marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

Giác ngộ và Niết-bàn

              

                              GS Nguyễn Vĩnh Thượng

 Lời tác giả: Việc biên soạn chắc chắn không tránh khỏi những chỗ sai sót, chúng tôi ước mong được sự lượng thứ của các bậc cao minh. Những sự sửa sai và bổ khuyết của quý vị độc giả sẽ giúp  bài viết này được đầy đủ và hoàn hảo hơn trong lần viết lại; đó quả là niềm vinh hạnh cho chúng tôi.
    
NVT

Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày:
              Phần thứ nhất:  Giác ngộ
                                      I. Định nghĩa: Giác ngộ.
                                     II.-Đức Phật lịch sử là bậc giác ngộ.
                                     III.-Giác ngộ theo quan niệm của các tông phái Phật giáo.


              Phấn thứ hai: Niết-bàn.

 

          
                    Phần thứ nhất:   Giác Ngộ

 I.- Định nghĩa:  Giác  ngộ

         Giác ngộ (Hv. 覺悟, Srt., Pa. bodhi) là tiếng Hán Việt được dịch từ chữ Bodhi.
          Giác () có nghĩa là hiểu ra, phát hiện, cảm nhận.
       Ngộ (
)có nghĩa là hiểu thấu đáo, hiểu biết tường tận đến nơi đến chốn. Ngộ có nghĩa là làm cho tỉnh lại, không còn mê muội.
        Giác ngộ và Luân hồi là hai ý niệm đã có từ trước khi Đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni ra đời. Các ý niệm này được trình bày trong các kinh Veda và Upanishad vào khoảng 1500 trước CN.
          Như vậy, “Giác ngộ” có nghĩa là hiểu rõ chân tính của mọi lý lẽ, thức tỉnh, nhận thức ra chân lý, tỉnh mộng.

         Bodhi (Giác ngộ) có nguyên ngữ là Budh (người bình dân Việt Nam thường gọi là Bụt, người Tàu phiên âm từ tiếng BuddhaPhật nói cho đủ là Phật-đà 佛陀, trong các Kinh sách Việt Nam hầu hết đều gọi là Phật). Giác ngộ là kết quả của một hành trình nhận thức đi đến chỗ thấu đáo chân lý. Nói khác, Giác ngộ là sự tỉnh thức (Av. enlightenment/ awakening), là hiểu biết thấu đáo chân tính của mọi lý lẽ.
  Phật giáo truyền vào Việt Nam ở cuối thế kỷ thứ nhất sang đầu thế kỷ thứ hai của Tây lịch. Phật giáo truyền vào nước ta bằng hai đường: một là từ Ấn độ truyền trực tiếp vào bằng đường biển do các thương nhân và tăng sĩ Ấn độ; hai là bằng đường bộ từ Trung Quốc. Cách phiên âm chữ Phạn “buddh” còn để lại hai cách như sau: lối phiên âm trực tiếp từ Ấn độ đọc là Bụt (Buddh), ở miền quê xứ Bắc Việt Nam thường phát âm theo lối này; cách phát âm từ chữ Hán Việt truyền từ ngõ Trung quốc đọc là Phật (Buddh) hay cho đủ là Phật-đà (Buddha).”
  (Nguyễn vĩnh Thượng, Tư tưởng Phật giáo trong văn học đời Lý, Hiện Đại: 1996, Toronto, Canada.)

 II.- Đức Phật lịch sử là bậc Giác Ngộ:

              Thái tử Siddharta Gautama là người đầu tiên đã nghĩ rằng Ngài đã đạt được Giác ngộ. Ngài đã trở thành vị Phật lịch sử. Rồi Ngài đã đem những điều mình giác ngộ mà giáo hoá cho chúng sanh.
               Thái tử Siddhartha đã ngồi dưới gốc cây Bồ-đề (the Bodhi tree) trong 49 ngày. Ngài đã suy niệm để tìm chân lý, cuối cùng ngày đã giác ngộ vào ngày thứ 49. Trong “Bài thuyết pháp đầu tiên/ Kinh chuyển Pháp luân” Ngài đã kết luận:

          “Này các thầy Tỳ Kheo! đến khi Như Lai thấu triệt Bốn Diệu Đế/ Bốn Thánh Đế (insight and understanding of the Four Noble Truths/Four Holy Truths), về 3 phương diện (three stages) và đủ mười hai phương thức (twelve aspects) một cách hoàn toàn sáng tỏ thì đến lúc đó Như Lai mới xác nhận trước thế gian này gồm có cả chư Thiên (Gods), Ma vương (Maras), Phạm thiên (Brahmas), Đạo sĩ (Recluses), Giáo sĩ Bà-la-môn (Brahmans), Con người (Humans) và loài ngoài hạng con người nữa (Some-One) rang:
“ Như Lai đã đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Và rằng lúc ấy tri kiến và nhãn kiến phát sanh thì tâm của Như Lai được giải thoát và không còn lay chuyển. Đây là kiếp sống cuối cùng của Như Lai, Như Lai sẽ không bao giờ tái sanh nữa.”
   (
I attained the highest and complete Awakening. Thus I knew; knowledge arose in me, insight arose that the emancipation of mind is unmovable. This is my last existence, now there is no more re-birth)

   (
Trích bài: “Kinh chuyển Pháp luân” bản dịch và chú thích của NVT)

                    Mọi chúng sanh đều có thể tìm được chân lý của cuộc đời và chấm dứt được tái sanh khi đã giác ngộ. Muốn “giác ngộ” phải thấu triệt “Bốn Diệu Đế” (Four Noble Truths), và phải thực hành “con đường trung đạo” (the middle way) của Bát chánh đạo ( the Eight Noble Path). Theo truyền thống Phật giáo thì “sự giác ngộ” là bản tánh thật sự nơi mỗi chúng sanh, nhưng vì đời sống con người có quá nhiều phiền nhiểu nên vô minh (Srt, Avidya, Av. Ignorance) che lắp sự hiểu biết này, do đó chúng sanh bị ràng buộc vào vòng sanh tử luân hồi.
               Đức Phật đã giảng: để đạt được tình trạng giác ngộ, chúng sanh phải diệt được những điều bất hài lòng/ khổ đau.
               Theo Phật giáo nguyên thuỷ thì các bậc A-la-hán (Arahant) đã chấm dứt được nghiệp (karma) của họ: tất cả nghiệp thiện (good karma), nghiệp ác (bad karma), nghiệp không thiện không ác (neutral karma) đều không còn.
      Còn Phật thì  được định nghĩa như sau:
       
Phật (Buddh, , Anh văn: Buddha) có nghĩa là bậc đã giác ngộ (the awakened one or the enlightened one). Phật, hay Giác giả hay Thế Tôn là danh hiệu tôn xưng (the reverend title, very respected title) về đức độ của Phật. Ngài là một con người lịch sử (the historical person) đã khám phá con đường giải thoát (the path to nirvana) cách chấm dứt khổ đau (the cessation of suffering) và truyền bá những khám phá nầy cho nhân loại để họ cũng có thể đạt được sự giải thoát.

                 Đức Phật lịch sử đã dạy rằng tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ như Ngài. Ngài nhấn mạnh rằng Ngài chỉ là một chúng sanh có cùng những xu hướng, những cám dổ như mọi người khác. Nhưng có nhiều chân lý mà Ngài đã “ngộ” được dưới gốc cây “Bồ-đề” là nhờ tâm linh của Ngài khác với người bình thường, Ngài không bị những thiên kiến, những ràng buộc che lấp chân lý.

 III.- Giác ngộ theo quan niệm của các tông phái Phật giáo:

                    Trong sự phát triển của học thuyết Phật giáo (with the development of Buddhist doctrine), quan niệm về “Giác ngộ” đã có những diễn biến theo thời gian và đã có những sự thích nghi với các nền văn hoá xã hội địa phương. Chúng tôi sẽ tóm tắt vài quan niệm khác nhau về “Giác ngộ” của các tông phái Phật giáo:

                      1.-Truyền thống phật giáo Nguyên thủy (Original Buddhism tradition) dưới thời Đức Phật lịch sử còn tại thế, đã trình bày ở trên.
                      2.-Truyền thống Theravada/ Thượng tọa bộ (Theravada tradition): Theravada đã quan niệm mục đích của việc thực hành tu tập tâm linh là quả vị A-la-hán, tương tự như quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy. Họ dẫn chứng rằng trong thời gian Đức Phật lịch sử còn tại thế đã có nhiều đệ tử của Ngài đạt được quả vị A-la-hán.
                    3.- Truyền thống Tịnh độ tông (Pureland tradition): đây là pháp môn niệm “A-di-đà Phật” để đạt cứu cánh vãng sanh vào cõi cực lạc của Đức Phật A-di-đà. “Giác ngộ” không phải là cứu cánh tu hành của phái này.
                     4.-Truyền thống Mật tông / Kim cương thừa (Vajrayana tradition): Phái này đưa ra nhiều cách thức tu tập để dẫn tới “Giác ngộ”.  Mật tông cũng đã cho rằng mọi người đều có thể đạt được Phật tính trong cuộc đời của mình bằng cách thực hiện những phương pháp có quyền lực bí truyền. Các phương pháp tu tập này rất bí mật, họ chỉ truyền cho những người ở trong đạo mà thôi.
                      5.-Truyền thống Thiền tông (Zen tradition): Thiền sư dạy đệ tử ngồi thiền, và thiền quán để đạt được bản tánh của Phật, không cần phải dựa vào văn tự ngôn ngữ. Hành giả có thể “Giác ngộ” một cách thình lình. Vị Thầy Thiền sư có thể truyền thẳng chân lý cho đệ tử.

 Kết luận:

             Chúng ta có thể kết luận rằng:
                       1.-“Giác ngộ” là trạng thái chấm dứt “vô minh”. Trạng thái thấu hiểu được sự vô thường, sự tương liên của chúng sanh.

                       2.-Tất cả các truyền thống Phật giáo đều cho rằng “Giác ngộ” đem đến sự chấm dứt “tham, sân, si”, sự sợ hãi, và đem lại sự bình an, đem lại tình thương cho người khác cũng như cho chính mình.

                            Giác ngộ” không phải là những ý niệm chỉ đọc trong sách vở mà phải được thực hành tu tập thì mới có thể đạt được. Thí dụ: chúng ta ngắm nhìn các hình ảnh của các món ăn ngon suốt ngày thì chúng ta không thể nào thực sự biết được vị ngon của nó. Chúng ta không thể chỉ nhìn ly Cà-phê nóng với sửa đặc có đường mà biết được hương vị thơm ngon của nó cho đến khi ta uống vào một hớp cà-phê sửa đặc có đường này.

                          
                                
Phần thứ hai: 
Niết-bàn

               Nirvana (Niết-bàn) là một thuật ngữ Phật giáo đã bị các nhà nghiên cứu Phật học Tây phương hiểu lầm nhiều nhất. Họ cho rằng Nirvana có nghĩa là Thiên đường (Heaven).
               
                Đức Phật lịch sử đã diễn tả Nirvana như là một cứu cánh tối hậu, và Ngài đã đạt trạng thái Nirvana khi Ngài giác ngộ. Khi đã giác ngộ, Ngài muốn giảng dạy cho những người khác để họ có thể trải nghiệm được sự nhận biết này. Khi Ngài nhập diệt, 45 năm sau khi Ngài giác ngộ, Ngài đã nhập vào Pari Nirvana (Tàu phiên âm là Bát Niết-bàn) có nghĩa là Niết-bàn cuối cùng hay Niết-bàn hoàn hảo.

                 Nirvana, theo tiếng Sanskrit xưa, có nghĩa là "thổi tắt lửa" (blowing out the flame), dập tắt lửa (to extinguish a flame) trước khi đi ra khỏi nhà để tránh hoả hoạn. Niết-bàn (Srt. Nirvana, Pa. Nibbana) là một thuật ngữ Phật giáo có nghĩa là giải thoát khỏi luân hồi (輪迴,Sa. Pa., Samsara, Av. rebirth), tức là tình trạng dập tắt được ba ngọn lửa bất thiện là tham lam (Sa. Raga, Av. greed), sân (Sa. Dvesha, Av. Aversion/ hate) và si (Sa. Avidya, Av. Ignorance/ Delusion). Niết-bàn là tình trạng tịch tĩnh (寂静), nghĩa là tình trạng yên tĩnh, bình an (Nirvana is peace).
                 
