marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Huyền thoại về trắc nghiệm I.Q.


               G.S. Nguyễn Vĩnh Thượng 


Bài viết này đã đăng trên nguyệt san Tự Do, số 107, tháng 01 năm 1998 tại Toronto,Ontario,Canada.Lúc đó, ông Nguyên Nghĩa làm Chủ Nhiệm kiêm Chủ bút.


I.                   Dẩn nhập : 

Đóng góp to tát của môn tâm lý học trong việc tìm hiểu về sự phát triển tâm lý của con người là sự phát kiến ra các hình thức trắc nghiệm tâm lý. Vào cuối thế kỷ XIX đã có nhiều hình thức trắc nghiệm về trí thông minh khác nhau đã được đua ra để đo lường trí thông minh của trẻ em. Sang đầu thế kỷ XX lại có nhiều sáng kiến mới về trắc nghiệm trí khôn được đưa ra vào bộ môn tâm lý. Năm 1905, Alfred Binet, Pháp, đã đi tiên phong trong việc phát triển các trắc nghiệm về trí thông minh. Trắc nghiệm này có thể giúp các nhà giáo dục tiên đoán được khả năng học tập của các em ở trong trường học. Nói cách khác, các nhà giáo dục có thể ước tính được sự thành công hay không thành công của đứa trẻ ở học đường. Năm 1916, Levis Terman, ở trường Đại Học Stanford, đã dịch và in một ấn bản mới nhất của Alfred Binet về sự đo lường trí thông minh để áp dụng vào các trẻ em Hoa Kỳ. Đây là một trắc nghiệm về trí khôn được lấy ra làm tiêu chuẩn đo lường trí khôn xuất hiện lần đầu ở Hoa Kỳ, người ta thường gọi tên cho trắc nghiệm này là sự đo lường về trí thông minh  Stanford - Binet (Stanford-Binet Intelligence Scale). Sau đó, Terman đưa ra một tỷ lệ đo lường trí thông minh mà ngày nay được gọi là chỉ số thông minh/số thành của trí thông minh (Intelligence Quotient, gọi tắt là I.Q.). 

I.Q. của một đứa trẻ được coi như là thước đo về mức độ phát triển trí thông minh của đứa đó. I.Q. được tính theo công thức như sau: lấy tuổi tâm thần của đứa bé ( mental age, gọi tắt M.A.) chia cho tuổi đời của đứa bé (chronological age, gọi tắt C.A) rồi nhân với số 100 : 

               I.Q. = ( M.A / C.A. ) x 100 

I.Q. có chỉ số 100 tức là đứa trẻ có trí thông minh trung bình, có nghĩa là tuổi tinh thần của đứa bé tương xứng với tuổi đời của đứa trẻ ấy. I.Q. có chỉ số lớn hơn 100 có nghĩa là đứa bé có trí thông minh tương đương với đứa trẻ khác có tuổi đời lớn hơn nó. Trường hợp I.Q. có chỉ số nhỏ hơn 100, có nghĩa là đứa bé có trí thông minh tương xứng với đứa trẻ khác nhỏ tuổi đời hơn nó.

Ở Hoa Kỳ và Canada, trắc nghiệm I.Q. được coi là đồng nghĩa với trí thông minh. Sau trắc nghiệm Stanford-Binet, giáo sư David Wechler thuộc viện Đại Học New York, trường Đại Học Y Khoa Bellevue, đã xây dựng nên 2 loại trắc nghiệm trí khôn cho trẻ em mà hiện nay rất được thông dụng là:

-          Trắc nghiệm I.Q. bằng lời nói (verbal I.Q.) 
-          Trắc nghiệm I.Q. bằng sự biểu lộ (performance I.Q.) 

