Gs. Nguyễn Vĩnh Thượng
Đức Phật đã nhiều lần giảng giải
trong các kinh điển Phật giáo về “Bảy yếu tố của sự giác ngộ” là: 1.-Niệm, 2.-Trạch pháp, 3.-Tấn, 4.-Phỉ,
5.-An, 6.- Định và 7.-Xả.
Sapta bodhyanga, tiếng
Sanskrit, gồm có Sapta= bảy/ 7 (Av. Seven); Bodh= có ngữ căn Budh có nghĩa là
thức tỉnh, giác ngộ (Av. Awaking/ Enlightenment); Anga= yếu tố, cành cây, một
phần của toàn thể (Av. Factor/ limb/ a part of the whole).
Người Tàu dịch là “Thất giác chi” có nghĩa là “Bảy yếu tố của sự giác ngộ” ( Av. Seven
factors of awakening/ enlightenment).
Theo Đức Phật lịch sử thì bảy yếu
tố của sự giác ngộ đã có sẳn nơi tâm thức của chúng sanh, chỉ vì chúng sanh chưa
phát khởi chúng ra mà thôi.
Sau đây là 7 yếu tố của sự giác
ngộ:
1.-Niệm (Srt. Smrti, Av. Mindfulness): là sức mạnh do niệm căn,
có công năng diệt bỏ các tà niệm phát huy chánh niệm (Right Mindfulness). Đây là
sức mạnh giúp ta luôn suy niệm về chánh niệm. Niệm là sự chăm chú vào việc gì mình
đang làm, chăm chú một cách kiên trì, liên tục, không gián đoạn. Nhờ Niệm tâm thức phân biệt được điều thiện
và điều tà, biết được cái đẹp và cái xấu của hành động mình.
Trong Phật giáo, Niệm đã chiếm địa vị trọng tâm. Niệm không
những là con đường thứ 7 của Bát Chánh Đạo, lực thứ 3 của Ngũ lực và là yếu tố thứ nhất của 7 yếu tố của giác ngộ.
Chữ Hán Việt "niệm 念 gồm ở trên có chữ kim 金 hay kim: 今 có nghĩa là hiện tại, bây giờ; và ở dưới là chữ tâm 心 có nghĩa là trái tim, trong lòng. Như vậy, chữ niệm có nghĩa là nghĩ,
nhớ, mong trong hiện tại. (tiếng Pali là Sati, tiếng Anh là mindfulness).
Niệm còn có
nghĩa là chú tâm nghĩ ngợi. Trong Pháp Hoa Kinh
法 華 經 có câu: "Đãn nhất tâm niệm Phật"
" 但一心念佛 , nghĩa là chỉ
một lòng niệm Phật.
Niệm còn có một
nghĩa nữa là đọc, tụng. Ví dụ: niệm kinh
念 經 nghĩa là đọc/tụng
kinh; niệm thư 念
書 nghĩa là đọc sách; niệm Phật 念 佛 là tưởng nhớ đến danh hiệu Phật.
“ Niệm
(Hán, 念, Pa. Sati, Anh. mindfulness) là những gì đang gợi lại trong tâm thức ở từng giây phút hiện tại mà
không có sự can thiệp của phê phán, tâm thức thấy "sự vật như là nó thật
có", tức là không có sự phê phán hoặc
tốt hoặc xấu, hoặc không tốt không xấu. Chánh niệm (Right mindfulness) là luôn
nghĩ nhớ đến điều lành nên làm, điều ác nên tránh.
Chánh niệm có nghĩa là phải làm cho đời sống của chúng
ta gắn liền với những gì mà ta đang làm trong hiện tại. Ví dụ: khi ăn thì ta
chú tâm ăn, khi đọc sách thì ta chú tâm đọc, khi đọc Kinh Phật thì ta chú tâm
và kinh Phật, Khi đang lái xe thì chú tâm vào việc lái xe, khi rửa chén thì chú
tâm vào việc rửa chén.
Chánh niệm khiến chúng ta gợi lại những điều trong quá
khứ, nhất là để tâm vào những điều ta luyến tiếc. Chánh niệm khiến chúng ta
nghĩ đến tương lai, nhất là những điều chúng ta đang lo lắng. Rồi Chánh niệm
giúp ta trở lại giây phút hiện tại để chú ý vào những điều ta đang muốn và đang
xảy ra trong hiện tại và tìm ra một giải pháp thích hợp.”
