Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2023
Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2021
Tiếng Chuông Giáo Đường
Phương Lan
Câu chuyện bắt đầu vào một đêm trước đêm giáng sinh, ngoài trời rất lạnh, đây
là thời tiết lý tưởng để những dân ăn chơi tìm đến các vũ trường để giải trí.
Đêm nay là một đêm đặc biệt, vì vũ trường mới được tăng cường thêm cô ca sĩ nổi
tiếng Diễm Tuyết về hợp tác, thiên hạ xem quảng cáo nên kéo tới rất đông. Vũ
trường “ Đêm Paris " là một hộp đêm nổi tiếng vì tổ chức đại qui mô, vừa
là vũ trường, vừa là phòng trà có ca sĩ, lại phục vụ cả ăn uống. Những ngày
đông khách như hôm nay, bọn vũ nữ cũng như bọn hầu bàn chúng tôi đều rất bận
rộn. Một người đàn ông đến muộn, đang loanh quanh tìm chỗ ngồi, tôi hướng dẫn
ông ta tới một nơi góc khuất, và nói với vẻ áy náy:
- Xin ông cảm phiền, chỉ còn cái bàn này còn trống.
- Không sao cả. Ông ta mỉm cười dễ dãi, tôi lại thích những chỗ tối như thế
này.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, việc làm vui lòng khách là bổn phận của những người hầu
bàn, tôi hỏi theo thói quen nghề nghiệp.
- Thưa ông dùng rượu gì ạ?
- Tôi không quen uống rượu, cô cho tôi ly cà phê đen và một món ăn nhẹ.
Tôi ngạc nhiên, đến vũ trường mà không uống rượu kể cũng hơi lạ. Tôi nhìn ông
chăm chú, đây là một người đàn ông tuổi trung niên, mặt mũi trông hiền lành,
thật thà, không có vẻ là dân ăn chơi. Ông ta đi có một mình, vẻ ngờ nghệch,
lúng túng, chắc là lần đầu đến vũ trường. Tôi dọ ý khách:
- Ông có muốn tôi giúp ông tìm một người ngồi bàn không ạ? Tôi sẽ giới thiệu
cho ông một cô vũ nữ mới vô nghề nhưng rất đẹp…
- Không cần đâu, cô cứ để mặc tôi!
Ông khoát tay, tỏ ý không muốn nói thêm. Tôi lui vào trong, đem theo tờ giấy
ghi món ăn ông gọi, đưa cho nhà bếp. Sau đó, tôi phải chạy tới chạy lui phục
dịch các bàn khác. Một lúc sau, khi tôi đem thức ăn đến, ông vẫn ngồi trầm
ngâm, không quay lại nhìn tôi, ông chỉ gật đầu, nói một câu ngắn gọn:
- Cám ơn!
Ông nói với tôi mà mắt thì nhìn lên sân khấu. Cái dáng cô đơn của ông gợi tính
tò mò của tôi, làm cái nghề hầu bàn, hàng đêm tôi phải tiếp xúc với biết bao
nhiêu người, thế mà không hiểu sao tôi chỉ chú ý tới mình ông.
Tôi để ý trong suốt thời gian ở trong vũ trường, không thấy ông ra sàn nhảy, và
cũng chẳng trò chuyện với ai cả. Ông ngồi im lặng, nhấm nháp ly cà phê một cách
chậm rãi, nhưng thức ăn thì còn nguyên, hình như ông ta chưa hề động đũa. Khi
ông ra về, ông để lại trên bàn cho tôi một món tiền thưởng khá hậu hĩnh.
Từ đó đêm nào ông cũng tới, cũng ngồi vào cái bàn nơi góc khuất trong khu tôi
phục vụ, riết rồi thành một cái lệ, những hôm ông không tới, tôi thấy như thiếu
vắng một cái gì. Nhìn cái bàn trống ông vẫn thường ngồi, tôi thấy lòng trống
trải, nao nao, mặc dù những khi có mặt, chẳng bao giờ ông thèm trò chuyện với
tôi, nói dăm ba câu vô thưởng, vô phạt như những khách hàng khác, và cũng như
lần đầu, chẳng bao giờ tôi thấy ông ra sàn nhảy hoặc gọi vũ nữ ngồi bàn.
Một hôm ông đến, mang theo một bó hoa rất đẹp, ông cho tôi một trăm đồng và nhờ
tôi đưa bó hoa cho cô ca sĩ Diễm Tuyết. A! bây giờ thì tôi hiểu rồi, ông tới
đây vì mê cô ca sĩ Diễm Tuyết. Lòng tôi chùng lại, rồi chợt buồn vu vơ và lo
ngại dùm ông, Diễm Tuyết trẻ đẹp lắm, nhưng già dặn kinh nghiệm, và rất kênh
kiệu vì có nhiều người theo đuổi, người nào cũng giàu có, danh vọng. Còn ông?
tôi tò mò nhìn tấm danh thiếp cài trên bó hoa " Nguyễn Triệu, giáo sư, kế
toán viên ngân hàng " Thì ra ông là giáo sư, đồng thời cũng làm cho ngân
hàng, thời buổi khó khăn này, người ta vẫn làm hai nơi là chuyện thường. Nhưng
ông nhà giáo hiền lành này làm sao địch lại được với các ông bộ trưởng, những
ông bác sĩ, những ông sĩ quan cấp tướng, cấp tá vẫn bu quanh cô? Tự nhiên tôi
thấy lo ngại dùm cho ông, những người này đầy quyền uy, thế lực và rất dữ dằn,
còn cô Diễm Tuyết thì chỉ biết có tiền. Ông vẫn tiếp tục tặng hoa, tôi nhẩm
tính ra có đến hơn sáu mươi bó, nghĩa là ông theo đuổi cô ta đã hơn hai tháng.
Một lần, ông kêu tôi tới hỏi:
- Cô vẫn đưa hoa cho cô Diễm Tuyết đều đấy chứ?
- Vâng ạ!
- Thế cô ta có nói gì không? có hỏi han cô về tôi không?
- Thưa ông, tôi không nghe cô ấy nói chi hết.
Ông mỉm cười chua chát:
- Im lặng cũng là một cách trả lời.
Tôi muốn an ủi ông, nhưng không tìm được câu nào. Ông thở dài, buồn bã:
- Diễm Tuyết không chấp nhận tình tôi, chắc cổ chê tôi nghèo và không có danh
vọng. Thiệt là buồn quá…
Tôi cũng thở dài, thương cho ông và thương cả thân mình. Với Diễm Tuyết, ông
thất bại là chuyện dĩ nhiên, vì làm sao ông địch lại được với một đám đông
những người giàu có, thế lực đang bu quanh cô? Còn tôi… Chúa ơi! sao ông không
đến với tôi nhỉ? có lẽ dưới mắt ông, tôi chỉ là một người hèn hạ, không đáng để
ông chú ý.
