marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Vài Suy Nghĩ Về Sách Việt Hải Ngoại


Trịnh Bình An

Sách Việt Nam tại hải ngoại, trong hiện tại thế nào, về tương lai ra sao?
Xin đọc ba câu chuyện dưới đây.
Câu chuyện thứ nhất: Tâm sự của một tác giả đã có trên ba tác phẩm biên khảo: Có hai người từ tiểu bang khác đặt mua sách, tôi gửi sách đi theo priority mail, nhưng họ nhận sách rồi… “quên” luôn, không trả tiền, dù cho tôi đã gửi thư nhắc nhở.
Câu chuyện thứ hai: Virginia – Thủ Đô Washington, D.C. – Maryland, nơi có cộng đồng người Việt đông thứ năm tại Hoa Kỳ – vậy mà không có lấy một tiệm sách. Đúng ra, chỉ có một tiệm bán băng nhạc, ké thêm vài kệ sách. Vậy cũng là đáng mừng lắm rồi.
Câu chuyện thứ ba: Kinh nghiệm bản thân người viết. Có lần gởi sách cho một anh – một nhà báo từ trong nước ra tới hải ngoại. Anh viết thư cám ơn nhưng kèm thêm dòng chữ: “Nói thật, An đừng mất công nữa nhé.”
Ba câu chuyện trên – có thể nói là điển hình trong thế giới sách Việt tại hải ngoại, cho thấy càng ngày càng ít người đọc sách. Nói đúng hơn, ít người mua sách. Hoặc cả hai.
Tôi có cảm tưởng đó là một cuộc chiến.
Cuộc chiến có ba phe.
Phe người đọc, phát ngán lên được với những buổi giới thiệu sách không-đi-không-được của bạn bè. Thấy bạn hào hứng kể lể về đứa con tình thần, hớn hở ký tặng sách, còn mình thì rầu thúi vì phải bỏ tiền ra mua và biết chắc sách lại chiếm thêm một chỗ trong nhà vốn đã đầy ắp đồ đạc. Tâm trạng héo hon ấy chẳng khác gì tâm trạng nàng Kiều, mặc người mưa Sở mây Tần, riêng mình nào biết có Xuân là gì!
Phe người viết, hì hục, vò võ, tốn cả ngàn tiếng đồng hồ ra viết, viết miệt mài, viết lầm lũi; rồi thì tốn cả ngàn đồng để in thành sách, lại tốn thì giờ, tốn tiền bạc tổ chức ra mắt sách, gởi chỗ này chỗ kia bán. Cuối cùng tâm trạng cũng in hệt Kiều nương, khi tỉnh rượu, lúc tàn canh, giật mình, mình lại thương mình xót xa!
Và phe… những cuốn sách. Khi in ra – được nâng niu vô cùng từ bìa đến ruột. Đến lúc bán đi (nhiều khi là “cho đi”) – bị xếp ngay vào một góc, đóng bụi. Nếu sách có nói được hẳn sẽ than, như Kiều nhi từng than, khi sao phong gấm rũ là, giờ sao tan tác như hoa giữa đường!
    
