Ngày xưa,
vào một đêm Trung Thu, thấy trăng sáng vua Đường Minh Hoàng mơ ước được đặt chân lên Nguyệt điện
một lần cho thoả thích. Truyện kể rằng lúc bấy giờ đạo sĩ La Công Viễn dùng giải
lụa trắng làm chiếc cầu đưa Minh Hoàng lên cung Quảng. Vua say sưa với cảnh
tiên đẹp mê hồn, với tiếng nhạc du dương, với các điệu múa thướt tha và suýt chút
nữa vua quên đường về. Khi về đến trần gian, vua nhớ lại và viết nên ca khúc Nghê Thường Vũ Y; để rồi từ đó mỗi khi
trăng rằm, Minh Hoàng và Dương Quý Phi cùng nhau thưởng ngoạn khúc Nghê Thường.
Dầu trăng đầy
hay trăng khuyết, ánh trăng lúc nào cũng hiền hoà, lung linh, ma mị. Đẹp làm
sao trong những đêm trăng tỏ, trai gái trêu ghẹo nhau qua câu hát câu hò, trao
nhau lời tỏ tình, hay lời ước hẹn cho mai sau. Đẹp làm sao khi trăng vừa nhô lên
khỏi ngọn dừa, hay thẹn thùng nấp sau luỹ tre, hay soi sáng bờ dậu. Và cũng buồn
làm sao khi có người con gái bên song cửa, nhìn ánh trăng mà lòng quặn đau cho số
kiếp phũ phàng của người bị tình phụ, như nàng Mộng Trúc trong Kỷ độ tịch dương hồng. Nhớ ngày nào còn thơ, đêm Trung Thu xách đèn đi chơi cùng lũ
bạn, nhìn lên trăng rằm mơ tưởng đến chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa. Và cứ thế, trăng đầy rồi lại khuyết,
khuyết rồi lại đầy, nhịp nhàng theo cùng năm tháng, không đợi không chờ, từ ngàn
năm qua, đến ngàn năm nữa.
Người xưa như
vua Minh Hoàng ở dương trần muốn lên thăm chị Hằng, nhưng không thể, nên đành
chôn ước muốn vào trong mơ. Không riêng gì vua Minh Hoàng mà xưa nay có rất nhiều
người trên thế giới cũng mơ ước một ngày mình sẽ bay lên thăm chị Hằng và trở về
dương thế an toàn. Người ta phải đợi đến giữa thế kỷ 20, khi con người chế tạo được
phi thuyền đủ sức bay vào không gian và Liên Xô đã đi tiên phong trong lĩnh vực
thám hiểm vũ trụ. Ngày 2 tháng 1 năm 1959, họ phóng phi thuyền Luna 1 lên cung trăng, với dự định “đập mặt” (impact) xuống mặt trăng. Tiếc rằng do một chút
lỗi lầm trong trạm điều khiển ở mặt đất, phi thuyền đã không bay theo quỹ đạo dự
kiến và bay huốt mặt trăng (điểm gần nhất cách mặt trăng 5995 cây số). Sau đó
Luna 1 bị mặt trời cuốn hút và trở thành vệ tinh nhân tạo đầu tiên bay theo quỹ
đạo chung quanh mặt trời!
Sau đó, chương trình Luna tiếp tục đưa thêm 23 phi thuyền khác lên mặt trăng để
thám hiểm trọng lực, bức xạ, nhiệt độ và thành phần chất hóa học trên mặt trăng.
Phi thuyền Luna 24 cất cánh ngày 9 tháng 8 năm 1976, trở về trái đất ngày 22 tháng
8 năm 1976, là chuyến bay cuối cùng của chương trình.