Tôi buồn rầu, đêm nằm thường nghĩ ngợi vẩn vơ, ở đời sao có nhiều chuyện bất
công như thế? kẻ ăn không hết, người lần không ra, Diễm Tuyết có dư thừa tình
yêu, gạt ra không hết, còn tôi mong hoài một tấm chân tình mà không có. Hơn ba
mươi tuổi, tôi vẫn sống hẩm hiu, cô đơn vói bà mẹ già. Cuộc sống tối tăm, chỉ
cho tôi cơ hội được tiếp xúc với những người thô lỗ, cục mịch, họ tán tỉnh tôi
bằng những câu tục tĩu, rẻ tiền rồi bỏ đi. Tôi cố gắng không để cho vật chất
quyến rũ, sa chân vào con đường hư hỏng như phần đông các cô gái nghèo, nhưng
có nhan sắc khác. Thật là may mắn lắm, tôi mới được nhận vào làm hầu bàn ở
trong một vũ trường lớn như thế này, ngoài tiền lương, còn có tiền thưởng, đủ
cho hai mẹ con sống một cuộc sống tuy nghèo nhưng trong sạch. Tại đây, tôi có
cơ hội tiếp xúc với đủ mọi hạng người, đa số là những dân ăn chơi, họ đến vũ
trường để mua vui. Chẳng bao giờ có ai thèm để ý đến những người hầu bàn mà họ
quen coi như những tên đầy tớ để sai bảo, vì bổn phận chúng tôi là phải phục
dịch cho họ. Chắc ông cũng thế, chưa bao giờ ông nói với tôi một lời tình cảm
nào, ngoài những câu sai bảo, thậm chí ông còn không thèm ngó tôi nữa. Thế mà
một hôm ông đã làm cho tôi ngạc nhiên lẫn cảm động, khi ông đưa cho tôi một bó
hoa rất đẹp. Tôi chờ để nghe ông sai tôi đem hoa đến cho cô Diễm Tuyết, nhưng
ông lắc đầu, ngần ngừ một lúc, ông nói:
- Không, cô cầm đi! bó hoa này là của cô đó.
Tôi cảm động gần muốn phát khóc, mặc dù ngay sau đó ông lẳng lặng bỏ đi, không
cần nghe lời cám ơn của tôi. Tôi cầm bó hoa mà tay run run, còn tim thì đập
loạn xạ trong lồng ngực. Tôi đứng im vài giây, chờ cho qua cơn xúc động rồi mới
trân trọng đem bó hoa cất vào ngăn tủ đựng những vật dụng cá nhân của mình. Chị
Hiền, một người bạn cũng làm hầu bàn, nhìn tôi như có ý hỏi, tôi gật đầu, hãnh
diện:
- Của một ông khách rất lịch sự và đẹp trai tặng tôi đấy.
Hiền gật đầu, mỉm cười như có ý chia xẻ. Vừa lúc đó, ông quản lý đi ngang, nhìn
tôi với cặp mắt khó chịu:
- Khách tới đông, họ đang chờ để xếp bàn, sao cô còn đứng đây? Tôi dạ và chạy
vội đi. Ông quản lý nổi tiếng khó tánh, hay bắt khoan, bắt nhặt những nhân viên
dưới quyền, nhưng với tôi, ông luôn luôn tỏ ra dễ dãi, trừ lần này. Ông có toàn
quyền muớn người, tăng luơng, hay sa thải nhân viên, nên ai cũng sợ, cả tôi
cũng vậy. Nhưng bây giờ lòng tôi
đang sung sướng, nên không để ý đến ánh mắt khác lạ của ông, ánh mắt đầy bực
bội và ghen tức. Bẵng đi cả tuần sau, ông khách quen mới trở lại, tôi rụt dè
đến bàn để chào ông:
- Cám ơn ông hôm nọ đã tặng hoa cho tôi. Ông có vẻ ngạc nhiên:
- Tôi tặng hoa cho cô à? Hồi nào vậy?
Ông làm tôi chưng hửng và bối rối. Nhưng không sao cả, con người bận rộn như
ông, làm sao có thể nhớ hết mọi thứ? Tôi nhắc:
- Hôm thứ bẩy tuần trước, ông quên rồi ư?
Ông cau mày cố nhớ lại, rồi thở ra một hơi dài:
- Thật ra thì tôi đâu có ý tặng hoa cho cô. Tôi mua hoa cho Diễm Tuyết, nhưng
hôm đó cô ta đi vắng, tôi không biết phải làm gì với bó hoa đó, nên bảo cô đem
đi đâu thì đem cho khuất mắt.
- Tôi đã đem về nhà, và tôi đã sung sướng trong suốt tuần qua… Xin cám ơn ông.
Tôi nói với giọng thản nhiên, nhưng vẻ mặt của tôi biểu hiện một cái gì đó rất
đau đớn, ông nhìn tôi với một vẻ áy náy:
- Cô không phải là người tôi yêu đâu! xin lỗi vì đã làm cho cô hiểu lầm...
- Không sao cả, tôi không hiểu lầm mà chỉ tưởng tượng thôi, tưởng tượng cũng
làm cho tôi sung sướng lắm.
Ông ngồi im, một lúc sau mới ngập ngừng hỏi:
- Bây giờ cô vẫn tiếp tục giúp tôi chứ?
- Lúc nào tôi cũng sẵn sàng. Thưa ông! lại đưa hoa nữa à?
- Không, lần này thì một lời nhắn. Cô nhắn với Diễm Tuyết lát nữa khi hát xong,
tôi sẽ đợi Diễm Tuyết ở bên ngoài.
- Vâng, tôi sẽ chuyển lời dùm ông.
Tôi đã làm đúng như lời ông dặn. Nhưng không phải Diễm Tuyết chờ ông nơi cửa,
mà là hai tên du đãng, chúng đấm vào mặt ông năm, sáu cái rồi bỏ đi, sau khi đe
doạ:
- Đây mới chỉ là cảnh cáo. Từ nay không được chộn rộn với Diễm Tuyết nữa, nghe
chưa? nếu không, mày sẽ hối không kịp đó!