Ở Bắc Mỹ cũng như ở Âu châu, giá trị của trắc nghiệm I.Q. đã và đang là đề tài tranh luận trong việc sử dụng loại trắc nghiệm tâm lý này: có khuynh hướng hết lòng tin tưởng vào trắc nghiệm I.Q., nhưng cũng có khuynh hướng chống lại trắc nghiệm I.Q. vì những giới hạn của nó. Hiện nay, ở nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ, trắc nghiệm I.Q. đã bị luật pháp cấm sử dụng. Chúng tôi sẽ tìm hiểu hai lập trường khác nhau về việc thẩm định giá trị của trắc nghiệm I.Q.

I I. Quan niệm ủng hộ trắc nghiệm  I.Q.:

Những người ủng hộ trắc nghiệm I.Q. thường nhấn mạnh rằng họ coi trắc nghiệm I.Q. đồng nghĩa với sự thông minh hay trí khôn: 

  1. Trắc nghiệm I.Q. sẽ giúp các nhà giáo dục tiên đoán sự thành tựu về học vấn của đứa trẻ trong tương lai, hơn nữa I.Q. còn giúp sự dự đoán về thái độ, cách cư xử của đứa trẻ trong học đường trong tương lai.
  2. Trắc nghiệm I.Q. còn giúp các nhà giáo dục và phụ huynh tiên đoán được sự thành công của đứa trẻ trong cuộc đời sau này. Những người có chỉ số I.Q. cao thường kiếm được việc làm tốt hơn là những người có chỉ số I.Q. thấp, và người có chỉ số I.Q. cao sẽ dễ dàng thành công trong nghề nghiệp hơn.
  3. Trắc nghiệm I.Q. chẳng những giúp cho sự tiên đoán về sức khỏe tinh thần của đứa trẻ và còn giúp cho việc chữa trị, giúp đở đứa trẻ có chỉ số I.Q. thấp trong các lớp học đặc biệt. Daniel Seligman, trong quyển A Question of Intelligence: the I.Q. Debate in America,đã hết lòng ủng hộ cho trắc nghiệm I.Q. Theo ông: “Vào năm 1905, Alfred Binet đã triển khai các trắc nghiệm đầu tiên, với nỗ lực muốn phát hiện nơi các trẻ em để coi đứa nào có thể được giúp đở trong chương trình trị liệu tâm thần, mà trước đây chính các em này đã bị đuổi học và các trường học ở Pháp coi như không có cách nào để dạy dổ được. Ngày nay, việc cấm sử dụng trắc nghiệm I.Q. ở một số tiểu bang ở Hoa Kỳ đã làm cho khó khăn hơn trong việc phát hiện các trẻ em bất thường để các em này được sự giúp đở. Tôi nghĩ rằng các trẻ em bất thường cần phải được sự giúp đở đặc biệt trong việc học vấn thành thử nhu cầu tìm hiểu chỉ số trí khôn vẫn cần được sử dụng.”
I I I . Quan niệm chống lại trắc nghiệm I.Q.

Theo David Mc Cleland thì sự thành công của đứa trẻ trong việc học vấn ở nhà trường cũng như ở trường đời sau này không phải vì chỉ số I.Q. cao mà vì ảnh hưởng của sự giáo dục trong gia đình, sự săn sóc về sức khoẻ và dưởng sinh trong gia đình, môi trường học vấn ở nhà trường. Có nhiều đứa trẻ đã bị nhà trường coi như là thuộc thành phần “trì độn” (retarded) nhưng khi vào trường đời thì rất thành công. Các em này đã thích ứng với đời sống xã hội của người lớn và trở nên những người khôn ngoan ở trường đời (street smarts). Sự kiện này không thấy được đo lường theo tiêu chuẩn của trắc nghiệm I.Q. Ngược lại, cũng có nhiều đứa trẻ rất thông minh ở thư trường (book smart), là học sinh xuất sắc nhưng lại không thành công ở trường đời.

