marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Hoàn cảnh lịch sử trong thời nhà Lý suy tàn và nhà Trần khởi nghiệp đế vương

Gs Nguyễn Vĩnh Thượng

Trong chương này, chúng tôi sẽ trình bày:  

I.- Nhà Lý suy tàn.
II.- Nhà Trần khởi nghiệp đế vương.
III.- Nhà Trần suy tàn.
IV.- Nhận xét về nhà Trần.
V.- Nhà Hồ.
VI.- Nhà Hậu Trần.
VII.- Phần phụ thêm:
       1.- Nhà Nguyên trong lịch sử Trung Hoa.
       2.- Nhà Minh trong lịch sử Trung Hoa.

I.-  Nhà Lý suy tàn

       Nhà Tiền Lê đã trị vì được cả thảy là 29 năm, qua các đời vua: Lê Đại Hành (980 – 1005), Lê Trung Tông (lên làm vua chưa quá ba ngày thì bị ám sát), Lê Long Đỉnh (1005 – 1009). Lê Long Đỉnh là một ông vua nổi tiếng ác độc và hiếu sát trong lịch sử Việt Nam. Tương truyền Long Đỉnh cho róc mía trên đầu các nhà sư và giả bộ lỡ tay hạ đao lên đầu các nhà sư cho máu chảy để mua vui. Sự tàn ác của Lê Long Đỉnh khiến dân tình chán ghét.

         Lúc bấy giờ có thiền sư Vạn Hạnh (938 – 1018) là vị tăng sĩ Phật giáo có nhiều uy tín. Ngài là quân sư của vua Lê Đại Hành (941 – 1005, trị vì 980 – 1005). Vua Lê Đại Hành là vị Hoàng đế khai sáng nhà Tiền Lê, quốc hiệu là Đại Cồ Việt, trị vì được 24 năm. Thiền sư Vạn Hạnh cũng là bổn sư của Lý Công Uẩn, Ngài đã nuôi và giáo dục Lý Công Uẩn từ thuở thơ ấu. Thiền sư Vạn Hạnh học rộng biết nhiều. Vua Lý Nhân Tông (1064 – 1127) đã tán dương Ngài:

-  Nguyên văn chữ Hán:

萬行融三際,
真符古讖詩。
鄉關名古法
拄錫鎮王畿。

Phiên âm Hán Việt:

Vạn Hạnh dung tam tế,
Chân phù cổ sấm thi.
Hương quan danh Cổ Pháp,
Trụ tích trấn vương kỳ.

(Lý Nhân Tông, Truy tán Vạn Hạnh thiền sư)

Dịch nghĩa:

Vạn Hạnh có cái hiểu biết thông suốt cả ba cõi Trời, Đất, Người,
Những lời nói của Ngài cũng giống như lời sấm đời xưa.
Quê hương của Ngài ở Cổ Pháp,
Ngài đã dùng “gậy nhà Phật” mà giúp cho kinh đô của nhà vua được vững bền.
 
 (Lý Nhân Tông, Tán dương thiền sư Vạn Hạnh)

Dịch thơ:

 “Vạn Hạnh họp ba cõi,
   Chân thật lời sấm xưa.
   Quê hương Cổ Pháp,
   Gậy Phật giữ nghiệp vua.”

   (Nguyễn Đăng Thục dịch, Ca tụng Vạn Hạnh thiền sư)

      Vạn Hạnh thiền sư (929 – 1025) là vị sư đã chủ động trong việc xây dựng đế nghiệp nhà Lý như đã trình bày ở trên, bởi thế nên vua Lý Nhân Tông đã hết lòng ca tụng Ngài. Vạn Hạnh thiền sư đã giúp các vua thời Tiền Lê, Vạn Hạnh thiền sư đã từng được vua Lê Đại Hành (trị vì từ 980 đến 1005) hỏi ý kiến trước khi xuất quân đánh Tống, vì vua rất tôn kính Ngài.

    “Đầu hiệu Thiên Phúc, nước ta bị tướng nhà Tống là Hầu Nhân Bảo đem quân sang đánh, vua Lê mời ông vào triều để hỏi về sự được thua. Ông đoán trong ba ngày quân giặc tất nhiên phải lui. Rồi sau quả đúng như lời ông nói. Khi Lý Thái Tổ sắp thay nhà Lê làm vua, trong nước cũng xảy ra nhiều điềm lạ, ông đều đoán trúng được cả. Vì vậy, sang đời nhà Lý, ông lại càng được trọng đãi.”

      (Ngô Tất Tố, Văn học đời Lý, Hà Nội: Mai Lĩnh, 1942, tr. 29)

         Lúc ấy, Lý Công Uẩn giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ, quân đội của triều đình ở trong tay ông, thêm vào đó ông là người có nhiều tư cách đạo đức và năng lực rất xứng đáng hơn hết trong triều đình.

        Thiền sư Vạn Hạnh nhận thấy tình hình chính trị lúc bấy giờ: lòng dân thì chán ghét chính sách tàn bạo của Lê Long Đỉnh, cho nên việc chấm dứt triều đại nhà Lê cũng là điều phù hợp với nguyện vọng của nhân dân cả nước. Do đó, thiền sư Vạn Hạnh đã áp dụng thủ thuật chánh trị để dọn đường cho đệ tử của mình làm cuộc đảo chánh mà lên ngôi vua. Ngài cho soạn bài sấm ngôn để chuẩn bị dư luận. Tương truyền rằng khi vua Lê Long Đỉnh còn tại vì thì một hôm trời mưa to, sét đánh ngã một cây gạo lớn ở làng Diên Uẩn (thuộc châu Cổ Pháp) là nơi quê quán của Lý Công Uẩn. Vỏ cây lộ ra một bài sấm, và bài sấm này được lưu truyền trong dân chúng lúc bấy giờ, coi như là điềm báo hiệu của một việc thay ngôi đổi chủ.

                Vua (Lý Thái Tổ) khi còn bé đã thông minh khí độ rộng rãi. Du học ở chùa Lục Tổ. Sư Vạn Hạnh trông thấy vua, lấy làm lạ, nói rằng: “Đây là một người phi thường!” … Trong làng vua ở, có cây gạo bị sét đánh, để dấu vết thành chữ như sau:

-         Nguyên tác chữ Hán:

 

 







 

-         Phiên âm Hán Việt:

 Sấm ngôn

 Thụ căn liểu liểu (yểu),

Mộc biểu thanh thanh.
Hoà đao mộc lạc,
Thập bát tử thành.
Chấn cung hiện nhật,
Đoài cung ẩn tinh.
Lục thất niên gian,
Thiên hạ thái bình
.

 

-         Dịch thơ:

 

 Lời sấm

 

Rễ cây thăm thẳm,
Vỏ cây xanh xanh,
Cây “hoà đao” rụng,
Mười tám hạt thành.
Phương Đông hiện nhật,
Non đoài ẩn tinh.
Khoảng sáu bảy năm,
Thiên hạ thái bình.

__________

Cước chú:

    Bài thơ không đề tác giả, nhưng có thể đoán chính Vạn Hạnh thiền sư là tác giả. Bài thơ được truyền miệng khắp dân chúng.

__________

      Sư Vạn Hạnh bèn nói với Lý Công Uẩn rằng: “Gần đây tôi thấy lời sấm lạ, biết rằng nhà Lê tất phải mất mà nhà Nguyễn (Lý) tất phải lên. Họ Nguyễn (Lý) không còn ai nhân từ khoan dung như ông, lại được lòng dân. Tôi đã hơn 70 tuổi, chỉ ân hận không kịp thấy đời thịnh trị mà thôi.”

     Lý Công Uẩn sợ lời nói ấy bị tiết lộ, bảo Vạn Hạnh đến ẩn náu ở Ba Sơn”.

      (Việt Sử Lược, II, 1b, trích dẫn bởi Nguyễn Đăng Thục trong quyển “Thiền của Vạn Hạnh”, tr. 75, 76).
    

      Bài sấm có một giá trị tâm lý chính trị là tuyên truyền ngầm trong dân gian để chuẩn bị nhân tâm và dọn đường cho đệ tử của mình là Lý Công Uẩn bước lên ngôi vua. 

     Tương truyền thiền sư Vạn Hạnh đã giải đoán bài sấm trên và phổ biến lời tiên đoán này trong dân chúng, chúng ta có thể giải nghĩa như sau: 

  * câu 1: “thụ căn liểu liểu”: thụ là cây cối lớn, căn là gốc rễ, gốc là vua, còn chữ liểu thì đồng âm với chữ yểu là chết non; như vậy câu này ý nói nhà vua chết yểu.

  * câu 2: “mộc biểu thanh thanh”: mộc là cây có cành lá xanh, biểu là bên ngoài, mộc biểu là vỏ cây nghĩa bóng là bề tôi; thanh là màu xanh, âm gần giống với chữ thạnh   có nghĩa là thịnh vượng; câu này có nghĩa là một người trong quần thần (bề tôi) sẽ lên nắm chính quyền.

   * Câu 3: “hoà đao mộc lạc” thì ba chữ hoà (có nghĩa là lúa còn có vỏ), chữ đao (là cái đao), hoà đao là tên một loài cây, mộc     là loại cây có cành lá xanh, 3 chữ này hợp lại thành chữ Lê  là họ Lê, lạc là rơi xuống hay suy bại; như vậy câu này có nghĩa là nhà Lê suy tàn.

    * Câu 4: “thập bát tử thành” thì ba chữ thập  ( có nghĩa là số mười), bát   (có nghĩa là số tám), tử (là con cái) hợp lại thành chữ Lý  (họ Lý), thành là dựng nên, như vậy có nghĩa là nhà Lý dựng lên sự nghiệp.

     * Câu 5: “Chấn cung hiện nhật”: chấn    là phương Đông, cung là nhà lớn hay là một tiếng trong ngũ âm, chấn cung là phương Đông, hiện là có mặt, nhật là mặt trời ý chỉ thiên tử tức là vua; như vậy câu này có nghĩa là thiên tử xuất hiện ở phương Đông.

      * Câu 6: “Đoài cung ẩn tinh”:  đoài cung là phương Tây, ẩn là dấu đi, trái với hiện, tinh là ngôi sao; như vậy câu này có nghĩa là một vì sao lặn ở phương Tây ý nói nhà Tiền Lê bị mai một.

      * Câu 7: “Lục thất niên gian”: có nghĩa là khoảng sáu bảy năm.

      * Câu 8: “Thiên hạ thái bình”: có nghĩa là cả nước được hưởng cảnh rất bình yên.

        Thiền sư Vạn Hạnh còn đã áp dụng rất nhiều phương cách tâm lý chính trị khác tỉ như cho loan truyền rằng ở làng Cổ Pháp có một con chó lông trắng xuất hiện mà trên lưng con chó lại có lấm tấm các lông đen mọc thành hai chữ “thiên tử”, và cho đồn trong thiên hạ rằng con chó là tượng trưng cho năm Tuất và một bực thiên tử (mới) sẽ xuất hiện cũng vào năm Tuất (1010).

       Năm 1009, khi Lê Long Đỉnh Triều vừa băng hà, thọ được 24 tuổi, thiền sư Vạn Hạnh liền tung lời tiên đoán trong mọi từng lớp dân chúng.

       Rồi Vạn Hạnh thiền sư cho dán các thông báo trên các ngã đường đi lại:

                         “Nhà Lê chìm biển Bắc,

                           Nhà Lý nẩy phương Nam.

                           Bốn phương hết đâm chém,

                           Khắp nước hưởng bình an.” 

      Sau cuộc bàn thảo với Lý Công Uẩn, Đào Cam Mộc, một vị quan có nhiều thế lực trong triều đình, liền họp trăm quan trong triều đình ngay và tuyên bố “cuộc đảo chánh” suy tôn Lý Thân Vệ lên ngôi vua để chấm dứt nhà Tiền Lê. Cuộc đảo chánh đã thành công, không đẩm máu. Ngoài sự yểm trợ của Vạn Hạnh thiền sư và Đào Cam Mộc, chính bản thân của Lý Công Uẩn là một người có tư cách xứng đáng hơn ai hết ở trong triều lúc bấy giờ. Hơn thế nữa, Lý Thân Vệ là người đang thống lãnh quân lính của triều đình, quyền lực quân đội ở trong tay cũng là một trong những yếu tố tất thắng của cuộc đảo chánh bất bạo động. Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế năm 1010 tức là vua Thái Tổ nhà Lý.

       Thiền sư Vạn Hạnh đã khai sáng sự nghiệp đế vương cho nhà Lý. Lý Công Uẩn đã mang ơn thiền sư Vạn Hạnh và Phật giáo. Cho nên các vị thiền sư rất được nể trọng và các Ngài không những có giáo quyền mà còn có thế quyền nữa: các Ngài được tham gia bàn chính sự trong triều nhà Lý. Các vị sư còn có thể tiến cử hay giới thiệu người ra làm quan cho triều Lý. Nói tóm lại, Phật giáo đã có địa vị ưu thắng và được trọng đãi trong thời Lý.

         Lý Công Uẩn lên ngôi vua tức là vua Thái Tổ của nhà Lý, để đảm nhiệm một sứ mệnh lịch sử đối với dân tôc Việt Nam vào thời bấy giờ. Triều Lý đã kéo dài được 216 năm (1010 - 1225) trải qua 9 đời như sau:

1.     Lý Thái Tổ             (1010 - 1028)

2.     Lý Thái Tông         (1028 - 1054)

3.     Lý Thánh Tông      (1054 - 1072)

4.     Lý Nhân Tông        (1072 - 1127)

5.     Lý Thần Tông        (1128 - 1138)

6.     Lý Anh Tông         (1138 - 1175)

7.     Lý Cao Tông          (1176 - 1210)

8.     Lý Huệ Tông         (1211 - 1224)

9.     Lý Chiêu Hoàng    (1224 - 1225)

         Nhà Lý đã có nhiều đóng góp cho dân tộc Việt Nam trong việc giữ nước và xây dựng đất nước trong suốt 216 năm trị vì, đặc biệt là việc Lý Thường Kiệt đã chận đứng được cuộc xâm lăng của quân nhà Tống vào năm 1076 mà chiến công hiển hách đó đã được lưu danh trong lịch sử của dân tộc Việt nam.

         Sau một thời gian dài thịnh trị, được 165 năm (1010 – 1175), trải qua 6 đời vua, thì triều đại nhà Lý bắt đầu suy đồi kể từ vị vua thứ 7 là vua Lý Cao Tông (1176 – 1210).

