marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

Tư tưởng Triết học Tôn giáo Ấn độ có trước và cùng thời với Đức Phật Thích-ca


GS Nguyễn Vĩnh Thượng


        Lời tác giả:
Việc biên soạn chắc chắn không tránh khỏi những chỗ sai sót, chúng tôi ước mong được sự lượng thứ của các bậc cao minh. Những sự sửa sai và bổ khuyết của quý vị độc giả sẽ giúp  bài viết này được đầy đủ và hoàn hảo hơn trong lần viết lại; đó quả là niềm vinh hạnh cho chúng tôi.
          
NVT

           Trong bài này, chúng tôi sẽ trình bày:

                   Phần I:  Dẫn nhập
                                  Bối cảnh xã hội và các nền văn hoá có trước khi Đức Phật Thích-ca ra đời.
                                  1.-Văn minh lưu vực song Indus (3.300 – 1300 tr. CN).
                                  2.-Văn hóa Veda.

                   Phần II: Tư tưởng triết học tôn giáo Ấn-độ có trước khi Đức Phật Thích-ca ra đời:
                               Thời kỳ Veda:
                                    1.-Tư tưởng triết học và tôn giáo trong 4 Thánh Kinh Vedas.
                                    2.-Tư tưởng triết học trong Thánh Kinh Tế nghi thư Brahmana (khoảng 1000 tr. CN – 800 tr. CN).
                                    3.-Tư tưởng triết học trong kinh Upanishad (khoảng 800 tr. CN):
                                                    -Atman và Brahman.
                                                    -Karma và Samsara.

                   Phần III.-Tư tưởng triết học tôn giáo Ấn độ cùng thời với Đức Phật Thíc-ca (khoảng 654 tr. CN  - Khoảng 544 tr. CN):

                                        A.- Các hệ thống triết học, tôn giáo chính thống:
                                                     I.-Bà-la-môn giáo.
                                                     II.-Sáu phái triết học chính:

                                                                    1.- Trường phái Nyaya.
                                                                    2.-Trường phái Vaisesika.
                                                                    3.-Trường phái Samkhya.
                                                                    4.-Trường phái Yoga.
                                                                    5.-Trường phái Mimansa.
                                                                    6.-Trường phái Vedanta

                                          B.-Các hệ thống triết học, tôn giáo không chính thống:

                                                                  
    1.- Chủ nghĩa duy vật (Materialism) với Charvaka / Lokayata
                                                                       2.- Kỳ-na giáo (Jainism) với Mahavira.
                                                                       3.-Trường phái định mệnh   Ajivika với Makkhali Gosala
                                                                       4.- Trường phái hoài nghi (Skepticism). 
                                                                       5.- Phật giáo (Buddhism) với Đức Phật Thích-ca.


Phần I.- Dẫn nhập:

                         Bối cảnh xã hội và các nền văn hoá có trước khi Đức Phật Thích-ca ra đời.                                                           
 