Trong cuộc chiến, phe đọc sách và phe làm sách dường như nằm trong chiến hào của mỗi bên. Rình rình nhau, xem bên nào đổ trước. Đọc-Sách lâu lâu hỏi vói qua: Chết chưa? Làm-Sách đáp: Chưa chết! Đọc-Sách càng không thèm mua, rồi lại hỏi vói qua: Chết chưa? Vẫn đáp: Chưa chết! Và cuộc chiến cứ thế tiếp diễn, dai nhách.
Một số Đọc-Sách, cuối cùng “xông lên”, nhất định không thèm đọc nữa, dù có cho free cũng không thèm. Uyên Thao có lần chỉ vào gói sách bị trả về, nói với tôi: “Không sai địa chỉ, nhưng sách gửi đi thì bị trả về, chắc người ta không muốn nhận.” Sách của Tủ Sách Tiếng Quê Hương được gởi đi trước, bạn đọc ai muốn trả tiền thì trả, không thì thôi. Nhưng nhiều người đọc, dứt khoát không “thỏa hiệp”. Họ thét to: “Các ông ơi, bọn tôi không đọc nữa đâu, xin làm ơn làm phước đừng viết nữa, đừng in nữa, đừng gởi nữa,” “Không, không, không. Tôi không còn, tôi không còn đọc sách (của các ông) nữa…,” v.v. và v.v.
Vậy người viết có chùn bước không, có bỏ cuộc không?
Câu trả lời là KHÔNG!
Vào những số đầu tiên của bản Tin Sách, Trần Phong Vũ nhắc tôi: “Giới thiệu 10 cuốn sách trong một kỳ Tin Sách thì tốt đấy, nhưng lỡ đến lúc không còn sách hay thì chả nhẽ đi giới thiệu sách coi bói à?”
Tôi cười, thầm nghĩ, ông anh mình cũng thuộc loại không (thèm) đọc sách rồi. Vì nếu có theo dõi thị trường sách Việt hải ngoại mới thấy số lượng sách được xuất bản không hề giảm mà chỉ có tăng. Tin Sách chạy hụt hơi cũng không giới thiệu hết sách của các văn hữu của gia-đình-chúng-ta đâu.
Trong cái-gọi-là “cuộc chiến sách Việt hải ngoại”, phe làm sách quả rất ngoan cường. Chê gì chê, cười gì cười, họ vẫn lầm lũi tiến lên, như thể muốn nói: “Các ông không mua thì thôi. Chúng tôi cứ viết đấy, cứ in đấy. Đã sao nào.”
Cứ như nếu gặp câu hỏi: Why do you have to make books?
Thì câu trả lời sẽ là: Why not?
Những người viết không phải không có lý, nhất là khi sách thuộc thể loại hồi ký. Khi những người ông, bà, cha, mẹ, viết ra với mục đích để lại ký ức của mình. Nhờ đó, một ngày kia, con cháu một sẽ biết được tại sao chúng có mặt trên xứ người chứ không là Việt Nam. Sách dành riêng cho người trong nhà đọc, người ngoài có đọc được thì chỉ là đọc ké mà thôi.
Có điều cần viết, có người muốn viết, và có đối tượng để viết cho. Vậy là đã đạt yếu tố con người, tức nhân hòa. Thế thì phe làm sách đã chiếm lĩnh được một ưu thế rồi đó.
Về yếu tố địa lợi? Nếu nói theo kiểu chơi chữ, “địa” là “tiền”, thì không có gì khó khăn với phe “mần” sách cả. Nhiều vị có sẵn tiền… hưu, để dành một năm, vài năm, cộng thêm con cái giúp cho một ít là đủ “đắc địa” rồi.
Tôi biết một người dành dụm tiền hưu in hồi ký. Ông tự soạn sách, tự dàn trang, tự xuất bản. Sách ông trình bày chẳng theo bất cứ quy tắc nào hết. Hễ thấy cần nhấn mạnh, ông cho chữ đậm hay chữ hoa to tướng, trông rất tức cười. Nhưng ông viết thẳng, viết thật, viết tếu lâm, nên đọc thấy rất gần gũi, dễ thương. Sách bán được hơn 200 cuốn. Tác giả hỏi Uyên Thao nghĩ sao. Uyên Thao cười, vậy thì quá giỏi rồi còn gì.
Và yếu tố cuối cùng, thiên thời, thì sao?
Chưa bao giờ thời cơ lại thuận lợi với người viết hơn lúc này. Phương pháp Print-On-Demand (in sách theo yêu cầu), với Amazon là trung tâm tiên phong, đang là một cơ hội trời ban cho những ai muốn xuất bản sách mà không rủng rỉnh tiền vốn hay rộng rãi kho chứa.
Điển hình là cuốn Cưỡi Ngọn Sấm mà tôi được dịp phụ với các anh Lý Văn Quý, Nguyễn Hiền trong việc dịch thuật. Anh Quý lo phần xuất bản sách. Anh tạo trương mục (account) với Amazon, làm layout trên khuôn có sẵn của Amazon. Khi nào có người muốn mua sách, anh báo tin cho Amazon biết, thế là Amazon gởi thẳng về địa chỉ của người mua. Tiền thu được từ bán sách, sau khi trừ hoa hồng (không nhiều lắm) sẽ được Amazon gởi về cho tác giả. Thật gọn gàng, nhẹ nhàng. Người làm sách không phải ôm cả trăm cuốn sách, cũng không phải hì hục gói sách, gởi sách, rồi còn nơm nớp lo bị quỵt tiền hay bị thất lạc.
Và như thế, với cả ba yếu tố: thiên thời – địa lợi – nhân hòa, thị trường sách Việt hải ngoại hiện tại vốn đang dồi dào, thì trong tương lai gần, sẽ còn dồi dào hơn.
Nhưng, vẫn còn đó câu hỏi: Sách in ra nhiều thật, nhưng ai đọc cho đây?
Thưa đúng, sách in để đọc chứ chẳng để ngắm, và người đọc hải ngoại thì cứ như sao buổi sớm, như lá mùa thu…
Ông Nguyễn Ngọc Bích, mà có lẽ trong kho Nhà Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ vẫn còn một đống sách tồn đọng, trong một buổi họp mặt văn nghệ đã rất lạc quan tiên đoán rằng: “Chúng ta chả có gì phải lo ngại. Một ngày không xa, sách hải ngoại sẽ ‘vượt biển’ xâm nhập Việt Nam. Tới lúc đó, chỉ e chúng ta không có đủ sách để bán nữa chứ.”
     