           1.-  Tô Hiến Thành làm phụ chánh:

           Khi vua Lý Anh Tông (1138 – 1175) mất thì Thái tử Long Cán, chưa đầy 3 tuổi, được nối ngôi theo di chiếu, tức là vua Lý Cao Tông (1176 – 1210). Việc triều chính được đại quan Tô Hiến Thành nắm quyền trị nước cho đến khi Ngài qua đời.

           Lý Cao Tông lớn lên chỉ biết rong chơi, săn bắn, thích xây cung điện, bắt dân chúng phục dịch kham khổ, tiêu xài phung phí. Vua không lo việc nước, chỉ biết làm cách nào thâu thêm nhiều tiền của dân để xài xa xỉ, tạo nên tham nhũng, mua quan bán chức, buôn hình sự. Bọn buôn quan bán tước phải bòn rút tiền của của thiên hạ để cung phụng vua, và để nhanh chóng được thăng quan tiến chức. Nhiều cuộc nội loạn xảy ra.

          Chúng ta đã biết thiền sư Vạn Hạnh khai sáng nên sự nghiệp nhà Lý, cho nên các vua nhà Lý rất trọng dụng và ưu đãi các tăng ni, nhà sư được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi. Lợi dụng việc này có nhiều người mượn áo tăng sĩ và lấy danh nghĩa Phật giáo để mê hoặc lòng người. Nhiều chùa chiền bị hủ hoá, nhiều tăng sĩ trở thành bọn kiêu tăng, ngông nghênh. Trước tình trạng suy đồi trong giới tăng ni, và đạo Phật bị lợi dụng quá đáng. Đại quan Đàm Dĩ Mông đã trình tâu vua về tệ trạng này. Tháng Giêng năm 1198, vua xuống chiếu sa thải các nhà sư bị hủ hoá theo lời tâu của Đàm Dĩ Mông:

         Đàm Dĩ Mông tâu với vua: “Đương nay, số tăng đồ và số dịch phu ngang nhau. Chúng tự kết bè lũ, lập càn người chủ, tụ họp từng bọn, làm nhiều điều ô uế. Hoặc ở nơi giới trướng, tịnh xá mà công nhiên rượu thịt, hoặc ở chốn tăng phòng tĩnh viện mà riêng tư gian dâm. Ngày ẩn tối ra như đàn cáo chuột. Chúng làm bại hoại thuần phong mỹ, dần dần thành thói quen, nếu không cấm đi, để lâu ắt ngày càng thêm tệ.”

           Vua y lời tâu của Dĩ Mông. Dĩ Mông triệu tập tăng đồ trong nước lại ở nơi kho thóc, độ cho vài chục người có danh tiếng làm tăng, số còn lại đánh dấu vào tay bắt hoàn tục.”

(Việt Sử Lược III, 13 b, bản dịch tiếng Việt, trích dẫn bởi Gs Nguyễn Đăng Thục trong Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập III, HCM: NXB TP HCM, 1992, tr. 314 & 315)

       Triều đình cũng đã mở khoa thi Tam giáo vào năm 1196: thi về các môn: chép ra thơ của cổ nhân, làm toán, thơ, phú và kinh nghĩa. Triều đình đem Phật học, Nho học và Lão học làm đề tài thi. Từ đây Nho giáo bắt đầu phát triển.

        Năm 1202, vua Lý Cao Tông ra ngự ở cung Hải Thanh. Đêm nào vua cũng sai nhạc công khải đàn “Bà Lỗ”, hát khúc hát có theo giọng điệu Chiêm Thành âm thanh nghe ai oán não nuột khiến người nghe không cầm được nước mắt; khúc nhạc này có tựa là “Khúc nhạc Chiêm Thành”. Đức Tăng phó Nguyễn Thường, nghe nhạc xong nên mới tâu với vua rằng:

          Tăng phó Nguyễn Thường nói với vua: “Tôi thấy bài tựa Kinh Thi có câu: “Loạn quốc chi âm oán dĩ nộ kỳ chính quai, vong quốc chi âm ai dĩ tư kỳ dân khốn” có nghĩa là âm nhạc của nước loạn nghe như oán hờn vì chính sự nước ấy sai trái; âm nhạc của nước bị mất nghe như thương, như nhớ vì nhân dân nước ấy khốn cùng! Nay chúa thượng dong chơi vô độ, chính sự, giáo hoá sai trái lià tan. Dân đen buồn khổ đến thế là cùng. Mà ngày nay nghe âm nhạc ai oán, đó chẳng phải là điềm nước loạn, nước mất hay sao? Tôi biết rằng xe giá chuyến này trở về tất không lại ngự ra hành cung này nữa”. Sau trong nước đại loạn quả như lời sư nói”.

(Việt Sử Lược III, 14 b, bản dịch tiếng Việt, trích dẫn bởi Gs Nguyễn Đăng Thục trong Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập III, HCM: NXB TP HCM, 1992, tr. 315 & 316)

         Vua Lý Cao Tông chẳng nghe lời cảnh báo của đại tăng. Vua vẫn tiếp tục ăn chơi truỵ lạc trác táng, không lo việc triều chính. Để gây quỹ, vua bán các chứng nhận làm quan. Dân chúng phải đóng thuế nặng nề, và làm lao dịch phục vụ cho vua. Các quan lại thì tham nhũng, trác táng, mua quan bán chức. Hạn hán, lụt lội xảy ra triền miên, nhà vua chẳng đoái hoài tới. Các quan lớn thì cướp đất của dân để mở rộng lâu đài. Dân tình ta oán, giặc giả nổi lên, loạn thần nhiểu sự.        

         Nền quân chủ của triều đại nhà Lý suy đồi, kéo theo nạn sứ quân khởi lên. Các dòng họ lớn có thế lực đã biến thành những lãnh địa độc lập, tự trị đối với triều đình, và tự bảo vệ dòng họ mình với các dòng họ khác. Ngay cả ở tại triều đình, quan nào cũng lo vơ vết cho mình. Nội loạn sẽ xảy ra là điều tất yếu.

        2.- Cuộc nội loạn

          Năm 1208, Kinh thành nổi binh biến. Lý Cao Tông cùng với Thái tử Sam rời khỏi Kinh thành. Lý Cao Tông chạy lên mạn sông Qui Hoá, tức sông Thao Giang ở phía Bắc huyện Tam Nông, Phú Thọ. Còn Thái tử Sam thì chạy về Hải Ấp, làng Lưu Gia, hiện là làng Lưu Xá, huyện Hưng Yên, tá túc trong gia trang của Trần Lý.

         Trần Lý là một trong các sứ quân vào thời ấy. Trần Lý là một hào kiệt giàu có, có nhiều nô tỳ phục dịch ở dưới gia trang của ông. Tổ tiên của Trần Lý là người Trung Hoa đến Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường ở tỉnh Nam Định, làm nghề đánh cá. Trần Lý nối nghiệp tổ tiên làm nghề đánh cá, và phát triển rất tốt nên trở nên giàu có. Trần Lý có 3 người con là:

                      - Con trai trưởng: Trần Thừa.
                      - Con trai thứ: Trần Tự Khánh.
                      - Con gái: Trần Thị Dung.

            Trần Lý có nuôi một đứa con nuôi là con trai của anh mình là Trần Thủ Độ. Thân phụ của Độ qua đời sớm nên Độ về ở nhà của chú. Độ tướng người khỏe mạnh, giỏi võ nghệ, thông minh tháo vát. Độ được Trần Lý giao việc trông nom đám dân chài và đôn đốc công việc làm ăn của nghề đánh cá. Độ có tài quản trị, tính người cương quyết. Suốt ngày bận rộn, Độ không có cơ hội học hỏi trao dồi văn hoá như các em họ của mình. Nhiều sách sử nói rằng “Trần Thủ Độ không có học văn hoá”. Trong công việc hằng ngày, Độ tỏ ra có tài xốc vác và sắp xếp nhân sự, tính tình cương quyết không do dự, khi đã quyết định làm điều gì thì Độ phải làm cho được việc, có lẽ Độ đã chịu ảnh hưởng của dân chài, vì dân chài phải cương quyết và nhanh lẹ mỗi khi thuyền đánh cá gặp bảo táp sóng vờn.

            Trần Thị Dung là người con gái có nhan sắc đẹp tuyệt trần, và hưởng được sự giáo dục của cha mẹ, điểm thêm một chút lảng mạn của người con gái sống gần với thiên nhiên, ngày đêm nghe sóng vổ ngút ngàn.

            Thái tử Sam chạy vào tá túc gia trang dòng họ Trần, thấy Trần Thị Dung sắc đẹp tuyệt trần nên Thái tử say đắm sắc đẹp của nàng. Thái tử xin Trần Lý được cưới nàng làm vợ. Trần Lý đồng ý. Trần Thị Dung đi lấy chồng làm Trần Thủ Độ buồn tê tái, vì từ lâu Thủ Độ đã yêu cô em họ của mình, nhưng không dám hở môi vì luân lý gia đình không thể nào để Thủ Độ tiến xa hơn.

             Sau khi hoàng tử họ Lý cưới con gái họ Trần thì quyền lực của dòng họ Trần mỗi ngày một lớn mạnh. Thái tử Sam phong cho Trần Lý tước Minh Tự, và phong cho cậu của Trần Thị Dung là Tô Trung Từ, anh vợ của Trần Lý, làm Điện tiền chỉ huy sứ.

             Lúc bấy giờ trong dân gian có câu ca dao:

                         “Đền Kính Thiên(1) chim về làm tổ,

                         Mận(2) cuối mùa, quả úa cành khô.

                         Dân chài(3) làm loạn Kinh đô,

                         Mặt trời gác núi(4) sinh vua đàn bà (5).”

______________________________________________

Chú thích:

      (1).-  nói chuyện chim khách làm tổ ở gác Kính Thiên. Năm 1203, năm Quý Hợi, gác Kính Thiên sắp xây xong, có chim khách đến làm tổ, sanh con trên gác ấy. các quan ngăn can vua Lý Cao Tông đừng tiếp tục xây cất gác Kính Thiên với lý do: Thần từng nghe câu: “Chim khách có tổ, chim cưu đến ở”. Điều cần nhất là vua Lý Cao Tông hãy sửa đức. Nhưng vua lại nghe lời hoạn quan Phạm Dỉnh Di đốc giục xây gấp gác Kính Thiên, nhân dân vô cùng khổ sở vì nô dịch.

        Theo sử gia Trung Hoa Mã Doãn Luân viết trong Văn Hiến Thông Khảo: vua nhà Lý ở trong một toà cung điện nguy nga, cao bốn tầng, sơn đỏ, cột chạm rồng phượng, thần tiên, cực kỳ tráng lệ. (Trích dẫn bởi Nguyễn Thị Chân Quỳnh trong bài Điện Kính Thiên, Địa chí Thăng Long, Hà Nội: tháng 3 , 2010, website Nghệ thuật xưa, Nguồn Internet).

      2.- Chữ Hán: trái mận 李子 còn gọi là trái lý. Mận = Lý 李. Mận cuối mùa ý chỉ nhà Lý suy tàn.

      3.- Dân chài ý chí nhà Trần, xuất thân là dân chài; câu này ý chỉ họ Trần tiếm quyền.

      4.-  tiếng Hán chữ mặt trời = nhật , núi là sơn   山. Câu mặt trời gác núi ý chỉ chữ Sam, tức là Thái tử Sam; vua đàn bà ý chỉ Lý Chiêu Hoàng.

_____________________________

      Trần Lý và các con mộ quân, tập dợt quân sĩ rồi kéo về Kinh đô Thăng Long dẹp loạn. Dẹp xong loạn, họ rước Lý Cao Tông về cung. Vua Lý Cao Tông cho quân về Hải Ấp đón Thái tử Sam về cung, còn Trần Thị Dung thì ở nhà Trần Lý.

       Lý Cao Tông về Kinh được một năm thì bị bịnh mất vào tháng 10 năm 1210, thọ 38 tuổi trị vì được 34 năm (1176 – 1210).

       3.- Lý Huệ Tông (1211 – 1224)

        Lý Cao Tông băng hà, Thái tử Sam lên ngôi, lúc ấy được 16 tuổi, lấy hiệu là Huệ Tông. Lý Huệ Tông tôn mẹ mình là Đàm Thị làm Hoàng Thái Hậu, và phong Trần Thị Dung làm Hoàng Hậu, phong Trần Tự Khánh làm Phụ chính và Trần Thừa làm Nội Thị Phán Thủ.

       Lý Huệ Tông mắc bệnh, thỉnh thoảng lên cơn điên, suốt ngày uống rượu say sưa nên việc triều chánh đều do Trần Tự Khánh quyết định.

        Năm 1228, Trần Tự Khánh mất, Lý Huệ Tông cử Trần Thừa làm Phụ Quốc Thái Uý. Sang năm 1229, cử người em họ của Hoàng Hậu là Trần Thủ Độ làm “Đại Tiền Chỉ Huy Sứ” thống lãnh các đạo quân hộ vệ cung đình và phòng thủ Kinh thành. Từ đó quyền hành ở trong triều đình lần lượt vào tay Trần Thủ Độ.

        Hoàng Hậu Trần Thị Dung chỉ sanh được 2 đứa con gái: Công chúa Thuận Thiên thì gả cho Trần Liểu, con trưởng của Trần Thừa; em là Công Chúa Chiêu Thánh, mới được 7 tuổi, Lý Huệ Tông rất thương mến Chiêu Thánh nên lập làm Thái Tử Phật Kim. Tháng 10 năm 1224, Lý Huệ Tông thoái vị và truyền ngôi cho con gái là Thái Tử Phật Kim, khi ấy mới có 7 tuổi, rồi xuống tóc đi tu tức là Huệ Quang thiền sư ở chùa Chân Giáo tại thành Thăng Long. Lý Huệ Tông trị vì được 13 năm (1211 – 1224).

