Điều thú vị nhất của một người học Phật là được học hỏi nội dung những lời dạy của đức Thế Tôn ngay chính từ những gì xảy ra trong thực tế cuộc sống này chứ không phải chỉ trên những trang kinh tĩnh lặng. Vì thế, người Phật tử cầu học luôn mang ơn sâu sắc những ai chỉ ra cho mình các nhận thức sai lệch hoặc chưa thực sự chuẩn xác, bởi điều đó giúp ta điều chỉnh lại kịp thời những sai lầm của bản thân, và nhờ đó mới có thể tiếp tục con đường tu học theo đúng hướng.
Chúng tôi – bao gồm Jayarava, Giáo sư Lê Tự Hỷ và
tôi – đã suýt có được một cơ hội may mắn được hàm ơn như thế, khi cả ba người
đều được đưa vào trong một bài viết của anh Trịnh Đình Hỷ với nhan đề “Về các bài phê bình bản dịch mới Tâm Kinh của thiền
sư Thích Nhất Hạnh”. Các bài “phê bình” được “điểm mặt chỉ tên” ở đây
là bài viết của tôi đăng tải từ tháng 11 năm 2014 (khoảng 3 tháng sau khi “bản dịch” Tâm kinh mới
của thầy Nhất Hạnh được công bố), bài của Jayarava (bằng Anh ngữ) được công bố
tháng 3 năm 2016 và bài của Giáo sư Lê Tự Hỷ,
vừa được đăng tải gần đây nhất vào ngày 29 tháng 11 năm 2017. Trong các bài
viết này, chỉ duy nhất bài của Jayarava dùng đến chữ “critique” (phê phán) một
lần trong bài cũng như được viết với văn phong phê phán rõ nét, còn bài của tôi
và Giáo sư Lê Tự Hỷ đều chỉ nhằm nêu lên một số ý kiến xoay quanh vấn đề “dịch
lại” Tâm kinh chứ không nhắm đến phê phán hay bình phẩm. Giáo sư Lê Tự Hỷ xác
định rất rõ khuynh hướng này từ đầu bài viết: “...với lòng vô cùng tôn kính
thầy Nhất Hạnh, tôi xin nêu ra một số suy nghĩ như sau.”
Ông Jayarava là người nói tiếng Anh, sống ở
Cambridge, nên bài viết của ông chỉ nhằm vào bản dịch tiếng Anh của thầy Nhất
Hạnh. Mọi liên kết, so sánh với bản Việt dịch của thầy đều là dụng công của
người Việt dịch, không phải chủ ý của ông. Và cũng vì thế, rào cản ngôn ngữ sẽ
không cho phép ông tiếp cận được với bài viết đặc biệt này của anh Trịnh Đình
Hỷ. Riêng Giáo sư Lê Tự Hỷ đã có lời cảm ơn trang trọng gửi đến anh Trịnh Đình
Hỷ qua lời mở đầu trong bài viết: “Vài nhận xét về “Về các bài phê bình bản dịch mới
Tâm kinh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh của Bác sĩ Trịnh Đình Hỷ”. Bản thân tôi có lẽ cũng nên có đôi lời cảm kích
về bài viết dụng công rất lớn của anh Trịnh Đình Hỷ vì đã cùng lúc đưa ra phân
tích cả ba bài viết, mà mỗi bài trong số đó đều hàm chứa những nội dung không đơn
giản, nếu không muốn nói là khá khúc chiết và phức tạp.
Tuy nhiên, trước hết tôi muốn nhân đây có lời cảm
ơn chân thành đến Jayarava và Giáo sư Lê Tự Hỷ. Qua bài viết của cả hai vị, tôi
đã có cơ hội đọc lại bài viết của mình cách đây hơn 3 năm; và từ bài viết của
hai vị, tôi đã củng cố được nhiều nhận thức bổ ích về Tâm kinh, học hỏi thêm
được nhiều điều mới lạ từ những góc nhìn khác nhau đối với văn bản Tâm kinh.
Tôi chưa có cơ hội trao đổi với Giáo sư Lê Tự Hỷ, nhưng đã có thư từ qua lại
với Jayarava nhằm làm rõ thêm các ý tưởng của ông trong bài viết. Vì thế, tôi
không chỉ học hỏi từ ông qua bài viết, mà còn cả trong các lá thư ông viết cho
tôi nữa.
Mặc dù cả hai bài viết của Jayarava và Giáo sư Lê
Tự Hỷ đều chỉ mới công bố khá muộn so với bài viết của tôi, khi vấn đề “dịch
mới Tâm kinh” đã phần nào lắng xuống và cũng ít người còn nhớ đến, nhưng tôi nhận
ra được khá nhiều điểm tương đồng trong các nhận xét của họ. Hơn nữa, góc nhìn
phân tích của hai vị đều khác biệt, và chính những khác biệt này là điều cho
phép tôi học hỏi được rất nhiều.