Nhà văn quân đội Trần Hoài Thư, ròng rã hàng chục năm với việc sưu tầm, tự in ấn và phát hành những tác phẩm của Miền Nam –Việt Nam Cộng Hòa qua Nhà Xuất Bản Thư Ấn Quán, vẫn đều đặn cho ra đời những tập sách nho nhỏ, xinh xắn. Loạt sách này dần được sự hưởng ứng của người trong nước, nhất là giới trẻ Việt Nam, khi họ ngày càng ý thức rằng trên đất nước ngột ngạt đang sống đã từng có một nền văn học tự do.     
Còn Uyên Thao, người sáng lập Tủ Sách Tiếng Quê Hương, thì từng nói ông đang “làm ăn mày để in sách”. Với Uyên Thao, người tự cho mình “chưa bao giờ làm văn học” mà “chỉ chọn cây viết thay cây súng”. Với ông, mỗi cuốn sách là một “người cán bộ”. Người cán bộ nếu không giữ tư cách thì không thuyết phục được dân, cũng thế, nếu cuốn sách không chỉnh tề, từ nội dung đến hình thức, thì sẽ không được bạn đọc đón nhận. Và thế là “gã hành khất” Uyên Thao cứ lầm lũi ăn mày để đào tạo cán bộ. Cho tới nay, Tủ Sách Tiếng Quê Hương đã cho ra đời trên 70 tác phẩm.
Còn riêng tôi, trong việc làm Tin Sách, tôi không ngừng xúc động mỗi khi đọc được những cuốn sách thật hay nhưng ít người nhắc đến. Sách như trẻ nhỏ. Em nào may mắn vào gia đình khá giả, khi sinh ra được mọi người đón mừng, chúc tụng. Còn những em kém may mắn hơn lỡ sinh trong gia đình nghèo khó thì sự ra đời của các em sẽ chẳng có chút tăm hơi gì. Tôi chỉ hy vọng Tin Sách sẽ giúp bạn đọc biết đến những cuốn sách kém may mắn ấy dù chỉ qua vài hàng giới thiệu ngắn ngủi.
Xin có vài lời cuối…
     
Với người đọc: Xin đọc ít nhất một vài trang cho một cuốn sách. Có thể bạn sẽ bắt gặp một câu – và chỉ cần một câu thôi, sẽ giúp bạn rất nhiều. Và sau đó, nếu bạn muốn giục sách vào thùng rác thì cứ tự nhiên vì bạn đã được nhiều hơn là bỏ ra rồi đấy. Ngay cả khi không thu lượm được gì, bạn cũng sẽ học được cách đừng viết như thế, đừng nói như thế. Không phải khoa học gia lừng danh Thomas Edison đã bảo rằng, “Tôi biết tới một ngàn cách để không thành công.”
Với người viết: Xin cứ tiếp tục viết, dù khó khăn, dù nản lòng, dù biết mình viết dở ẹc. Nếu sách viết ra không bán được thì càng mừng nữa chứ, vì bạn đã hoàn toàn được tự do – tự do khỏi cái ràng buộc vật chất đời thường. Bạn tốn tiền, bạn nhọc công vì một cuộc chơi. Mà nghĩ thử coi, cuộc chơi nào mà chẳng tốn tiền, tốn công. Nghề chơi cũng lắm công phu huống hồ là… chơi chữ.
Tôi vẫn phục Nguyễn Liệu. Ông thực hiện một cuốn sách dày cui, đặt tên hết sức chảnh: “Đời Tôi”. Sách in ra, bán được bao nhiêu thì bán, còn lại đem cho hết. Bây giờ, sách thành tuyệt bản, không phải thích thú sao?
Tôi hên, mua được một “Đời Tôi”. Quý lắm. Mỗi lần cầm sách lên, tâm trạng không khác tâm trạng nàng Thúy Kiều thuở nao:
“Tưởng bây giờ là bao giờ
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao!”
Ngày tuyết lớn bị kẹt trong nhà, tháng Giêng 2016
Trịnh Bình An






Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Mênh mông… Đất trời tháng Tư

Thuong Tri Nguyen



Muà Đông đã bay trên trời cao. Gió lạnh nhường chỗ cho nắng ấm.  Có lẽ mùa xuân đã về khắp nơi trên trái đất, (trừ những phần đất ở Nam bán cầu như Úc châu thì thời tiết lại đang vào thu) Canada tôi - mùa Xuân về rất muộn. Nhưng rồi cũng về theo luật tuần hoàn của thiên nhiên. Chúa Xuân với đôi cánh mỏng, thật khẻ, thật êm, đang trở về cùng những cơn mưa, tưới tẫm, muôn mầm hoa đang ấp ủ trong lòng đất, những búp non trên cây. Dưới cơn mưa thưa, nhẹ hạt… Tất cả rồi sẽ nhanh chóng đâm chồi nở nụ, “Mưa tháng tư, đem về hoa tháng năm” Người ta thường nói như vậy.
Tháng tư, nơi đây không có cánh phượng hồng, phượng tím nghiêng nghiêng trong nắng, rơi rớt đầy sân; không có mặt hồ xanh, hồng những búp sen tỏa hương trong gió, lại càng thiếu vắng những hàng cây bằng lăng khoe sắc tím, những con đường xanh lá me bay...  Tháng tư là muà hoa đào, hoa sứ, hoa thủy tiên… Là mùa của những loài “ hoa báo tin xuân”.  Đặc biệt là.. Forthycia - một loài hoa vàng như hoa mai, một màu vàng rực rỡ đến nao lòng. Cánh hoa forsythia không đầy đặn như mai mà dài, mỏng và 4 cánh chuỗi ra như hình chiếc chuông. Ở giữa cũng có điểm xuyết nhụy vàng bé nhỏ. Forsythia có lẽ còn giống mai rừng ở điểm không cần chăm sóc đặc biệt, thường mọc dại ven bờ rào hoặc trong những cánh rừng, trên những lối đi, đường phố, thắp vàng những nẻo người qua lại.
Trong vườn, hoa táo, hoa lê nở trắng đầy cành, tỏa hương tinh khiết. Đất trời hiền hoà, đàn chim trốn tuyết bay về từ phương Nam, buông những tiếng kêu hội ngộ…
Hòa mình với trời đất trong lành , đi giữa ngàn hoa đua nở, hít thở ngọn gió xuân nồng ấm. Rung động trước vẻ đẹp mùa xuân tôi vừa hạnh phúc, cảm nhận cuộc sống thật nhẹ nhàng. Tuy nhiên lòng lại có chút bâng khuâng về đời mình. Có phải.. Tôi đang bơi theo dòng thời gian…? Cũng mong dòng thời gian còn lại là những bến đổ bình yên. Chợt nhớ đến lời bài hát của cố nhạc sĩ Tr
nh Công Sơn

" Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về
."


Thuong Tri Nguyen
(Nguồn: Facebook)

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Thơ Limerick


 
Trịnh Bình An

                              

Với sự đa âm của ngôn ngữ, thơ bên trời Tây không thể nào viết nghe có vần có điệu như những thể lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt hay thất ngôn bát cú của trời Đông nơi ngôn ngữ là độc âm. Tuy nhiên, một loại thơ phương Tây có quy tắc nhất định về số câu cũng như về vần điệu vẫn được truyền bá nhiều nơi, đó là thơ "limerick”.