       4.- Lý Chiêu Hoàng (1224 – 1225)

            Thái Tử Phật Kim (tức là Công Chúa Chiêu thánh) lên ngôi lấy hiệu là Chiêu Hoàng năm 1224. Lý Chiêu Hoàng chỉ trị vì trên danh nghĩa. Tất cả quyền bính đều ở trong tay Trần Thủ Độ, ông là người đích thực điều hành đất nước. Trần Thủ Độ muốn gì mà chẳng được. Chức vị vua? - Độ chẳng ham chức vị vua. Gái đẹp thì không thiếu gì, con gái của các quan cấp lớn hay nhỏ muốn dâng cho Thủ Độ có nhiều lắm. Vậy Thủ Độ muốn gì? - Vốn xưa khi còn thanh xuân, sống trong gia trang Trần Lý, Thủ Độ và em gái họ mình thường tiếp xúc hàng ngày, “lửa gần rơm”, hai người đã yêu nhau say đắm. Thủ Độ chỉ muốn được lấy Trần Thị Dung, người em họ của mình mà Độ hằng yêu thương trong những ngày niên thiếu sống ở trang trại Hải Ấp mặc dầu nay đã là Hoàng Hậu có 2 người con gái rồi. Thủ Độ tư thông với Trần Hoàng Hậu. Đêm ngày Thủ Độ tìm mưu kế để cướp lấy cơ nghiệp nhà Lý. Ông thấy phải lấy cái ngai vàng từ họ Lý chuyển qua họ Trần là điều phải làm trước tiên. Thủ Độ liền bàn với Trần Thị Dung đem gả vua Lý Chiêu Hoàng (tức Công chúa Chiêu Thánh) cho Trần Cảnh, con của Trần Thừa, mới lên 8 tuổi, vào tháng chạp năm 1225. Liền sau đó, Trần Thủ Độ liền sai người thảo “Thiện Vị Chiếu” (Chiếu Nhường Ngôi) để Lý Chiêu Hoàng ban bố trong triều đình và toàn dân rằng: “Vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi lại cho chồng là Trần Cảnh. Trần Thừa được phong Thái Thượng Hoàng mặc dầu Trần Thừa chưa có một ngày làm vua. Chức Thái Thượng Hoàng là chức vụ mới đặt ra trong bước đầu của vương triều nhà Trần. Trần Thủ Độ nắm quyền chủ tể trong nước với chức vị “Thái Sư Thông Quốc Hành Quân Chính Thống Sứ”. Thế lực của Độ quá mạnh nên chẳng ai dám chống cự lại. Từ đó, Trần Thủ Độ làm mưa làm gió trong triều đình nhà Trần. Vương quyền đã về tay họ Trần một cách êm thắm và không có đổ máu.

          Nhà Lý đã cáo chung, trải qua được 9 đời vua, trị vì được 216 năm (1010 – 1225), quả thật “thịnh suy suy thịnh như hạt sương rơi đầu cành”.

 II.- Nhà Trần khởi nghiệp đế vương

           Nhà Trần đã kế thừa nền quân chủ của nhà Lý.

 1.- Trần Thái Tông (1225 – 1258)

           Thái Tông lên ngôi mới có 8 tuổi. Quyền bính đều nằm trong tay Thái Sư Trần Thủ Độ. Mặc dầu Lý Huệ Tông đã xuất gia ở chùa, nhưng Thủ Độ vẫn sợ nhà Lý lật ngược thế cờ bởi vì có nhiều cuộc nổi loạn với chiêu bài khôi phục nhà Lý. Trần Thủ Độ ra sức củng cố cơ nghiệp nhà Trần bằng những thủ đoạn tàn bạo.

            Sư Huệ Quang, tức vua Lý Huệ Tông, vẫn có nhiều người lui tới ở chùa Chân Giáo; tin này làm Thủ Độ lo âu về bọn phục hồi nhà Lý. Một hôm Thủ Độ đích thân đến chùa Chân Giáo, trông thấy Huệ Tông đang ngồi nhổ cỏ ở sân chùa, mới nói rằng: “nhổ cỏ thì phải nhổ hết rể cái đi”. Sư Huệ Quang trả lời: “Ngươi nói thế thì ta đã hiểu rồi”. Vài ngày sau, Thủ Độ cho người đến mời Huệ Tông. Biết ý Thủ Độ, HuệTông vào nhà sau của chùa tự vận chết. Thủ Độ giả bộ khóc lóc thảm thiết, báo các quan làm lễ hỏa táng rồi đem tro đặt tại tháp Bảo Quang.

          Tiếp theo Trần Thủ Độ giáng Thái Thượng Hoàng Hậu Trần Thị Dung xuống làm công chúa Thiên Cực. Thủ Độ cưới Công chúa Thiên Cực để đạt được ước mơ từ thời niên thiếu của mình. Sau đó, Thủ Độ đem gả tất cả những cung nhân nhà Lý cho các tù trưởng của các bộ tộc ở miền thượng du.

          Năm 1232, nhân lễ tế tiên tổ nhà Lý ở thôn Thái Đường, làng Hoa Lâm (huyện Đông Ngạn, tỉnh Bắc Ninh), Thủ Độ sai người đào hầm rồi sẳn phủ nền nhà ở trên, khi tôn thất nhà Lý vào tế lễ thì nền nhà sụp xuống tất cả bị sụp xuống hố. Thủ Độ sai người đổ đất lên chôn sống tất cả tôn thất nhà Lý.

           Sau đó, Thủ Độ bắt ai trong họ Lý đều phải cải sang họ Nguyễn để các thế hệ sau không còn ai nhắc đến nhà Lý, Độ còn đày con cháu nhà Lý lên vùng núi non hiểm trở. Dân chúng mất hẳn hy vọng phục hồi nhà Lý.

           Trước thực trạng tiêu diệt dòng họ Lý của Thủ Độ, Lý Long Tường, em trai của Lý Cao Tông, con thứ bảy của vua Lý Anh Tông (trị vì: 1138 – 1175) đã quyết định vượt biển cùng đoàn tuỳ tùng bằng một đoàn thuyền đi về phương Bắc để bảo toàn tánh mạng. Đoàn thuyền trôi dạt vào Trấn Sơn, huyện Bôn Tân, tỉnh Hoàng Hải trên bờ biển phía Tây Cao Ly. Vua Cao Tông của nước Cao Ly bấy giờ đã chấp nhận cho Lý Long Tường và đoàn tuỳ tùng ở lại tị nạn. Tại đây, Lý Long Tường và đoàn tuỳ tùng đã tự lực cánh sanh: trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi, mở trường dạy văn và võ cho con cháu.

            Lý Long Tường và đoàn tuỳ tùng là những thuyền nhân đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.        

               Hậu duệ của Lý Long Tường:

               - Nhân chuyến viếng thăm Việt Nam Cộng Hoà ngày 6 tháng 11 năm 1958, Lý Thừa Vản, Tổng Thống Hàn Quốc, đã nói rằng tổ tiên ông là người Việt Nam, ông là hậu duệ đời thứ 25 của Lý Long Tường.

               - Năm 1994, ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 26 của Lý Long Tường đã qua Việt Nam và đến từ đường họ Lý ở làng Đình Bảng, huyệnTừ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để lễ bái tổ tiên.

               Thủ Độ muốn bảo vệ cho triều đại nhà Trần mà ông đã có công khai sáng nên ông không từ những thủ đoạn tàn ác với nhà Lý mà còn làm nhiều chuyện luân thường đạo lý đảo lộn. Thủ Độ ra lệnh nhà Trần chỉ cưới gả với nhà Trần để ngôi báu nhà Trần không bị lọt vào tay dòng họ khác. Lý Chiêu Hoàng bấy giờ mới có 19 tuổi, sau 12 năm lấy chồng mà vẫn không có con. Thủ Độ tính đến chuyện tương lai của triều Trần, nên bắt Trần Thái Tông phải bỏ bà và giáng bà xuống làm công chúa, rồi đem chị của Chiêu Hoàng trước đã được gã cho Trần Liểu, anh của Trần Thái Tông, vào làm Hoàng Hậu bởi vì người chị này đã có thai 3 tháng. Trần Liểu ghen tức đem quân làm loạn. Trần Thái Tông bị Thủ Độ ức chế không khỏi lo âu nên đã rời Kinh thành Thăng Long vào một đêm tối trời đến trú ẩn tại một ngôi chùa trên núi Yên Tử (tỉnh Hải Dương). Hay tin này, Thủ Độ cùng quần thần đến đón Trần Thái Tông về Kinh. Lúc đầu, Thái Tông chưa chịu trở lại triều đình mặc dầu Thủ Độ hết sức năn nỉ. Thái sư (Tể Tướng) Trần Thủ Độ mới bảo các quan rằng: “Hoàng Thượng ở đâu thì triều đình ở đó”. Rồi sai các quan lập đồ án để xây dựng một Kinh Đô mới ở chùa Phù Vân. Quốc sư ở chùa này đã khuyên can Thái Tông trở về triều. Thái Tông buộc lòng nhượng bộ.

             Trần Liểu quy hàng vì biết mình không làm gì nổi đội quân của triều đình. Thủ Độ nghe tin toan giết Trần Liểu, Thái Tông can ngăn và đồng thời xin tha tội cho ông. Thủ Độ đồng ý. Vua cấp cho Trần Liểu một thái ấp trong vùng Hải Dương.

            Trần Thủ Độ rất tàn ác với nhà Lý, nhưng đã là một đại công thần khai sáng sự nghiệp nhà Trần.

            Trần Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng có nhiều kinh nghiệm quản trị điều động dân chài vào thuở thiếu thời. Ông là người có nhiều mưu, là một nhà chính trị có bản lãnh. Như đã biết, ông đã làm mưa làm gió trong triều đình nhà Trần. Sau khi bình định được những cuộc nổ dậy, ông đã chỉnh đốn mọi việc chính trị, hành chánh, phát triển kinh tế, văn hoá giáo dục và xã hội:

            1.- Cải cách hành chánh

            a.     Tổ chức chánh quyền trung ương

             Nhà Trần vẫn giữ chế độ quân chủ của nhà Lý. Tổ chức chính quyền trung ương vẫn như của nhà Lý nhưng có sự hoàn thiện hơn. Đặc biệt nhà Trần đã tạo ra lệ vua truyền ngôi cho người kế vị khi mình còn sống nhờ thế vị vua mới lên ngôi được học tập và thực tập làm quen với việc trị nước nhưng các quyết định đều nằm trông tay “Thái Thượng Hoàng”, tức nhà vua đã thoái vị, rút lui khỏi triều đình. Điều này còn giúp tránh mọi rối ren, tranh chấp ngôi báu khi nhà vua băng hà.

b.     Tổ chức chánh quyền địa phương 

            Toàn đất nước được chia làm 12 lộ. Mỗi lộ đặt 2 viên quan cai trị: An Phủ Sứ, một Chánh, một phó. Mỗi lộ chia làm nhiều xã. Mỗi xã có quan cai trị là Xã Chánh, làng xã có quan cai trị làm lại sổ hộ khẩu theo con trai và tuổi tác. Xã thôn là bản vị hành chánh.

              2.- Về thuế khoá             

            Ai có ruộng đất thì phải nộp thuế, nhưng tư điền thuế không nặng bằng công điền để khuyến khích nông dân khai phá đất hoang.

              3.- Về đê điều

               Sản xuất nông nghiệp được phát triển nhờ các công trình dẫn thuỷ nhập điền, mở rộng diện tích trồng trọt, phát triển hệ thống đồn điền để khai thác các vùng đất bị bỏ hoang.

               Năm 1248, Thái sư Trần Thủ Độ hạ lệnh đắp đê “Đỉnh Nhĩ” dọc theo sông Nhị (sông Hồng) từ đầu nguồn tới bờ biển để đề phòng lụt lội khỏi tràn ngập khi nước sông dâng lên to, và đặt ra chức quan Hà Đê Chánh Sứ và Phó Sứ. Nhà Trần cho đắp đê thỉnh thoảng có chỗ vòng vô ruộng, giống hình cái quai vạc, nên gọi là đê Đỉnh Nhỉ (hình cái quai vạc).

              4.- Hình luật và lễ nghi               

              Năm 1230, Trần Thủ Độ ban hành Bộ hình luật mới có tính nghiêm khắc hơn để đáp ứng tình hình xã hội vào thời đó.

               Năm 1232, Nhà Trần sắp đặt lại lễ nghi trong triều.

                5.- Quân sự

                Năm 1243, chỉnh đốn lại và xây dựng lại quân đội để đề phòng chống lại đế quốc Nguyên Mông. Tuyển binh sĩ dũng cảm, võ nghệ cao cường, mạnh mẽ vào đội quân cấm vệ.

              Lập đội thuỷ quân, huấn luyện chèo thuyền, tác chiến trên sông ngòi.

              6.- Quốc học

               Năm 1227, vua Trần Thái Tông cho mở khoa thi “Tam giáo” bao gồm các môn: Nho học, Phật học và Lão học.

              Năm 1228, vua Thái Tông cho mở khoa thi gọi là “Bạ đầu”; ai trúng tuyển mới được làm quan: nhà Trần lấy học thức để chọn người làm quan. Thời Lý, muốn được làm quan thì phải được sự tiến cử của các vị Sư.

              Năm 1232, mở khoa thi “Thái học sinh”, sau này đổi là “Khoa Tiến Sỉ”, từ năm 1246 về sau, cứ 7 năm có 1 kỳ thi.

              Năm 1236, Vua Trần Thái Tông đặt chức “Thượng Thư Tri Quốc Tử Viện” trong coi Quốc Tử Viện để đưa con em văn thần và tụng thần (chức quan tư pháp) vào học.

            Năm 1247, Mở khoa thi “Thái Học sinh”, đặt tên mới là “Tam Khôi”. Cuộc thi này gọi là kỳ thi Đình, được tổ chức tại sân đình nhà vua. 3 thí sinh đậu cao nhất gọi là Tam Khôi, tuỳ theo số điểm được xếp hạng theo thứ tự sau:

                              - đậu đầu là Trạng Nguyên.

                              - đậu hạng nhì là Bảng Nhản.

                              - đậu hạng thứ ba là Thám Hoa.

Trần Thủ Độ ban chức cho “Bảng nhản Lê Văn Hưu” làm Hàm Lâm Viện Sĩ kiêm Quốc Sử Viện, đứng chủ biên bộ sử đầu tiên của Việt Nam là “Đại Việt Sử Ký”, bộ sử này được hoàn thành vào ngày 15 tháng Giêng năm 1272: viết từ đời Triệu Vũ Vương (207 – 137 tr. CN) đến Lý Chiêu Hoàng (1224 – 1225). Nay không còn.

