marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

Phương Pháp Hoài Nghi của Đức Phật




   Gs. Nguyễn Vĩnh Thượng

          Trong bài “Phương Pháp Hoài Nghi của Đức Phật  (Buddha’s Method of Doubt), chúng tôi sẽ trình bày:
                I.-Hành trình từ hoài nghi đến chân lý.
                II.-Phương pháp hoài nghi của Đức Phật:
                        A.- Nguyên nhân Đức Phật giảng bài Kinh Kalama.
                        B.- Phương pháp hoài nghi của Đức Phật trong nội dung của bài         Kinh Kalama.
               III.-Bài học từ “Phương pháp hoài nghi của Đức Phật”.


I.-Hành trình từ hoài nghi đến chân lý:

             Hoài nghi (Srt.=Pa. Vicikitsa, Av. Doubt / Indecision) là nghi ngờ hay phân vân về một điều gì. Bản chất của hoài nghi thì không tốt cũng không xấu. Điều chính yếu là chúng ta phải giải quyết các điều đang bị hoài nghi. Có thể hoài nghi về khả năng của mình: -tôi có thể làm điều này không? - hoặc có thể hoài nghi về phương pháp đang thực hành: -phương pháp này có đúng cách không? -hoặc nghi vấn về ý nghĩa của một điều gì: - điều này có nghĩa là gì?; -Thiền sư (Meditation Teacher) này có phải là một ông Thầy tốt không?, dĩ nhiên thiền sư giỏi cũng như vị hướng dẫn đội thể thao, sẽ đưa các học viên đến chỗ thành công.
            Đức Phật Thích-ca Mâu-ni (khoảng 654 tr. CN – 544 tr. CN) đã dạy rằng hoài nghi là một trong 5 chướng ngại (five hindrances) phát khởi trong tâm trí, cản trở khả năng phán đoán của bạn, hạn chế khả năng hành động của bạn, và gây ra sự cảm xúc bất an lớn. [The Buddha taught that doubt is one of five hindrances that arise in the mind, clouding your judgement, limiting your ability to act, and causing great emotional disquiet].
       Năm chướng ngại đó là:
             1.-Tham dục (Av. desire).
             2.-Sân hận (Av. Anger/ Aversion)
             3.-Lười biếng và chán chường (Av. Sloth and Torpor), gọi chung là hôn trầm.
            4.-Bồn chồn và lo lắng (Av. Restlessness and Worry).
            5.-Hoài nghi (Doubt).
 
       Niềm tin là sự giải độc hay trừ khử hoài nghi (the antidote for doubt is faith).
       (Xem thêm bài: Năm chướng ngại trong việc thực hành thiền của NVT)
          Hoài nghi được phát khởi từ các luật nhân quả (Causes and Conditions). Hoài nghi có thể đến từ sự không chắc chắn (uncertainty), từ một trải nghiệm thất bại, hay từ một niềm tin xa xưa về chính bản thân mình.
        Hoài nghi là một phần không thể tránh khỏi của kinh nghiệm sống. (Doubt is an unavoidable part of the life experience).
       Tuy nhiên, hoài nghi giúp chúng ta thấy đều gì không chắc chắn (uncertainty). Có nhiều khi, hoài nghi đã đưa đến sự thay đổi (change) về niềm tin tưởng (trust) của bạn hoặc duyệt xét lại niềm tin (reconsider trust). Cũng có khi lương tâm (conscience) của chúng ta cảm thấy một điều gì sai lầm bởi vì điều đó xâm phạm đến các giá trị đạo đức của chúng ta: nó là sự sai lầm về đạo đức, hay nó có thể vi phạm những giá trị tâm linh. Điều này đặc biệt là một sự thật khi có kẻ khác can thiệp vào; thí dụ như sự can thiệp vào thương mãi, vào chính trị hay vào các sanh hoạt đoàn thể khác. (It involves business, political, or other organizational activity). Khi mà các người này cố gắng lèo lái, định hướng bạn vào sự sợ hãi (fear) hay những lời hứa không có thực (unreal promises). Đây chính là lúc “hoài nghi” giúp bạn nhìn lại vấn đề một lần nữa. Việc hoài nghi này có thể đưa đến sự từ chối những điều mà mình đang hoài nghi bởi vì chúng ta không muốn trả một cái giá đắc cho những điều gì mà chúng ta tin là đúng nhưng sự thật là không đúng.
         Nhờ có hoài nghi chúng ta mới tra vấn, đặt câu hỏi, đặt thành vấn đề để phân tích, để điều tra, để tìm chân lý, để tìm một sự thật.
        Sự hoài nghi và sự tra vấn thúc đẩy chúng ta tiếp tục giữ sự cảnh giác trí tuệ. (Our doubting and questioning spur us on and keep us intellectually alert).
        Nói tóm lại, hoài nghi là một hành trình để đi tới chân lý. Chúng ta không đạt được chân lý nếu không biết cách hoài nghi, và biết cách tra vấn. Những đỉnh cao tư tưởng ra đời đều phát xuất từ sự hoài nghi một đỉnh cao cũ, và con người tìm cách vượt qua đỉnh cao cũ bằng một quá trình nhận thức mới.
         Hoài nghi là linh hồn của mọi hoạt động nghiên cứu, tìm tòi chân lý. Bởi vậy nên hoài nghi trở thành một yếu tố không thể tách rời khỏi chân lý.