Sau đây là các luận cứ của quan niệm chống lại  trắc nghiệm I.Q. : 

  1. Chỉ số I.Q. thay đổi theo giai cấp xã hội và chủng tộc của đứa trẻ:
           Các em sống trong gia đình thuộc giai cấp thấp trong xã hội thường có chỉ số thấp hơn 10 đến 15 điểm đối với các em trong gia đình trung lưu và thượng lưu.
Ngày nay người ta thấy rằng chỉ số trí khôn thay đổi tuỳ theo chủng tộc, sắc dân. Ở Hoa kỳ, các trẻ em có gốc ở Phi châu. gốc thổ dân, gốc Mỹ châu La-tinh thì có chỉ số thấp hơn 12 đến 15 điểm đối với trẻ em gốc Anh. Trong khi đó các trẻ em gốc Á châu lại có chỉ số thông minh cao hơn các trẻ em gốc Anh. Hơn nữa, chỉ số trí khôn cũng thay đổi theo từng nhóm phụ văn hoá (sub-culture) khác khau. Như vậy thì chúng ta khó tiên đoán được điều gì liên hệ đến cá nhân đứa trẻ trong khi căn cứ vào sắc tộc và màu da của đứa bé. Từ kinh nghiệm này chúng ta có thể nhận xét rằng trắc nghiệm I.Q. dựa trên những thành kiến về giai cấp xã hội và chủng tộc, bởi thế nên tiêu chuẩn đo lường trí khôn không có tính phổ quát cho mọi người. 

  1. Những thành kiến cơ bản mà trắc nghiệm I.Q. đã lấy làm nền tảng cho việc đo lường trí khôn, có 3 giả thuyết sau đây:
    1. Trắc nghiệm I.Q.  đã tiêu chuẩn hoá dựa vào các cuộc thử nghiệm trên đa số các trẻ em da trắng thuộc giai cấp trung lưu (white, middle class, cultural experience) và đã đánh giá thấp các khả năng của các trẻ em yếu kém thần kinh hoặc xuất thân từ các nhóm sắc tộc thiểu số khác.
    1. Trắc nghiệm I.Q. đã dựa vào giả thuyết của tính di truyền đối với đứa trẻ.
    1. Trắc nghiệm I.Q. đã dựa vào giả thuyết về hoàn cảnh sinh sống của đứa trẻ như hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xóm giềng, hoàn cảnh của địa phương.
Năm 1974, Stephen Jay Gould trong bài Racist Arguments and I.Q. ở tuyển tập Race and I.Q. do Oxford University Press xuất bản ở New York năm 1975 đã viết rằng lý luận kỳ thị chủng tộc ở thế kỷ XIX đã căn cứ vào sự đo các sọ người mà định mức độ trí khôn, nhưng ngày nay lý luận này hoàn toàn không thể tin được và cũng tương tự như vậy chúng ta hoàn toàn không thể tin dược vào trắc nghiệm trí khôn ở thế kỷ này. 

Năm 1980, Arthur R. Jensen trong cuốn Bias in Mental Testing do Free Press ở New York xuất bản đã nói rằng trắc nghiệm trí khôn đã được soạn ra với mục đích kỳ thị các nhóm xã hội khác nhau về chủng tộc, văn hoá và kinh tế. 

Norman Frederickson, thuộc cơ quan trắc nghiệm về giáo dục, đã viết về những giới hạn của trắc nghiệm I.Q. như sau; “ có 2 cách mà trắc nghiệm trên giấy bằng viết chì không thể đánh giá được toàn diện trí thông minh của một người. Một là vì bản chất của trắc nghiệm này: trong nhiều vấn đề thực tiễn của cuộc sống hàng ngày đã không thể nào được khuôn mẫu hoá bằng các câu trắc nghiệm, ngay cả nguyên nhân của cử chỉ khuấy rối trong lơp1 học của học sinh cũng đã có những sự phức tạp do hoàn cảnh thực tế của sinh hoạt trong lớp học. Hơn nữa việc sử dụng trắc nghiệm đa tuyển hay có nhiều lựa chọn (multiple-choice test) cũng có nhiều điểm giới hạn ngay trong khi trắc nghiệm được viết ra như về tiến trình của nhận thức có lien quan đến trắc nghiệm. Một giới hạn chính yếu khác của trắc nghiệm này là khi thâu thập các dữ kiện đã có rất ít sự thay đổi về hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống thực tiễn. Trắc nghiệm được soạn ra với ước muốn là người trả lời trắc nghiệm phải cố gắng trả lời càng nhiều câu “đúng” chừng nào thì càng hay trong một thời gian giới hạn được quy định và trong một thủ tục, một cách thức được quy định chung cho mọi người tham dự cuộc trắc nghiệm. Trong cuộc sống thực tế, con người có thể quy định chọn lựa một giải pháp tương đối thích hợp để làm thoả mãn cho chính nhu cầu của mình hơn là cố gắng phải chọn lựa một giải pháp nào đã được đặt sẵn từ trước, hoặc có khi con người tạm dời lại quyết định để giải quyết một vấn đề nào trong cuộc sống cho tới khi người này có thể tham vấn với một người khác hoặc với sách vở về vấn đề này. 