Ông té xuống, mặt đầy máu. Việc xảy ra chỉ trong chớp nhoáng, không ai kịp can
thiệp. Thiên hạ đứng xem vò
ng trong, vòng ngoài, nhưng chỉ mình tôi chạy tới đỡ ông dậy. Bằng cả hai tay,
tôi cuống quít lau máu trên mặt ông. Thấy tôi run lẩy bẩy, ông cố gượng một nụ
cười méo mó:
- Tôi không sao đâu, cô đừng lo.
- Ông cần đi nhà thương không?
- Tôi chỉ bị chảy máu mũi thôi mà, nhưng bây giờ máu đã cầm rồi. Nhưng… áo cô
đã dơ hết rồi kìa!
- Có xá gì cái chuyện vặt ấy. Tôi nói và dìu ông đứng lên, mặt ông xưng húp
trông dễ sợ. Tôi không yên lòng để ông ra về một mình, tôi dặn ông đứng đợi,
rồi ra đầu phố gọi một cái taxi, tôi đưa ông về. Trong suốt quãng đường, không
ai nói với ai lời nào, chỉ nghe tiếng ông thở dài. Đến nơi, ông không mời tôi
vào nhà, cả hai đứng bôn chôn trên lề đường, ông nhìn tôi bằng cặp mắt dịu
dàng:
- Cô tử tế quá, cám ơn cô.
Nói xong, ông nắm lấy tay tôi xiết nhẹ. Tôi rùng mình, sự đụng chạm làm tim tôi
đập nhanh và mặt tôi nóng bừng, chắc ông cũng cảm thấy khác lạ, nên vội vàng
buông tay ra. Đêm hôm đó, tôi thức suốt đêm để cầu nguyện cho ông, tôi đặt bàn
tay tôi lên trái tim, bàn tay đã được ông nắm…
Hôm sau, tôi bị ông quản lý gọi lên văn phòng để xài xể:
- Cô bỏ đi trong giờ làm việc là vi phạm nội quy, cô sẽ bị sa thải.
- Tôi chỉ giúp đỡ cho một người khách hàng bị đả thương, đó là một việc làm
nhân đạo.
Tôi cố bào chữa, ông ta là khách quen của vũ trường…
- Đó là nhiệm vụ của người bảo vệ, không phải của cô. Vả lại việc xảy ra ở bên
ngoài vũ trường, chúng ta không có trách nhiệm gì cả, trừ khi cô có tình ý
riêng.
Tôi đỏ mặt, chống chế:
- Ông ta chưa bao giờ coi tôi như một người bạn gái cả, người ông ta theo đuổi
là cô Diễm Tuyết.
- Cô khỏi phải bào chữa. Nếu không muốn mất việc, chỉ có một cách…
- Là cách gì vậy, thưa ông? Không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi, ông nở một
nụ cười khó hiểu và lảng qua chuyện khác:
- Cô Miên vào làm việc ở đây đã được bao lâu rồi nhỉ?
- Gần hai năm, thưa ông!
- Cô biết là tôi vẫn đặc biệt dễ dãi với cô, cho cô hưởng mức lương của một
người làm việc lâu năm. Cô hiểu cảm tình của tôi chứ?
- Vâng! Nhưng tôi không biết ông làm vậy là có ý gì? xin ông cứ nói thẳng ra.
- Thôi thì nói gần nói xa, chẳng qua nói thiệt, tôi thấy cô là một cô gái nết
na ngoan hiền, tôi đem lòng thương cô và muốn cưới cô làm vợ…
- Làm vợ ông? Tôi xửng xốt kêu lên, ông đáng tuổi cha tôi mà?
- Thì đã sao? tôi goá vợ, các con tôi đã lớn và có gia đình riêng cả, không có
trở ngại, phiền phức gì hết. Làm vợ tôi, bảo đảm cô sẽ có một đời sông ấm no,
sung sướng. Tôi sẽ cấp dưỡng cả cho mẹ cô…
- Có phải đó là một điều kiện để khỏi bị sa thải?
- Cô hiểu thế nào tùy ý.
Tôi đáp không do dự:
- Tôi chẳng thà bị mất việc.
Và tôi mất việc thật, và cũng mất luôn tin tức về người đàn ông đã chiếm trái
tim tôi, ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi. Một hôm Hiền ghé chơi và cho tôi biết:
- Ông Triệu đến vũ trường tìm chị để cám ơn. Tôi nói chị không còn làm ở đó
nữa, và tôi đã kể cho ông ta nghe hết sự thực vì sao chị bị mất việc. Tôi cũng
cho ông Triệu địa chỉ của chị nữa.
Tôi cám ơn Hiền và thấp thỏm chờ đợi mãi, nhưng vẫn không thấy ông liên lạc. Ít
lâu sau, tôi lại nghe tin đồn dạo này ông hay cặp kè với cô Diễm Tuyết. Bằng
cách nào ông chinh phục được trái tim của cô ca sĩ nổi danh này thì không ai
được biết, người ta chỉ thấy ông và Diễm Tuyết sống với nhau như đôi tình nhân
trong một biệt thự sang trọng, họ ăn chơi, tiêu xài phung phí như những tay
triệu phú. Nghe qua, tôi hơi thất vọng, hình ảnh một người đàn ông trí thức,
hiền lành, thật thà, hơi nghèo một tị - trong tôi - không còn nữa, ông bây giờ
trở thành một tay chơi lọc lõi, nhiều thủ đoạn.
Vì lẽ gì ông trở thành giàu có một cách nhanh chóng như thế? là một câu hỏi khó
trả lời,làm tôi cứ thắc mắc mãi, và đâm ra lo lắng. Quả vậy, sáu tháng sau, tôi
nhận được một lá thơ của ông, một lá thơ buồn, rất buồn… Ông tâm sự ông đã làm
một việc không nên làm, ông đã đánh đổi cả cuộc đời của ông, cả tương lai của
ông để chiếm được tình yêu của Diễm Tuyết. Ông tưởng như thế là mãn nguyện, vì
ông đã thắng được bao nhiêu đối thủ. Nhưng ông đã lầm, Diễm Tuyết không hề yêu
ông, nàng chỉ biết có tiền, và bây giờ ông hết tiền rồi, thì nàng bỏ ông để
chạy theo người khác. Ông nói ông hối hận và xin lỗi tôi, ông hiểu tình yêu của
tôi đối với ông, và ông rất cảm động. Ông thú thật từ trong đáy tim ông, người
con gái đức hạnh, dịu hiền ông yêu chính là tôi, Diễm Tuyết chỉ là một đam mê
nhất thời. Nhưng bây giờ thì đã muộn, ông không còn xứng với tình yêu của tôi
nữa. Ông bảo tôi hãy quên ông đi, đừng chờ đợi để phí tuổi xuân, ông sắp phải
đi xa một thời gian không biết bao lâu, khi về, có lẽ cả hai đều đã già, ông sẽ
ghé thăm tôi, và muốn được nhìn thấy tôi hạnh phúc…
Đọc thơ ông, tôi khóc ướt áo, nắm chặt lá thơ trong tay, người tôi như muốn xụm
xuống, ông nói đi xa, mà không cho biết là sẽ đi đâu? Lá thơ không đề địa chỉ
người gởi, tôi không biết làm cách nào hồi âm cho ông. Linh tính cho tôi biết
ông đang gặp chuyện không may, tôi quýnh lên mà không biết phải làm gì để cứu
ông. Cả ngày tôi bứt rứt, đầu óc để tận đâu đâu, làm việc gì cũng lụp chụp,
đánh đổ, đánh vỡ, vì thế tôi lại bị chủ cho nghỉ việc.