II.-Phương pháp hoài nghi của Đức Phật:

               A.- Nguyên nhân Đức Phật thuyết giảng bài Kinh Kalama:
                            Vào thời Đức Phật Thích-ca Mâu-ni [khoảng 654 tr. CN – 544 tr. CN] còn sanh tiền, bộ tộc Kalamas (Kalama clan) đã chiếm ngự và sống theo chế độ Cộng hoà tại thị trấn Kesaputta ( Kesaputta town, có tên cổ xưa là Kesariya), thị trấn này ở trong một quận của Đông Champaran [East Champaran] thuộc tiểu bang Bihar bây giờ, ở xứ Ấn độ.
             Tại thị trấn Kesaputta có một bảo tháp (stupa) Phật giáo đã được xây dựng bởi Đại đế Asoka. Ngài là vị vua thứ ba của Vương triều Mauryan (khoảng 273 tr. CN – 232 tr. CN).
             Bihar là một tiểu bang ở phía Đông Ấn độ, có dòng sông Hằng (Ganges) chảy ngang từ phía Tây sang phía Đông. Phía Đông - Bắc của bang Bihar giáp với xứ Népal, phía Đông - Nam giáp với xứ Bangladesh. Bihar là tiểu bang có số dân đông hàng thứ tư, và lãnh địa rộng lớn vào hàng thứ 12 ở Ấn độ.                               

    

           Các thành phần ưu tú của bộ tộc Kalamas đều là thành phần trí thức. Họ có đầu óc hiếu tri, muốn tìm tòi, hiểu biết về tư tưởng, triết học và tôn giáo vào thời cổ xưa và đương thời. Nên họ thường thỉnh mời các vị Thầy, Đạo sư, các Hiền triết, các nhà tư tưởng đến thị trấn Kesaputta để thuyết giảng những tư tưởng, triết học, tôn giáo. Mỗi vị Thầy đã giảng về học thuyết triết học và cách thực hành học thuyết này của chính vị Thầy đó. Vị nào cũng kết luận rằng học thuyết và cách thực hành của mình là chân lý (truth) còn các học thuyết có trước hoặc đồng thời với họ đều sai. Các tư tưởng, triết học, tôn giáo của các vị Thầy này luôn luôn đối nghịch với nhau. Các vị ưu tú của bộ lạc Kalamas hoàn toàn phân vân không biết phải tin ai, họ chưa thể quyết định học thuyết nào mà họ phải chấp nhận và phải thực hành theo.
           Nhóm ưu tú này đã nghe tiếng Đức Phật là bậc giác ngộ, nên một hôm họ thỉnh mời Đức Phật đến thị trấn Kasaputta để thuyết giảng cho họ nghe.
           Bài thuyết pháp này thường được gọi là “Bài thuyết pháp cho những người Kalamas” (Discourse to the Kalamas) thường được gọi ngắn gọn là Kinh Kalama (Pa.Kalama sutta, Srt. Kalama Sutra).
               Bài Kinh Kalama  được chép trong “Tăng Chi Bộ Kinh”, ở tập I, trang 188 – 193 [Pa. Anguttara Nikaya, Av. Collection of Discourses from Gradual Savings]. Người Tàu dịch chữ Anguttaratăng chi có nghĩa là (các bài kinh ngắn) tăng lên từng cái một, theo từng thành phần.
              Anguttara Nikaya  là một trong 5 bộ Kinh (Nikaya) của Thượng Tọa Bộ (Theravada):
                           1.-Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya, Av. Collection of Long Discourses).
                           2.-Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya, Av. Collection of Middle- length Discourses).
                           3.-Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya).
                           4.-Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya, Av. Collection of Discourses from Gradual Savings).
                           5.-Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya, Av. Collection of Short Discourses).
    [Xem thêm : Biểu Nhất Lảm Tam Tạng Kinh Điển Phật giáo của NVT]

