marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

Quan niệm về Bardo của Phật giáo Tây Tạng


 Gs Nguyễn Vĩnh Thượng


           Trong bài “Quan niệm về Bardo của Phật giáo Tây Tạng” (Bardo concepts of Tibetan Buddhism), chúng tôi sẽ trình bày:
              I.- Dẫn nhập và định nghĩa: Bardo.
                II.- Sáu giai đoạn của Bardo:
                        1.-“Bardo” của đời sống.
                        2.-“Bardo” của giấc mộng.
                        3.-“Bardo” của thiền định.
                        4.-“Bardo” của cận tử.
                        5.-“Bardo” của cõi sáng/ “Bardo của bản tánh tối thượng.
                        6.-“Bardo của sự tái sanh.

 
I.-Dẫn nhập và định nghĩa: Bardo:    
             Mật Tông (Hán. 密宗, Srt. Tantra) được thành lập vào thế kỷ thứ VII ở vùng Nam Ấn độ, được phát triển nhất vào thời Vương triều Pala (750 – 1150) ở Bengale; Mật tông có bộ kinh căn bản là Đại Nhật Kinh (Mahavairocana Sutra). Vua Dharmapala (thế kỷ VII) đã xây tu viện Vikramasila để làm trung tâm truyền bá Mật tông/ Mật giáo. Mật tông chia làm hai phái: Chân Ngôn Thừa (Mantrayana) và Kim Cương Thừa (Vajrayana). Mật tông được truyền qua Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng, Việt Nam . . . Mật tông phát triển mạnh nhất ở Tây Tạng. Mật tông được truyền vào Tây Tạng vào cuối thế kỷ thứ VIII dưới thời vua Tisongdetsen (740 – 786). Trước đó Tây Tạng có đạo Bon là tôn giáo truyền thống của dân Tây Tạng (Tibetan Bon tradition). Mật tông hòa hợp với Phật giáo Phát triển/Đại thừa và đạo Bon sẳn có ở Tây Tạng để thành lập “Lạt-ma giáo”. Mật tông sử dụng thần chú/ chân ngôn (Srt. mantra) có ảnh hưởng mạnh nhất trong Phật giáo Tây Tạng.
        Chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của chữ Bardo căn cứ vào các kinh văn bí truyền của Phật giáo Tây Tạng [the meaning of Bardo based on esoteric scriptures (tantra) of Tibetan Buddhism].
       Phật giáo Tây Tạng có nhiều loại kinh điển, đặc biệt tàng lục là những kinh văn được trước tác, và được chôn giấu để người đời sau tìm ra theo thông báo vào một thời điểm nhất định. Bộ tàng lục nổi tiếng nhất là bộ “Bardo Thodol” (Tử Thư).
      Bardo  là tiếng Tây Tạng đồng nghĩa với tiếng Sanskrit là antarabhava; Tàu dịch là trung hữu (Hán中有 , Av.intermediate existence/ transitional state/ in-between state)  hoặc trung ấm   chữ này thường dùng trong Phật giáo Việt Nam và Nhật Bản. “Bardo” là một thuật ngữ của Phật giáo Tây Tạng để chỉ trạng thái trung gian, một tình trạng chuyển tiếp, giữa sự chết và lần tái sanh tiếp theo. Nói khác,  chúng sanh trong giai đoạn chuyển tiếp  di chuyển từ thân xác đang hiện hữu này để đến thân xác  của cuộc đời sau. Có nhiều nhóm Phật tử thuộc trường phái Phật giáo Nguyên thủy không chấp nhận sự hiện hữu của tình trạng trung hữu/ trung ấm tức là họ không chấp nhận quan niệm về Bardo, điểm đáng lưu ý là tiếng Bardo chỉ xuất hiện sau khi Đức Phật lịch sử nhập Đại Niết-bàn. Nhưng cũng có nhiều trường phái Phật giáo khác chấp nhận quan niệm này. Đặc biệt, Kim Cương Thừa hay Mật giáo chấp nhận quan niệm về “Bardo”,  đã viết nhiều kinh sách bí truyền về Bardo. Trong Phật giáo Tây Tạng, “Bardo” là luận đề chính yếu của quyển “Bardo Thodol”, một kinh văn quan trọng của Kim Cương Thừa.
        Bardo Thodol có nghĩa là “Giải thoát qua việc nghe trong tình trạng trung ấm/trung hữu” (Av. Liberation through hearing during the Intermediate State).
        Thodol tiếng Tậy Tạng đồng nghĩa với tiếng Sanskrit là bodhi, có nghĩa là giải thoát (
Av. liberation/ awakening/ enlightenment) cũng đồng nghĩa với tiếng Sanskrit là nirvana (Hv phiên âm niết-bàn, Av. blowing out/ the extinction of illusion).
        Bardo Thodol là bộ tàng lục được Đại sư Tây Tạng Padmasambhaya sáng tác vào thế kỷ thứ 8, được chép lại bởi một đệ tử thân cận với Ngài là Yeshe Tsogyal. Quyển sách này được chôn ở ngọn đồi Gampo tọa lạc ở miền trung nước Tây
Tạng. Quyển sách này được khám phá bởi Sư Tây tạng Karma Lingpa vào thế kỷ thứ 14.