Ấn-độ là một bán đảo lớn ở phía Nam Châu Á. Phía Đông-Nam giáp với Ấn-độ dương (Indian Ocean), phía Tây-Nam giáp với biển Á-rập ( Arabian Sea), phía Bắc giáp với rặng núi Himalaya hùng vĩ, quanh năm tuyết phủ.
[ theo tiếng Sanscrit, hima = tuyết (snow), alaya = cư trú (dwelling), Himalaya có nghĩa là “nơi cư trú của tuyết]
Himalaya có đỉnh cao nhất hơn 8.000 mét, có bề dài trên 7.200 mét ,(ngọn núi Everest cao 8.848 mét). Đây là nơi ẩn dật, là chốn tu hành của nhiều đạo sĩ. Đã có nhiều chuyện thần thoại và nhiều truyền thuyết về các chuyện đã xảy ra trên ngọn núi này. Nội dung của các chuyện này đã ảnh hưởng đến tư tưởng triết học và văn học Ấn độ. Các nhà văn hoá Ấn độ cho rằng dãy núi Himalaya đã tạo nên những khuôn mẫu tư tưởng sâu đậm trong văn hoá của miền Nam Châu Á. Nhiều đỉnh núi của rặng Himalaya đã là những nơi linh thiêng của cả Phật giáo và Ấn đô giáo.( Himalayas have profoundly shaped the cultures of South Asia. Many Himalaya peaks are sacred in both Buddhism and Hinduism). Rặng núi Himalaya là ranh giới của Tiểu lục địa Ấn độ với cao nguyên Tây tạng. Từ trên ngọn núi Himalaya, có 3 con sông lớn của thế giới chảy vô nước Ấn độ , tạo nên những đồng bằng rộng lớn: Indus, Ganges và Brahmaputra.
Sông Indus (âm VH, Ấn hà) chảy qua miền Tây nước Ấn độ và đổ ra vịnh Oman. Sông này  có 4 phụ lưu chính là các sông: Ravi, Thelum, Chenar và Sutleji. 5 con sông này tạo nên đồng bằng Pendjab (âm VH, Ngũ Hà tức là vùng có 5 con sông). Lưu vực sông Indus đã sinh thành một nền văn minh đáng chú ý là “Văn minh lưu vực sông Indus”( Indus valley civilization) vào khoảng năm 3.000 năm tr. CN. 
Sông Gange (âm VH, Hằng hà) chảy qua miền giữa của nước Ấn độ và đổ ra vịnh Bengal. Sông Gange là một con sông linh thiêng nhất của Ấn độ ( Ganges river is the most sacred river to Hindus). Hằng năm, vào lễ hội tắm Kumbh Mela, có hàng triệu tín đồ đạo Ấn độ giáo đến tắm trong dòng sông Hằng vì họ tin tưởng rằng nước sông Hằng sẽ rửa sạch mọi tội lỗi mà họ đã làm, và làm trong sạch , làm thanh tịnh tâm hồn của họ. Các “câu chuyện của dòng sông Hằng” cũng đã ảnh hưởng đến tư tưởng và văn hoá Ấn độ.  
Sông Brahmaputra còn gọi là sông Tsangpo  Bramaputra, đây là con sông ngăn cách biên giới (trans-boundary river) xuyên suốt phía Đông-Bắc Ấn độ. Sông này chảy vô Ấn độ theo hướng Tây  Nam , rồi hạ lưu của nó sát nhập với sông Gange để cùng nhau chảy ra vịnh Bengal. 
Miền Nam Ấn độ là Cao nguyên Deccan rộng lớn có nhiều sông nhỏ chảy ra biển. 
Khí hậu của Ấn độ thì vô cùng ác nghiệt: miền Bắc ở dưới chân rặng Himalaya thì lạnh lẽo, khi có gió nóng từ miền Nam thổi lên thì thời tiết có nhiều đám sương mù dày đặc. Vào mùa hè, nhiệt độ gia tăng làm các băng tuyết trên Himalaya tan ra tạo thành những cơn nước chảy dữ dội xuống thành lụt lội có sức tàn phá kinh khủng, và đem phù sa phủ khắp làng mạc, thành phố như trường hợp ở lưu vực sông Indus.
Ấn độ có nhiều khu rừng rậm có đầy cọp, beo, voi, chó sói, rắn độc, có những đầm lầy có nhiều cá sấu.
Khí hậu ở miền Nam thì oi bức, sức nóng làm cơ thể suy nhược, con người mau già, làm ảnh hưởng đến tinh thần của con người và làm ảnh hưởng tới những quan niệm triết lý, tôn giáo của cư dân. Rừng cây soi bóng mát là nơi rất thích hợp cho các đạo sĩ tu tập, ngồi thiền định. Vào mùa hè, mưa nhiều, nên khí hậu được mát mẻ hơn, nhà nông có thể trồng trọt. 
Khoảng trên 4 ngàn năm tr. CN, đã có nhiều dân tộc sinh sống ở Ấn độ với các phong tục, tập quán, ngôn ngữ và trình độ văn minh khác nhau. Giống người Dravidian là dân tộc nổi bật nhất trong các dân tộc đã sống ở Ấn độ khoảng trên 3.000 năm tr. CN, vào khoảng thời đại đồ đồng, họ sống theo chế độ mẫu hệ. Họ có nước da sậm, mũi to, mắt đen. Phần lớn họ sống về nghề nông, trồng lúa nước.
Dân tộc Dravidian và các cư dân khác đã có một nền văn minh cao, di tích khảo cổ ở lưu vực sông Indus đã chứng minh điều này. Trên vùng cao nguyên Deccan, dân bản địa còn lưu lại huyết thống, ngôn ngữ, văn học và nghệ thuật của dân tộc Dravidian. 
Vào khoảng năm 2.500 tr. CN, giống người Aryan sống ở phía Bắc dãy núi Cause, (rặng núi Cause dài 1.200 km, nằm giữa biển Caspienne và Hắc hải), đã chia ra làm 2 toán: một toán di chuyển về phía Tây - Nam để đi vào xứ Iran, một toán khác di chuyển về hướng Đông-Nam để xâm nhập vào miền Tây - Bắc Ấn độ, rồi dần dần xâm chiếm cả bán đảo Ấn độ: họ thống trị vùng lưu vực sông Gange, rồi xuống phía Nam đi lên Cao nguyên Deccan. Người Aryan có dóc dáng to lớn, da trắng hơn dân bản địa. Dân tộc Aryen có trình độ văn hoá kém hơn người Dravidian khi họ mới xâm chiếm Ấn độ. Về sau, dân tộc chiến thắng Aryan dựa vào sự học hỏi từ dân tộc Dravidian, họ đã phát triển về mọi mặt như tôn giáo, văn minh, kỷ thuật, cách quản lý hành chánh xã thôn. Họ đã tạo một bước tiến vượt bực về tư tưởng triết học, tôn giáo như thời kỳ Veda và về sau này. Trong gia đình của dân tộc Aryan thì người cha làm chủ.  Phe thắng cuộc Aryan đã đặt ra 4 đẳng cấp trong xã hội Ấn độ, họ thuộc về 3 đẳng cấp trên còn phe thua trận Dravidian và các cư dân khác thì thuộc đẳng cấp thứ tư: nô lệ và các đẳng cấp ở ngoài 4 đẳng cấp này.  