Vào thời điểm
đó, Hoa Kỳ cố gắng chạy đua với Liên Xô. Cơ quan NASA bị áp lực nặng nề, sau khi Tổng thống John F. Kennedy chỉ thị cho quốc hội
ngày 25 tháng 5 năm 1961 rằng “người Mỹ phải đặt chân lên mặt trăng và trở về
trái đất an toàn, trước ngày cuối của thập kỷ 1960” ! Chương trình Apollo thành lập năm 1961 gấp rút chuyển hướng, và Hoa Kỳ cuối
cùng lập được thành tích lịch sử vĩ đại với chuyến bay Apollo 11. Phi thuyền Apollo 11 cất cánh ngày 16 tháng 7 năm 1969, với 3 phi hành gia
Neil Armstrong
(người chỉ huy chuyến
bay)
,
Michael Collins (người điều khiển Command Module) và
Buzz Aldrin
(người điều khiển Lunar Module). Đêm 20 tháng 7 năm 1969, Lunar
Module đáp xuống mặt trăng và rạng sáng ngày hôm sau, phi hành gia Armstrong bước
ra khỏi Lunar Module và làm người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng với câu nói bất
hủ "một bước chân nhỏ bé của một người,
nhưng là một bước tiến vượt bực của nhân loại".
Ngày 24 tháng
7 năm 1969, 3 phi hành gia đáp xuống an toàn trên Thái bình Dương, cách xa chỗ hàng
không mẫu hạm Hornet chờ đón khoảng 24 cây số. Sau đó NASA tiếp tục đưa phi hành
gia lên mặt trăng, dùng xe Lunar Rover để di chuyển và mang về những mẫu đá
tìm thấy trên mặt trăng. Chuyến bay Apollo 17 (7 – 9 tháng 12 năm 1972) là chuyến
bay cuối cùng, tạm dừng việc thám hiểm mặt trăng của Hoa Kỳ.
Việc con người
đã lên được mặt trăng là việc có thật; nhưng có người đa nghi, cho rằng những hình
ảnh chụp được trên mặt trăng là giả mạo! Người ta sẵn sàng tin vào chuyện của
đấng Cứu thế, vào thần thánh ở trên trời; nhưng lại không tin vào những thành
quả của khoa học. Phải chăng việc khám phá vũ trụ có chút gì không ổn đến lòng
tin tôn giáo?
Người dị đoan
ở Tây phương không thích con số 13, vì họ tin đó là con số xui xẻo. Nhưng chuyến
bay Apollo 13 gặp chuyện xui thật, ngay từ khi phi
thuyền vừa cất cánh vào chiều ngày 11 tháng 4 năm 1970. Trên đường lao vào không
gian, 1 “động cơ ở giai đoạn thứ nhì” (second-stage rocket engine) đột nhiên tự
động ngừng hoạt động 2 phút sớm hơn dự định (nhằm tránh việc phi thuyền nổ banh
xác do hiện tượng Pogo oscillations). Kỹ sư ở trung tâm điều khiển chuyến bay (mission
controllers) của NASA ở Houston quyết định kéo dài thời gian hoạt động của 1 “động
cơ ở giai đoạn thứ nhì” khác cùng “động cơ ở giai đoạn thứ ba” (third-stage
rocket engine) để phi thuyền đủ sức bay lên quỹ đạo đầu tiên chung quanh trái đất
(parking orbit), chờ chuyển sang quỹ đạo lên mặt trăng (translunar trajectory).
Mọi chuyện
diễn tiến êm đẹp cho đến giờ thứ 56 trong chuyến bay (ngày 13 tháng 4 năm 1970),
đột nhiên có tiếng nổ khá lớn trong phi thuyền. Sau đó, hệ thống điện trong phi
thuyền bị chao đảo, động cơ phản lực (attitude control jets) tự nhiên khai hoả và
phi thuyền mất tín hiệu liên lạc với trung tâm điều khiển ở Houston. Thoạt
nghe, ai cũng tưởng phi thuyền đã bị “ma ám”.
Tuy biến cố
này xảy ra ngoài dự định, nhưng đó chỉ là do lỗi lầm của con người.
