marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Về tác giả của bài thơ “Mất Mẹ” trong truyện “Bông Hồng Cài Áo” của Nhất Hạnh.

GS Nguyễn Vĩnh Thượng

Tôi đã đọc trên internet một bài viết  rằng nhiều độc giả nói tác giả của bài thơ “Mất Mẹ” được trích dẩn trong cuốn truyện rất nổi tiếng “Bông Hồng Cài Áo” là của chính tác giả Nhất Hạnh. Lại có bài viết rằng nhiều người đã nghe trong chương trình phát thanh cũng nói tác giả bài thơ “Mất Mẹ” là của Thích Nhất Hạnh. Thầy Nhất Hạnh đã viết bài văn ngắn “Bông Hồng Cài Áo” tại Medford vào năm 1962; Medford là một Xã ấp của Quận Burlington, tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ.(Medford is a township in Burlington Country, New Jersey, United States.); thầy đã trích dẩn các khổ 1,2 và 6 (hai khổ đầu và khổ cuối) của bài thơ Mất Mẹ để dẩn chứng tình mẹ con, với sự thay đổi nhiều chữ từ bài thơ gốc; thầy đã không ghi tác giả của bài thơ nên rất nhiều người đã nghĩ rằng bài thơ này là do chính thầy đã sáng tác. Thật ra thì thầy Nhất Hạnh đã viết: Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị có nghĩa là Thầy không phải là tác giả của bài thơ này, có lẽ nhiều người không để ý đến câu viết này:

Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài ấy thì sợ sệt, lo âu... sợ sệt, lo âu cho một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến:

“Năm xưa tôi còn nhỏ
mẹ tôi đã qua đời!
lần đầu tiên tôi hiểu
thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
để dòng nước mắt chảy
là bớt khổ đi rồi...
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
mất cả một bầu trời.”

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi”. 
(Nhất Hạnh, Bông Hồng Cài Áo)

Tác giả bài thơ Mất Mẹ là thi sĩ Xuân Tâm (1916 – 2012). Đây là một bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt, tức là mỗi khổ có 4 câu, mỗi câu có 5 chữ, gồm có 6 khổ như sau:
      
Mất Mẹ

Năm xưa tôi còn bé
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi
Quanh tôi ai cũng khóc
Yên lặng tôi sầu thôi
Mặc dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi
Độ nhỏ tôi không tin
Người thân yêu sẽ mất
Hôm ấy tôi sững sờ
Và nghi ngờ trời đất
Từ nay tôi hết thấy
Trên trán Mẹ hôn con
Những khi tôi phải đòn
Đau lòng Mẹ la dạy
Kìa nhà ai bên cạnh
Mẹ con vỗ về nhau
Tìm Mẹ tôi không thấy
Lúc buồn biết trốn đâu
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông Chùa nhẹ rơi rơi
Tôi biết tôi mất Mẹ
Là mất cả bầu trời
.

Xuân Tâm

Bài thơ này được chọn làm bài ám đọc trong giờ học môn Quốc văn ở lớp tiểu học của thế hệ thập niên 1940, 1950. Tương tự đoạn văn ngắn Tôi đi học được trích từ tập truyện ngắn Quê Mẹ của Thanh Tịnh (1911 – 1988) do nxb Đời Nay xuất bản ở Hà Nội vào năm 1941, được chọn làm bài giảng văn cho học sinh trung học thế hệ 1950, 60, đầu 1970 ở miền Nam Việt Nam, rất nhiều học sinh trung học đã thuộc lòng đoạn văn này. Cũng tương tự đoạn văn ngắn La rentreé des classes (Ngày tựu trường) được trích từ quyển tự truyện Le Livre de mon ami (Cuốn sách của bạn tôi) của nhà văn Pháp Anatole France (1844 – 1924), được xuất bản vào năm 1885 ở Pháp, đã được đưa vào môn Pháp văn cho học sinh trung tiểu học thế hệ 1940, 50, 60 và đầu 1970 ở miền Nam Việt Nam.

Bài thơ Mất Mẹ được trích từ tập thơ Lời Tim Non của Xuân Tâm, được xuất bản vào năm 1941 tại Hà Nội, gồm các bài thơ được sáng tác từ năm 1935 (lúc ấy Xuân Tâm được 19 tuổi) đến năm 1941.

Xuân Tâm là bút hiệu của Phan Hạp. Ông sanh năm 1916 tại tỉnh Quảng Nam. Ông là một trong các thi sĩ của phong trào thơ mới vào thời tiền chiến. Trong quyển Thi Nhân Việt Nam (1932 – 1941) của Hoài Thanh  Hoài Chân, xuất bản tại Hà Nội vào tháng 10 năm 1941, đã giới thiệu Xuân Tâm trong phong trào thơ mới.