Bây giờ ngoài nỗi lo nghĩ về ông, tôi còn phải lo sinh kế để kiếm sống. Ngày
nào tôi cũng mua một tờ báo để dò mục tìm việc, thế rồi một hôm tình cờ đọc
báo, tôi thấy tên ông trong bản tin hàng ngày: ông bị bắt về tội biển thủ công
quỹ, ra toà ông nhận tội, và bị kết án ba năm tù. Tôi đi thăm ông tại khám
đường. Trông ông tiều tuỵ không thể tả, mái tóc bồng bềnh rất nghệ sĩ của ông,
trước đây đen mướt, chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, đã điểm loáng thoáng nhiều
sợi bạc. Hai cố nhân nhìn nhau nghẹn ngào, môi tôi run run, còn ông thì chỉ
lặng thinh, nhưng đôi mắt sâu thăm thẳm của ông đã nói rất nhiều, nó biểu lộ
một vẻ vừa vui mừng vừa tủi nhục, xót xa không bút nào tả xiết. Tôi phá tan sự
im lặng trước, cố nén xúc động, tôi cất giọng gần như thì thầm:
- Ông tệ quá, sao bỏ đi mà không cho tôi biết tin? Tôi đã tìm ông khắp nơi, đêm
nào tôi cũng cầu nguyện, mong gặp lại ông…
- Và cô đã toại nguyện? Ông cúi đầu buồn bã, nhưng trớ trêu quá, cô gặp tôi
trong hoàn cảnh này ư?
- Hoàn cảnh nào cũng được, miễn là ông còn sống. Chúa đã nghe lời cầu xin của
tôi, dẫn đường cho đôi ta gặp lại… Mặc dù chỗ này chẳng phải là nơi hẹn hò lý
tưởng, nhưng cuộc hội ngộ hôm nay đâu phải là lần cuối cùng?
- Nghĩa là sẽ còn có những lần sau? Chúa ơi! Tôi thật không dám hy vọng, và
cũng không tin ở tai mình. Nhưng… gặp nhau để mà làm gì? Tôi đâu còn xứng với
cô nữa?
- Tôi muốn gặp để nghe chính miệng ông xác nhận lại những lời ông đã viết cho
tôi trong thơ.
- Phải, đó là những lời chân thật nhất, xuất phát tự tim tôi, người tôi yêu dạo
đó, bây giờ và mãi mãi… chính là cô.
- Chúa ơi, Chúa ơi! Tôi kêu lên luôn miệng, vậy ra đây là sự thật? Ông làm tôi
cảm động quá, đã bao lâu nay, tôi vẫn cầu nguyện mong có ngày ông hiểu được
tình tôi. Vậy mà… vậy mà… sao ông lại có thể khuyên tôi đi tìm hạnh phúc với
người khác? Ông có biết những lời đó làm tôi đau lòng lắm không?
- Đừng nói nữa Miên ơi! Đừng khơi lại cái dĩ vãng mà tôi rất muốn quên đi. Tôi
đã thả mồi bắt bóng, để đi đến hậu quả ngày nay, khi hiểu được tình yêu của
Miên thì mọi việc đều lỡ làng cả rồi.
- Không ông ạ, mọi việc chỉ mới bắt đầu thôi, và tôi cũng đâu có khơi lại dĩ
vãng? Tôi chỉ muốn nói đến tương lai, ông có mơ ước gì không?
- Trước kia thì có, tôi mơ có một gia đình ấm cúng, có người vợ hiền cùng tôi
chia xẻ cuộc đời. Tôi có bằng cử nhân toán và muốn trở lại nghề dạy học, hai vợ
chồng sẽ sống một cuộc đời giản dị nhưng hạnh phúc…
- Giấc mơ của ông đẹp quá!
Ông thở dài buồn bã:
- Nhưng bây giờ thì tan tành cả rồi, mọi việc đều đã muộn.
- Không muộn đâu, ba năm rồi sẽ qua nhanh lắm. Khi mãn án, ông mới vừa tròn bốn
mươi, đâu đã gọi là già?
- Miên đợi tôi chứ?
Tôi gật đầu, mắt ướt lệ:
- Còn phải hỏi, ông đã chiếm trọn trái tim Miên rồi, không có trái tim, Miên
sống sao được?
Ông cảm động quá, đưa cả hai tay có còng sắt lên, nắm lấy tay tôi:
- Chúng ta sẽ làm lại từ đầu, tôi hứa sẽ đền bù cho Miên.
- Em tin ông.
Tôi sung sướng để yên tay tôi trong tay ông, cả hai cùng nhìn qua cửa sổ về
hướng giáo đường phía xa xa, cây thánh giá màu trắng nổi bật trên nền trời xanh
lơ, ước mong tương lai cũng xanh như bầu trời.
Như thế đó, vào mùa Giáng sinh ba năm sau, hôn lễ của chúng tôi cử hành trong
một nhà thờ nhỏ, trong tiếng chuông đổ liên hồi, mừng Chúa cứu thế ra đời. Đây
là một mùa Giáng sinh không thể nào quên, chúng tôi bây giờ là một cặp vợ chồng
nghèo nhưng hạnh phúc nhất.
Phương Lan
Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021
Vẩn vơ lắm chuyện
Khuyết danh
Nhiều bữa không ngủ được, nằm nghĩ toàn mấy chuyện tào lao. Ví dụ như những năm sau 1975, cơm không có ăn, toàn bo bo với bột mì, thức ăn toàn cá ươn và rau héo. Lúc đó chỉ mong có bát cơm trắng, bữa cơm có thịt. Giải trí thì chỉ quanh quẩn mấy bài ca cách mạng, thể thao thì chỉ loanh quanh bóng đá, bóng chuyền.