              Nhiều nhà Phật học Tây phương còn gọi Kinh Kalama là “The Buddha’s Charter of Free Inquiry” (Hiến Chương về Tự do Tra Vấn của Đức Phật).


II.-Phương pháp hoài nghi của Đức Phật:

       Bài Kinh Kalama được ghi chép lại như sau:
                  Sau khi đảnh lễ Đức Phật, một trong nhóm người ưu tú của bộ tộc Kalamas đã đưa ra vấn nạn của họ để nhờ Đức Phật giảng giải, người ấy kể rằng có nhiều  Thầy, Đạo sư, Hiền triết đã đến đây thuyết giảng. Vị nào cũng giảng học thuyết của mình là đúng và các học thuyết khác đều sai. Nhóm ưu tú này rất phân vân, họ không biết phải tin theo vị Thầy nào; và họ thỉnh cầu Đức Phật chỉ dạy để họ quyết định phải tin tưởng vị Thầy nào? Đức Phật trả lời:
                        -Này các vị Kalamas! Các vị có quyền phân vân, có quyền hoài nghi; đây là một điều đúng.
                     Rồi Đức Phật giảng tiếp:
                        -Này các vị Kalamas:
                              1.-Đừng tin vào bất cứ điều gì một cách dễ dàng bởi vì nó vừa được nghe qua.
                              2.-Đừng tin vào bất cứ điều gì một cách dễ dàng chỉ vì nó được nhiều người nói đến, được nhiều người đồn đãi.
                              3.-Đừng tin vào bất cứ điều gì một cách dễ dàng mà các đệ tử đã đọc được trong các sách giảng về một giáo điều, về một chủ nghĩa, về một tư tưởng triết học.
                             4.-Đừng tin vào bất cứ điều gì một cách dễ dàng chỉ vì điều đó được nói ra và được bênh vực bởi các bậc Thầy, các Đạo sư, bởi các bậc trưởng thượng được tôn trọng và được nhiều người tuân theo; hoặc điều đó được phát xuất từ nơi có uy quyền.
                            5.-Đừng tin một cách dễ dàng vào những tập tục, những định kiến (bias/ prejudices), những truyền thống (tradition) mà chúng đã được truyền đệ qua nhiều thế hệ.
                           6.-Đừng tin một cách dễ dàng vào một điều gì chỉ vì điều đó đã được lý luận và suy diễn cho rằng đúng.
                             [Giải thích: Lý luận suy diễn (the reasoning of logic) gồm có diễn dịch và quy nạp (deductive and inductive reasoning) có thể sai lầm khi căn cứ vào các dữ kiện (data) sai lầm, hoặc căn cứ vào các phương pháp (methods) sai lầm; hoặc dùng lý luận để lèo lái, để định hướng vào một mục đích vượt ra ngoài chân lý: chúng ta thường thấy các cuộc vận động chính trị (political campaigns), hoặc các cuộc tranh luận về tôn giáo (religious debate) thường áp dụng thủ thuật này.]
                       Này các vị Kalamas! Điều quan trọng nhất là các vị phải quan sát, phân tích và trải nghiệm tất cả các điều đó để xác định rằng điều gì tốt, điều gì là đúng, điều gì là sự thật, là chân lý, điều gì có ích cho người khác và cho chính bản thân mình. Sau đó, các vị hãy chấp nhận điều tốt ấy và sống theo điều nầy.