Đức Phật đã thực hành chánh niệm khi Ngài quan sát lại
tư tưởng của Ngài, những tình cảm của Ngài, tình trạng sức khỏe của thân xác
Ngài và tâm thức của Ngài. Rồi sau đó Ngài tìm "con đường tu hành"
thích hợp.
Như vậy, điểm chính của Chánh niệm là không phê phán
những trải nghiệm tinh thần như là điều tốt hay như là điều xấu, như là điều muốn
làm hay như là điều không muốn làm, như là một điều phải làm hay như là một điều
không nên làm. Nói khác, Chánh niệm giúp ta nhận thức "sự vật như là nó có."
Rồi nhờ Chánh tinh tấn trợ lực Chánh niệm để thúc đẩy những ý niệm tốt lành được
hướng về con đường từ bi hơn.
Trong các tôn giáo khác cũng có những giờ phút suy niệm,
nhưng cách thực hành thì khác chánh niệm của Phật giáo.
Ngày nay, Chánh niệm (Right Mindfulness) đã được khoa
tâm lý trị liệu áp dụng. Các trường Đại học Y khoa ở Âu Mỹ đã dùng "con đường
Chánh niệm" để trị các bệnh tâm thần như căng thẳng (stress), trầm cảm
(depression), âu lo (anxiety) ...Chánh niệm đã giúp bịnh nhân nhìn thấy những
gì ở quá khứ hiện ra trong hiện tại, hoặc
tưởng tượng những gì ở tương lai hiện ra trong hiện tại như là nó đã thật
sự xảy ra một cách không phê phán, hay so sánh với cái khác. Rồi bịnh nhân lần
lần không còn bám víu vào cái mình thích và không tránh né những cái mình không
thích. Chánh niệm làm giảm dần, và làm biến mất lòng ham muốn, giận dữ, lo sợ, ảo
tưởng ... của bịnh nhân, và cuối cùng đem đến một tâm bình an, một trạng thái tốt
đẹp.
Chúng ta nên áp dụng Chánh niệm mỗi khi ta có sự giao
động trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta để thân tâm được an lạc.
(Bát Chánh Đạo, tr. 5)
2.-Trạch
pháp ( Srt. Dharma
Vicaya, Av. Investigation of the doctrine):
Dharma Vicaya, tiếng Sanskrit, có nghĩa
là điều tra về một học thuyết (Investigation of the doctrine), điều tra về bản
tánh của thực tại (Investigation of the nature reality), tìm hiểu về sự thật
(Searching the truth).
Người Tàu dịch là Trạch pháp . Con người có lòng muốn biết
nên ước muốn điều tra cho ra sự thật để chứng minh một học thuyết, khám phá sự
thật của một tin đồn.
Dharma Vicaya (Trạch pháp)
có nghĩa là khảo sát các pháp/ các hiện tượng/ các sự kiện. Do sự khảo sát các
pháp hữu vi (các hiện tượng), chúng ta nhận thức rằng các pháp hữu vi đều trải
qua sự biến đổi: sanh, trụ, hoại, diệt một cách nhanh chóng. Toàn thể vũ trụ đều
liên tục biến đổi, vô thường, không thể
tồn tại giống hệt nhau trong hai sát-na kế tiếp. Triết gia Hy-lạp Heraclite đã
nói :” Không ai có thể tắm một dòng sông
đến 2 lần”.
3.-Tấn (Srt. Virya, Av. Energy/ Effort):
Trong Phật giáo,
tinh tấn là sức mạnh được đem đến do các nguồn: niệm, trạch pháp, đức tin vào sự
thực hành chánh pháp. Nhờ tinh tấn, một nguồn năng lực, giúp chúng ta tìm thấy
được ý nghĩa của cuộc đời.
Tấn lực (Srt. Virya Bala, Av. Energy/
power) là sức mạnh do tấn căn sinh ra, có công năng mang đến sự vui thú trong lúc
thực hành tu tập nhằm diệt trừ sự lười biếng, giúp sự siêng năng trong việc diệt
ác để hành thiện.