Thời mở cửa, tiền bạc
khá hơn, đời sống được nâng cao, bắt đầu xuất hiện phong trào tennis. Thật ra
trước 75 ở miền Nam, tennis cũng là bộ môn có khá người chơi, nhưng toàn tướng
tá, nhà giàu, công chức cấp cao vì sân không nhiều mà dụng cụ thì giá rất đắt.
Từ cuối thập niên 80,
sân tennis mở ra nhiều, vợt, banh, giày, vớ, áo quần được nhập về, phong trào
rầm rộ. Và tennis lúc đó là thú chơi của người có tiền, nhất là cán bộ. Ra
đường mà mặc bộ đồ đánh tennis trắng, giày Adidas, Nike… với vợt Wilson, Head
chính hãng là quý tộc rồi. Vẫn biết đó là môn thể thao để mang lại sức khoẻ.
Thế nhưng lắm người đến với bộ môn này để khoe khoang. Thời đó là thú chơi
trưởng giả, có level cao trong xã hội. Ngồi đâu cũng nghe bàn về tennis, thể
hiện đẳng cấp.
Dần dà, khi phong trào
Golf du nhập vào, nhiều sân golf xây lên, 18, 36 lỗ đều có đủ. Người ta lấy
luôn đất sân bay làm sân golf. Từ đó tennis thành trò chơi bình dân, ít vốn, không
còn được nhắc nhiều nữa. Từ đấy golf mới là quý tộc, là đẳng cấp, là dân chơi
thứ thiệt. Đi vào thế giới của trưởng giả, của trọc phú, của doanh nhân, của
cán bộ đều bàn chuyện golf và giá cả của các món đồ phục vụ thú chơi này với
giá cao ngất ngưỡng. Tennis xuống giá, golf trồi lên. Giá trị đã thay đổi.
***
Một thời người ta mong
có miếng thịt mỡ để có chất béo, để rán, để chiên. Mong có miếng thịt nạc để có
thêm chất đạm. Đến khi mở cửa, thức ăn tràn trề, thích gì có đấy, chỉ sợ không
có tiền thì lại rộ lên phong trào ăn chay. Doanh nhân bạc tỷ cũng ăn chay, nghệ
sĩ, người mẫu cũng ăn chay, tu cũng chay mà không tu cũng chay. Tiệm cơm chay
mở ra tràn ngập, bình dân có, sang chảnh có. Đi đâu cũng nghe bàn chuyện ăn rau
cỏ. Vào nhà hàng sang trọng, giá cả trên trời cũng chỉ gọi món rau trộn. Ăn
chay trở thành phong trào, trở thành mốt thời thượng.
Ngược với ăn chay lại
có một xu hướng kiếm ăn thịt thú rừng. Thú càng quý, càng được săn đuổi. Thưởng
thức thịt rừng là một thú vui quý tộc. Ăn những món ăn bình thường là tầm
thường, phải tay gấu, óc khỉ, mật rắn, chồn hương, tê tê… rồi sừng tê, mật gấu,
cao hổ, nhung hươu mới là dân chơi thứ thiệt. Cán bộ ta toàn là dân chơi.
***
Từ chuyện ăn chay lại
dẫn đến chuyện tu hành. Xã hội càng tàn bạo, khát máu, bạo lực, lừa lọc, dối
trá, láo toét thì người nói chuyện tu hành, kinh kệ càng nhiều. Chùa chiền mọc
lên như nấm.
Thằng du đãng giết
người cướp của, bà cho vay nặng lãi, chứa gái, buôn ma tuý, cán bộ tham nhũng,
cướp đất của dân ngày rằm, mồng một, lễ, vía… đều mang tiền, dâng hương, vàng
mã cúng lạy Phật. Họ cầu chức, cầu tiền, làm ăn phát đạt.
Họ cầu giàu càng giàu
thêm, ghế càng cao thêm, chức tước bổng lộc càng nhiều hơn. Bởi có chức là có
tiền, có nhà to, có đô la, hột xoàn, vàng kí.
***
Chưa bao giờ mà câu A
Di Đà Phật lại xuất hiện nhiều trên cửa miệng dân gian nhiều đến thế. Nó tràn
đầy trong các mạng xã hội, đầy dẫy trong các comment. Tự hỏi họ có hiểu câu ấy
muốn nói điều gì, ẩn chứa tư tưởng gì, chắc hẳn chẳng mấy người hiểu.
Họ bắt con chim đang
sống tự do trên trời, con cá đang sống hạnh phúc dưới nước nhốt vào lồng, vào
chậu, giam đói, chết khát rồi đúng giờ, đúng ngày đem thả ra gọi là phóng sinh.
Sát sinh chứ phóng sinh nỗi gì.
Tu theo phong trào,
đọc kinh ê a theo phong trào, dạy người khác đạo lý, tín điều cũng theo phong
trào. Trở thành một xã hội cuồng tín và mê muội.
Một thời loạn tăng.
Một số không ít thầy tu thuyết pháp toàn nói chuyện vớ vẩn, phản khoa học, công
kích, nói xấu các tôn giáo khác. Xu nịnh người giàu, coi thường kẻ nghèo, cứ bước
vào chùa là thấy rõ. Chùa thành doanh nghiệp, thầy tu thành doanh nhân, loạn xà
ngầu cả lên.
***
Lại thêm phong trào từ
thiện. Bản chất của việc từ thiện là tốt, là sự sẻ chia. Nhưng làm từ thiện mà
khoe khoang cho tất thảy mọi người, mà tự hào xem đó là công trạng thì chưa
hiểu hết nghĩa bố thí của nhà Phật.
Vật để cho là mối liên
kết giữa người cho và kẻ nhận. Vật này trước tiên hết phải thuộc về người cho
sở hữu, nghĩa là nó là vật của người cho. Cho một vật không phải của mình thời
không thành nghĩa bố thí được.
Sau khi cho, vật ấy
trở thành vật của người nhận, và người cho không còn quyền hạn gì đối với vật
ấy nữa. Cho như thế có nghĩa là “xả bỏ” các sở hữu của mình, xả bỏ những gì mà
mình có. Còn cho rồi mà vẫn cầu ân, kể lể thì đó chỉ là làm cho cái tôi của
mình chứ chẳng phải vì tha nhân.
***
Chơi lan, chơi bonsai
là thú vui tao nhã. Nhưng rồi người ta không dừng lại đó, đưa tới chuyện phá
rừng, cưa cây đem về trưng bày trong vườn nhà. Cây trăm năm trong rừng già biến
thành chậu bonsai cho lớp người nhà giàu mới. Cây lan biến hoá thành đột biến
giá cả trăm tỷ đồng. Những thú chơi thanh lịch ngàn năm biến thành những trò cờ
bạc, lọc lừa.