Một ví dụ của thể thơ limerich là bài thơ sau đây:
The limerick packs laugh anatomical (Limerick chất cái cười nôn ruột)
Into space that is quite economical. (Vào một nơi thiệt nhỏ)
But the good ones I've seen (Nhưng những bài thơ nào tôi thấy hay)
So seldom are clean (Thường là những bài không được … sạch)
And the clean ones so seldom are comical. (Còn những bài sạch thì lại ít buồn cười)
Thực vậy, rất nhiều bài limerick tả về những việc không nên nói giữa đám đông như chuyện làm tình, chơi đĩ, thủ dâm, loạn dâm... Những điều này là những điều không nên nói to, thậm chí tục tĩu, nhưng lại khiến người nghe không khỏi phì cười. Ví dụ bài thơ dưới đây:
A young violinist from Rio (Một chàng nhạc sĩ vĩ cầm trẻ từ Rio)
Was seducing a lady named Cleo (Đang hú hí với một cô nương tên Cleo)
As she took down her panties (Rồi nàng kéo quần lót xuống)
She said, "No andantes; (Nàng dặn: "Đừng có chơi điệu chậm nhé)
I want this allegro con brio!" (Em muốn thật nhanh và sôi nổi cơ!”)
Limerick là phải “thế” mới … “đã”.
Đi vào phân tích niêm luật của bài thơ, ta thấy một cấu trúc nhất định. Bài thơ gồm có 5 câu. Chữ cuối câu 1, 2, và 5 cùng vần với nhau (Rio, Cleo, brio); chữ cuối câu 3 và câu 4 cùng vần (panties, andates). 
Âm điệu của limerick nếu làm đúng theo quy tắc sẽ khá rắc rối vì phải theo luật lệ "poetic foot" (xin tạm dịch là “bước thơ”) của thi ca cổ điển Âu châu, trong đó người làm thơ phải theo những niêm luật nghiêm ngặt về âm tiết.  Âm tiết của một chữ có thể là ngắn hay dài. Âm tiết cũng không phụ thuộc vào chữ dài hay ngắn. Ví dụ trong hai chữ "to be" thì "to" có âm tiết ngắn (unstressed) còn "be" có âm tiết dài (stressed) dù "to" và "be" có số mẫu tự bằng nhau. 
Để tìm ra được poetic foot, người làm thơ cần chú ý tới âm điệu của  chữ. Một chữ ngắn có thể tạo ra âm dài, nhưng chữ dài có khi lại cho ra âm ngắn. Như chữ "panties" tuy nhiều mẫu tự hơn chữ "Rio" nhưng cho âm thanh ngắn gọn hơn. Như bài thơ ở trên, những chữ Rio, Cleobrio là âm dài, còn chữ pantiesandantes thuộc âm ngắn.
Nói một cách đơn giản, bài thơ limerick cần có 5 câu. Câu 1, 2 và 5 là câu dài; câu 3 và 4 là câu ngắn. 
Nhưng quan trọng hơn hết là tính hài của bài thơ. Một limerick hay sẽ như một truyện cười: 4 câu đầu thu hút sự chú ý của người nghe để rồi câu kết làm họ ngạc nhiên và thích thú.
Một limerick khác minh họa cho cách gút và mở vừa nói ở trên:
There was a young man of St. Paul (Có một thanh niên ở vùng St. Paul)
Whose prick was exceedingly small. (Thằng nhỏ của anh thì thiệt là nhỏ)
He could bugger a bug (Anh ta có thể đú một con bọ)
At the edge of a rug, (Bám ở rìa tấm thảm)
And the bug hardly felt it at all. (Mà con bọ chẳng cảm thấy gì hết)
Một đặc điểm của những bài limerick cổ là thường bắt đầu bằng những chữ "Có một (người)..." tựa như câu đầu của truyện cổ tích: "Ngày xưa có một..." 
There was a young lady from Cue (Có một thiếu nữ từ Cue)
Who filled her vagina with glue. (Đổ keo vào âm đạo)
She said with a grin, (Cô ta vừa nói vừa cười đểu)
"If they pay to get in, ("Nếu họ trả tiền để vào)
They’ll pay to get out of it too." (Thì cũng phải chi để ra chứ")
Đọc tới đây chắc hẳn bạn sẽ trợn mắt và hỏi: Thơ gì mà kinh khủng vậy?
Xin thưa, những bài trên được trích trong cuốn "The Limerick – The Famous Paris Edition"  của George Alexander Legman. Vậy Legman là ai?
Từ khi còn là một sinh viên, Legman đã chú ý tới những bài thơ dân gian đặc biệt này và ra sức tìm kiếm chúng trong nhiều chục năm. Tuy nhiên, vì nội dung quá táo bạo nên tập thơ đó không được giới hữu trách chấp nhận, "The Limerick" với 1700 bài thơ (đa số viết bằng tiếng Anh, nhưng cũng có một vài bài tiếng Đức, Pháp và Latin) đã không được phép xuất bản tại Hoa Kỳ. Đến năm 1953, Legman phải đem sách qua Pháp mới kiếm được nơi nhận in. Thế nhưng, nhà xuất bản đã chơi xấu soạn giả: không cho Legman tác quyền! 
Vậy tại sao loại thơ này có tên "Limerick"?
Limerick là một thành phố ven sông của Ireland (Ái Nhĩ Lan), nằm ngay trung tâm Shannon Region xinh đẹp của nước này. Đây là một thị trấn cổ có từ năm 922 trước Công Nguyên của người Vikings. Dù không ai xác định được nguồn gốc chính xác của loại thơ này nhưng đa số cho rằng chúng bắt đầu từ những bài hát ru con, những bài đồng dao của trẻ em... từ rất lâu ở châu Âu. Có lẽ những bài hay nhất đã xuất phát từ thị trấn Limerick của Ireland vì đây cũng là nơi sản sinh ra nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Và từ đó người ta gọi chung những bài thơ không tựa đề nhưng cùng thể loại này là “limerick”.
Loại thơ đơn giản và có vần điệu này được giới lính tráng, dân chài, hành khất, bợm nhậu ưa thích. Họ làm thơ và truyền cho nhau trong các quán xá. Vì thế những bài thơ bình dân này rất táo bạo, rất ba trợn, rất chợ búa nhưng cũng rất... hài. Tuy nhiên, limerick không nhất thiết là phải "tục", phải "bậy". Người ta vẫn có thể làm những limerick lành mạnh như Edward Lear trong quyển thơ "A Book of Nonsense” (tạm dịch: Thơ Ngớ Ngẩn).





