marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

Vài suy nghĩ khi đọc bài của Jayarava phê bình TNH biến đổi Tâm Kinh

Nguyễn Minh Tiến

Dẫn nhập
Nói một cách chính xác thì đây là vài suy nghĩ của riêng tôi về Tâm kinh Bát-nhã, nhưng đặt tiêu đề như trên là vì chúng được dẫn khởi từ bài tiểu luận của Jayarava mang tựa đề “Thich Nhat Hanh's Changes to The Heart Sutra”; mà sở dĩ tôi buộc phải đọc kỹ bài của Jayarava để có những suy nghĩ trình bày dưới đây, thì lại là duyên khởi từ bản dịch có tên “Jayarava phê bình Thích Nhất Hạnh đã biến đổi Tâm Kinh”.

Việc giải thích dài dòng như trên là để xác định trước với quý độc giả rằng tôi viết bài này từ góc nhìn của một người Phật tử nghĩ về Tâm kinh, cho nên tất yếu sẽ có phần nào đó khác với góc nhìn của một nhà nghiên cứu hay học giả. Từ sự khác biệt đó, nếu quý độc giả tiếp cận bài viết này từ góc độ thuần túy học thuật, sẽ có một số điểm cần cân nhắc kỹ để quyết định về tính thuyết phục của chúng, nhưng nếu tiếp cận từ góc độ của một người Phật tử giống như tôi, thì chắc chắn sẽ có nhiều sự đồng cảm hơn. Có thể nói ngắn gọn, bài viết này của tôi mang nhiều tính chủ quan của người viết hơn là một bài khảo cứu thuần túy khách quan, và tôi hy vọng việc báo trước điều đó với quý độc giả sẽ giúp tránh đi những tranh biện không cần thiết về mặt học thuật. Những suy nghĩ của tôi có thể đúng hoặc sai, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào sự phán xét của mỗi độc giả, nhưng điều chắc chắn là không ai có thể áp đặt suy nghĩ hay quan điểm của riêng mình lên người khác. Và do đó, mong rằng quý độc giả khi bỏ thời gian đọc bài viết này sẽ hoàn toàn tỉnh táo trong việc tự mình đưa ra quyết định đánh giá cuối cùng mà không phụ thuộc vào bất kỳ yếu tố tác động nào từ người khác.

Mặc dù vậy, cũng xin nói thêm rằng tôi hoàn toàn không viện dẫn yếu tố chủ quan để tùy tiện đưa ra những suy nghĩ, nhận xét này. Là người Phật tử, chúng ta nên tâm niệm những điều mà đức Phật đã dạy trong kinh Kalama: “Đừng tin một điều gì chỉ vì nghe báo cáo, đừng tin vì nghe theo truyền thuyết hay truyền thống; đừng tin vì theo kinh điển truyền tụng hay lý luận suy diễn, hoặc vì diễn giải tương tự, hoặc vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; đừng tin vì phù hợp với định kiến; đừng tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, đừng tin vì vị sa-môn nói ra điều đó là bậc đạo sư của mình.” Dựa trên lời dạy đó, để thuyết phục người khác tin vào nhận xét hay quan điểm của mình thì điều tất yếu trước tiên phải là đưa ra được những luận cứ khách quan và hợp lý. Đó là những gì tôi sẽ cố gắng tuân theo trong bài viết này. Vì thế, tôi vẫn tin chắc một điều là người đọc sẽ luôn có sự phán xét tỉnh táosáng suốt mà không phụ thuộc vào sự tác động vô tình hay cố ý thiếu khách quan từ người viết.

Và dạo đầu như thế cũng đã khá dài dòng (cho dù theo tôi là cần thiết), tôi xin bắt đầu trình bày những suy nghĩ của mình.

1. Về bản Việt dịch 

Bản Việt dịch được đăng tải lần đầu tiên trên Thư Viện Hoa Sen có quá nhiều sai sót nghiêm trọng, làm biến đổi nội dung thực sự của nguyên tác. Rất may là sau khi đọc lại thì dịch giả đã sáng suốt hơn nên có nhiều chỉnh sửa và cáo lỗi cùng độc giả, loại bỏ được những lỗi nghiêm trọng nhất ra khỏi bản dịch (tuy vẫn còn một số lỗi nhỏ).