Daniel Seligman, trong quyển AQuestion of Intellligence: the I.Q. Debate in America xuất bản năm 1992, cho rằng theo phe chống đối thì trắc nghiệm I.Q. còn có nhược điểm về tính cách không thể thực hành được trong việc đo lường trí thông minh: trong thực tế, chỉ số I.Q. đã không thể đo lường được khả năng của trí tuệ trong việc giải quyết các vấn đề trong đời sống thực tiễn. Còn phe ủng hộ trắc nghiệm I.Q.  thì cho rằng trắc nghiệm chẳng những giúp sự tiên đoán về việc học hành của đứa trẻ ở nhà trường, mà còn tiên đoán khả năng có thể kiếm được việc làm tốt sau này.

  1. Áp lực chống đối của các nhóm chủng tộc và sắc tộc đối với chỉ số I.Q.:            

          Như đã trình bày ở trên, trắc nghiệm I.Q. có tính cách kỳ thị chủng tộc và sắc tộc, các nhóm văn hoá khác nhau. Nên quần chúng của các nhóm này đã chống đối việc sử dụng trắc nghiệm I.Q. trong trường học. Năm 1979, ông Chánh Án Liên Bang Robert F. Peckham trong vụ kiện đòi huỷ bỏ trắc nghiệm I.Q. của nhóm chủng tộc đã phán quyết rằng trắc nghiệm I.Q. có thành kiến về chủng tộc và văn hoá chống lại người Mỹ da đen, và tuyên bố “trắc nghiệm I.Q. bất hợp hiến”. Phán quyết của ông có hiệu lực ở tiểu bang California ở Hoa kỳ. 


I V . Kết Luận: 

     Do những nhược điểm của trắc nghiệm I.Q. đã kể trên, chúng ta nhận thấy chính quyền tỉnh Ontario cần lưu ý các giới hạn của trắc nghiệm I.Q., nhất là thành kiến dựa trên sự phân biệt chủng tộc và sắc tộc. Trắc nghiệm I.Q. được biên soạn cho người Anh da trắng thuộc giai cấp trung lưu chứ không phải cho các sắc dân khác. Thực vậy, tỉnh Ontario là một tỉnh có nhiều di dân và do đó có nhiều sự dị biệt về văn hoá, về chủng tộc, nên việc sử dụng trắc nghiệm I.Q. cho các trẻ em di dân ở nhà trường cần phải thận trọng trong việc đánh giá các chỉ số của trí thông minh.
                                                    Toronto, January 1998
                                                              NVT

Sách tham khảo: 
-          Houts, Paul (edited), The Myth of Measurability: I.Q. test, New York: Hart Publishing Co., 1977.
-          Mensh, Elaine & Harry, The I.Q. Mythology: Class, Race, Gender and Inequality, Illinois: Southern Illinois University, 1991.
-          Seligman, Daniel, A question of Intelligence: the I.Q. Debate in America, New York: Corol Publishing Group, 1992.
-          Shaffer, David R., Developmental Psychology: Childhood and Adolescent, Pacific Grove: Brooks/Cole Publishing Co., 1996.