vì thế limerick rất thích hợp để dạy cho trẻ em tập làm thơ. Các em làm quen với cách chọn chữ, chọn vần và nhất là phát triển khả năng sáng tạo và khiếu hài hước.
There once was a houseplant named Phil (Có một cây cảnh tên Phil)
Who one day became very ill (Ngày kia nó bị bịnh nặng)
Phil’s owner was stressed! (Người chủ của Phil rất lo lắng)
He consulted the best... (Ông mời chuyên viên giỏi nhất đến khám)
But sadly, Phil joined the landfill. (Nhưng buồn thay, Phil vẫn bị vứt vào đống rác)
Limerick còn là loại thơ vui cho những ai yêu cả thơ lẫn toán muốn thử thách sự nhanh nhạy của mình.
Fourteen over two equals seven (14 trên 2 là 7 chẵn)
add four more and then you get eleven (cộng thêm 4 thì được 11)
multiply that by two (nhân với 2)
yields you twenty-two (cho ra 22)
plus five more and you get twenty-seven (thêm 5 nữa thì thành 27)
Được nhắc đến nhiều nhất là phương trình dưới đây:


 


A Dozen, a Gross, and a Score, (Cộng 1 tá với 12 tá và 20)
Plus three times the square root of four (Thêm 3 lần căn số bậc hai của 4)
Divided by seven, (Chia cho 7)
Plus five times eleven, (Cộng 5 lần 11)
Equals nine squared and not a bit more. (Bằng chẵn 9 bình phương)
Limerick ngày nay là những bài thơ vui tươi, nhẹ nhàng như thế. Nhưng có lẽ những limerick độc đáo nhất vẫn là những bài dân gian không được "sạch sẽ". Vừa đọc, vừa cười, vừa lắc đầu: thiệt (là) tình!
Il y avait un plombier, Francois, (Có một ông thợ sửa ống nước tên Francois)
Qui plombait sa femme dans le Bois (Đang thông ống vợ trong vườn hoa)
Dit-elle, "Arrêtez! (Nàng kêu: "Ngừng đi anh!")
J’entends quelqu’un venait" (Có ai đang tới nhanh")
Dit le plombier, en plombant, "C’est moi." (Ông thợ vừa mần vừa nói: "... Ơ, ờ, ờ, tới bến... là qua!")
Giả dụ như người Việt mình nếu được nghe một người ngoại quốc đọc vài câu thơ lục bát, hẳn sẽ thích thú và cảm động lắm. Tương tự như thế, chúng ta sẽ khiến cho người Ạnh, Pháp, Mỹ… ngạc nhiên nếu thấy người Việt cũng biết tới thơ limerick của họ. Thơ và nhạc luôn luôn là nhịp cầu nối kết mọi người với nhau một cách nhẹ nhàng, thân thiện. Vậy nên, xin đừng bỏ qua Limerick, thể thơ gần gũi, dễ thương, và hài hước đậm đà hương vị Tây Phương.