Tôi cũng chân thành cảm ơn dịch giả Phước Nguyên vì
thông qua việc phát hiện và nêu ra các sai lầm nghiêm trọng trong bản Việt dịch
của vị này rồi gửi đến cho BBT Thư viện Hoa Sen, tôi mới có cơ hội dành nhiều thời
gian cho bài khảo cứu của Jayarava. Rất nhiều chỉnh sửa trong bản dịch của dịch
giả Phước Nguyên ngay sau đó được “copy” từ bản Việt dịch của tôi trên trang
nhà Rộng Mở Tâm Hồn,
nhưng rất tiếc là vào một thời điểm tôi chưa thực sự hoàn tất. Vì thế, quý độc
giả quan tâm có thể tìm đọc bản hoàn chỉnh hiện nay tại đây. Trên tinh thần
trách nhiệm học thuật tôi buộc phải nói ra điều này (vì dịch giả Phước Nguyên
đã không đề cập đến) để tránh cho độc giả sự hiểu lầm về một số điểm giống nhau
và có thể sẽ nhầm lẫn rằng chính tôi đã “sao chép” từ một bản dịch được công bố
trước.
Trở lại với bài viết của anh Trịnh Đình Hỷ, tôi đã hết
sức vui mừng khi vừa đọc qua đoạn mở đầu:
“... với chủ yếu 3 bài phê bình và nhận xét được
đăng trên mạng, của Nguyễn Minh Tiến, Jayarava Attwood, và Lê Tự Hỷ. Điều đó chứng
tỏ sự quan tâm đặc biệt vào bài Kinh này bởi các Phật tử và các nhà Phật học,
và theo tôi tự nó là một điều đáng mừng và nên khuyến khích. Kinh Phật không
phải chỉ để tụng niệm, đóng khung trưng bầy hay giữ trong tủ sách, mà phải được
suy ngẫm, tìm hiểu sâu về ý nghĩa cũng như lịch sử của chúng.
Tuy nhiên, đọc xong các bài phê bình và nhận xét
này, tôi không khỏi thất vọng về chất lượng, chiều sâu cũng như tầm nhìn của
chúng, bởi vì phần lớn đặt nặng vào hình thức hơn vào nội dung, và luẩn quẩn
trong các chi tiết nhỏ nhặt, các lập luận phức tạp về ngôn ngữ, mà không thấu
hiểu dụng tâm của tác giả, cũng như những khó khăn gặp phải mỗi khi đọc và dịch
Tâm Kinh.”
Sự vui mừng của tôi không phải vì các bài viết này
được anh cho là “đáng mừng và nên khuyến khích”, mà là từ câu phê phán
đầy hứa hẹn của anh: “Tôi không khỏi thất vọng về chất lượng, chiều sâu cũng
như tầm nhìn của chúng, bởi vì phần lớn đặt nặng vào hình thức hơn vào nội
dung, và luẩn quẩn trong các chi tiết nhỏ nhặt, các lập luận phức tạp về ngôn
ngữ, mà không thấu hiểu dụng tâm của tác giả...”
Thử tưởng tượng, ngày còn đi học mà nghe thầy cô
giáo buông ra một câu phê phán cỡ này sau khi đọc qua bài luận văn của mình,
hẳn bất kỳ ai trong chúng ta cũng sẽ buồn nẫu ruột vì biết chắc sau đó là một
điểm không to tướng. Thế nhưng, khi đã bước chân vào đời, thì hầu như những cơ
hội được nghe phê phán như thế này không nhiều lắm, nếu không muốn nói là cực
kỳ hiếm hoi. Biết bao nhiêu rào cản như sự nể nang, tình cảm, hoặc thường gặp
hơn là sự thiếu quan tâm thực sự, hoặc đơn giản hơn nữa chỉ là vì muốn né tránh
sự va chạm... đã khiến cho những phê phán trung thực (và nghiêm khắc) có rất ít
cơ hội được đưa ra với chúng ta. Thú thật, trong gần hai mươi năm chính thức
làm công việc viết lách, đây là lần đầu tiên tôi được nghe một lời phê phán như
trên. Vì thế, tôi không dám nói thay cho tâm trạng của Giáo sư Lê Tự Hỷ, nhưng
riêng bản thân tôi thì sự vui mừng thật không bút nào tả xiết, bởi đây mới
chính là điều một người học Phật cần được nghe từ người khác. Không phải những
lời ngợi khen tán tụng, mà là sự phê phán trung thực và nghiêm khắc, chỉ ra
được những điểm sai lầm hoặc yếu kém của bản thân mình.
Cũng xin nói ngay để tránh sự hiểu lầm, tôi vui
mừng không phải vì đã đạt đến sự “khen chê bất động”, mà vì một suy nghiệm rất đơn
giản trong lãnh vực học thuật. Một khi đã nêu ra tiên đề phê phán vấn đề gì, chắc
chắn người viết sẽ có trách nhiệm tiếp tục đưa ra những luận cứ thuyết phục
người đọc về nội dung phê phán đó. Vì thế, nguyên nhân vui mừng thực sự của tôi
không phải là vì “bị chê”, mà nó nằm xa hơn chút nữa là vì tôi hết sức háo hức mong
đợi được nghe phân tích những bất ổn, yếu kém hoặc sai lầm của mình đã dẫn đến
sự phê phán trên. Và tất nhiên, đó mới là điểm quan tâm chính.
Xem tiếp, xin bấm vào đây
Nguồn:
https://thuvienhoasen.org/a29065/cot-loi-ban-dich-moi-tam-kinh-cua-thay-nhat-hanh-qua-bai-viet-cua-trinh-dinh-hy