             Năm 1253, lập “Viện Quốc Học”, học trò trong nước có thể vào Viện Quốc Học để nghe giảng luận về Ngũ Kinh: Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Thi, Kinh Thư và Kinh Xuân Thu; về Tứ Thư: Luận Ngữ, Mạnh Tử, Đại Học và Trung Dung. Vào tháng 6 năm 1253 thuộc năm Nguyên Phong thứ ba, sau khi lập Quốc Học Viện, vua Trần Thái Tông sai dựng tượng Chu Công, Khổng Tử, Mạnh Tử và vẽ 72 hiền sĩ để thờ. Chu Công là công thần khai quốc nhà Chu (thế kỷ 1 – 256 tr. CN) trong lịch sử Trung Hoa, giành quyền thống trị từ nhà Thương, tiếp theo là nhà Tần. Thêm vào đó, còn có các trường tư thục như các trường của nhà Nho Trần Ích Tắc, của nhà Nho Chu Văn An.

             Mùa Thu năm 1247, mở khoa thi “Tam Giáo” gồm có 3 môn: Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo.

              Trần Thủ Độ vẫn giữ tinh thần tam giáo đồng nguyên để phát triển tinh thần văn hoá liện tục từ nhà Lý sang nhà Trần.

            Năm 1257, nhà Trần chia Trạng Nguyên làm hai loại: từ Nghệ An trở vào là Trạng Nguyên Trại, từ Nghệ An trở ra là Trạng Nguyên Kinh. Lệ này thi hành được 20 năm, đến đời Trần Thánh Tôn, năm 1375, mới hợp lại thành một.

              Mùa Xuân năm 1264, Thái Sư Trần Thủ Độ mất, thọ được 71 tuổi (1193 – 1264), làm quan được 35 năm (1229 – 1264) triều đình nhà Trần truy tặng “Thượng Phụ Thái Sư Trung Vũ Đại Vương”. Lúc ấy Trần Thánh Tông đang trị vì, còn Trần Thái Tông đã là Thái Thượng Hoàng.

              Như đã biết, Trần Thủ Độ rất là gian ác đối với nhà Lý, ông còn đặt ra chế độ “nội hôn” để bảo vệ dòng họ nhà Trần khỏi lọt vào tay dòng họ khác bất chấp luân thường đạo lý, mục đích của ông là củng cố cho sự nghiệp nhà Trần mà ông đã có công khai sáng. Ông quả đã chủ trương “cứu cánh biện minh cho phương tiện” (the end justifies the means) mà Niccola Machiavelli đã trình bày trong quyển De Principatibus (tiếng La-tinh có nghĩa là “bàn về Vương quốc”, tiếng Anh dịch là The Prince, tiếng Việt dịch là Quân Vương) được xuất hiện vào năm 1513.

              Khi Trần Thái Tông lên ngôi vua thì đế quốc Mông Cổ đã lớn mạnh, và đã bắt đầu đi chinh phục thế giới. Vào năm 1215, Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan), tức là Nguyên Thái Tổ, thống nhất Mông Cổ và chiếm Bắc Kinh. Đến đời Đại Hãn thứ ba là Mông-Kha (Mongka), tức là Nguyên Hiến Tông, sai em là Hốt Tất Liệt (Qoubilai) đem quân sang chiếm Nam Tống. Hốt-Tất-Liệt cùng tướng Mông Cổ là Ngột –Lương-Hợp-Thai (Ouriyangqadai) chiếm vương quốc Nam Chiếu vào năm 1252.

               Vào năm 1257, Ngột-Lương-Hợp-Thai tới biên giới Đại Việt, và đề nghị mượn đường để tấn công nước Tống từ phía Nam, vua Trần Thái Tông từ chối. Do đó Ngột-Lương-Hợp-Thai bèn xâm lăng nước ta, lấy được thành Thăng Long năm 1258. Trần Thái Tông phải bỏ Kinh đô chạy về sông Thiên Mạc, tức là tên cổ của sông Châu Giang nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Nam. Trước thế nguy, Trần Thái Tông ngự thuyền đến hỏi Thái Uý Trần Nhật Hiệu. Nhật Hiệu không nói gì cả chỉ cấm sào viết xuống nước hai chữ      (nhập Tống), rồi gặp Thái sư Trần Thủ Độ. Thủ Độ nói rằng: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, thì xin bệ hạ đừng lo”. Trước lời khẳng quyết như thế, Trần Thái Tông yên dạ.

             Quân Mông Cổ chiếm được Thăng Long trong chín tháng, rồi không chịu nỗi khí hậu nghiệt ngã nên phải rút lui. Trên đường rút quân, quân Mông Cổ bị quân ta truy kích và người Mán ở miền núi cùng tấn công dữ dội. Nước ta thoát khỏi ách xâm lăng của quân Mông Cổ lần thứ nhất. Trần Thủ Độ đã là linh hồn của cuộc chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược. Lời nói của ông đã làm sáng chói và rạng rỡ trong lịch sử ngàn năm của dân tộc ta.            

  Mùa xuân năm 1258, Trần Thái Tông nhường ngôi cho Thái Tử Trần Hoảng, và lên làm Thái Thượng Hoàng được 19 năm. Trần Thái Tông trị vì được 33 năm, mất năm 1277 lúc 60 tuổi.

              2.- Trần Thánh Tông (1258 – 1278)                                 

  Thái Tử Trần Hoảng lên ngôi, tức là vua Trần Thánh Tông. Việc học hành mở mang.     

             Năm 1272, Lê Văn Hưu soạn xong bộ Đại Việt Sử: chép sử bắt đầu từ Triệu Võ Vương đến Lý Chiêu Hoàng. Nay sách này không còn.

             Vua Mông Cổ đặt quan giám trị nước ta để dần dần lập thành “Bảo hộ”. Cứ ba năm, nước ta phải triều cống một lần.

             Năm 1272, đời Trần Thánh Tông, vua hạ chiếu tìm người thông hiểu Kinh Truyện cho vào hầu toà Kinh Diên, và sung làm chức Tư Nghiệp ở Quốc Tử Giám.

             Năm 1278, Trần Thánh Tông nhường ngôi cho Thái Tử Khâm rồi lên làm Thái Thượng Hoàng được 13 năm, trị vì được 21 năm mất năm 1291, thọ 51 tuổi.

              3.- Trần Nhân Tông (1279 – 1298)                               

   Thái Tử Khâm lên ngôi vua tức là Trần Nhân Tông.                                 

   Mông-kha chết, Hốt-Tất-Liệt (Kublai Khan) lên ngôi Đại Hãn tức là vua Nguyên Thế Tổ dời Kinh đô về Yên Kinh. Thế lực người Mông Cổ rất mạnh, họ đã chiếm Châu Á và Châu Âu lập thành một đế quốc rộng mênh mông. Nhờ vậy, đường giao thông xuyên lục địa được khai thông; và đường hàng hải cũng rất thịnh vượng khiến sự buôn bán hương liệu và châu ngọc phát đạt. Các bến cảng Quảng Châu, Tuyền Châu, Thượng Hải, Ôn Châu, Hàng Châu của Trung Hoa là những thương cảng lừng danh trên thế giới lúc bấy giờ. Thương thuyền vận tải lụa gấm của Trung Hoa sang Ấn độ, Singhalais, và đem về bán cho Trung Hoa hương liệu, vải, ngọc châu của Ấn độ, kim cương của Dékhan. Lý do thâm sâu của việc Mông Cổ muốn chinh phục miền Đông Nam Á là để bảo đảm an ninh lưu thông cho đội thương thuyền của Trung Hoa, và chiếm đóng các căn cứ hàng hải ở dọc bờ biển miền Nam. Do đó, Chiêm Thành (Champa) là mục tiêu chính và Đại Việt là mục tiêu phụ cho cuộc chinh phạt này.

              Năm 1281, đời Trần Nhân Tông, vua cho lập “nhà học” ở Phủ Thiên Trường.

           Tháng 11 năm 1282, tướng Mông Cổ là Toa Đô đem 350 chiến thuyền đánh Chiêm Thành, chiếm được nhiều nơi. Nhưng dân Chiêm Thành tiếp tục kháng chiến dưới sự lãnh đạo của vua Harijit. Quân Mông Cổ gặp khí hậu nóng bức, bệnh tật rất nhiều, lại còn thiếu lương thực. Thêm vào đó, Đại Việt từ chối không cho mượn đường bộ nên viện binh Mông Cổ phải đi đường biển, và bị bảo đánh đắm nhiều chiến thuyền ở ngoài khơi biển Chiêm Thành.

               Cuộc viễn chinh kéo dài lê thê, nên năm 1284, Hốt-Tất-Liệt quyết định cử con là Thoát Hoan (Toghan) đem 500.000 quân rất dũng mãnh sang tiêu diệt Chiêm Thành, và nếu cần thì chiếm luôn nước Đại Việt.

               Trước đe dọa của quân Mông Cổ, vua Trần Nhân Tông gấp rút chuẩn bị chiến tranh, thành lập đạo quân với 200.000 chiến sĩ; và triệu tập “Hội nghị Diên Hồng” gồm các bô lão trên toàn quốc để quyết định nên hoà hay nên chiến: toàn thể đều đồng thanh quyết chiến. Tháng 10 năm 1283, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thống lãnh toàn bộ lực lượng bộ binh và thuỷ binh. Hưng Đạo Vương soạn quyển “Binh Thư yếu lược” dành cho tướng sĩ của ông, rồi ông truyền “Hịch tướng sĩ”. Quân sĩ đều xâm nơi cánh tay hai chữ Hán:  殺 韃  (Sát Thát , sát nghĩa là giết, còn Thát chỉ người Mông Cổ) để thể hiện quyết tâm chiến đấu của mình.

               Năm 1284, quân Nguyên Mông lại sai người hỏi mượn đường sang đánh Chiêm Thành, vua ta không thuận thế là chúng tràn quân vào chiếm được Thăng Long.

             Đến tháng 2 năm 1285, tướng của Thoát Hoan là Ô-Mã-Nhi (Omar) hợp với quân của Toa Đô ở Chiêm Thành tiến chiếm Thăng Long. Tướng Trần Bình Trọng bị rơi vào tay của địch. Quân Nguyên Mông dụ hàng, nhưng ông trả lời rằng: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Chúng đem hành hình ông.

  Trần Hưng Đạo áp dụng chiến thuật tiêu thổ kháng chiến, cho các đạo quân cắt đường liên lạc; quân Nguyên Mông bị cô lập và bị tiêu diệt lần lần. Quân ta đánh Nguyên Mông đại bại trong 4 trận lớn: Vạn Kiếp, Chương Dương, Hàm Tử và Tây Kết. Tướng giặc Toa Đô bị giết ở trận Tây Kết, tướng Lý Hằng bị tử thương ở trận Vạn Kiếp. Thoát Hoan liền rút binh về Tàu. Vào tháng 4 năm 1285, tình hình chuyển biến: khí hậu mùa hè oi bức, đạo binh Mông Cổ nhiểm bịnh, suy yếu. Chúng bị thua trận nhiều nơi. Ngày 6 tháng 6 năm 1285, nhà Trần đại thắng trở về Thăng Long. Nước ta thoát khỏi ách xâm lăng lần thứ hai.

  Quân Nguyên Mông vẫn còn muốn xâm lăng nước ta để trả thù cuộc thảm bại kỳ trước. Cuối năm 1287, Thoát Hoan cử một đạo binh 300.000 quân tràn sang nước ta. Trần Hưng Đạo được cử thống lãnh bộ binh và thuỷ binh lần thứ ba. Ông đã đánh quân Nguyên Mông một trận trên sông Bạch Đằng. Chúng đại bại, chạy thoát về Tàu. Nước ta thoát được nạn ngoại xâm lần thứ ba.

  Theo thông lệ, nước ta vẫn triều cống như cũ bởi vì nước ta là nước bé nhỏ. Gặp lúc Hốt-Tất-Liệt, Nguyên Thế Tổ mất, Nguyên Thành Tổ lên ngôi. Vua Thành Tổ tính khí hoà bình nên nước ta có mối giao hảo tốt đẹp và không có chiến tranh kéo dài cho đến đời Minh.

  Năm 1300, Trần Hưng Đạo qua đời tại Vạn Kiếp. Ông có nhiều vị tướng tài ba ở dưới trướng, đặc biệt là tướng Phạm Ngũ Lão.

  Nước ta là một nước nhỏ nhưng đã 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông. Uy tín nước ta đã lên cao vời vợi vào thời bấy giờ. Tài dụng binh của Trần Hưng Đạo cùng với tinh thần đoàn kết của nhân dân đã đem về 3 lần chiến thắng vẻ vang cho dân tộc. Muôn đời, dân tộc Việt Nam sùng kính người anh hùng văn võ kiêm toàn Trần Hưng Đạo.

  Trong đời vua Trần Nhân Tông bên cạnh 3 lần chống giặc Nguyên Mông xâm lăng, nền văn học cũng khởi sắc: bài “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, thơ của Trần Quang Khải và Phạm Ngũ Lão, đặc biệt quan Hình Bộ Thượng Thư Nguyễn Thuyên /Hàn Thuyên đã bắt đầu dùng chữ Nôm để sáng tác thơ phú.

            Năm 1293, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Thái Tử Thuyên, xuất gia trên núi Yên Tử, lên làm Thái Thượng Hoàng được 13 năm, vua trị vì được 14 năm, chết năm 1306, thọ 51 tuổi.

               4.- Trần Anh Tông (1293 – 1314)                      

  Thái Tử Trần Thuyên lên ngôi tức vua Trần Anh Tông. 

  Năm 1294, tướng Trần Quang Khải mất. Năm 1300, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn qua đời.

  Năm 1301, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đi sang Chiêm Thành để lịch lãm phong cảnh, và hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Sau đó, Chế Mân sai đem sính lễ cầu hôn gồm có vàng bạc và dâng hai Châu Ô và Châu Rí; vua Trần Anh Tông thuận gả. Đến tháng 6 năm 1306, vua đưa Công chúa về Chiêm Thành. Vua Trần Anh Tông đổi Châu Ô và Rí thành Thuận Châu và Hoá Châu rồi cử Đoàn Nhữ Hài vào kinh lý và đặt quan cai trị.

  Năm sau, 1307, Chế Mân chết. Theo tục lệ Chiêm Thành, khi vua chết thì Hoàng Hậu phải hoả thiêu để chết theo. Vua Trần Anh Tông sai tướng Trần Khắc Chung qua Chiêm Thành để tìm cách đưa công chúa về Đại Việt. Con của Chế Mân là Chế Chí lên thay, nhiều lần chống lại ta, nên vua Trần Anh Tông đã thân chinh đi đánh dẹp và bắt sống Chế Chí vào năm 1311. Từ đó Chiêm Thành lệ thuộc nước ta. 