Trịnh Bình An
(3-2015)

Bạt:

Trịnh Bình An sinh năm 1962 tại Sài Gòn. Định cư tại Hoa Kỳ năm 1990. Hành nghề kỹ sư công chánh tại tiểu bang Maryland.
 Người viết có cơ duyên biết tới thơ Limerick là do một lần có người trong công ty nghỉ việc. Trong số sách ông để lại có cuốn Limerick của George A. Legman. Bạn bè xúm vào đọc, cười hinh hích, té ra, nhiều người Mỹ không biết đến loại thơ độc đáo này. Người viết nhân đó tìm hiểu thêm về limerick. Nhà phê bình Thụy Khuê từng có bài phân tích về "cái tục đi kèm với cái hài" trong văn chương, chỉ ra rằng tục cần có hài mới có thể truyền bá được (tương tự như thơ Hồ Xuân Hương và thơ Bút Tre của ta). Thơ limerick là một ví dụ tiêu biểu cho nhận định này.

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Lời giới Thiệu về nhà văn cư sĩ Huỳnh Trung Chánh


GS Nguyễn vĩnh Thượng



Nhà văn cư sĩ Huỳnh Trung Chánh, còn  có bút hiệu Hư Thân, sanh năm 1939 tại Trà Vinh, quê nội của ông. Suốt quảng đời niên thiếu ông sống nơi quê ngoại tại Cao Lãnh, tỉnh Sa-Đéc, Việt Nam.
-          Tốt nghiệp Cử nhân Luật Khoa( 1961 ), Đại Học Luật Khoa Saigon.
-          Tốt nghiệp Cử nhân Phật Học (1967), Phân Khoa Phật Học và Triết Học Đông Phương, Viện Đại Học Vạn Hạnh, Saigon.
Là một công chức dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, ông đã nổi tiếng thanh liêm, chánh trực và hết lòng dấn thân để phục vụ đại đa số dân chúng Việt Nam theo hạnh Bồ Tát của Phật giáo. Ông đã từng giữ các chức vụ sau đây:
-          Lục sự tại Toà Án Saigon và Long An (1960 – 1962).
-          Chuyên viên nghiên cứu tại Phủ Tổng Thống (1962 – 1964).
-          Thanh Tra Lao Động tại Bộ Lao Động (1964 – 1965).
-          Dự Thẩm tại Toà Sơ Thẩm An Giang (1965 - 1966).
-          Chánh Án tại Toà Sơ Thẩm Kiên Giang (1966 – 1969) và Toà Án Long An (1969 – 1971).
-          Dân Biểu Quốc Hội VNCH tại Thị Xả Rạch Giá (1971 – 1975).
-          Luật Sư tại Toà Thượng Thẩm Saigon (1971 – 1975).

·         Ông định cư tại California, Hoa Kỳ từ năm 1977.
·         Từ đầu thập niên 1950, khi hãy còn là một học sinh trung học, ông đã sáng tác nhiều bài thơ, và tự đánh máy để tặng các thân hữu. Ông bắt đầu sáng tác các truyện ngắn trong thời gian làm Chánh Án tại Toà Sơ Thẩm Kiên Giang.
Tại hải ngoại, ông tiếp tục sáng tác. Các truyện ngắn của ông đặc biệt viết cho Tạp Chí   Phật Giáo Hải Ngoại ( PGHN ), và cho các Đặc San của các Chùa Phật Giáo ở Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Úc v..v.. Hoà Thượng Thích Đức Niệm là Chủ Nhiệm của Tạp Chí PGHN, chủ bút là Quảng Thành. Hoà Thượng Thích Đức Niệm đã thành lập PHẬT HỌC VIỆN QUỐC TẾ  ở California, Hoa Kỳ, và làm Viện Trưởng PHVQT cho đến khi Ngài viên tịch. Nhà văn Huỳnh trung Chánh là bạn đồng môn với Hoà Thượng Đức Niệm khi còn theo học Phật  học tại Viện Cao Đẳng Phật Học Saigon (1964), Hoà Thượng Đức Niệm là một vị tăng có đạo cao, đức trọng, nên nhà văn Huỳnh trung Chánh đã tôn vinh vị Cao Tăng này như là một bậc Thầy, cuộc sống của vị Cao Tăng là ngọn đuốc tuệ cho nhà văn trên bước đường tu học. Nơi trang đầu của tập truyện ngắn Mộng và Thực, xuất bản năm 2009, Huỳnh Trung Chánh đã viết:
                   

Kính dâng Hoà Thượng Đức Niệm :
Vị Thầy đã khuyến khích và nâng đở con trên con đường tu học và viết truyện đạo.
  