                  Để kết thúc bài thuyết pháp, Đức Phật đã thuyết giảng giáo pháp của Ngài:
-         Các vị phải dứt bỏ tham, sân và si (greed, hate and delusion).
-         Các vị phải phát triển tứ vô lượng tâm (the four immeasurable minds): từ, bi, hỉ và xả (love, compassionate, joy and equanimity) để tìm hạnh phúc trong cõi đời này; đây là điều cốt yếu cho bậc giác ngộ.
Thính chúng – nhóm ưu tú của bộ tộc Kalamas  tức là nhóm trí thức của bộ tộc này- nghe xong bài thuyết pháp, vị đại diện đã đứng lên cám ơn Đức Phật và hết lòng tán thán lời dạy của Ngài. Họ hứa sẽ thực hành lời dạy của Đức Phật. Nhiều vị trong nhóm ưu tú này đã xin quy y Tam Bảo.

III.-Bài học từ “Phương pháp hoài nghi của Đức Phật”:

              Đức Phật đã giảng Kinh Kalama cho nhóm ưu tú – nhóm trí thức- của bộ tộc Kalamas. Các vị trí thức này đã lắng nghe, đã hiểu và hứa sẽ thực hành lời dạy của Đức Phật.
                Nội dung của Kinh Kalama là “Phương pháp hoài nghi của Đức Phật” đã dạy cho chúng ta các điều sau đây:
                     -Đừng vội chấp nhận và tin một cách dễ dàng vào bất cứ điều gì. Chúng ta phải kiểm tra, phải tra vấn, phải phân tích để đánh giá điều đó, nếu điều đó đúng thì mới chấp nhận; ngay cả những lời dạy của Đức Phật nữa.
                    -Lời dạy của Kinh Kalama rất nỗi tiếng là sự khuyến khích tự do tra vấn (encouragementof free inquiry): từ hoài nghi, chúng ta phải tra vấn, phải vặn hỏi, đặt vấn đề để đi đến tìm hiểu chân lý. Đức Phật dạy: “Bạn hãy tự thắp đuốc mà đi.” (Be a lamp unto yourself). Kinh Kalama đã dạy một hành trình tâm linh của phương pháp hoài nghi là phải từ bỏ lòng cuồng tín (fanaticism) hay đức tin mù quáng (blind faith), sự cố chấp (bigotry), giáo điều (dogmatism) và sự không-khoan dung (in-tolerance). Tra vấn là kỷ luật tìm kiếm chân lý, trí tuệ và kiến thức. (the discipline of seeking truth, wisdom and knowledge).
                   -Kinh Kalama là một món quà tâm linh quý giá cho mọi người. Nguyên lý hoài nghi của Kinh Kalama thích hợp với mọi người, mọi nơi, mọi thời đại. Kinh Kalama là một lời tuyên bố cách mạng (a revolutionary statement) trong lịch sử tư tưởng triết học và tôn giáo.

Toronto, 18 March 2020.
Nguyễn Vĩnh Thượng            

                      Tài liệu tham khảo chính yếu:

 
-Bercholz, Samuel (edited) and  Kohn, Sherab Chodzin (edited), The Buddha and His teachings, Boston (Massachusetts, USA): Shambhala Publications Inc., (First published 1993), 2003.

-Bhikkhu Bodhi, A look at the Kalama Sutta, Sri Lanka: Buddhist Publication Society, 1998. Source: Internet.

-Bhikkhu Thanissaro (translated), Kalama Sutta: To the Kalamas, 1994. Source: Internet.

-Bloom, Alfred,  Emeritus Professor, Critical Thinking in Buddhism: The Kalama Sutta, Hawaii: University of Hawaii, Website: “Shin Dharma Net” supported by Buddhist Study Center, 2012.
 
-Hiriyanna, M., Outlines of Indian Philosophy, London: George Allen & Unwin Ltd, 1932.

-Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử Triết Học Đông Phương, gồm 5 tập, xuất bản ở Saigon:-
Tập I: NXB Linh Sơn, 1956; Tập II: NXB Linh Sơn, 1956; Tập III: NXB Đông Phương, 1956; Tập IV: Bộ Quốc Gia Giáo Dục Saigon, 1962; Tập V: Bộ Quốc Gia Giáo Dục Saigon, 1964.
              -in lại trọn bộ 5 tập do NXB TPHCM, 1991.

-Radhakrishman, S., Indian Philosophy, Published by S. K. Mookerjee,
                                Oxford: Oxford University Press, 1930.

-Sinha, J., Outlines of Indian Philosophy, Calcutta: J.N.Sen, 1985.

-Sharma, C., A Critical Survey of Indian Philosophy, Delhi: Motilal Banarsidass, 1977.

-Sideritis, Mark, Buddhism as Philosophy: an Introduction, USA: Hackett Publishing Company Inc., 2007.

- Suhas Chatterjee, Indian Civilization and Culture, New Delhi: MD Publications PVT Ltd, 1998.
-Thích Mãn Giác, Lịch sử Triết học Ấn độ, Saigon: Đại học Vạn Hạnh, 1967.
                            in lại
NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2007.
-Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya), Saigon: Viện Phật học Vạn Hạnh, 1980.

-Thích Quảng Liên, Sử cương Triết học Ấn độ, Saigon: tác giả x.b., bài cours cho sinh viên chứng chỉ Triết học Ấn độ, ĐHVK Saigon, 1965.

-Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật giáo Ấn độ, Saigon: Lê Thanh Thư xã, 1963.

 -Thích Thiện Hoa, Phật học Phổ thông từ khóa I đến khóa XII (gồm 12 quyển), đã xuất bản ở Saigon từ 1955 – 1964.
Tái bản: Phật Học Viện Quốc tế, Sepulveda, CA, USA, 1982.



Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

Phật giáo trong thời đại Internet và Công nghệ mới



         Gs. Nguyễn Vĩnh Thượng


                  Trong bài viết “Phật giáo trong thời đại Internet và Công nghệ mới” (Buddhism in the Internet Age and the New Technology Age” chúng tôi sẽ trình bày:
                       I.-Sống trong thời đại Internet Công nghệ mới (Living in the Internet Age and the New technology age of ):
                                              1.-Lịch sử Internet.
                                              2.-Các chương trình duyệt Web  (Web Browser Program).
                                              3.-Các sản phẩm của Google và các công ty khác.
                                              4.-Lợi và hại của Internet.
                                              5.-Một sản phẩm của công nghệ mới.
                                              6.-Kết luận về thời đại Internet và thời đại công nghệ mới.
                       II.-Phật giáo trong thời đại Internet Công nghệ mới (Buddhism in the Internet Age and the  New Technology Age ):
                                    A.-Phật giáo trong thời đại Internet:
                                                1.-Các trang mạng Phật giáo, các thư viện điện tử Phật giáo, các Tăng đoàn ảo, các Chùa chiền ảo, việc quảng bá công tác xã hội ở nhà chùa.
                                                2.-Giáo dục Phật pháp điện tử.
                                     B.-Phật giáo trong thời đại Công nghệ mới.
                                                 1.-Các công nghệ thiền định (Contemplative technologies).
                                                 2.-Robot nhà sư.

                                     C.-Kết luận về Phật giáo trong thời đại Internet và  Công nghệ mới.

I.- Sống trong thời đại Internet và thời đại công nghệ mới:
               1.-Lịch sử Internet:
                   ARPANET(1), tiền thân của mạng INTERNET(2), ra đời vào tháng 11 năm 1969.
                 Vào tháng giêng năm 1983, ARPANET chia sẻ giao thức TCP/IP(3)    cho đến ngày nay để cung cấp năng lượng cho Internet hiện đại. Cả hai công nghệ này đã trở thành nền tảng kỷ thuật của Internet.
         [Chú thích:
                  (1) ARPANET =Advanced Research Projects Agency Network (Mạng lưới của cơ quan quản lý dự án nghiên cứu phát triển) được phát triển bởi Bộ Quốc Phòng Mỹ (The United States Department of Defense). Đây là mạng lưới khu vực rộng lớn (Wide Area Network)
đầu tiên.
                   