                Về giáo dục: chỉ tới năm 1304, dưới thời vua Trần Anh Tông (1293 – 1314) mới có chương trình cho các khoa thi. Chương trình này gồm có 4 bài thi, thí sinh phải đậu từng bài một thì mới được thi tiếp bài kế:

1.- Viết một bản văn vốn phải học thuộc lòng (ám tả).

2.- Bình giải Tứ thư, làm một bài thơ và một bài phú (Kinh nghĩa, thơ, phú).

   Tứ thư: Đại học, Trung Dung, Luận ngữ và Mạnh Tử.
   Ngũ Kinh: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu.

           Tứ thư và Ngũ Kinh hợp lại làm 9 bộ sách chủ yếu của Nho giáo. Nho giáo chú trọng vào luân thường đạo lý, chủ trương biến hoá tùy thời, luận bàn về những sinh hoạt thực tế của người đời ở trong cuộc đời thế tục này.

3.- Soạn một bài Chiếu, Chế, Biểu.

   Chiếu là một công văn do vua viết để ban bố mệnh lệnh cho dân chúng biết về một chủ trương lớn, chánh sách lớn của nhà vua và triều đình. Chiếu có ngôn từ trang trọng, trang nghiêm được viết bằng thể văn xuôi cổ, thường có đối và có vần (lối văn biền ngẫu). Thí dụ: “Thiên đô chiếu” (Chiếu dời đô) của Lý Công Uẩn. “Thiên vị chiếu” (Chiếu nhường ngôi) của Lý Chiêu Hoàng.

   Chế là bài văn ghi lời của vua nói. Thí dụ: Chế thư, Chế sách.

   Biểu là bài văn tâu lên vua hoặc cấp trên, là tờ trình để tỏ tấm lòng hay ý kiến về việc gì. Thí dụ: tờ biểu.

4.- Bài luận văn về một vấn đề được đưa ra (văn sách) để đánh giá khả năng lý luận của thí sinh. 

  Năm 1307, đời Trần Anh Tông, vua điều Học sĩ Nguyễn Sĩ Cố vào giảng Ngũ Kinh.

            Năm 1314, Trần Anh Tông nhường ngôi cho Thái Tử Mạnh rồi lên làm Thái Thượng Hoàng được 6 năm. Năm 1320, Anh Tông mất, thọ được 54 tuổi, trị vì được 21 năm. 

             5.- Trần Minh Tông (1314 – 1329)                      

  Thái tử Mạnh lên ngôi tức là Trần Minh Tông.

             Năm Đại Khánh thứ tám, tức năm 1322, Minh Tông dùng Kinh Kim Cương làm đề thi cho các Sư.

  Năm 1323, mở khoa thi Thái học sinh, và ra lịnh cấm binh sĩ không được vẽ mình như trước.

  Năm 1329, nhường ngôi cho Thái Tử Vượng rồi lên làm Thái Thượng Hoàng. 

             6.- Trần Hiến Tông (1329 – 1341) 

  Thái Tử Vượng, mới có 10 tuổi, lên ngôi vua tức Trần Hiến Tông. Cho nên quyền bính vẫn còn ở trong tay Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông. 

            Trần Hiến Tông làm vua đến năm 1341 thì mất, trị vì được 13 năm, thọ 23 tuổi. 

III.- Nhà Trần suy tàn 

  Cũng như nhà Lý, những ông vua đầu tiên thì xuất chúng nhưng các vua kế vị về sau thì việc nước, việc dân bại hoại để nhà Trần đi đến sự suy tàn. Đến đời Trần Dụ Tông thì nhà Trần bắt đầu suy tàn. 

            7.- Trần Dụ Tông (1341 – 1369)                      

  Vua Trần Hiến Tông không có con, nên Thượng Hoàng Trần Minh Tông lập người em là Trần Hạo lên làm vua tức là Trần Dụ Tông. Quyền bính đều ở trong tay Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông cho đến khi Ngài mất năm 1358. Từ đó việc chính trị bị trể nải, gian thần càng ngày càng lộng quyền.

  Vua Trần Dụ Tông suốt ngày chỉ nghĩ tới rượu chè, chơi bời, phung phí công quỹ để xây cung điện, và tạo nên những khu vườn với trang trí các hồ nhân tạo và núi nhân tạo; lại còn gọi các nhà giàu vào cung điện để đánh bạc, bắt các quan thi đua uống rượu.

  Khi nhà Trần đánh thắng quân Nguyên Mông thì có bắt một người hát bội làm tù binh tên là Lý Nguyên Cát. Ông này xin ở lại nước ta, viết truyện và soạn thành tuồng hát rồi dạy người mình hát. Nghệ thuật sân khấu bắt đầu từ triều vua Trần Dụ Tông. Vua bắt các Vương hầu, Công chúa phải theo đó mà đặt chuyện hát tuồng.

  Chính sự bại hoại, nên giặc cướp nổi lên, dân tình đói khổ.

  Nhà Trần bắt đầu suy tàn từ đời vua Trần Dụ Tông.

  Năm 1369, Trần Dụ Tông mất, không có con. Triều thần định lập Cung Định Vương là anh của vua Trần Dụ Tông lên ngôi vua nhưng bà Hoàng Thái Hậu muốn đưa con nuôi của Cung Túc Vương là Dương Nhật Lễ lên ngôi vua. Nhật Lễ cãi họ Dương để chấm dứt ngôi nhà Trần. Cuộc tranh chấp xảy ra, cuối cùng các quan tôn thất nhà Trần đem binh giết bà Hoàng Thái Hậu và Cung Túc Vương, tức Dương Nhật Lễ (trị vì 1369 – 1370) rồi lập Cung Định Vương lên ngôi tức Trần Nghệ Tông. 

               8.- Trần Nghệ Tông (1370 – 1372)                     

   Trần Nghệ Tông là ông vua nhu nhược nên mọi việc đều để cho người bên ngoại là Lê Quý Ly quyết định. Quý Ly nguyên tổ là họ Hồ, nhưng được làm con nuôi của Lê Huấn nên đổi họ là Lê. Lê Quý Ly có hai người cô lấy vua Trần Minh Tông, một người sanh ra Trần Nghệ Tông, một người sanh ra Trần Duệ Tông.

   Vua Trần Nghệ Tông phong Quý Ly làm Khu Mật Đại Sứ, và rất tin dùng Quý Ly.

   Năm 1372, Trần Nghệ Tông truyền ngôi cho em là Kính rồi lên làm Thái Thượng Hoàng. 

               9.- Trần Duệ Tông (1372 – 1377)                     

   Thái Tử Kính lên ngôi vua tức là Trần Duệ Tông.

   Năm 1374 mở khoa thi Tiến Sĩ; trước đây có khoa thi Thái Học Sinh nay đổi là khoa thi Tiến Sĩ.

   Năm 1376, Trần Duệ Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Tháng Giêng năm 1377, tiến quân vào cửa Thị Nại (Qui Nhơn) đánh lấy đồn Thạch Kiều và động Kỳ Mang, kéo quân đến đánh thành Đồ Bàn là Kinh đô nước Chiêm Thành. Chế Bồng Nga giả bộ bỏ chạy, Trần Duệ Tông tiến binh vào thành. Chế Bồng Nga đánh bộc trở lại. Quân ta thua to. Trần Huệ Tông tử trận. Bấy giờ Đổ Tử Bình và Hồ Quý Ly lĩnh hậu quân không đem quân tiếp viện mà kéo quân về nước. 

              10.- Trần Phế Đế (1377 – 1388)                    

   Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông nghe tin Trần Duệ Tông tử trận, bèn lập con của Duệ Tông là Hiển lên ngôi tức vua Trần Phế Đế.

   Tháng 2 năm 1377, thừa thắng, quân Chiêm Thành kéo quân sang đánh Thăng Long, cướp được Thăng Long.

   Tháng 5 năm 1378, quân Chiêm Thành sang đánh Nghệ An rồi tiến đánh Thăng Long một lần nữa. Trong năm 1382, vì quân Chiêm Thành quấy nhiễu, Phế Đế bắt các sư trong nước và những tăng tráng ở các núi rừng chưa có độ điệp(1) đều phải làm lính, theo vị thiền sư Đại Than đi đánh giặc.

_______________________

 Chú thích:                                        

(1) độ điệp là giấy chứng nhận do nhà nước cấp cho những người xuất gia làm tăng sĩ. Nhà sư được cấp “hộ điệp” thì được miễn đi lính, miễn sưu thuế. 

   Năm 1384, dưới đời vua Trần Phế Đế, vua cho lập Thư Viện trên núi Lan Kha, nay là núi Phật Tích ở huyện Tiên Du, cử danh Nho Trần Tông làm chức Viện Trưởng để dạy học trò. Thái Thượng Hoàng thường đến thanh tra Thư Viện này.

   Trần Phế Đế thấy Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông yêu dùng Lê Quý Ly, nên bàn mưu với các quan tính trừ Quý Ly đi. Quý Ly biết âm mưu nên tâu với Thượng Hoàng. Thượng Hoàng nổi giận giáng Phế Đế xuống làm Minh Đức Đại Vương và lập Chiêu Định Vương là con của Nghệ Tông lên ngôi vua. Quý Ly đã bức tử Phế Đế và các tướng lãnh đồng mưu. 

            11.- Trần Thuận Tông (1388 – 1398)

  Chiêu Định Vương lên làm vua là Thuận Tông.                      

  Tháng Giêng năm 1390, Chế Bồng Nga lại đem quân đánh Thăng Long, kỳ này ông bị quân ta bắn chết. Từ đó, nước Chiêm Thành bị suy đồi.

   Lê Quý Ly chuyên quyền: nhờ hai bà cô lấy vua Trần Minh Tông nên Quý Ly được trọng dụng. Con đường tiến thân của vị quan này là nhờ đàn bà. 

   Từ năm 1387, Quý Ly đã chiếm vị trí số một ở triều đình nhà Trần, uy quyền một ngày một to, vây cánh một ngày một nhiều. Ông được coi là vị Thủ Tướng của triều đình.

   Năm 1397, đời Trần Thuận Tông, cũng định ra thể thi bốn trường:

               1.- thứ nhất: ám tả, cổ văn dùng Kinh nghĩa.

               2.- thứ hai: thơ, phú.

               3.- thứ ba: Chiếu, Chế, Biểu.

                4.- thứ tư: Văn sách.

                 Lệ thi này áp dụng cho đến hết thời Trần.

   Năm 1398, đời vua Trần Thuận Tông, vua cho ban cấp “ruộng học” cho các Châu Phủ để tuyển các viên Đốc học dạy học trò. Các việc này đã cho thấy việc đào tạo rất quy mô để nâng cao địa vị Nho gia và vị thế của họ qua con đường học vấn thi cử.

   Trong năm 1398, Quý Ly buộc Trần Thuận Tông nhường ngôi cho con là Thái Tử Ấn, mới 3 tuổi, tức là vua Trần Thiếu Đế. Rồi Thuận Tông đi tu ở núi Đại Lại (thuộc huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá). Sau đó, Lê Quý Ly sai người giết Trần Thuận Tông.

                12.- Trần Thiếu Đế (1398 – 1400)

   Cuộc đảo chánh của Lê Quý Ly thành công, Lê Quý Ly tự xưng là Quốc tổ Chương Hoàng, đến tháng 2 năm 1400, Quý Ly truất phế Trần Thiếu Đế rồi tự xưng là Vua thay nhà Trần.                       

   Nhà Trần trải qua 12 vị vua kể từ Trần Thái Tông đến Trần Thiếu Đế đã trị vì được 175 năm (1225 – 1400). Nhà Trần sụp đổ là do sự thối nát, bại hoại, sa đọa của các vua cuối cùng kể từ đời vua Trần Dụ Tông (1341 – 1369) lại thêm triều đình lục đục bè đảng.

   Như đã biết, sau khi vãn hồi hoà bình và khởi nghiệp đế vương của nhà Trần, nhà vua ban cấp đất đai rộng lớn cho quan lại, chùa chiền trong khi đời sống của nhân dân thì kiệt quệ vì chiến tranh lại có nhiều thiên tai nối tiếp nhau. Nhân dân thì phải đóng thuế đất, thuế đinh, làm lao dịch và thi hành nghĩa vụ quân sự với lương bổng ít ỏi. Năm 1266, một sắc lệnh ban hành để tạo cơ hội cho tôn thất nhà Trần chiếm đoạt các vùng đất khẩn hoang của dân chúng. Đó là những lý do làm cáo chung triều Trần. 

IV.-  Nhận xét về nhà Trần                  

   Thái sư Trần Thủ Độ, xuất thân là một anh thuyền chài, không có học vấn, dáng người vạm vỡ, khoẻ mạnh, võ nghệ cao cường. Lúc thiếu thời, được người chú là Trần Lý giao chuyện đôn đốc công việc làm ăn và trông nom dân chài. Thủ Độ có tài quản trị, tính cương quyết và có tính nhanh nhẹn của dân chài.

   Sau khi bình định được những cuộc nổi dậy đòi phục hồi nhà Lý thì Thái sư Trần Thủ Độ đã chỉnh đốn về mọi việc chính trị, hành chánh, phát triển kinh tế, văn hoá giáo dục, xã hội. Chúng ta có thể đoán rằng bên cạnh Trần Thủ Độ, một anh thuyền chài vô học vấn phải có những quân sư ẩn danh là những vị học rộng biết nhiều, quán thông lịch sử kim cổ. Nhờ đó, Trần Thủ Độ mới đạt những thành công vững chắc để đặt nền tảng đế nghiệp nhà Trần. Chúng tôi có vài nhận xét như sau: 

1.- Giáo dục phát triển, nỗ lực đào tạo nhân tài cho đất nước

      Nhà Trần đã mở 17 khoa thi trong vòng 175 năm (1225 – 1400) của vương triều nhà Trần; trong khi nhà Lý đã mở chỉ có 7 khoa thi trong vòng 216 năm (1010 – 1225) của vương triều nhà Lý.