Hiện tại, Huỳnh Trung Chánh sống cuộc đời của người Cư sĩ Phật giáo, ăn chay trường, mỗi ngày tụng ba thời kinh Phật, lấy việc tu học hằng ngày làm niềm an lạc. Các truyện ngắn  ông sáng tác đều chuyên chở giáo lý  nhà Phật; văn phong của ông rất bình dị nên dể đi vào lòng người đọc; bởi thế nên dù là Phật tử hay không là Phật tử, ai ai cũng đều thích đọc các truyện ngắn của ông. Văn phong của ông có nhiều đặc trưng của  nền văn học miền đất phương Nam. Có thể nói ông là một trong những nhà văn miền Nam của dòng văn học hải ngoại.

·         Các  tập truyện ngắn đã xuất bản:

1.       Trở Về, NXB Nguồn sống, California,USA, 1988; Chùa Viên Giác, Hannover, Đức quốc, tái bản.
2.       Vết Nhạn Lưng Trời, NXB Phật Học Viện Quốc Tế (PHVQT), California, USA, 1990; Chùa Viên Giác, Hannover, Đức quốc, tái bản; NXB Phương Đông, Saigon , tái bản 2010.
3.       Cửa Thiền Dính Bụi, NXB PHVQT, Cali, USA, 1991; Chùa Viên Giác, Hannover, Đức quốc, tái bản; NXB Phương Đông, Saigon, tái bản 2010.
4.       Như Thế Mà Trôi, NXB  PHVQT,  Cali, USA, 1994; Chùa Viên Giác, Hannover, Đức quốc, tái bản. .
5.       Con Đường Vô Tận, NXB  PHVQT, Cali, USA, 1998; Chùa Viên Giác, Hannover, Đức quốc, tái bản; NXB Phương Đông, Saigon, tái bản 2010.
6.       Mẹ Quan Âm Cữu Long, NXB PHVQT, Cali, USA,2001; Chùa Viên Giác, Hannover, Đức quốc, tái bản; NXB Phương Đông, Saigon, tái bản 2010.
7.       Mộng  hay Thực, NXB Phương Đông, Saigon, 2009.
8.       Am Mây Ngàn, NXB Đồng Nai, Saigon, 2012.

Toronto, 25 January 2014

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Chân dung của mẹ

Huỳnh trung Chánh






Sau hiệp định Genève năm 1954 chia đôi đất nước, chánh quyền miền Nam ồ ạt gởi cán bộ về nông thôn xây dựng hạ tầng cơ sở. Xã Thủy Liễu, một xã hẻo lánh, nghèo nàn, bùn lầy nước động sát biên giới tỉnh Chương Thiện, từ lâu chìm trong quên lãng, bỗng trở thành vị trí chiến lược. Vừa tốt nghiệp trường Quốc Gia Sư Phạm về trình diện Ty Tiểu Học Kiên Giang, Quân liền được "ưu ái" đề bạt làm hiệu trưởng trường tiểu học tân lập tại xã Thủy Liễu. Thủy Liễu là loại cây sinh sôi ven bờ sông rạch miền Nam. Người dân gọi thủy liễu là cây bần, tên mộc mạc, nghèo hèn, lam lũ như cuộc đời của họ. Bần cũng xanh um và rũ bóng nên thơ như liễu. Liễu có thể ví như cô gái thị thành ẻo lả, trau chuốt và bần như một cô gái quê rắn chắc, mặn mà. Cho nên người Trung Hoa gọi bần là liễu nước – thủy liễu -, cũng hợp tình lý. Xã Thủy Liễu hoang vu nhiều bần, không ngờ lại được ban một địa danh duyên dáng khiến cho Quân bị “hố” nặng, khi “mừng húm” chọn lựa nhiệm sở ở chốn khỉ ho cò gáy này. Ngược lại, hai người bạn đồng khóa của chàng, bị cử đi Tràm Chẹt và Xẻo Rô, địa danh cục mịch lại không cách tỉnh lỵ bao xa.

xem tiếp, mời bấm vào đây Chân dung của mẹ