***
Có một hiện tượng khó
mà cắt nghĩa được là hiện nay ở miền Bắc có phong trào mặc quân phục lính Mỹ,
lính Việt Nam Cộng Hoà, hát nhạc lính miền Nam.
Họ tụ tập thành hội
đoàn rất đông, có tổ chức đàng hoàng dù ngày xưa chửi Mỹ, hô hào đánh cho Mỹ
cút, Nguỵ nhào.
Nam thanh, nữ tú đủ
cả, mỗi lần họ tập họp nhìn như tiểu đoàn quân đội VNCH chuẩn bị hành quân.
Nhìn mặt họ hân hoan, sung sướng, tự hào, thoả mãn. Thế là sao nhỉ?
***
Cũng một thời, người
ta toàn nói chuyện yêu nước thương dân, lòng ái quốc, nghĩa đồng bào. Những gia
đình vượt biên bị niêm phong với dấu đỏ lòm là phản quốc. Giờ thì ngồi đâu cũng
nói chuyện Mỹ, chuyện Pháp, Anh.
Người Việt ngày xưa
trốn chạy, vượt biên giờ trở thành khúc ruột ngàn dặm. Con cán bộ từ cấp trung
đến cấp cao đều du học Mỹ. Nhiều cán bộ chưa về hưu đã có thẻ xanh lận túi, chờ
đến giờ là out. Thế mới thấy trên đời này mọi giá trị chẳng có chi là vĩnh cửu.
***
Trong tiếng Việt giàu
đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có
mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra. Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử,
trong trí tuệ, trong ngôn ngữ thể hiện, trong điệu đi, cách nói, kiểu cười.
Chẳng phải chơi golf
mà sang. Cũng chẳng phải có cây hoa quý đắt tiền mà sang. Cũng chẳng phải tiền
muôn, bạc tỷ mà sang. Chẳng phải có chút sắc đẹp, có chút địa vị xã hội, có hột
xoàn cả kí, có nhiều người xu nịnh tiền hô hậu ủng mà sang.
***
Cũng không phải miệng
toàn nói chuyện đạo, chuyện chay tịnh, kể lể, khoe khoang chuyện bỏ tiền làm từ
thiện, miệng luôn nam mô mới là người có lòng nhân ái, sống có đạo lý.
Chiếc áo không làm nên thầy tu thì những kẻ cứ suốt ngày mô Phật cũng chưa
hẳn là người tốt. Phật tại tâm chứ không phải tại miệng.
Nguồn: Internet
Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018
Bình yên trong hoàng hôn
Nếu Như …
Nếu như không có tình yêu của anh khơi nguồn.
Nếu như không có sự khuyến khích của cô bạn Lê-Thân Hồng-Khanh, tôi sẽ không trở về với thế giới văn chương để trải lòng trên từng con chữ.
Nếu như không có những ngày lang thang bên bờ biển vùng Monterey-California, cùng tình cảm hai bạn Lương Kim Loan và Lê Bá Tùng dành cho…và nếu như không có tài nghệ chụp hình tuyệt vời của anh Tùng thì đâu có bức ảnh bìa hoàn hảo.
Nếu như không có những websites đã lưu lại những bài viết của tôi.
Nếu như không có cô em gái CK miệt mài bên computer để sửa chữa, đọc lại và layout từng bài.
Và…Nếu như không có ước mơ một ngày nào đó các cháu Averie Thiên Trang Nguyễn – Hubert, Keira Mai Anh Nguyễn, Hailey Quyên Anh Nguyễn sẽ đọc những tản mạn nầy, để hiểu tâm tình của ông bà, những người thuộc thế hệ thứ nhất đã di cư đến đây, đã xem nơi đây là quê hương. Như món quà ông bà gửi lại.
Thì quyển sách nầy sẽ không được hình thành.
Nơi đây tôi xin gửi lời trân trọng cám ơn.
Lời Giới Thiệu
Sau khi con cái đã nên người, cha mẹ đã trả xong nợ cơm áo nên có thời giờ cho chính mình để nhìn lại những bước đường mình đã đi qua, ghi lại trên giấy, coi như một chút quà giữ lại cho con cháu sau này.
Thật cảm động khi được bạn mời viết vài dòng đề tựa cho tuyển tập thơ văn đầu tay "Bình Yên Trong Hoàng Hôn" của bạn, để cùng bạn làm chuyến viễn du trên "Con tàu mùa xuân", đi qua những sân ga như những chặng đường của một đời người.
Quá khứ, hiện tại như quyện lấy nhau, trộn lẫn vào nhau khi thì êm dịu, khi thì sôi nổi, khi thì lãng mạn, khi thì hiện thực, đôi khi thấm đẫm nỗi nhớ thương lúc nói về thời thiếu nữ, thuở học trò áo trắng mộng mơ...Gia Long, Đại Học Sư Phạm, những năm tháng đầu đời bước vào nghề dạy học.
Lối viết của Trầm Hương Ptt không thể lẫn vào đâu được bởi vì với Trầm Hương Ptt, văn là thơ mà thơ cũng là văn. Thơ mới, không theo vần điệu cổ điển mà vẫn cuốn hút người đọc đến giòng cuối cùng. Đó là ưu điểm, là đặc điểm để đưa thơ văn của Trầm Hương Ptt đến tim người đọc.
Tình cảm dành cho người bạn đời, cho gia đình, cho con cháu ẩn hiện trong các bài thơ, trong những tuỳ bút đã cho thấy Trầm Hương quả là một người vợ, một người mẹ, một người bà tận tuỵ và hết lòng với gia đình của mình. Giang đôi tay như cây cổ thụ xoè cành lá, đem bóng mát cũng như hơi ấm đến cho tiểu gia đình ngày xưa và đại gia đình ngày nay.
Canada, xứ lạnh tình nồng của hiện tại; bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với những bông tuyết trắng xoá, với những chiếc lá đủ màu, với cây cao, cành biếc, nắng hanh vàng, với những luống hoa rực rỡ trong khoảng đất trước nhà nhờ bàn tay khéo léo của chủ nhân.
Việt Nam nơi chôn nhau cắt rốn của ngày xa xưa, hai mùa mưa nắng, mộc mạc đơn sơ, có căn nhà êm ấm, có cuộc sống bình yên bên cha mẹ và các anh chị em.