                 Điều quan trọng cần phải hiểu rằng Niết-bàn không phải là một cõi, một nơi (Nirvana is not a place), như ý niệm về “tự do” Niết-bàn là một trạng thái (like freedom, it is a state). Để đạt được cứu cánh Niết-bàn thì hành giả phải tiến hành tu tập.
                 Đạt được Niết-bàn hay đạt được giải thoát không có nghĩa là chúng ta không còn trải nghiệm những sự việc/ hiện tượng không được hài lòng/ khổ đau. Thay vào đó, chúng ta không còn tạo ra những sự không hài lòng/ khổ đau trong cuộc đời của chúng ta. Chính Đức Phật lịch sử cũng đã trải nghiệm những điều không hài lòng sau khi Ngài đã giác ngộ, nhưng Ngài không cảm nhận sự đau khổ về các điều bất hài lòng này.
             (
Xem thêm: bài Cuộc đời của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni của NVT.

                  Nguồn: như đã dẫn.)

                     
            
Như vậy, nói cách khác, Niết-bàn (Nirvana) là một trạng thái không còn bám víu/ buông bỏ (state of non-clinging), không còn sân hận (non-aversion) và hiểu thấu đáo vào bản chất của thực tại (clarity into the nature of reality).     
 

                  Theo truyền thống Phật giáo, Đức Phật đã nhận thức được hai loại Niết-bàn: một là lúc Ngài giác ngộ (one at his enlightenment), hai là lúc Ngài qua đời (another at his death). Do đó các nhà Phật học phân biệt hai loại Niết-bàn:

                         1.Hữu dư Niết-bàn (
有餘涅槃; Sa. Sopadhiśeṣa-nirvāṇa, Pa. Savupadisesa-nibbāna, Av. Nirvana with a remainder): là trạng thái thanh thản, tịch tĩnh của bậc thánh nhân đã dứt được tam độc: tham, sân và si, đã giải thoát khỏi mọi khổ đau/ mọi sự bất hài lòng của cuộc đời, và đã không còn tạo nghiệp khi vẫn còn sống. Bậc thánh nhân này dù đã giác ngộ nhưng vẫn còn sống trên cõi đời nên vẫn còn Ngũ Uẩn, còn có nhân trạng nên gọi là "hữu dư"; Niết -bàn này gọi là Hữu dư Niết-bàn.

                         2.Vô dư Niết-bàn ( 無餘涅槃, Sa. nirupadhiśeṣa-nirvāṇa, Pi. anupadisesa-nibbāna,Av. Nirvana without remainder) là trạng thái tịch tĩnh khi đã chết, đã vượt khỏi luân hồi, không còn sắc thân, đã tịch diệt. Loại Niết-bàn này còn được gọi là Bát-Niết-bàn (Sa. Pari Nirvana) hay Niết-bàn cuối cùng (final Nirvana) hay Niết-bàn hoàn hảo (completed Nirvana). 

                Như đã nói, Niết-bàn không phải là một nơi chốn (Nirvana is not a place). Niết-bàn là một trạng thái mà hành giả khám phá và nhận thức được khi giác ngộ.
    
               Niết-bàn không hiện hữu ra ngoài Vô thường, Khổ (Dukkha, đúng nghĩa là Những điều không bằng lòng) và Vô Ngã. Nếu chúng ta thấu hiểu được Vô thường, Vô Ngã và diệt được thực tại Khổ đau (Những điều không bằng lòng) thì chúng ta sẽ khám phá và nhận thức được Niết-bàn ở ngay trong cõi đời này.

      
(Xem thêm: bài Tứ Pháp Ấn của NVT
            Nguồn: như đã dẫn
)

 

Toronto, 15 August 2018

Nguyễn Vĩnh Thượng

 


Tài liệu tham khảo chính yếu:

   
Như đã liệt kê ở các bài trước.