Ông đã qua đời vào ngày 4 tháng 2 năm 2012 tại Hà Nội, hưởng thọ được 97 tuổi.

*-*-*
Trong cuốn Bông Hồng Cài Áo, thầy Nhất Hạnh đã viết: “Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother’s day) mồng mười tháng năm”. 


Bài văn ngắn Bông Hồng Cài Áo được Thầy Nhất Hạnh viết tại Medford (New Jersey, Hoa Kỳ) vào năm 1962. Như vậy có thể Thầy có ý nói Ngày Mẹ (Mother’s day) là ngày 10 tháng 5 năm 1962, đây là ngày thứ Năm (Thursday); cũng có thể Thầy có ý nói hằng năm thì ngày lễ Ngày của Mẹ vào ngày 10 tháng 5. Theo bài  phỏng vấn Thầy Nhất Hạnh đã được thực hiện bởi 2 Cư sĩ phóng viên Chúc Phúc  Quảng Kiến từ mùa Vu Lan – Phật Lịch 2550 (Dương lịch 2006) và được tờ Nguyệt san Giác Ngộ đăng tải năm 2008 với tựa là: Trò chuyện với Thiền Sư Nhất Hạnh quanh bài tùy bút Bông Hồng Cài Áo, Thầy đã trả lời: Hồi đó, năm 1962, sau chín tháng nghiên cứu về khoa Tỷ Giảo Tôn Giáo tại Princeton University, tôi về nghỉ hè tại Camp Ockanickon ở Medford thuộc tiểu bang New Jersey Hoa Kỳ. Ban ngày tôi chơi và nói chuyện với thanh thiếu niên về văn hóa Việt Nam và đi chèo thuyền trên hồ, ban đêm tôi viết văn. Tôi đã viết đoản văn “Bông Hồng Cài Áo” trong một căn lều gỗ người trẻ dành cho tôi. Viết xong tôi gởi cho các vị đệ tử của tôi trong Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn do tôi hướng dẫn.  Bài này gửi qua chị Trương Thị Nhiên. Chị Nhiên và Đoàn Sinh Viên Phật Tử đọc xong rất cảm động nên quyết định đem chia sẻ cho mọi người. Họ bàn nhau chép tay 300 bản làm quà tặng cho những bạn bè của họ trong các Phân Khoa Đại Học Sài Gòn

Ở Hoa Kỳ và Canada, Ngày Mẹ là ngày lễ vào ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng 5 trong năm đó; do đó mỗi năm ngày lễ này thay đổi theo ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng 5 trong năm đó.

*-*-*
Ở phương Tây, có “Ngày của Mẹ”(Mother’s day) và “Ngày của Cha”( Father’s day):

Ở Hoa kỳ và Canada, nhiều người làm lễ chúc mừng “Ngày của Mẹ” vào ngày Chúa nhật thứ hai của tháng 5 ( The Mother’s day date in United States and Canada is on the second Sunday of May each year). “Ngày của Mẹ” tạo cơ hội để con cái cám ơn công ơn dưỡng dục của Mẹ. Thiệp chúc mừng, bông hoa, quà cáp hoặc tặng vật do chính tay con làm cho Mẹ để kỷ niệm thí dụ như bức tranh chính tay người con vẻ, đặc biệt các con sẽ mời cha mẹ đi ăn nên các nhà hàng đông nghẹt trong “Ngày của Mẹ”. Các con cái cũng cám ơn ông bà nội ngoại, kế mẫu, mẹ nuôi. Nếu mẹ qua đời con cái sẽ đến thăm mộ với bông hoa.

Ở Hoa Kỳ và Canada, nhiều người làm lễ chúc mừng “Ngày của cha”( Father’s day) vào ngày Chúa nhật  thứ 3 trong tháng 6 mỗi năm ( The Father’s day date in United States and Canada is on the third Sunday of June each year). Như Ngày của Mẹ, Ngày của Cha cũng tạo cơ hội để con cái cám ơn công ơn dưỡng dục của cha. Cũng chúc tụng, bông hoa, quà cáp, tổ chức ăn uống như “Ngày của Mẹ”. Các con cái cũng cám ơn ông bà nội ngoại, cha kế, cha nuôi. Nếu cha qua đời con cái sẽ đến thăm mộ với bông hoa.

Năm nay, 2016, ở Hoa Kỳ và Canada, Ngày của Mẹ là ngày Chúa Nhật 08 tháng 5 năm 2016; Ngày của cha là ngày Chúa Nhật 19 tháng 6 năm 2016.


Toronto, 20 tháng 4 năm 2016
Nguyễn Vĩnh Thượng