Nơi nào cũng chất đầy những kỷ niệm, những thăng trầm của cuộc sống... để rồi trong vòng tay ấm áp của người bạn đời, trong tình thương yêu của các con, trong ánh mắt cùng tiếng cười hồn nhiên của các cháu nội, cháu ngoại, Trầm Hương Ptt tìm được sự bình yên trong hoàng hôn và đang tận hưởng hạnh phúc nơi tầm tay của mình.
Lê-Thân Hồng-Khanh
Lời Dẫn
Anh,
“Em như dòng sông...chở phù sa thương nhớ… kể chuyện mùa đi trong tiếng gió mây. Gửi chút tình trên cỏ cây hoa lá. Nghe trong hồn một thoáng nhớ đâu đây… ”
Xuân (Trầm Hương Ptt)
Trầm Hương Ptt. đón thời gian đi bằng những lời tâm sự cùng “Anh” trong nụ cười, ánh mắt và trái tim rộng mở cùng đất trời bao dung…
Hạnh phúc hiện tại và nỗi nhớ thương ngày tháng cũ, như tiếng thở dài, như những ngậm ngùi hoà trong niềm vui nhỏ trong tuổi hoàng hôn…
Dù thế nào đi nữa thì bốn mùa vẫn trôi theo dòng thời gian, đoá hoa thương muôn đời vẫn nở trong khu vườn trầm hương.
Xem tiếp, xin bấm vào đây
Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017
Tô Canh Mồng Tơi
Giữa tháng 9 năm 2017, chúng tôi đi Paris, nước Pháp, để thăm gia đình và bạn bè, đã 10 năm chưa có dịp gặp lại. Thi và tôi đã để ra 3 ngày đi thăm vợ chồng người bạn của Thi khi còn học ở trường Trung học Gia Long - Saigon, vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Chị Hồng và anh Ngọc đang ở tại thành phố Oberhausen. Đây là thành phố nằm trong vùng kỹ nghệ sông Ruhr thuộc tiểu bang NordRhein- Westfalen, phía Tây-Bắc nước Đức.
Hôm sau, thứ Hai 02 Oct 2017, lúc 8:00 giờ sáng, anh Ngọc đến khách sạn rước chúng tôi về nhà anh chị ăn điểm tâm. Ăn xong anh Ngọc đề nghị hướng dẩn tôi đi một vòng thành phố bằng xe chuyên chở công cộng. Hôm nay là ngày lễ Quốc Khánh của nước Đức nên các cơ sở của chính phủ đều đóng cửa.Chúng tôi chỉ đi qua các Viện Bảo Tàng và triển lảm nhưng chỉ nhìn phía ngoài mà thôi như Ludwig-galerie ở Schloss Oberhausen, Industrie Museum ... Thi thì ở nhà để chị Hồng dạy làm bánh, làm nem chua và tiếp tục tâm sự, nhắc lại kỷ niệm thời niên thiếu.
Sáng hôm sau, thứ Ba 03 Oct 2017, sau khi trả phòng, chúng tôi đi đến nhà anh chị Ngọc, Hồng. Chị Hồng lại đãi bữa điểm tâm cuối với các món ăn rất hợp khẩu vị của chúng tôi: mỗi người một tô mì nước, thêm vào đó là một cái bánh bao nhân thịt nho nhỏ. Chị Hồng còn làm thêm hai ổ bánh mì Sandwich và rất nhiều thức ăn, 2 chai nước uống để chúng tôi đem theo trên đường đi về Paris. Ăn sáng xong anh Ngọc đi ra khu vườn trên ban-công anh hái lá mồng tơi tươi tốt bỏ đầy một bao nylon lớn, anh nói số lượng lá này có thể đủ để nấu được hai nồi canh. Anh còn đưa thêm nhiều củ mồng tơi để ươm trồng cây mới, tôi không thể đem về Canada vì Quan thuế không cho phép đem hạt giống cây vào, nhưng tôi sẽ đem củ mồng tơi về Paris tặng cho em tôi trồng.
Anh Ngọc giải thích đây là loại rau mồng tơi Nhật Bản, có lá dày, màu xanh lục, lá lớn hơn bàn tay, có dây leo. Cây mồng tơi này có củ trổ trên thân cây ở những kẻ lá, củ này có thể mọc ra cây non, nên khi củ rụng xuống đất thì sẽ đâm chồi mọc thành cây mới. Do đó rau mồng tơi này còn có tên là mồng tơi củ, người Đại Hàn cũng thường trồng và ăn rau mồng tơi này, nên nó còn được gọi là mồng tơi Đại Hàn. Thật ra thì mồng tơi củ không xuất phát từ Nhật Bản và Đại Hàn, nhưng đã xuất phát từ Nam Mỹ, Úc Châu.
- mồng tơi trắng có phiến lá nhỏ, thân và lá có màu xanh nhạt.
- mồng tơi tím có phiến lá nhỏ, thân và gân lá có màu tím đỏ.
Cả hai đều có các cụm hoa mọc ở kẻ lá, có màu trắng hay tím nhạt.
Hiện tại ở Việt Nam, mồng tơi Nhật Bản cũng được trồng và tiêu thụ nhiều. Lá và đọt non của rau mồng tơi thường dùng để nấu canh, lá cũng có thể được ăn sống như lá cải. Ở các siêu thị Nhật Bản, thấy có bày bán các gói nylon có nhiều lá mồng tơi Nhật Bản, giá rất cao. Các siêu thị Á châu đều có bày bán rau mồng tơi trắng.
* giậu = hàng cây nhỏ và rậm để ngăn hai sân vườn.
giậu mồng tơi xanh rờn= hàng rào ngăn hai sân vườn bằng các cây mồng tơi,
dây leo bò rậm rạp, các cây mồng tơi tốt tươi, lá mồng tơi xanh bóng/ xanh rờn.
Hái chung mồng tơi về chơi trò sách vở
Tháng năm lớn dần
Mình chung lớp lưu luyến rồi yêu nhau.
Kể từ đó em hái mực mồng tơi
Mực mồng tơi màu tím
Viết thư tình cho anh
Thương thương màu tím buồn, hẹn nhau quán bên đường.
Có ai ngờ đâu tình nay đã lỡ rồi
Bóng đêm chớ buồn
Về giăng mắt tím ngắt từng trang thơ.
Ngày xưa đó, em thích mực mồng tơi
Mực mồng tơi màu tím
Viết thư tình cho anh
Hôm nay tình lỡ rồi,
Mồng tơi tím trong lòng..."
-"Màu Tím Mồng Tơi" của Hồ Trường An.
-"Màu Tím Mồng Tơi" của Ngô Lâm Viên.
