái nôi của nền văn học Việt. Núi này còn mang tên Núi Tô Thị, kết hợp với huyền thoại Tô Thị trông chồng hoá đá. Tiếc rằng vào tháng 7 năm 1991 nàng Tô Thị trong huyền sử đã bị người ta giết hại, đốt xác nàng để lấy đá làm vôi! Chỉ vì chút nông nổi người ta đã phá tan một di tích lịch sử; và sau cùng lại thay thế bằng một tượng đá vá víu, không còn giá trị gì nữa! 

Núi Vọng Phu nổi tiếng thứ nhì còn được gọi là Hòn Vọng Phu Núi Bà, ở Bình Định.


Truyện tích xưa kể rằng có một ngày người chồng vô tình khám phá đã cưới nhầm đứa em ruột làm vợ, nên hổ thẹn, bỏ vợ con, ra đi biền biệt. Người vợ không hiểu lý do khiến người chồng ra đi, nên nàng cứ mòn mỏi đợi chờ. Rốt cuộc nàng đành leo núi tìm chồng, hy vọng ở trên cao nàng dễ phát hiện bóng hình của chồng. Nhưng chỉ có gió, có nắng, có sương mà không có hình bóng của người thương. Nàng vẫn kiên tâm đợi chờ và chết đi lúc nào không ai hay biết, cuối cùng hoá đá như làm chứng nhân cho cuộc tình chung thuỷ (của nàng), cho niềm hy vọng không hề tắt.


Nhưng ai có thể biết được người chồng có thật sự hổ thẹn mà trốn đi hay không. Không chừng anh ta đã theo tiếng gọi của con tim (khờ dại) mà đành bỏ vợ yếu, con thơ để chạy theo duyên mới. Người ta không quan tâm đến người chồng trong huyền thoại, mà chỉ tội nghiệp cho người vợ. Ngày nay cũng có những chuyện người chồng “mất tích”, “mất xác” trong thời chiến; người vợ ở nhà đau buồn, nhưng vẫn cố tự trấn an rằng “ảnh chưa chết; biết đâu khi hết chiến tranh, ảnh lại về!”. Nhưng sau khi chiến tranh tàn, người chồng vẫn biển biệt không thấy về. Có khi người chồng cũ trở về, mang theo một người vợ khác, gây bẽ bàng, chồng chất đau khổ thêm cho người vợ cũ. Trong hai hoàn cảnh này, người vợ nào đáng thương hơn? Kết cuộc nào lãng mạn hơn?

Có lẽ thà để người đi, đi mãi không về, như một vở tuồng không có hậu: tan vở, ngậm ngùi để người xem còn vương vấn một nỗi buồn, còn nuối tiếc một hình ảnh mà người xem không muốn tan. Hơn 70 năm trước, có người đã bỏ ra nhiều công sức để gìn giữ hình ảnh đó, không bằng tranh, không bằng ảnh, mà bằng âm nhạc qua bài Hòn Vọng Phu, thiên trường ca đầu tiên trong lịch sử âm nhạc Việt Nam! Từ đó cất vang tiếng vó ngựa dồn dập đưa tiễn chinh nhân, tiếng gió hú trên đầu núi làm bạn với người vọng phu mòn mỏi ngóng tin chồng và tiếng vó ngựa lại dục dã theo gót chinh nhân trở về; nhưng, người đáng lẽ phải về lại không về! Từ đó không biết bao nhiêu người yêu thích âm nhạc đã làm sống lại trang tình sử này bằng tiếng đàn, tiếng hát và còn ngạo nghễ khoe mình trên các sân khấu quốc tế.

Bây giờ mời bạn thưởng thức tiếng đàn mandolin réo rắt của nhạc sĩ Tạ Anh Siêu

                  

tiếng đàn guitar độc tấu của nhạc sĩ Ngô Tín

                                    

tiếng đàn guitar có một không hai của nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt



tiếng đàn guitar + mandolin của 5' Việt "Hòa Tấu Một Mình


tiếng đàn tranh của nhạc sĩ  Đăng Thảo


tiếng đàn tranh, đàn Tứ của nhạc sĩ Hải Phượng - Trần Quang


tiếng đàn tranh của nhạc sĩ Hải Phượng và dàn hoà tấu


tiếng đàn bầu của nhạc sĩ Jason Nguyễn


tiếng hát của ca sĩ Bích Liên


tiếng hát của ca sĩ Thanh Tuyền


tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh


tiếng hát của ca sĩ Chế Linh



tiếng hát của ca sĩ Duy Khánh


tiếng hát của ca sĩ Hoàng Oanh, Thanh Lan, Duy Quang


tiếng hát của ca sĩ Thế Sơn -Họa Mi - Ngọc Hạ & Thiên Tôn


tiếng hát của Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Duyên Quỳnh


tiếng hát của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi

                   

tiếng hát với dàn  nhạc giao hưởng Melbourne


và tiếng nhạc Rock của ban UnlimiteD



Mời bạn ghé thăm Hòn Vọng Phu I, II, III để xem 3 bản nhạc (có lời, dưới dạng PDF) bất hủ của nhạc sĩ Lê Thương. Bạn có thể dùng PDFtoMusic để “tấu” 3 bài nhạc này theo nhạc cụ do chính mình chọn; thí dụ như dùng violon trong phiên bản Hòn Vọng Phu I dưới đây

Sau củng, mời bạn thưởng thức bài Hòn Vọng Phu qua màn hợp tấu dưới đây