·
Service Module chứa 2 bình ô-xy (oxygen tank), 2
bình hy-trô (hydrogen tank), 3 pin nhiên liệu (fuel cell). Ô-xy dùng làm khí thở
cho phi hành gia và dùng trong pin nhiên liệu để cung cấp điện cho Service Module.
· Trước
khi tai nạn xảy ra, trung tâm điều khiển ở Houston khám phá áp suất trong bình hy-trô
xuống quá thấp và nhờ phi hành gia Jack Swigert (người điều khiển Command Module) “khuấy đều” (cryo stir) ô-xy
và hy-trô trong 4 bình chứa. Trong chuyến bay này, họ đã làm tương tự như vậy 3 lần trước đó và không có biến cố đặc biệt nào
xảy ra.
·
Nhưng
lần này, bình ô-xy số 2 phát nổ. Sau này nhờ vào cuộc điều tra sau chuyến bay,
người ta mới phát hiện rằng bình này đã có nhiều sai trái từ trước; thí dụ như
theo thiết kế nguyên thuỷ thì bình này dùng điện 28 V, nhưng lúc thử ở mặt đất (ground
testing) người ta dùng điện 65 V và trong lúc thử nhiệt độ lên quá
cao, làm cháy hệ thống điều nhiệt (thermostat) và làm cháy lớp cách nhiệt (insulation)
ở trong bình, nhưng người thử bỏ qua, coi như không có vấn đề. Vì lý do này một
vài sợi dây điện nối liền với bình số 2 không còn lớp bảo bọc (protecting
cover) và nẹt lửa khi nhiệt độ trong bình lên quá cao, làm nổ bình số 2!
·
Pin
nhiên liệu đột nhiên thiếu ô-xy, nên năng suất giảm, làm hệ thống điện bi chao đảo.
·
Ngay
sau khi bình số 2 nổ, các hệ thống chung quanh bình bị hư hại; nhất là 1 phần vỏ
của Service Module bị nổ tung, như trong hình chụp lúc phi thuyền trên đường về,
sau khi tách khỏi Command Module.
·
Khí
ô-xy theo lỗ hổng “xì” ra ngoài, tạo nên 1 lực nhỏ. Hệ thống giữ cân bằng
(attitude control system) khám phá 1 lực “lạ” nên vội vàng khai hỏa động cơ phản
lực để tái tạo cân bằng.
·
Hệ
thống pin nhiên liệu đột nhiên mất đi ô-xy khá nhiều và rất nhanh, nên công suất
bị giảm, tạm thời không đủ sức gởi tin về trung tâm điều khiển ờ Houston.
Sau khi mọi
chuyện tạm lắng đọng, 3 phi hành gia quyết định tạm sống trong Lunar Module (vốn
dĩ chỉ dành làm chỗ nương thân cho 2 phi hành gia!), tiết kiệm nhiên liệu (để
phi thuyền đủ sức quay về trái đất), ô-xy, điện, lương thực, nước… Họ đã cố gắng
bay chiếc phi thuyền “què” lên mặt trăng, bay vòng vòng để chụp hình mà không đáp xuống như dự định.
Tuy không thực hiện 1 chuyến bay hoàn hảo, nhưng họ không làm chuyến phi hành này
hoàn toàn thất bại, dù họ phải đương đầu với tử thần, phải sống co rút, cam khổ,
lạnh lẽo lơ lửng gần 4 ngày trong không gian. Cuối cùng họ cũng đáp xuống
Thái bình Dương an toàn vào chiều ngày 17 tháng 4 năm 1970.
Trên đường về,
trước khi bay vào khí quyển, họ phải rời Lunar Module, quay trở lại Command
Module và tách Lunar Module khỏi Command Module + Service Module. Nếu không có tai nạn
xảy ra đêm 13 tháng 4 năm 1970, thì họ đã tách Lunar Module dễ dàng trước khi đáp
Lunar Module xuống mặt trăng. Nhưng trong chuyến bay này họ phải tạm dùng Lunar
Module làm “phao cứu hộ” (life boat) cho đến phút cuối, trước khi bay vào bầu
khí quyển.