-"Thèm bát canh Mồng Tơi của Mẹ" của Phạm Văn Hoanh.
-"Mát rượi Mồng Tơi" của ẩn danh.
v...v...
Để anh ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu."
* Nhân đây, chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ: "Nghèo rớt mồng tơi". Chữ "mồng tơi" ở trong câu tục ngữ chỉ đồng âm với chữ "(rau) mồng tơi", chứ ý nghĩa thì hoàn toàn khác xa. Áo tơi là loại áo dùng để che nắng và che mưa, được làm bằng lá cây cọ /hay lá nón/ kẹp vào thanh tre vót nhỏ bện ghép với nhau để tạo nên áo tơi, hoặc may bằng các sợi chỉ gai hay nylon để ghép các lá cây cọ với nhau mà làm thành áo tơi. Mồng tơi là cái cổ áo của áo tơi, là phần trên của áo tơi, rất bền, lâu bị hư. "Nghèo rớt mồng tơi" là cái nghèo quá xá, sử dụng áo tơi đến cũ mà không có tiền mua áo mới, bởi thế nên cái "mồng tơi"/ cổ áo của áo tơi/ là vật rất ít bị hư nhưng xài lâu quá nên nó bị sờn, rách rớt rời ra khỏi áo. Như vậy dùng áo tơi đến "rớt mồng tơi" thì chỉ có người rất nghèo mà thôi.
Nồi canh mồng tơi đã chín, em tôi dọn bữa cơm tối cho cả nhà ăn. Hôm nay ngoài trời ở vùng ngoại ô Paris lạnh. Cả nhà quay quần chung quanh bàn ăn, món khai vị là "Tô Canh Mồng Tơi" gồm có: mồng tơi, tàu hủ non, mướp, hột bắp xay nhỏ. Tô canh mồng tơi bốc khói thơm phức, ai cũng thích thưởng thức chén canh mồng tơi khai vị trước khi ăn món chính là chạo tôm, riêng em gái tôi thì có dĩa rau xào chay với tàu hủ chiên, nấm Đông-cô.
Cước chú:
Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017
Hương Cà-phê
Tách cà-phê trước mẳt, sợi khói nhẹ nhàng bay lên, mang theo mùi hương thật quyến rủ, gọi mời. Nhấp một chút, vị đắng đọng lại trên môi. Nhớ nụ hôn ngọt như mật, ánh mắt khép hờ và đôi má hồng khi ta lần đầu hôn nhau. Bàn tay em xiết chặt vai tôi. Ngày em đến thăm tôi , một buổi chiều mưa. Nụ hôn ấy, như phả vào hương cà phê hôm nay. Đắng cà phê. Ngọt nụ hôn. Lòng tôi ngập tràn hạnh phúc trong tình yêu của em dành cho.
Cà-phê đắng không nụ cười em, dường như đắng thêm. Trời đã về chiều. Cơn mưa nhẹ, mặt trời vẫn còn dấu mình trong bầu trời xám đục. Cuộc tình đã hết, em đã xa tôi.
Uống cho hết những giọt cà phê còn lại, nghe nhớ nhung dâng tràn. Giọt cà phê đắng, chát mặn vào tim !
Tôi bước đi trên phố. Phố đã lên đèn. Mưa đã ngừng rơi.
Đi trong dòng người, lại nhớ những ngày tôi- em- tay trong tay.
Gọi cho mình một tách cà phê, thêm vào vài muổng sửa đặc có đường. Tôi hít một hơi dài, tận hưởng hương cà phê mới…
Tôi sợ vị đắng của cà phê. Những kỷ niệm cũ trôi thật xa. Dấu tình xưa đã thành dĩ vãng.
Cuộc tình mới như ngọn lửa sưởi ấm lại con tim, cơ hồ như đã đóng băng trong lòng tôi.
Tháng 9 năm 2017
Nguyên Thương
Lời bạt:
Các comments trích từ Website Tống Phước Hiệp - Vĩnh Long:
-Luong Minh : 28/10/2017
Sáng nay vừa uống cà phê vừa thưởng thức hương cà phê của Nguyên Thương. (...) , đây là bài có âm điệu thơ hay quá, nếu nói “nịnh” là trong thơ có nhạc (...)
Uống thêm ngụm cà phê, nhớ lại chuyện kiếm hiệp của Kim Dung, liên tưởng đến Hoàng Dung và Quách Tỉnh. Ôi người nào cũng võ nghệ cao cường, thật hiếm thấy.
-Anh Tú : 28/10/2017
Cà-phê đen nóng ngọt tình nóng bỏng
Cà-phê đen để nguội đắng tình xa
Thêm sữa đường cà-phê ngon trở lại
Cà-phê ơi ! Mãi yêu mi thiết tha !
Những ai đã đọc các bài biên khảo của tác giả Nguyễn Vĩnh Thượng sẽ vô cùng ngạc nhiên khi đọc bài Hương cà phê. Không còn lối hành văn ngắn, gọn, lập luận sâu lắng, vững chắc mà ở đây chúng ta gặp tác giả Nguyên Thương thật lãng mạn, thật nhẹ nhàng với giòng cảm xúc dâng tràn theo từng kỷ niệm yêu đương một thuở xa xưa với bao nhung nhớ.
Rất khác với những bài biên khảo của thầy Nguyễn Vĩnh Thượng, bài viết này thật dào dạt, mượt mà cảm xúc, dường như có nhạc và thơ trong đó. Tình cảm thật lãng mạn, trẻ trung. “Nhớ nụ hôn ngọt như mật… Bàn tay em xiết chặt vai tôi…” Hay là “Bóng em ẩn hiện trong tách cà phê… Nhớ nhung càng thêm nhung nhớ…” Một cuộc tình đi qua, đón nhận một cuộc tình mới…như hương vị của một ly cà phê mới…
Hay lắm thầy ơi! Em thích đọc những đoản văn như thế của thầy. Kính chúc thầy cô luôn vui khỏe, hạnh phúc.
-VÕ THỊ LÀI : 29/10/2017
(...) , rất ngạc nhiên khi đọc bài “Hương Cà Phê" của Thầy, bài viết nhẹ nhàng, nồng nàn, tình cảm thật lãng mạn ...
Phải gọi thầy Nguyễn Vĩnh Thượng là nhà văn mới đúng, bài "Hương Cà Phê" của tác giả đã gợi trong lòng người đọc (nói cho tôi ) như đang nói về mình. Câu dẫu tình xưa đã thành dĩ vãng, ôi sao nó làm cho mình cảm thấy có điều gì đắng chát như vị cà phê. Một tình yêu nhẹ nhàng và buồn bã quá..!