Lời nói đầu
Đức Phật Thích-ca đã thừa kế tư tưởng, triết học và tôn giáo có trước Ngài trong lịch sử triết học Ấn-độ. Thêm vào đó, Ngài đã hoàn thiện các triết thuyết này, đã phát triển chúng lên một trình độ cao hơn, minh bạch hơn. Tiếp nối Đức Phật lịch sử, các Đại sư và Luận sư trong phong trào phát triển Phật giáo đã đóng góp nhiều tư tưởng cao siêu. Tư tưởng triết học của Phật giáo đang chi phối chiều hướng hoạt động cũng như suy tư không chỉ ở nơi nhiều nhà triết học mà còn ở mọi tầng lớp quần chúng xã hội từ Đông sang Tây phương. Tư tưởng triết học Phật giáo đã vượt qua thời gian và không gian.
Hầu hết nội dung của các bài viết trong cuốn sách này đã phản ánh từ những điều mà tôi đã học hỏi qua nhiều năm về triết học (Philosophy) và Phật học (Buddhology) từ các vị Giáo sư của tôi ở các Đại Học Vạn Hạnh và Đại Học Văn Khoa Saigon; cùng với các sách vở khảo cứu trong thư viện, trên Internet.
Cuốn sách này gồm có 35 bài, chia ra làm 2 phần:
. Phần thứ nhất: Triết học Phật giáo gồm có 21 bài đề cập tới những lời dạy căn bản của Đức Phật (Buddha’s basic teachings), các luận giải của các Đại sư và Luận sư. Sự giải thích các quan niệm căn bản, các tư tưởng triết học căn bản được diễn dịch trong lời văn rõ ràng dưới ánh sáng nhận thức ngày nay nhằm mở đường cho việc nghiên cứu thâm sâu về tư tưởng triết học Phật giáo. Thêm vào đó, còn có các bài trình bày triết lý Phật giáo về đạo đức học, nhận thức luận, vũ trụ luận. Trong việc nghiên cứu tư tưởng triết học Phật giáo hành giả cần phải có sự trải nghiệm, thực hành học thuyết này.
. Phần thứ hai: Những luận đề Phật học gồm có 14 bài đề cập tới những luận đề liên hệ để soi sáng những lời dạy của Đức Phật như các bài: “Phật giáo là một triết học hay một tôn giáo”, “Biểu nhất lãm Tam Tạng Kinh điển Phật giáo”, “Phụ nữ trong Phật giáo”, “Hành trình tâm linh để sống một cuộc sống tốt đẹp hơn” v…v…
Phần lớn các bài viết trong cuốn sách này đều đã được đăng trên các Websites Phật học,
An Phong-An Bình, v…v… Vì lẽ đó, cuốn sách này có thể xem như là kết quả do nhiều bài khảo cứu khác thời gian và khác không gian hợp lại thành. Do đó, có thể có chỗ không được liên tục, có thể có chỗ trùng điệp về ý tứ hay văn từ của các bài khảo cứu. Kính mong quý độc giả thông cảm.
Cũng cần nói thêm, cuốn sách này được viết với một phong cách đơn giản, minh bạch, không mơ hồ và thuyết phục. Cuốn sách không chỉ dành cho học giả (scholar) mà còn dành cho người đọc bình thường (ordinary reader) như là một nhập môn về triết học Phật giáo và các tiểu luận liên hệ.
Toronto, ngày 27 tháng 3
năm 2020.
Tác giả cẩn chí
Nguyễn
Vĩnh Thượng
Muốn xem trọn quyển sách, xin bấm phiên bản PDF,
hoặc phiên bản FlipBook.