Wide Area Network (viết tắt: WAN) là một dạng viễn thông có thể kết nối nhiều thiết bị từ nhiều địa điểm ở trên toàn cầu. Hiện nay, WAN là những hình thức mạng lưới của máy tính lớn nhất và mở rộng nhất. Có nhiều hình thức mạng lưới khu vực khác nhau, nhưng một trong những mạng phổ biến nhất bên ngoài mạng WAN là “Mạng lưới khu vực cục bộ” (the Local Area Network, viết tắt LAN). Mạng LAN tồn tại trong một khu vực hạn chế. Mạng LAN có thể được sử dụng để truy cập một mạng LAN  lớn hơn , chẳng hạn như Internet, nhưng chỉ ở trong khu vực mà cơ sở hạ tầng của LAN có thể tiếp cận được. Một thí dụ phổ biến là các mạng không dây (Wireless Network). Các hình thức khác của mạng viễn thông bao gồm:
                                        -Personal Area Networks (PAN, Mạng khu vực cá nhân).
                                        -Metropolitan Area Networks (MAN, Mạng khu vực Đô thị).
                                        -Internet Area Networks (IAN, Mạng khu vực Internet).
                     (2) INTERNET ( International Network, Mạng lưới liên kết tất cả các mạng) là mạng lưới liên kết tất cả các mạng lưới thông tin toàn cầu. (Internet is interconnected network of all the Web serves worldwide). Internet là mạng lưới của các mạng lưới. Internet là sự nối kết tất cả các máy tính điện tử vào mạng lưới trung tâm (central network). Nói khác, Internet là một hệ thống toàn cầu nối kết các mạng của các máy tính điện tử bằng cách sử dụng bộ giao thức Internet “TCP/IP” để liên kết hàng tỷ thiết kế điện tử toàn cầu.
                     (3) TCP/ IP: 
                                  -TCP ( Transmission Control Protocal, Giao thức điều khiển sự truyền thông) là bộ giao thức truyền thông được sử dụng để kết nối máy chủ trên Internet.
                                  - IP (Internet Protocol, Giao thức Internet).
                           Có rất nhiều giao thức (protocols) mà TCP và IP là hai giao thức chính của bộ giao thức Internet.]

         Năm 1991, Tim Bernes Lee, ở Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên tử Âu Châu CERN (CERN là European Organization for Nuclear Research) phát minh ra WORLD  WIDE  WEB (viết tắt WWW, hay Web hay Blogger) . WWW là mạng lưới toàn cầu tức là một không gian thông tin toàn cầu mà mọi người có thể đọc và viết qua các máy tính nối kết với mạng lưới Internet. Nói khác, người ta có thể truy cập và trao đổi thông tin một cách dễ dàng. Web là một dịch vụ điện tử chạy trên Internet, ngoài Web ra chúng ta còn có nhiều dịch vụ khác chẳng hạn như Email (Electrical mail, điện thư).
          Năm 1994, kỷ niệm 25 năm ra đời của ARPANET, WWW đã trở thành dịch vụ phổ biến. Những hình ảnh Video điện tử đầu tiên được truyền đi trên mạng Internet.
          Cũng trong năm 1994, Tim Bernes Lee phát minh ra URL  (Uniform Resource Locator, Bộ định vị tài nguyên thống nhất) . URL là địa chỉ trang Web của một tài nguyên, có thể là một trang Web đặc biệt (a specific Web Page), hay một tập hồ sơ (file) trên Internet.