                   1.     Văn minh lưu vực sông Indus (3.300 - 1.300 tr. CN): 


Năm 1922, nhà khảo cổ học John Marhall đã cùng với các viên chức khảo cổ Ấn độ: R.D. Banerji, D.K Dikshita và Ernest Mackoy bắt đầu cuộc khai quật ở Mohenjo-daro, và sau đó ở Harappa. Mohenjo-daro là vùng khảo cổ nằm ở hữu ngạn sông Indus ( Việt Hán: Ấn hà) Harappa nằm về phía bắc Mohenjo-daro ở phía trái sông Indus. Hai địa danh nầy hiện thuộc tỉnh Sindh, nước Pakistan .Sông Indus phát nguồn ở cao nguyên Tây tạng từ rặng Himalaya, dài 3.180km chảy qua vùng Penjab, có 5 phụ lưu gồm các con sông: Ravi, Thelum, Chenar và Sutleji rồi đổ ra biển Á-rập (Arabian Sea). Sông Indus chảy qua Tây-Bắc Ấn-độ và Đông Bắc Pakistan hiện nay. Có giả thuyết cho rằng có một cơn lụt lớn đã tàn phá các thành phố này , và phù sa sông Indus đã phủ lấp trên các thành phố ấy. Mohenjo-daro là một trong những thành phố cổ có lẻ được xây dựng vào khoảng năm 2600 tr.CN, nhà cửa, đường xá, cống rảnh, được sắp xếp có ngăn nắp. Theo các nhà khảo cổ thì vùng nầy có lẻ đã bắt đầu phát triển khoảng năm 3000 trước CN,  các di tích khảo cổ được cho  là thuộc “Văn minh lưu vực sông Ấn độ cổ xưa” (Ancient Indus valley civilization). Nền văn minh nầy có thể có cùng một thời với các nền văn minh cổ khác như: văn minh cổ Ai-cập, văn minh cổ Mesopotania,và văn minh cổ Minoan (Minoan civilization) được khai quật ở đảo Crete,  phía Nam thành Athene, nước Hy lạp. Năm 1980, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc ( UNESCO / United Nations, Educational, Scientific and Cultural Organization) đã công nhận phần đất này là một di sản của thế giới. Nhiều nhà văn hóa Ấn độ rất hãnh diện về nền văn minh lưu vực sông Indus, nền văn minh này là của dân Dravidian:

Dân chúng  đã quy hoạch và xây cất nhiều thành phố có nhiều nhà cửa, nhiều con đường rộng, nhiều ngỏ hẻm lót cát, các ống cống đã được xây ở dưới lòng đất, nhiều (nữ trang) được làm bằng vàng, bằng bạc, và bằng đồng: các di tích này  chứng tỏ có một nền văn minh cao đã hiện diện; chắc chắn rằng văn minh này phải cao hơn văn minh của (văn hoá) Vệ-đà Aryan”.

 ( “The people who planned and built towns with houses, streets, path sand, underground drains as they had done, and used made of gold, silver and copper, must have been highly civilized; certainly more civilized than the Vedic Aryans”.
  Suhas Chatterjee, Indian Civilization and Culture, New Delhi: MD Publications PVT Ltd, 1998, tr. 26    

Trong số các di vật khảo cổ ( archaeological material) ngoài các nền nhà, đường xá của thành phố còn có  các hình nhân đứng hoặc ngồi , các dụng cụ bằng đồng và bằng đá, các con dấu có khắc hình, bàn cân với các khối trọng lượng để cân đo, nữ trang bằng vàng, bạc, đồng và bằng ngọc thạch, dây chuyền, đồ chơi của trẻ em, tượng cô gái đang vũ múa, tượng Priest- King v..v Đặc biệt có con dấu niêm phong (seal) có hình người đang ngồi tréo chân, hai bàn tay thong thả để trên hai đầu gối, đôi mắt lim dim đang suy niệm, đây là hình ảnh của các vị đạo sĩ đang ngồi thiền (Yogi).

Như vậy, việc thực hành ngồi thiền ( Yoga) đã có từ lâu, khoảng trên 3000 năm, và đã có nguồn gốc từ nền văn hoá lưu vực sông Indus, một nền văn hoá có trước văn hóa Vedic-Aryan.
Hình như Phật giáo đã được phát sinh từ những nét văn hóa có tính cách tôn giáo của nền văn minh lưu vực sông Indus như các quan niệm về xuất thế, thiền định (meditation) luân hồi-tái sinh( rebirth), nghiệp (Srt. karma, Av. action) và giải thoát (Srt. moksa, Av. liberation). Thêm vào đó, nhiều hình tượng khảo c  trong văn minh lưu vực sông Ấn độ có ý nghĩa tôn giáo và là biểu tượng  có tính cách linh thiêng cũng được thấy trong Phật giáo như cây Bồ đề (pipal tree, bodhi tree) và các con thú như voi, nai.
                     2- Văn hóa Veda (Vedic culture)

 

Xem tiếp, xin bấm vào đây:  Tư tưởng Triết học Tôn giáo Án độ...