Việc tách
Lunar Module gần giờ phút cuối của chuyến bay lần này trở thành nghiêm trọng vì
phi thuyền đã mất một số chức năng. Nếu do lỗi lầm, họ tách Service Module trước,
thì Command Module đành “ôm” Lunar Module bay vào “tử địa” trong không gian, vì
không còn gì để lèo lái theo đường bay về trái đất. Vì vậy họ cần dùng 1 phương
pháp chưa từng được nghĩ đến (kể chi việc thử nghiệm) để tách Lunar Module khỏi
Command Module an toàn.
Vào giờ phút
nghiêm trọng đó, sáng ngày 16 tháng 4 năm 1970, Kỹ sư Richard Oman (Grumman
Aerospace) điện thoại cầu cứu Giáo sư Barry French (University of
Toronto Institute for Aerospace Studies). Ngay lập tức, họ lập 1 nhóm gồm 6 vị giáo
sư, dưới sự hướng dẫn của cố Giáo sư Ben Etkin, gấp rút tính toán trong vòng 6 tiếng đồng hồ. Cuối cùng, họ
đề nghị giữ áp suất trong “đường hầm” (tunnel) giữa Lunar Module và Command
Module ở mực độ 2.5 PSI. Lúc đó, họ không hề biết họ là nhóm người duy nhất ở bắc Mỹ được tham khảo và đóng góp
vào việc giúp tách Lunar Module an toàn. 40 năm sau, nhân lần kỷ niệm 40 năm của
chuyến bay Apollo 13, nhóm người Canada này được Canadian Air and Space Museum
tuyên dương với Canadian Air & Space Pioneer
award. Cũng dịp này,
phi hành gia Fred Haise (người điều khiển Lunar Module trong chuyến bay Apollo
13) gửi thư chúc mừng và cảm ơn nhóm 6 vị giáo sư này.
Chương trình
thám hiểm không gian luôn đầy những chuyện mạo hiểm, khó khăn không ngờ. Nhưng
có một điều thú vị khi biết rằng những người làm chung trong chương trình kết hợp
khắng khít với nhau. Phi hành gia khi bay vào không gian cảm thấy ấm lòng khi
biết vào giờ đó có rất nhiều người bạn ở mặt đất đang cận lực theo dõi, hỗ trợ,
cố gắng bảo vệ tánh mạng cho đến khi họ trở về trái đất an toàn. Những lúc “dầu
sôi lửa bỏng”, khi phi hành gia thốt lời kêu cứu, người đang hỗ trợ cho chuyến
bay không khỏi hốt hoảng, như chính mình đang lâm vào cảnh nguy khốn. Người ta
ráng sức dùng kiến thức và kinh nghiệm của riêng mình để tìm cách giải quyết việc
khó khăn bằng cách tốt nhất có thể. Tệ hơn nữa khi thời gian ép buộc, khiến họ
phải làm việc thật tốt, thật nhanh. Vui làm sao khi biết giải pháp của mình đưa
ra đã làm được việc “người đã cứu người”!
Sau chương
trình Apollo của NASA, người ta tạm dừng việc đưa người lên cung trăng, mặc dầu
rất nhiều cơ quan trên thế giới âm thầm tiếp tục nghiên cứu việc lập căn cứ trên
mặt trăng, sẵn sàng cho con người lên đó sống dài hạn. Vào những năm ở cuối thế
kỳ 20, đầu thế kỷ 21, người ta muốn bay xa hơn vào vũ trụ với các chương trình
thám hiểm Hỏa Tinh. Người ta dùng 1 số kỹ thuật “cũ” từ chương trình Apollo, nhưng
được cải tiến để hiện đại hơn, thí dụ như xe Rover điều khiển từ xa với cánh
tay robot thu thập đất đá trên Hỏa Tinh. Bây giờ người ta lại manh nha nghĩ đến
việc đưa người lên Hỏa Tinh. Vào thời điểm bây giờ (2019), việc
này hãy còn quá xa xôi, nhưng chắc rằng với ý chí quyết tâm và với bước tiến của
kỹ thuật, người ta sẽ làm được việc này.