Nhưng thật không may là hàng loạt trang mạng khác đã đăng tải lại “nguyên xi” phiên bản ban đầu, nên sự thậtchúng ta không thể phủ nhận sự hiện hữu của nó, cũng như số lượng độc giả đã tiếp cận – chỉ riêng tại Thư Viện Hoa Sen đã có hơn 40.000 lượt xem, chưa tính đến số người đọc ở rất nhiều các trang mạng khác.

Trong thực tế, những sai lệch trong bản dịch có thể góp phần tác động sai lệch vào những độc giả thiếu tỉnh giác. Hy vọng TVHS và dịch giả sẽ tích cực thông báo việc thay đổi nội dung bản dịch đến với những trang mạng đã đăng tải bản dịch đầu tiên và khuyến khích họ cập nhật, cũng như độc giả cần hiểu được điều này khi nhận ra sự khác biệt ở những bản dịch có nhiều sai sót đã đăng tải trước đây.

Đây cũng là lý do tôi phải thực hiện việc chuyển dịch bài viết của Jayarava. Dù vậy, những gì tôi nêu ra dưới đây không dựa vào bản Việt dịch mà sẽ trực tiếp phân tích từ nguyên bản Anh ngữ, nhưng sẽ có phần Việt dịch ngay bên dưới để độc giả tiện theo dõi.

2. Sơ lược về bài viết của Jayarava

Tác giả gọi bài viết của mình là “essay” thay vì “article”, hàm ý đây là một khảo luận nghiêm túc chứ không chỉ là một bài viết bày tỏ quan điểm. Và những gì tác giả thể hiện qua bài viết hầu hết là xứng đáng để được đánh giá như thế, nghĩa là đảm bảo các phẩm chất như nghiêm túc, chặt chẽ, có phân tích chi ly và dựa vào kết quả phân tích để đưa ra kết luận.

Trước khi đi vào phân tích và phê phán bản dịch Anh ngữ của thầy Nhất Hạnh, tác giả đã dạo đầu bằng cách chỉ trích chung chung hầu hết các bản dịch Anh ngữ của Tâm kinh trong thời hiện đại. Ông viết:

"A lot of new translations are motivated by vanity or a desire to establish one's credentials as a "Zen master". They add nothing to our knowledge of the text and make no contribution to the field of literature either. They are usually the worst kind of Buddhist Hybrid English.”

(Rất nhiều bản dịch mới [của Tâm kinh] được thúc đẩy bởi sự kiêu mạn hoặc ý muốn xác lập uy tín của mình như một "thiền sư". Những bản dịch này không giúp ích gì thêm cho kiến thức của chúng ta về Tâm kinh và cũng không đóng góp gì cho lĩnh vực văn học. Chúng thường là một kiểu “Anh ngữ hỗn chủng Phật giáo” tệ hại nhất.)

Và trên bối cảnh được dựng lên như thế, tác giả đi vào phân tích phê phán những chi tiết sai sót trong bản dịch Anh ngữ của thầy Nhất Hạnh. Jayarava đặc biệt tỏ ra khá cẩn trọng và phân tích chi tiết, sử dụng dữ kiện hợp lý cũng như có những kết luận khách quan. Vì thế, có thể xem đây là một trong những bài khảo luận có nhiều giá trị tham khảo khi nghiên cứu về Tâm kinh.

Tuy nhiên, điều tôi thực sự quan tâm không phải là những nội dung phê phán của ông, cho dù có một số những nhận xét của ông cũng trùng hợp với bài viết của tôi với tiêu đề 
“Có nên dịch lại Tâm kinh hay không” đã đăng tải trước đây từ tháng 11 năm 2014, nghĩa là khoảng 3 tháng sau khi thầy Nhất Hạnh công bố bản dịch Tâm kinh mới. Điều tôi quan tâm và muốn đề cập đến trong bài viết này chính là những quan điểm của ông về Tâm kinh mà có những điểm tôi hoàn toàn không tán thành.

3. Quan điểm của Jayarava thể hiện qua bài viết

Tâm điểm của bài viết là về sự thay đổi văn bản Tâm kinh của thầy Nhất Hạnh như đã nêu ngay trong tiêu đề bài viết, cho thấy tác giả chú ý nhiều nhất đến sự kiện này. Điều này cũng được thể hiện ở một đoạn trong bài viết:

“I find it fascinating that TNH feels he is able to change the text to resolve this conflict. It is by far the most interesting detail across the whole the modern fascination with this text that I know of, and perhaps the only one worth writing about.”