                2.-Các chương trình duyệt Web  (Web Browser Programs):
                       Hiện nay, các chương trình duyệt Web thông dụng là:
                             -Internet Explore, Microsoft Edge của Microsoft có sẳn trong Microsoft Windows.
                             -Mozilla Firefox của Mozilla.
                             -Google Chrome của Google.
                               v… v…





Thứ Ba, 17 tháng 12, 2019

Phụ nữ trong Phật giáo




 Gs. Nguyễn Vĩnh Thượng


           Tăng đoàn (Shanga) Phật giáo gồm có Tu sĩ và Cư sĩ. Tu sĩ gồm có Nam tu sĩ/ Tăng/Tì-kheo  và Nữ tu sĩ/Sư Cô/Tì-kheo ni là hai chúng xuất gia, có nhiệm vụ truyền giáo, hoằng dương chánh pháp. Cư sĩ gồm có Nam cư sĩ và Nữ cư sĩ là những vị chấp nhận và thực hành giáo lý của Đức Phật nhưng họ vẫn giữ đời sống thế tục, là hai chúng tu tại gia có nhiệm vụ hộ trì chánh pháp.
            Thuật ngữ Phật giáo gọi 4 nhóm trên là tứ chúng.    
             Trong bài viết “Phụ nữ trong Phật giáo” (Women in Buddhism), chúng tôi sẽ trình bày:
                    I.-Phụ nữ trong cộng đồng các tu sĩ Phật giáo.
                    II,-Phụ nữ trong cộng đồng các cư sĩ Phật giáo.

I.-Phụ nữ trong cộng đồng các tu sĩ Phật giáo:

          Theo truyền thuyết, Thái tử Siddhartha được sanh ra từ bên hông phải của Hoàng hậu Maya để tránh khỏi sự dơ bẩn (pollution) của con đường sanh sản thông thường (birth canal). Hoàng hậu Maya từ trần sau khi sanh Thái tử Siddhartha có 7 ngày. Thái tử được bà Prajapati, em gái của Hoàng hậu Maya, trông nôm nuôi nấng.

          Sau khi Đức Phật lịch sử đắc đạo khoảng 5 năm, bà Prajapati (có tên đầy đủ là Maha-Prajapati Gotami) cùng với một nhóm phụ nữ tháp tùng theo bà đã đến gặp Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ( Shakya Muni Buddha) và thỉnh cầu cho họ được xuất gia để làm nữ tu sĩ/Sư cô (Srt. Bhiksuni, Pali Bhikkhuni, Av. Ordained nun). Thoạt tiên Đức Phật đã từ chối lời thỉnh cầu này. Bà Prajapati vẫn kiên nhẫn tiếp tục thỉnh cầu lần thứ hai rồi đến lần thứ ba . . . Đức Phật vẫn từ chối lời thỉnh cầu của bà Dì, chính là mẹ nuôi của mình. Nhưng sau đó, Ngài Ananda, một đệ tử thân cận Đức Phật, nhân danh bà Prajapati đã nhiều lần trình và thỉnh cầu sự chấp thuận của Đức Phật để nữ giới được xuất gia. Rồi cuối cùng, Đức Phật đã chấp thuận thỉnh cầu này. Bà Prajapati là phụ nữ đầu tiên được chấp nhận vào Tăng đoàn Phật giáo. Sự do dự của Đức Phật có lẽ vì phong tục xã hội Ấn độ lúc bấy giờ không chấp nhận người thanh niên sống đời sống độc thân, nhất là người phụ nữ độc thân.
                 Đức Phật dạy rằng: “Phụ nữ thì bình đẳng với đàn ông trong khả năng giác ngộ” (Women were equal to Men as regards the ability to attain enlightenment). Như vậy “sự giác ngộ” không liên hệ gì đến giới tính của người tu tập. Từ đây người phụ nữ Ấn độ được phép rời bỏ cuộc sống bình thường để xuất gia và trở thành thành viên của cộng đồng tu sĩ Phật giáo. Đã có 500 phụ nữ xuất gia theo bà Prajapati, trong số đó có bà Yasodhara là người vợ của Thái tử Siddhartha trước khi Ngài xuất gia.


Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

Quan niệm về Bardo của Phật giáo Tây Tạng


 Gs Nguyễn Vĩnh Thượng


           Trong bài “Quan niệm về Bardo của Phật giáo Tây Tạng” (Bardo concepts of Tibetan Buddhism), chúng tôi sẽ trình bày:
              I.- Dẫn nhập và định nghĩa: Bardo.
                II.- Sáu giai đoạn của Bardo:
                        1.-“Bardo” của đời sống.
                        2.-“Bardo” của giấc mộng.
                        3.-“Bardo” của thiền định.
                        4.-“Bardo” của cận tử.
                        5.-“Bardo” của cõi sáng/ “Bardo của bản tánh tối thượng.
                        6.-“Bardo của sự tái sanh.