Trở lại với
việc thám hiểm mặt trăng, vì 1 lý do nào đó, gần đây thế giới đua nhau thám hiểm
mặt trăng (tương tự như hiện tượng nhạc Boléro đang hồi sinh ở Việt Nam).
·
Ngày
2 tháng 1 năm 2019, Trung Quốc đáp phi thuyền Chang'e-4 xuống phía “sau” của mặt trăng, làm
quốc gia thứ 3 (sau Nga và Hoa Kỳ) thành công trong việc đáp phi thuyền xuống mặt trăng.
·
Ngày
11 tháng 4 năm 2019 Do Thái đáp phi thuyền Beresheet (có nghĩa là “khởi điểm” trong tiếng
Do Thái) không thành công xuống mặt trăng (vì main engine không hoạt động như dự
định, nên không thể hạ cánh an toàn – soft landing). Được biết phi thuyền này
đã do 1 công ty tư nhân Do Thái thiết kế với tổng chi phí khá khiêm nhường so với
các phi thuyền khác.
·
Ấn
độ dự định phóng phi thuyền Chandrayaan-2 (có nghĩa là xe dùng để di chuyển trên mặt trăng trong tiếng Phạn - Sanskrit) lên mặt trăng, mang theo Rover. Tiếc rằng, do 1 số khó khăn
kỹ thuật, họ đã ngừng việc phóng phi thuyền, vào giờ phút cuối cùng, sáng ngày
15 tháng 7 năm 2019.
·
Cuối
tháng 2 năm 2019, Canada tuyên bố nhập cuộc với NASA trong chương trình Lunar
Gateway để cùng nhau xây trạm không gian, bay quanh mặt trăng.
·
Ngày
26 tháng 3 năm 2019, phó Tổng thống Mike Pence thúc giục NASA đưa người (nam hay
nữ) lên mặt trăng vào năm
2024, thay vì 2028.
Tuy rằng kiến
thức khoa học thu thập từ những chuyến bay lên cung trăng thường được chia sẻ rộng
rãi, nhưng ai cũng muốn phát triển kỹ thuật cho riêng mình và như thế người ta đua
nhau tìm lợi thế, không muốn mình làm “kẻ đến sau”.
Từ dưới đất
nhìn lên mặt trăng, mặt trăng lúc nào cũng đẹp, khi khuyết cũng như khi đầy. Nhưng
khi đến gần, từ phi thuyền nhìn xuống, mặt trăng lại đầy những vết lỗ chỗ, như
gương mặt của người từng mắc bệnh đậu mùa. Không sao, đâu có bao nhiêu người có
dịp nhìn mặt trăng ở độ gần như vậy; và bây giờ người ta đã biết chị Hằng “mặt
rỗ” thì khi nhìn chị, người ta cũng sẽ không thấy hụt hẫng.
So với mặt
trời, mặt trăng thú vị hơn nhiều vì ngày nào cũng có mặt trời nhưng ban đêm có lúc
có trăng, có lúc không, khi khuyết khi đầy. Ánh trăng hiền dịu hơn ánh mặt trời và đôi khi ánh trăng
còn bị mây ghen tức, ăn hiếp, che phủ không cho con người nhìn được mặt trăng.
Nhưng trăng không trách cứ, mãi mãi đồng hành với con người, dù ở nơi nào trên
thế giới. Trăng luôn chung thuỷ với người; hy vọng không có ngày con người nhẫn
tâm tàn phá mặt trăng. Ngày đó, nếu có, chắc hãy còn xa lắm; bạn đừng lo nha.