Trong 7 yếu tố của
sự giác ngộ, tinh tấn là yếu tố thứ 3.Trong ngũ lực, tinh tấn là sức mạnh tinh
thần. Trong lục độ ba-la-mật, tinh tấn đứng hàng thứ tư.
Trong Bát Chánh Đạo,
tinh tấn là con đường thứ 6 để đạt được giác ngộ. Đức Phật đã giảng về Chánh
Tinh Tấn như sau:
“Chánh
tinh tấn là kỷ luật tinh thần nhằm chú tâm cố gắng, siêng năng, kiên nhẫn để sử
dụng sự cố gắng thích hợp giữa hai cực đoan: một bên là lười biếng, một bên là
làm quá sức. Chánh tinh tấn là loại bỏ những thái độ, những tư tưởng không đúng
đắn. Chúng ta đã biết rằng Đức Phật đã cố gắng chống lại những trở lực để đi đến
chỗ giác ngộ: Ngài đã bị thiếu nữ Mara cám dỗ, nhưng Ngài đã không bị lay chuyển
để rồi đi đến chỗ đắc đạo.
Đức Phật
khuyên rằng để thực hành chánh tinh tấn, chúng ta phải làm các việc như sau:
-Ngăn ngừa
và đoạn trừ các điều ác.
-Chuyên cần
làm những điều thiện.”
(Bát Chánh Đạo, tr. 5)
4.-Phỉ (Srt. Priti, Av. Joy):
Priti, tiếng Sanskrit, có
nghĩa là vui mừng, là hạnh phúc. Chúng ta có thể tìm thấy sự vui mừng ở trong tâm
thức, ngay cả lúc cơ thể chúng ta không cảm thấy khỏe.
Con người cần phải “tri túc” (biết đủ) để đem lại sự vui mừng
và hạnh phúc. Tri túc là biết đủ, con người thường “được
voi đòi tiên” nên cứ chạy theo lòng ham muốn. Bởi vậy, cần phải “tri túc” để hưởng thụ những gì mình đang
có và như thế mới đạt hạnh phúc. “Phỉ”
( Srt. Priti) sẽ dẫn đến sự chứng ngộ trọn vẹn, đến Niết-bàn, đến sự thanh thản, an nhiên.
5.-An (Srt.
Prasrabhi,/Prasrabdhi, Av. Relaxation/ ease/ tranquility of both body and
mind):
Prasrabhi, tiếng
Sanskrit, Tàu dịch là khinh an, có nghĩa là sự an tỉnh, thư giản.
Chúng ta cần phải
giữ cho cái tâm an tỉnh, giữ cái tâm bình thản trước những nghịch cảnh của cuộc
đời để khỏi phải bị phiền lụy, không còn bị phiền não, lo âu. Chúng ta cần phải
tự huấn luyện tâm thần, đòi hỏi thời gian, để tâm thần được an tỉnh. Có như thế
thì mới đi đến chỗ giác ngộ và giải thoát khỏi những khổ đau của cuộc đời.
Như khi chúng ta
bị bịnh, chúng ta nằm trên gường để tịnh dưỡng, không làm việc gì cả. Đôi khi
không buồn ăn, không buồn uống. Rồi sức lực được hồi phục lần lần khi cơn bịnh được
khắc phục.
Chúng ta cũng cần
thực hành sự an tỉnh ngay cả lúc chúng ta khỏe mạnh. Chúng ta ngồi uống trà, uống
cà-phê, đi thả bộ trong công viên … là những cơ hội tốt để làm an tỉnh tâm thần.
6.- Định (Srt. Samadhi, Av. Concentration):
Samadhi, tiếng Sanskrit, gồm có: Sam có nghĩa là cùng nhau, a có nghĩa là mang đến một nơi chắc chắn,
dhi là sự cố gắng của tâm thức. Như vậy
Samadhi có nghĩa là sự cố gắng của tâm
thức tập trung vào một đối tượng, vào một chỗ, không bị giao động.
Như đã biết, người
thực hành phép thiền định phải đương đầu với 5 chướng ngại tinh thần, và phải
vượt qua những chướng ngại này để đạt được giác ngộ.
Định lực (Srt. Samadhi bala, Av. Concentration power) là sức mạnh
do định căn giúp ta tập trung tư tưởng vào một việc/ một vấn đề nào một cách thâm
sâu và sáng suốt. Khi đọc sách thì phải tập trung vào việc đọc sách, không nghĩ
ngợi lung tung, khi ăn cơm thì phải tập trung vào việc ăn.
