marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2019

Đạo đức Phật giáo


         

        Gs Nguyễn Vĩnh Thượng

Tìm hiểu Đạo đức Phật giáo (Buddhist Ethics) không những giúp chúng ta hiểu biết thêm về Tư tưởng Phật giáo (Buddhist thought) nhưng còn giúp chúng ta biết thêm về chính mình và khuynh hướng đạo đức để sống một cuộc đời tốt lành trong thế giới hiện hữu.

                                -           *          -

    
              Trong bài Đạo đức Phật giáo (Buddhist Ethics) này, chúng tôi sẽ trình bày:

             I.- Dẫn nhập (Introduction)
               II.-Tam Bảo (Three Jewels)
               III.-Quy y Tam Bảo (Taking the refugee in the Three Jewels)
               IV.-Giới luật của Phật giáo (The Precepts of Buddhism)
               V.-Phật giáo và tình dục (Buddhism & Sex)
               VI.- Tứ Vô Lượng Tâm (Four Immeasurable Minds)
               VII.-Tam độc (Three Poisons)
               VIII.-Bổn phận của cư sĩ đối với các người thân (The lay Buddhist’ s duties to his/her Associates)



I.- Dẫn nhập:
            Con người là một sinh vật có suy tư. Nhiệm vụ của con người là hướng về các sự việc ở phiá trước, về những mục đích cao siêu mà con người được khuyến khích và kêu gọi đi tới. Hành động hướng về phía trước của con người bị chi phối bởi cái lăng kính, cái nhìn về quá khứ. Nếu không có quá khứ cho một con người, thì cũng không thể có tương lai, và nếu phủ nhận tương lai lẫn phủ nhận quá khứ mà chỉ chìm đắm vào hiện tại, hưởng thụ danh lợi hiện tại …như tình trạng của loài vật thì đời sống của con người sẽ bị mai một, sẽ không còn gì trường tồn nơi đời sống con người. Do đó, tất cả những gì là đặc trưng cốt yếu của con người sẽ biến mất khỏi sự hiện hữu của con người.
           Bởi thế nên, con người cần phải có một quan niệm sống tốt đẹp. Một quan niệm sống tốt đẹp không phải chỉ học được trực tiếp và ngay tức khắc bằng một khóa học, bằng một bài học, bằng đọc sách, hay bằng một thông tin trên Internet, hay Google. Quan niệm sống là sản phẩm của nhận thức cá nhân về chính mình, về khát vọng của chính mình. Một quan niệm sống của một người là một nguyên tắc sống, một tinh thần và một thái độ có khả năng giữ vững sự thống nhất và đồng nhất với chính mình trong mọi điều kiện xã hội phức tạp. Trước mọi thăng trầm, thịnh suy của cuộc đời, một con người vẫn giữ chính mình vượt qua những đổi thay của cuộc sống. Nhưng quan niệm sống cũng có khả năng thích ứng và biến hoá trước sự đổi thay của nhiều trường hợp do đời sống mang đến. Thiếu sự chuẩn bị này, đời sống cá nhân của một người như con thuyền không có bánh lái, như con ngựa chạy không có cương, như một mãnh gỗ mục nát trôi dạt theo dòng nước long bông tiến tới một nơi, một định mệnh không định hướng được. Một quan niệm sống không phải là một hiểu biết khách quan mà là một niềm tin chủ quan, là một định hướng cho đời sống của con người.