(Với tôi, điều hết sức thú vị là TNH tự thấy ông ta có thể thay đổi Kinh văn để giải quyết điểm mâu thuẫn này. Đây rõ ràngchi tiết thú vị nhất trong tất cả những điều thú vị về Tâm kinh ở thời hiện đại mà tôi được biết, và có lẽ là điều duy nhất đáng chọn làm chủ đề để viết.)

Jayarava đã dành phần lớn nội dung bài viết để vạch ra rất nhiều sai sót trong một đoạn ngắn bản dịch Anh ngữ của thầy Nhất Hạnh, bao gồm việc dịch sai ý nghĩa nguyên tác, thêm thắt nhiều từ ngữ vô ích, kém cỏi về ngữ pháp tiếng Anh... Riêng về sự thay đổi Tâm kinh của thầy Nhất Hạnh. Khi đề cập đến điều này lần đầu tiên trong bài, ông viết:

“While it is radical of TNH to admit finding a mistake in a Buddhist text, his response is an anticlimax. He characterises the problem as an imperfect recording of the text by some ancient "patriarch", and in response changes the wording of the text so that the problem simply disappears. TNH appears to believe he has insight into the intended meaning and the ability to correct the wording to convey this.”

(Trong khi việc phát hiện và thừa nhận sai lầm trong Kinh điển của TNH là một sự cầu tiến, thì cách giải quyết của ông đối với việc này lại là một kết cục đáng thất vọng. Ông mô tả bất ổn như là một sự ghi chép bản kinh “không đủ khéo léo” bởi một “tổ sư” nào đó trước đây, và để giải quyết điều ấy ông thay đổi từ ngữ trong bản kinh sao cho bất ổn đó hoàn toàn mất đi. TNH tỏ ra tin rằng ông ta có đủ tuệ giác sâu sắc về ý nghĩa [bản kinh] muốn nói và khả năng hiệu đính từ ngữ để truyền đạt ý nghĩa này.)

Qua đoạn văn này, có thể thấy Jayarava tán thành việc nêu ra “bất ổn” trong Tâm kinh của thầy Nhất Hạnh. Trong thực tế, ông cũng tự nhận là mình đã độc lập phát hiện sự “mâu thuẫn” trong Tâm kinh, nhưng chỉ mới gần đây. Do đó, ông cũng bày tỏ sự tôn trọng đối với phát hiện của thầy Nhất Hạnh. Trong một đoạn khác, ông viết: “So all credit to TNH.” (Như vậy, phát hiện này được xem là của TNH.)

Nhưng điều mà Jayarava phê phán là cách làm của thầy Nhất Hạnh sau khi đã phát hiện bất ổn, mà ông cho là một “kết cục đáng thất vọng” (anticlimax). Đó là việc việc thầy sửa đổi văn bản Tâm kinh để giải quyết chỗ mà thầy cho là “không khéo léo”của "vị tổ sư đã biên tập". Bản thân tôi tán thành với quan điểm phê phán này, vì việc thay đổi một bản văn cổ, nhất là khi đó là một bản Kinh văn, có nghĩa là đã thuộc về giá trị của cả cộng đồng Phật giáo, thì không thể chỉ đơn thuần dựa trên sự suy diễn và phán định của một người, bất kể người đó là ai. Trong bài viết “Có nên dịch lại Tâm kinh hay không?” tôi cũng đã nêu lên quan điểm này và còn khẳng định việc một dịch giả hoàn toàn không có quyền thay đổi nguyên tác, bởi vì như vậy sẽ không còn là dịch nữa mà là đang tạo ra một văn bản mới.

Khi tôi chủ động liên lạc với Jayarava để trao đổi thêm về bài viết này, trong một email gửi cho tôi ông nói rõ hơn:

“He did not submit his work to a journal for peer review, as I might. He just announced that he had changed the Heart Sutra. Like a king.”

(Ông ấy không công khai ý kiến của mình lên một tạp chí nào đó để có sự phán xét kỹ lưỡng giống như tôi vẫn làm. Ông chỉ công bố rằng mình đã thay đổi Tâm kinh, thế là xong. Giống như một ông vua.)


Nguồn:
 
https://thuvienhoasen.org/a28903/vai-suy-nghi-khi-doc-bai-jayarava-phe-binh-thich-nhat-hanh-da-bien-doi-tam-kinh-