   Chỉ trong vòng một năm sau khi nắm quyền bính, Thái sư Trần Thủ Độ đã cho mở khoa thi “Tam giáo” vào năm 1227, dưới thời Trần Thái Tông. Khoa thi này giúp tuyển mộ các quan chức gồm cả các tu sĩ Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo. Đây là tiếp nối truyền thống tam giáo đồng nguyên của triều đại nhà Lý. Xin nhắc lại, trong thời Lý đã có những đóng góp như sau:

- Năm 1070, Vua Lý Thánh Tông cho xây “văn miếu”.

- Năm 1075, vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Nho giáo đầu tiên với tên gọi là “Thi Minh Kinh Bác học” và “Nho học Tam trường” đã chánh thức khai sanh cho lịch sử thi cử Nho giáo lâu dài ở nước ta, kéo dài hơn 800 năm.

- Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập “Quốc tử giám” ngay tại Kinh đô Thăng Long và chọn người biết chữ Nho vào dạy ở trường “Quốc tử giám”. Từ đây, con cái giới quý tộc nhà Lý, được chánh thức đào tạo chủ yếu là một chương trình giáo dục Nho giáo.

  - Năm 1156, vua Lý Anh Tông cho lập “Văn miếu” riêng để thờ Khổng Tử.

  Trở lại thời Trần:                                                            

 - Năm 1232, vua Trần Thái Tông mở khoa thi “Thái học sinh”, sau đổi thành “Tiến sĩ”. Từ năm 1246 trở về sau, cứ 7 năm có một kỳ thi.

 - Năm 1236, dưới thời vua Trần Thái Tông, vua đặt chức “Thượng thư Quốc Tử Viện”, rồi đưa con của văn thần và tụng thần (chức quan tư pháp) vào học.

- Năm 1253, vua Trần Thái Tông mở “Quốc học Viện” ở Kinh thành Thăng Long để dạy Tứ Thư: Đại học, Trung Dung, Luận ngữ và Mạnh Tử; và Ngũ Kinh: Kinh thi, Kinh thư, Kinh lễ, Kinh dịch và Kinh Xuân thu. Nhiều trường tư thục cũng đã mở ra do các Nho sĩ như Chu Văn An, Trần Ích Tắc. vua còn cho đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, Mạnh Tử, và vẽ tranh 72 người hiền để thờ. Vua xuống chiếu cho vời Nho sĩ trong nước đến Quốc Tử Viện để giảng Tứ Thư, Ngũ Kinh.

- Năm 1272, vua Trần Thánh Tông xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu Kinh Sách làm thầy dạy ở Quốc Tử Giám, và tìm người có thể giảng bàn ý nghĩa của Tứ Thư, Ngũ Kinh vào nơi vua đọc sách.

- Năm 1281, vua Trần Nhân Tông cho lập nhà học ở Phủ Thiên Trường.

- Từ năm 1304, vua Trần Anh Tông đặt chương trình cho khoa thi. Chương trình này gồm có 4 bài thi, thí sinh phải đậu từng bài thi mới được tiếp tục thi tiếp bài sau: 1. Ám tả; 2. Kinh nghĩa, thơ, phú; 3. Soạn thảo: Chiếu, Chế, Biểu; 4. Văn sách.

- Năm 1307, vua Trần Anh Tông cử học sĩ Nguyễn Sĩ Cố vào giảng Ngũ Kinh.

- Năm 1397, dưới thời Trần Thuận Tông, vua xuống chiếu cho đặt “học quan”, tổ chức việc học tập ở cấp Châu Huyện. 

   Các nhà Nho tiến thân, làm quan nhờ thi thố sở học của mình qua các kỳ thi cử. Nhà Nho càng ngày càng nâng cao vị thế của mình qua con đường học tập thi cử. Việc tuyển chọn các quan chức dưới thời Trần qua hệ thống thi cử có lẽ được công bằng hơn việc tiến cử hay giới thiệu bởi các nhà sư dưới thời Lý. Nhờ vậy, sau khi thành đạt cử nghiệp, Nho sĩ sẽ bước lên võ đài chánh trị để thi thố tài “Kinh bang tế thế” của mình. Nhờ các biện pháp học tập và thi cử, nền giáo dục thế tục dưới thời Trần đã không ngừng tạo nên sự tiến bộ và mở rộng ảnh hưởng của Nho giáo. 

   Nhà Trần đã phát triển nền giáo dục, và đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã sáng tác nhiều tác phẩm được truyền tụng về sau này như vua Trần Thái Tông, vua Trần Nhân Tông, Chu Văn An, Hàn Thuyên/ Nguyễn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Hồ Quý Ly . . . 

   2.-Phật giáo nhường bước cho Nho giáo 

   Dưới thời Trần, Nho giáo bắt đầu hưng thịnh nhờ chính sách giáo dục về Nho học. Phật giáo bắt đầu suy thoái vào cuối thời Lý. Như đã biết, vào đời Lý Cao Tông (1176 – 1210), Phật giáo đã suy thoái, nên vua đã bắt các tăng sĩ phải trải qua một kỳ thi để sàn lộc các tăng ni không thông hiểu Phật pháp và bắt phải hoàn tục kẻ không đủ tiêu chuẩn với dấu thích trên cánh tay để tránh họ trở lại làm tu sĩ, vị nào đậu thì được cấp chứng thư để tiếp tục tu hành.

   Thiền sư Tịnh Giới (? – 1207) nhìn sự suy thoái của Phật giáo mà nghẹn ngào than thở:

                     Thử thời thuyết đạo hãn tri âm,

                       Chỉ vị như tư đạo tán tâm.

                       . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                       Kham tiếu thiền gia si độn khách,

                       Vi hà tương ngữ dĩ truyền tâm.”

                           (bài Kệ Thị Tịch)

      Dịch nghĩa:

              Thời nay giảng đạo hiếm tri âm,

              Bởi vì người đời mất đạo tâm.

                .   .   .     .      .     .     .   .  .  . .

              Cười giễu cửa thiền người si độn,

               Biết lấy câu gì để truyền đạo.

    Thật ra, Thái sư Trần Thủ Độ sau khi nắm quyền bính cũng đã ý thức thế lực của Phật giáo nên ông đã ban đặc ân cho thiền sư Pháp Loa bằng cách cấp cho hơn hai ngàn mẫu ruộng với một ngàn nông nô.

   Nhà Trần vẫn duy trì chức Quốc sư như thời Lý. Đời Trần, các vương hầu đi tu được ban chức “Tả Nhai đạo”. Tả Nhai là chức tăng cao nhất sau chức Quốc sư. Suốt đời Trần Thái Tông chỉ có Phùng Tá Thăng được phong chức này. Nhưng không được vào chầu như các quan trong triều đình. Như vậy, môn đồ nhà Phật không còn được dự chính sự như dưới thời nhà Lý.

   Thêm vào đó, một số nhà Nho lại tấn công những thoái hoá, cái tiêu cực của Phật giáo. Như nhà Nho Trương Hán Siêu trong bài “Dục Thuý Sơn Linh Tế Tháp Ký” (nghĩa là “Bài Ký ở Tháp Linh Tế trên núi Dục Thuý):

                  [. . .] “Dư vị:

    Thích ca lão tử tam không chứng đạo. diệt hậu mạt thời, thiểu phụng Phật giáo, cổ hoặc chúng sanh, thiên hạ ngũ phần, tăng sái cư kỳ nhất, phế diệt di luân, hư phi tài bảo; ngư ngư nhi du, xuy xuy nhi tông, kỳ bất vi yêu mỵ gian quỹ giả cơ hi! Bỉ kỳ sở vị ô ô khả.” [. . .]

 Dịch nghĩa:

               [. . .] “Ta nói:

                            Đức Thích-ca lão trượng lấy “tam không” để chứng đạo. Khi Phật nhập đại Niết-bàn rồi, đời sau ít người tôn thờ giáo lý nhà Phật mà chỉ làm cho hư nát đạo thường, hao phí tiền của: bọn sư sãi thì dong dài mà người khờ khạo lại tin theo. Như thế mà không trở thành quỷ quái gian tà, thật cũng hiếm có. Những việc làm ấy không thể được, không thể được!” [ . . .]

-         -   -

Bia này khắc vào mùa Hè năm Quý Mùi, niên hiệu Thiệu Phong thứ ba (1313). Tác giả: Tả Ty Lang Trung, Tả Giám Nghị Đại Phu Trương Hán Siêu, tự là Thăng Phủ Ghi.

(Xem thêm:  nguyên văn chữ Hán trong quyển Thơ Văn Lý Trần, tập II, quyển Thượng, soạn bởi Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên), Đổ Văn Hỷ, Trần Thị Băng Thanh và Phạm Tú Châu. Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội, 1988, tr. 750)

   Thật ra, các nhà Nho chỉ tấn công mặt suy thoái của tôn giáo do bọn nguỵ sư và kiêu tăng lạm dụng Phật giáo để thủ lợi thế tục chứ họ không có lý luận phản đối gì về mặt tư tưởng triết học Phật giáo. Bởi vì tư tưởng triết học phật giáo là một trong những đỉnh cao tư tưởng triết học trong lịch sử triết học Đông và Tây phương. Triết học Phật giáo là một tư tưởng cao siêu.

   Song song với việc đả phá sự hủ hoá của Phật giáo, các nhà Nho đã ca tụng luân thường đạo lý của Nho giáo. Họ đã giảng giải cái triết lý thâm sâu của Nho giáo trong Tứ ThưNgũ Kinh. 

   Phật giáo tuy bị suy thoái nhưng hàng vua chúa và quý tộc vẫn kính trọng đạo Phật. Vua Trần Thái Tông đã lên chùa ở núi Yên Tử vào năm 1237, trước hành động ức hiếp của Thái sư Trần Thủ Độ. Rồi sau này khi Ngài thoái vị để làm Thái Thượng Hoàng thì Ngài đi tu và viết hai tác phẩm về thiền học có giá trị: Khoá Hư LụcThiền Tông Chỉ Nam. Kế đó vào năm 1278, vua Trần Nhân Tông, sau khi thoái vị lên làm Thượng Hoàng ông đã đi tu. Ông là đã sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm. Vị tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm là Pháp Loa đã được vua Trần ban cho quyền tối thượng đối với toàn bộ hàng tăng sĩ Việt Nam thời bấy giờ. Vị tổ thứ ba là Huyền Quang, lúc 20 tuổi đã đậu Trạng Nguyên, nhưng đã phát tâm tu hành. Sau khi Ngài Huyền Quang qua đời, thiền phái Trúc Lâm suy tàn, giáo hội cũng không còn thống nhất nữa. Thiền phái bị biến dạng dần dần dưới ảnh hưởng của Lão giáo và Mật giáo/ Lạt-ma giáo (Phật giáo Tây Tạng). Mãi đến cuối thế kỷ thứ 20, có vị cao tăng ở Việt Nam đã phục hồi thiền phái Trúc Lâm, ngày nay có rất nhiều thiền viện Trúc Lâm, có những Đại tòng Lâm được xây dựng khắp nước Việt Nam. 

             Nói tóm lại, từ cuối thế kỷ XIV, Phật giáo suy thoái và phải nhường bước cho Nho giáo. Nho giáo đã phát triển và chế ngự tư tưởng, phong tục, luân thường đạo lý nước ta cho đến khi văn minh Tây phương du nhập vào Việt Nam vào thế kỷ XIX. 

             3.-Chữ Nôm/ Chữ Quốc âm 

   Vào thời Trần, chữ Nôm đã bắt đầu được sử dụng trong văn học với ý hướng phát triển tinh thần độc lập, với tiếng nói yêu thương của dân tộc, với quyết tâm thoát ly ảnh hưởng chữ Hán của Trung Hoa. Tinh thần thoát Trung bắt đầu ăn sâu vào tiềm thức dân tộc ta. 

    4.- Hào khí Đông A

    Theo chiết tự chữ Hán họ Trần   gồm 2 chữ đông là hướng đôngchữ a  có nghĩa là dựa theo, hoặc có nghĩa là tiếng xưng hô gọi nhau anh em, thí dụ: a Wòng, a Ngọc (anh Wòng, anh Ngọc). Nên có khi gọi thời Trần là thời đại Đông A. Hào khí Đông A tức là hào khí của thời kỳ đầu của nhà Trần. Sau 3 lần chiến thắng giặc Mông cổ xâm lược, nền chính trị thời Trần đã tỏ ra đầy tự tin với những sinh lực và lòng tự hào dân tộc dâng lên vời vợi.

Danh sách đế vương nhà Trần (1225 – 1400 =175 năm) và các sự kiện lịch sử quan trọng

            1.- Trần Thái Tông (1225 -1258)

            2.- Trần Thánh Tông (1258 – 1278)

            3.- Trần Nhân Tông (1279 – 1293)

            4.- Trần Anh Tông (1293 – 1314)

            5.- Trần Minh Tông (1314 – 1329)

            6.- Trần Hiến Tông (1329 – 1341)

            7.- Trần Dụ Tông (1341 – 1369)

            8.- Trần Nghệ Tông (1370 – 1372)

            9.- Trần Duệ Tông (1372 – 1377)

           10.- Trần Phế Đế (1377 – 1388)

           11.- Trần Thuận Tông (1388 – 1398)

           12.- Trần Thiếu Đế (1398 – 1400)

  

- 1244: ban hành Bộ Hình Luật.

- 1248: đắp đê sông Hồng (đê Quai vạc).

- 1258: kháng chiến lần thứ nhất chống quân xâm lược Nguyên Mông.

- 1258: chiến thắng Đông Bộ Đầu.

- 1272: Lê Văn Hưu hoàn thành Bộ Đại Việt Sử Ký: viết từ đời Triệu Vũ Vương
          (207 – 137 tr. CN) đến đời Lý Chiêu Hoàng (1224 – 1225).

- 1285: Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Vương) viết Hịch Tướng Sĩ.

           - Hội nghị Diên Hồng.

- 1285: kháng chiến lần thứ hai chống quân xâm lược Nguyên Mông.

- tháng 5 năm 1285: chiến thắng Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương.

- 1287 - 1288: kháng chiến lần thứ ba chống quân xâm lược Nguyên Mông.

- 1288: chiến thắng Bạch Đằng.

-   1300: Trần Quốc Tuấn / Trần Hưng Đạo mất.

________________________________

Chú thích:

 Đại Việt  (大越 )  là quốc hiệu nước ta bắt đầu từ khi Lý Thánh Tông (1054 – 1072) lên ngôi vua vào năm 1054. Quốc hiệu này tồn tại đến cuối đời Trần (1054 – 1400 = 346 năm), bị gián đoạn 7 năm dưới thời nhà Hồ và 20 năm dưới thời Bắc thuộc lần thứ 4 khi nước ta lệ thuộc nhà Minh bên Tàu.