Định là yếu tố thứ
6 của 7 yếu tố của sự giác ngộ. Định là con đường thứ 8 của Bát Chánh Đạo. Đức
Phật đã giảng:
“ Định
(定) có nghĩa là tập
trung tư tưởng vào một vấn đề gì, vào một đối tượng gì, vào một điểm gì; lúc ấy
tinh thần ở trong trạng thái thuần nhất và không giao động. Đạo Phật có phép tu
khiến cho tâm tĩnh lặng, không vọng động, gọi là "định"; ví dụ: nhập
định 入定, thiền định (禪 定).
Chánh
định là tập trung tư tưởng vào một vấn đề gì tốt lành như lòng từ bi, như sự vô thường của cuộc đời. Tâm thần của chúng
ta được coi như là một tấm gương dính bụi, Chánh định coi như lau chùi tấm
gương để tấm gương được sáng tỏ. Nói khác, Chánh định giúp cho tâm thần được
sáng sủa để nhìn sự vật như là nó hiện hữu trong thực tại.
Chánh
định giúp chúng ta nhìn thấu triệt tính vô thường, tính duyên khởi của mọi sự vật,
mọi hoàn cảnh ở đời để giúp chúng ta làm giảm những lo lắng, sợ sệt, nghi ngờ,
tham luyến, giận dữ và ảo tưởng về một việc hay một vấn đề nào đó; và nhờ đó cuộc
sống của chúng ta sẽ bình an hơn, sẽ khéo léo hơn, và sẽ từ bi hơn để đem lợi
ích cho chính chúng ta và cho người khác.
Một kỷ
thuật thường được dùng cho phương pháp chánh định một cách đơn giản là tập trung
tư tưởng vào hơi thở. Hành giả có thể chú ý vào hơi thở của mình, theo dõi hơi
thở ra và theo dõi hơi thở vào. Khi có một vọng động nào kéo đến tâm thức bởi
các ý tưởng khác, bởi các hình ảnh khác, bởi các cảm xúc khác thì hành giả đem
sự chú ý của mình trở lại sự theo dõi hơi thở mà mình đang thở. Hoặc khi có một
ý nào hồi tưởng về quá khứ, hoặc một dự phóng về tương lai xuất hiện thì hành
giả phải rời những kỷ niệm trong quá khứ, phải rời khỏi những mơ ước tương lai
bằng cách đem sự chú ý, sự tập trung vào hơi thở của mình, theo dõi, tập trung
vào hơi thở đang thở ra và thở vô. Cách thực hiện thiền định (禪 定) này gọi là "tập trung
tinh thần vào một điểm"(one-pointed mental concentration). Do cách thực
hành Chánh định sẽ giúp chúng ta thực hiện Chánh niệm ngay tức khắc.
(Bát Chánh Đạo, tr. 6)
7.-Xả (Srt. Upeksa, Av. Equanimity/ letting go):
Theo Abhidharma (Tàu dịch là
Vi Diệu Pháp), Upeksa, tiếng Sanskrit, có nghĩa là trung lập, không thiên bên nào.
Đây là trạng thái tâm quân bình, nhận thức được thực tại như là chính nó không
còn bám víu (Av. To accept reality as-it-is without craving) nghĩa là xả, tức là kết quả của tâm thức an tĩnh.
Xả giúp con người không bị giao động
trước những phong ba của cuộc đời: được và thua, tiếng thơm và tiếng xấu, đau
khổ và hạnh phúc.
Tâm xả giúp con người nhìn sự
vật, yêu thương chúng sanh một cách bình đẳng, không thiên vị.
Kết luận:
Bảy yếu tố trên như thể bảy cành cây
của một thân cây, 7 yếu tố là một tổng thể. Chúng ta phải trau dồi “bảy yếu tố” này với một tâm thức nhiệt
thành, với một ý chí dũng cảm để giúp chúng ta đến chỗ chứng ngộ, đạt được cứu
cánh Niết-bàn, an nhiên tự tại.
Toronto, 9 Sept. 2019
Nguyễn Vĩnh Thượng
Tài liệu tham khảo: như đã liệt kê trong các bài trước.