        Năm 1400, khi Hồ Quý Ly lên nắm quyền chủ tể đất nước thì ông đổi quốc hiệu là Đại Ngu cho đến 1407, ông bị đại bại và nước ta lệ thuộc nhà Minh. 

        Trong 20 năm (1407 – 1427) Bắc thuộc lần thứ 4, nhà Minh đặt nước ta là Giao Chỉ.

        Năm 1428, Lê Lợi (1428 – 1433) giành được độc lập, vua đổi lại quốc hiệu là Đại Việt. Quốc hiệu này được sử dụng qua đời Lê, Mạc, Tây Sơn và 3 năm đầu của triều Nguyễn, tổng cộng 376 năm (1428 – 1804).

        Năm 1804, nhà Thanh tuyên phong cho quốc hiệu nước ta là Việt Nam dưới đời vua Gia Long.

        Như vậy quốc hiệu Đại Việt trải dài được 346 + 376= 722 năm. 

V.- Nhà Hồ (1400 – 1407) 

            1.-  Hồ Quý Ly (1400)

              Sau khi cướp ngôi vua, Lê Quý Ly khôi phục lại họ Hồ của tổ tiên là dòng dõi nhà Ngu bên Tàu, đặt quốc hiệu là Đại Ngu. 

             2.- Hồ Hán Thương (1401 – 1407)

              Hồ Quý Ly làm vua chưa đầy một năm thì bắt chước nhà Trần, nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương rồi lên làm Thái Thượng Hoàng để cùng coi việc nước.

              Hồ Hán Thương chỉ làm vua lấy vị, mọi việc đều do Hồ Quý Ly quyết định. 

   3.- Các cuộc cải cách của Hồ Quý Ly             

   Từ năm 1387, Lê Quý Ly đã chiếm vị trí số một của triều đình nhà Trần. Ông đã có những cuộc cải cách như sau:

- Năm 1396, Lê Quý Ly cho phát hành tiền giấy bắt buộc dân chúng phải đổi tiền kim loại ra tiền giấy, ra lệnh cấm sử dụng và cất giữ tiền bằng kim loại. Việc làm này nhằm tạo phương tiện chi trả và thu gom kim loại để đúc súng. Trong lịch sử kinh tế tài chánh của Việt Nam, đây là lần đầu tiên triều đình phát hành tiền giấy.

- Năm 1397, Lê Quý Ly ban hành phép giới hạn quyền tư hữu đất đai nhằm ngăn trở việc mở rộng các điền trang và tiêu diệt dần các quyền lực của tôn thất nhà Trần.

- Năm 1401, Hồ Quý Ly ban hành phép hạn chế số nô tỳ của các điền trang.

- Năm 1397, Hồ Quý Ly cho mở nhiều lớp học để đào tạo nên một lớp Nho sĩ mới ra phục vụ cho chế độ của ông.

- Cải tổ hệ thống thuế má để tạo một sự công bình.

- Về y tế xã hội: cải tiến bộ hình luật và lập ra các y tì để trông coi việc thuốc thang.

- Năm 1400, kiểm tra dân số để gia tăng quân số. 

   Hồ Quý Ly đã thi hành nhiều chánh sách cải cách về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá, xã hội. Nhưng vì việc thi hành quá cứng rắn và tàn bạo nên có nhiều nhóm dân chúng bất bình, phái tôn thất và cựu thần căm giận. Phái Nho học thì cũng bất bình việc trọng dụng chữ Nôm. Giới tăng lữ cũng bất bình về chánh sách động viên phái tu hành. Con cháu nhà Trần đã qua cầu viện nhà Minh để phục Trần, chẳng khác nào rước voi về giày mồ mả tổ tiên. Nên năm 1407, lợi dụng danh nghĩa phục hồi nhà Trần, quân Minh đem binh sang xâm chiếm nước ta. Nhà Hồ thua trận nhanh chóng, cha con, bề tôi nhà Hồ đều bị bắt đem về Tàu. Nhưng khi chiếm được nước ta rồi, nhà Minh bỏ rơi con cháu nhà Trần và đặt ách đô hộ, đặt nước ta là Giao Chỉ. 

VI.- Nhà Hậu Trần 

   1.- Giản Định Hoàng đế (1407 – 1409) khởi nghĩa                

    Cuộc vận động khôi phục nhà Trần vẫn tiếp tục. Bấy giờ có con trai của vua Trần Nghệ Tông tự xưng là Giản Định Đế nổi lên khởi nghĩa. Ông quy tụ được nhiều hào kiệt, dân chúng, các quan lại cũ trở về qui phục rất đông tạo một khí thế dũng mạnh, vua Giản Định đem đại binh đánh tan nhà Minh, giết được tướng Minh là Lữ Nghị.Sau đó nội bộ lục đục, Giản Định Đế nghe lời dèm pha đem giết Quốc công Đặng Tất và Tham mưu Nguyễn Cảnh, từ đó uy thế của vua Giản Định bị suy yếu dần. 

           2.- Trần Quí Khoách (1409 – 1413) nối tiếp cuộc kháng chiến 

   Con của Đặng Tất là Đặng Dung, con của Nguyễn Cảnh Dị là Nguyễn Cảnh Chân rời bỏ Giản Định Đế đem quân lính về Thanh Hoá rước Trần Quý Khoách/Khoáng là cháu của Trần Nghệ Tông về huyện Chi La ở Nghệ An rồi tôn lên vua lấy hiệu là Trùng Quang. Trần Trùng Quang lập kế bắt Giản Định Đế đem về Thanh Hoá tôn làm Thái Thượng Hoàng đế để cùng nhau chống lại giặc Minh. Nhưng quân lính nhà Hậu Trần suy yếu nên rốt cuộc thua quân Minh. Quân Minh bắt cả vua tôi đem về Yên Kinh bên Tàu vào năm 1413. Nhà Hậu Trần đã quật khởi từ năm 1407 đến 1413 thì hoàn toàn thua trận. Nước ta lại chịu Bắc thuộc một lần nữa từ năm 1414 đến 1427. 

VII.- Phần phụ thêm 

   Để đối chiếu lịch sử Trung Hoa với lịch sử đời Trần, đời Hồ và đời Hậu Trần, chúng tôi trình bày tóm lược về nhà Nguyên và nhà Minh. 

   1.-  Thời đại nhà Nguyên (1279 – 1367) trong lịch sử Trung Hoa                 

   *1.- Mông cổ: nguyên là một trong 20 bộ lạc Thất vi vào đời Đường, ở về phía Tây Bắc Trung Hoa, tự xưng là giống Đạt-đát. Người Mông cổ cuỡi ngựa và bắn tên rất tài, chuyên nghề săn bắn, sống đời sống du mục.

   Trước năm 1200, người Mông cổ chia ra thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm do một thủ lãnh dẫn đầu gọi là hãn (khan), và sống trong những cái liều làm bằng da có thể di chuyển được.

   Hãn () là tiếng Hán Việt phiên âm từ chữ Khan của người Mông cổ (Mongol). Hãn (khan) là danh vị của thủ lãnh người Mông cổ, có nghĩa là người đứng đầu, là thủ lãnh. Đại Hãn ( , Great Khan) để chỉ thủ lãnh tối cao tức là Hoàng đế, là nhà Vua. Người Tàu còn phiên âm tiếng KhaganKhả Hãn ( ) có cùng nghĩa với Đại Hãn, tức là “Hãn của các Hãn”, hay là lãnh tụ tối cao, là Hoàng đế, là Vua. Trong sách Tàu, có khi họ dùng từ kép Hãn Vương (汗王) hay Vương Hãn ( ); Vương nghĩa là vua, Hãn tiếng phiên âm cũng nghĩa là vua, từ kép Vương Hãn có ý nhấn mạnh và chỉ rõ là Vua Mông cổ.

   *2.- Thành-Cát-Tư-Hãn (成吉思, tiếng Mông cổ là Chinghis /Gengis Khan, 1162 - 1227): ông có tên là Thiết Mộc Chân (Temujin) sinh năm 1162, người của gia tộc Bột-nhi-chỉ-cân (Borjigin). Cha là Dã-tốc-cai (Yesukhei), một thủ lãnh của bộ tộc Khất Nham (Kiyad). Mẹ là Ha-ngạch-hôn (Hoelum) thuộc bộ lạc Oát-lặc-hốt-nột (Olkhunut).

   Năm 1200, ở tuổi 38, ông làm Hãn đối với nhiều gia đình trong bộ lạc. Ông có tài, nhiều mưu lược chính trị, binh pháp giỏi, nên được nhiều bộ tộc kính trọng. Năm 1206, ở tuổi 44, ông đã liên kết các bộ lạc Mông cổ đang sống riêng rẽ hợp lại, và mỡ hội nghị Kurultai (Hội đồng các thũ lãnh của các bộ lạc Mông cổ), Hội nghị tấn phong ông là Thành-Cát-Tư- Hãn (Gengis Khan), tiếng Mông cổ có nghĩa là vua của cả thế giới. Ông lên ngôi Đại Hãn, đặt tên nước là Đại Mông Cổ Quốc (Ikl Mongol Uls), đóng đô ở Hoà Lâm (Karakorum).

   *3.a.- Mông cổ liên minh quân sự với Tống để tiêu diệt nước Kim của dân tộc du mục Nữ Chân: Năm 1211, Mông cổ sai sứ đến xin nhà Tống liên minh quân sự để đánh nhà Kim. Triều thần nhà Tống muốn thừa dịp này để diệt nhà Kim, vừa để rửa nhục vừa để lấy lại phần đất ở miền Bắc. Trong triều đình duy chỉ có vị Tướng lãnh là Triệu Phạm nhắc lại việc trước đây nhà tống đã liên minh quân sự với nhà Kim để diệt nhà Liêu, sau khi diệt Liêu, nhà Tống bị nhà Kim hãm hại và đánh chiếm cả miền Bắc nước Tống; vị Tướng quân này lo ngại Mông cổ sẽ lập lại việc này đối với Tống sau khi thắng Kim. Nhưng vua Tống là Lý Tông không nghe, nên đã liên hiệp quân sự với Mông cổ đi đánh nhà Kim. Sau khi chiến thắng nhà Kim, Thành-Cát-Tư –Hãn đã để lại các tướng giỏi để trấn giữ nước Kim mà không giao lại cho nhà Tống. Đại Hãn rút về Mông cổ, và đem theo rất nhiều chiến lợi phẩm.

   Năm 1219, Mông cổ tiến đánh và tiêu diệt Đế quốc Hồi giáo Khwarezm.

   Năm 1220, Mông cổ tiến đánh Âu châu, tiến tới được Biển Đen (Black Sea).

  Năm 1223, Mông cổ tiến đánh Nga, cho đến năm 1240, mới chinh phục hoàn toàn lãnh thổ Nga:  Kiev và Volga Bulgar.

   Năm 1226, Thành-Cát-Tư-Hãn tấn công nhà Tây Hạ. Tây Hạ (西, trị vì: 1038 – 1227) là một triều đại do dân tộc người Đảng Hạng thành lập, nằm ở phía Tây Bắc nước Trung Hoa thời bấy giờ. Năm 1227, quân Tây Hạ đại bại, và đã chính thức đầu hàng sau 190 năm tồn tại.

    Năm 1227, Thành Cát Tư Hãn băng hà, thọ được 66 tuổi, trước khi chết ông đã căn dặn không được phát tang để giữ bí mật.

   Năm 1229, theo kết quả của hội nghị Kurultai, diễn ra sau khi Thành Cát Tư Hãn chết, con trai là Oa-Khoát-Đài (窝阔, Ogodei, khoảng 1186 - 1241) được bầu làm Đại Hãn lên kế vị, ông là Đại Hãn thứ hai của Đế Quốc Mông cổ.


   Năm 1237, Mông cổ sang đánh Âu châu.

   Năm 1241, Mông cổ tấn công Poland (Ba-lan), đụng độ mãnh liệt với liên quân Âu châu, tiếp tục tiến đánh xâm lăng được các nước Đông Âu: Poland và Hungary.                    

   Năm 1241, Oa Khoát Đại chết. Triều đình đã xảy ra nhiều tranh chấp về quyền bính.

   Đến năm 1246, Quý Do (貴由, Güyük, 1206 – 1248) lên làm Đại Hãn thứ ba của Đế quốc Mông cổ, trị vì từ 1246 - 2148. Sau cái chết của Quý Do, triều đình lại tranh chấp quyền bính nữa.

   Năm 1251, Mộng Kha (Mongke) được bầu làm Đại Hãn thứ tư của Đế quốc Mông cổ. Ông sai em là Hốt-tất -liệt đem quân sang đánh nước Đại Việt (Việt Nam) nhưng thảm bại.

   Năm 1258, Mông cổ chiếm Baghad, trung tâm quyền lực của Hồi giáo. Cùng năm này, Đại Hãn Mộng Kha thân chinh đi đánh các thành của tỉnh Tứ Xuyên, nhưng chưa lấy được hết thì ông qua đời vào năm 1259.

   Năm 1260, Hốt-Tất-Liệt ( , Khubilai/ Kublai, 1215 sanh ở Mông cổ - 1294 chết ở Ấn độ) tự lên làm Đại Hãn thứ năm của Đế quốc Mông Cổ sau khi anh trai Mộng Kha chết. Ông trị vì từ năm 1260 đến 1294. Năm 1264, Vua Hốt -Tất-Liệt dời đô về Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay). Năm 1271, ông đổi quốc hiệu là Nguyên (), thành lập triều đại Nguyên/Nguyên triều ( ). Ông là Đại Đế đầu tiên của triều Nguyên.

   *3.b.- Mông cổ đánh Nam Tống, và tiêu diệt nhà Tống: Không nghe lời can gián của vị Tướng quân ở trong triều là Triệu Phạm, Vua Tống là Lý Tông đã tính sai nước cờ khi bằng lòng liên minh quân sự với Mông cổ để đánh Kim trước đây. Mông cổ không những đã thôn tính nhà Kim mà còn muốn thôn tính luôn nhà Nam Tống.

   Vua Hốt-Tất-Liệt quyết định đánh lấy Nam Tống để mở mang bờ cõi cho Đế Quốc Mông cổ. Ông liên tục tấn công nhà Nam Tống. Nhà Tống hết sức chống cự lại cho đến năm 1279 thì bị tiêu diệt. Các sử gia đều lấy năm 1279 là năm triều Nguyên thôn tính toàn cõi nước Trung Hoa làm năm khởi đầu cho triều Nguyên (1279 – 1367). Nhà Tống bị tiêu diệt hoàn toàn: lịch sử đã lập lại, và còn sẽ lập lại nữa.

   Năm 1274 và 1281, hai lần Đại Hãn Hốt-Tất-Liệt đem quân vượt biển với trên 600 chiến thuyền để tấn công Nhật Bản, nhưng không thắng nổi Nhật.

   Năm 1294, Vua Hốt-Tất-Liệt chết tại Ấn độ, ở tuổi 79.

   Sau khi Vua Hốt-Tất-Liệt qua đời, đã có 10 vị vua kế tiếp kế vị. Triều chính nhà Nguyên rối loạn, nhiều nhóm tranh giành quyền bính làm nhà Nguyên suy yếu dần dần. Đến đời vua Thuận Đế thì nhà Nguyên đi tới chỗ diệt vong: Vua thì hoang dâm vô độ, tài chánh công bị khủng hoảng, triều đình in thêm tiền giấy quá nhiều, dân chúng không còn tín nhiệm vào đồng bạc, vật giá leo thang quá độ. Trong khi người Hán thì nghèo khổ, trộm cướp nổi lên khắp nơi, thì trong triều đình người Mông cổ sống xa hoa. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổi lên với chánh nghĩa “Phản Mông Hưng Hán”.

   Năm 1368, Triều đình nhà Nguyên phải di tản về quê hương Mông cổ của mình, sử Tàu gọi là Bắc Nguyên, trước sức chiến đấu dũng mạnh của lực lượng khởi nghĩa người Hán do Chu Nguyên Chương lãnh đạo, Đế Quốc Mông Cổ bị tan rã. Vào năm 1635, dân tộc du mục Nữ Chân ở Mãn Châu đã tiêu diệt tàn dư của triều Bắc Nguyên.

* Vài nhận xét về triều Nguyên

   - Từ Đại Hãn Thành-Cát-Tư-Hãn đến Đại Hãn Hốt-Tất-Liệt và các hậu duệ, Đế Quốc Mông Cổ (Mongol Empire) đã có một lãnh thổ rộng lớn với diện tích rộng gắp đôi Đế Quốc La Mã và Đế Quốc Khalip Hồi giáo bao gồm: nước Mông cổ, nước Trung Hoa, một phần đất của Nga, một phần đất của Triều Tiên, Tây Tạng, các quốc gia Hồi giáo như Iraq, Iran, Tiểu Á; Mông cổ tuy chiếm các nước Đông Âu chỉ có một thời gian ngắn như Poland, Hungary nhưng đã làm chấn động Âu châu.

   - Trước vó ngựa ngộp trời của đoàn quân viễn chinh Mông Cổ đang tiến đánh các nước Đông Âu, Giáo Hoàng Innocent IV đã gởi bức thư Cum non solum đề ngày 13 tháng 3 năm 1245 đến Đại đế Ogedei /Đại hãn Oa-Khoát-Đài để yêu cầu người Mông Cổ hãy ngưng cuộc tấn công vào lãnh thổ của các nước theo đạo Cơ đốc giáo và những quốc gia khác ở Âu Châu, Giáo Hoàng Innocent IV cũng nhấn mạnh rằng người Mông Cổ phải lưu ý đến điều này khi họ có những ý định tấn công Âu Châu trong tương lai. Thật ra Đức Giáo Hoàng đã gởi một cảnh báo về một vùng đất mà người Mông Cổ chưa chiếm đóng, người Mông Cổ chỉ mới chiếm Đông Âu. Giáo Hoàng đã cử một Đại thần (Papal legate) của mình đem bức thư này giao tới tay Ogedei Khan/ Đại Hãn Oa-Khoát Đài: thầy tu dòng Phanxicô (Franciscan friar) người Ý 65 tuổi là Giovanni da Pian del Carpine (1180 – 1252) tên tiếng Anh là John of Plano Carpini đã cùng với vài tu sĩ tháp tùng, trong đó có cả thông dịch viên. Đây là một phái đoàn chính thức của Giáo Hội, có sứ mạng để phản kháng việc xâm lăng các vùng đất Cơ đốc giáo của người Mông cổ, phái đoàn còn có sứ mạng thu thập tin tức về quân đội Mông Cổ và những dự định của họ trong tương lai.

   Phái đoàn này rời khỏi Lyon vào ngày 16 tháng 4 năm 1245, sau 106 ngày, họ vượt được khoảng đường 5.000 km, và đã tới được Thủ đô Karakorum của Đế Quốc Mông Cổ. Tới đây họ mới biết tin Ogedei Khan/ Đại Hãn Oa-Khoát-Đài đã qua đời gần 4 năm. Ngày 24 tháng 8 năm 1246, phái đoàn này đã tham dự Hội đồng của Đế Quốc Mông Cổ bầu người kế vị là Guyuk Khan/ Đại Hãn Quý Do (1206 – 1248). Thầy dòng Giovanni trình bức thư của Giáo Hoàng Innocent IV đến Guyuk Khan/ Đại Hãn Quý Do, và thuyết phục Đại Hãn cải đạo Cơ đốc giáo.

   Vào tháng 11 năm 1246, Đại Hãn Guyuk/ Quý Do quyết định đình chỉ cuộc viễn chinh tấn công Âu Châu, sau đó Đại Hãn đã trả lời thư của Giáo Hoàng. Bức thư của Đại Hãn được viết bằng 3 thứ tiếng: Mongol, Arabic và Latin với con dấu của Đế Quốc Mông Cổ. Đại Hãn Guyuk đã từ chối chuyện cải đạo sang Cơ đốc giáo, và nghĩ rằng tốt hơn hết là Giáo Hoàng và các nhà thống trị các nước ở Âu Châu phải đến gặp Đại Hãn, và phải tuyên thệ thần phục Đế Quốc Mông Cổ. Bức thư đã vắn tắt khẳng định một cách hống hách “Triều đình Đế Quốc Mông Cổ như là một tai họa của Thượng đế/Chúa trời. (It was a brief imperious assertion of the Mongol Emperor’s office as the scourge of God. - Nguồn: internet)

   Kể từ thập niên 1250, đã có rất nhiều phái đoàn truyền giáo của Thiên Chúa giáo, Cơ đốc giáo đến Mông Cổ để giảng đạo Chúa, và với sứ mạng cải đạo người Mông cổ qua Cơ đốc giáo.

   - Mông cổ đã thất bại trong cuộc xâm lăng Nhật Bản, Syria và Đại Việt (Việt Nam ngày nay), có lẽ vì lý do: thời tiết biến động trong vùng biển khi tấn công Nhật Bản, khí hậu nóng bức ở Trung Đông như Ả Rập Saudi, mạng lưới sông ngòi chằng chịt, binh pháp cao cường cùng lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước vô bờ bến của dân Đại Việt.

            - Triều Nguyên rất hiếu khách, tiếp đãi người Âu châu rất nồng hậu, chẳng hạn như Marco Polo (1254 – 1324). Marco Polo là một du lịch thương gia người Ý (Italian merchant traveller) / lái buôn đã đi qua nước Tàu theo con đường tơ lụa. Ông không phải là người Âu châu đầu tiên đến Trung Hoa. Năm 1266, ông được Đại Hãn Hốt-Tất-Liệt (Kubilai Khan) tiếp đãi nồng hậu tại triều đình nhà Nguyên ở Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay). Marlo Polo đã kể lại những câu chuyện trong cuộc du hành của mình xuyên suốt Trung Á châu (Centre Asia), Đế quốc Mông cổ (Mongol Empire, và xứ Trung Hoa (China) dưới triều đại nhà Nguyên (Yuan Dynasty); và được viết lại bởi Rustichello da Pisa. Cuốn sách này được biết là The Travels of Marco Polo (tựa tiếng Ý là Il Milione, Pv. Livres des merveilles du monde, Du ký của Marco Polo). Cuốn này còn được biết là Book of the Marvels of the world and Il Milione (Cuốn sách kỳ diệu của thế giới và Il Milione).

   Từ năm 1200, Thành Cát Tư Hãn đã thành lập hệ thống các trạm bưu chính trên toàn đế quốc Mông cổ. Theo Marco Polo, về hệ thống bưu chính, thì vào cuối đời cai trị của Đại Hản Hốt Tất Liệt (Kublai/Kubilai Khan), cháu nội của Thành Cát Tư Hản (Genghis Khan), đã tận dụng và phát triển hệ thống bưu chính để trao đổi thư từ chính thức, để liên lạc với các viên chức nước ngoài đóng quân trên đế quốc Mông cổ, liên lạc trong quân đội, các quan chức du lịch, trong thương mãi: các bưu kiện, thư tín, trong việc cung cấp cống phẩm trong và ngoài nước. Hệ thống bưu chính đã có hơn 1.400 trạm bưu chính ở Trung Hoa, sử dụng khoảng 50.000 con ngựa, 1.400 con bò, 6.700 con lừa, 400 xe ngựa, 6.000 chiếc thuyền, hơn 200 con chó và 1.150 con cừu. Các trạm bưu chính có khoảng cách từ 25 Km đến 65 Km, có nhiều nhân viên đáng tin cậy. Những người giao thư phải di chuyển khoảng 48 Km/ một ngày giữa các trạm bưu chính. Họ được cung cấp thức ăn, nơi ở và các con ngựa dự phòng. Marco Polo cho rằng hệ thống bưu chính rất có hiệu quả dưới thời Hốt Tất Liệt. Ở Trung Hoa, vào thời Chu (Zhou Dynasty, khoảng 1046 tr. CN – 771 tr. CN) đã có dịch vụ bưu chính của chính phủ. Nhưng dưới thời Đại Hản Hốt Tất Liệt thì bưu chính được mở rộng trong đế quốc Mông cổ lớn hơn nhiều. Hệ thống ORTOO của Mông cổ (Mongolian ORTOO System) là một hệ thống nhắn tin được sử dụng rộng rãi trên khắp đế quốc Mông cổ trong thế kỷ 13 và 14.  Marco Polo đã trở nên rất giàu có về sau này.

             - Thành Cát Tư Hãn đã đặt ra các bộ luật viết bằng tiếng Mông cổ, gọi là Yassa (có nghĩa là điều lệnh hay chiếu chỉ), áp dụng một kỹ luật rất nghiêm ngặt cho tất cả những người dân sống trong Đế Quốc Mông Cổ.

              - Về tôn giáo: Đại Hãn Thành Cát Tư Hãn đã thực hiện chánh sách tự do tín ngưỡng: Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Thiên chúa giáo, Phật giáo . . . đều được hoạt động tự do. Duy chỉ có Lạt-ma giáo thì triều Nguyên hết sức ưu đãi, tận tình bảo hộ, và đã nâng lên hàng Quốc giáo.   

   *Lạt-Ma (Bla Ma) giáo: được truyền vào Trung Hoa từ thời vua Thái Tổ nhà Nguyên (1279 – 1368), rất được triều đình trọng vọng, và được coi là Quốc giáo. Đó là một tôn giáo ở cung đình nhà Nguyên. Nhà Nguyên không còn quan tâm đến các tông phái Phật giáo cổ truyền như Thiền tông, Tịnh độ tông, Pháp Tướng tông v.v. Tuy nhiên trong dân gian các tín ngưỡng về tu thiền, tu tịnh độ, niệm Phật … vẫn còn được duy trì mạnh mẽ.

   Mật giáo truyền đến Tây Tạng từ Ấn độ vào khoảng năm 749 do Đại sư Ấn độ là Padmasambhava (Liên Hoa Sinh). Mật giáo dung hợp với tôn giáo cổ truyền của Tây Tạng là tôn giáo “Bon” thành một tông phái Mật giáo riêng biệt cho người Tây Tạng, tức là Lạt-Ma giáo. Đây là một tôn giáo chuyên cầu đảo, sùng bái thần linh, quỷ thần và bói toán.

   Triều đình nhà Nguyên rất tôn kính các tăng sĩ Tây Tạng của Mật giáo, nên ra lệnh sẽ trừng phạt nặng nề đối với ai xúc phạm đến tăng lữ Tây Tạng của Lạt-Ma giáo. Bởi thế nên các tăng sĩ Lạt-Ma giáo luôn tổ chức lể bái cầu đảo, phí phạm công quỹ nhà nước. Nhiều tăng sĩ Tây Tạng cưới vợ và sống xa hoa, trong khi đó dân người Hán thì nghèo đói và bị đàn áp, bị cướp bóc tài sản. Do đó, người Hán rất oán hận triều đình nhà Nguyên, nhiều nhóm kháng chiến nổi lên với khẩu hiệu Phản Mông Hưng Hán. Cuối cùng Chu Nguyên Chương, một người Hán, đã cùng với dân tộc Hán nổi lên diệt được nhà Nguyên, thành lập nhà Minh: Chu Nguyên Chương làm vua Thái Tổ nhà Minh.                      2.- Thời đại nhà Minh (1368 – 1661) trong lịch sử Trung Hoa

   Chu Nguyên Chương (1328 – 1398) khởi nghĩa diệt được nhà Nguyên năm 1368, rồi tự lên ngôi Hoàng Đế, lấy Quốc hiệu là Minh, đóng đô ở Kim Lăng. Đến đời vua thứ 3 thì dời đô về Bắc Kinh, đổi tên từ Yên Kinh, rồi đổi tên Kim Lăng thành Nam Kinh.

   Chu Nguyên Chương nguyên là một tăng sĩ, xuất thân từ cửa chùa, đã bỏ áo cà sa để khoác áo chiến bào đánh đuổi quân Nguyên, nên hết lòng bảo hộ Phật giáo. Phật giáo phát triển rất mạnh vào thời Minh. Lạt-ma giáo thì suy vi từ khi nhà Nguyên bị tiêu diệt, chỉ còn tồn tại ở Mông cổ.

   Vua cuối cùng của nhà Minh là vua Vĩnh Lịch đã bị Ngô Tam Quế, một Tướng lãnh của nhà Minh đã theo hàng nhà Thanh, bắt vua đang trốn ở Miến điện đưa về Vân Nam rồi giết chết vua vào năm 1662 và tiếp tục diệt hoàng thất nhà Minh còn chống cự ở vùng Giang Nam.

   Nhà Minh trị vì được 293 năm, trải qua 21 đời vua.