 
I.-Dẫn nhập và định nghĩa: Bardo:    
             Mật Tông (Hán. 密宗, Srt. Tantra) được thành lập vào thế kỷ thứ VII ở vùng Nam Ấn độ, được phát triển nhất vào thời Vương triều Pala (750 – 1150) ở Bengale; Mật tông có bộ kinh căn bản là Đại Nhật Kinh (Mahavairocana Sutra). Vua Dharmapala (thế kỷ VII) đã xây tu viện Vikramasila để làm trung tâm truyền bá Mật tông/ Mật giáo. Mật tông chia làm hai phái: Chân Ngôn Thừa (Mantrayana) và Kim Cương Thừa (Vajrayana). Mật tông được truyền qua Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng, Việt Nam . . . Mật tông phát triển mạnh nhất ở Tây Tạng. Mật tông được truyền vào Tây Tạng vào cuối thế kỷ thứ VIII dưới thời vua Tisongdetsen (740 – 786). Trước đó Tây Tạng có đạo Bon là tôn giáo truyền thống của dân Tây Tạng (Tibetan Bon tradition). Mật tông hòa hợp với Phật giáo Phát triển/Đại thừa và đạo Bon sẳn có ở Tây Tạng để thành lập “Lạt-ma giáo”. Mật tông sử dụng thần chú/ chân ngôn (Srt. mantra) có ảnh hưởng mạnh nhất trong Phật giáo Tây Tạng.
        Chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của chữ Bardo căn cứ vào các kinh văn bí truyền của Phật giáo Tây Tạng [the meaning of Bardo based on esoteric scriptures (tantra) of Tibetan Buddhism].
       Phật giáo Tây Tạng có nhiều loại kinh điển, đặc biệt tàng lục là những kinh văn được trước tác, và được chôn giấu để người đời sau tìm ra theo thông báo vào một thời điểm nhất định. Bộ tàng lục nổi tiếng nhất là bộ “Bardo Thodol” (Tử Thư).
      Bardo  là tiếng Tây Tạng đồng nghĩa với tiếng Sanskrit là antarabhava; Tàu dịch là trung hữu (Hán中有 , Av.intermediate existence/ transitional state/ in-between state)  hoặc trung ấm   chữ này thường dùng trong Phật giáo Việt Nam và Nhật Bản. “Bardo” là một thuật ngữ của Phật giáo Tây Tạng để chỉ trạng thái trung gian, một tình trạng chuyển tiếp, giữa sự chết và lần tái sanh tiếp theo. Nói khác,  chúng sanh trong giai đoạn chuyển tiếp  di chuyển từ thân xác đang hiện hữu này để đến thân xác  của cuộc đời sau. Có nhiều nhóm Phật tử thuộc trường phái Phật giáo Nguyên thủy không chấp nhận sự hiện hữu của tình trạng trung hữu/ trung ấm tức là họ không chấp nhận quan niệm về Bardo, điểm đáng lưu ý là tiếng Bardo chỉ xuất hiện sau khi Đức Phật lịch sử nhập Đại Niết-bàn. Nhưng cũng có nhiều trường phái Phật giáo khác chấp nhận quan niệm này. Đặc biệt, Kim Cương Thừa hay Mật giáo chấp nhận quan niệm về “Bardo”,  đã viết nhiều kinh sách bí truyền về Bardo. Trong Phật giáo Tây Tạng, “Bardo” là luận đề chính yếu của quyển “Bardo Thodol”, một kinh văn quan trọng của Kim Cương Thừa.
        Bardo Thodol có nghĩa là “Giải thoát qua việc nghe trong tình trạng trung ấm/trung hữu” (Av. Liberation through hearing during the Intermediate State).
        Thodol tiếng Tậy Tạng đồng nghĩa với tiếng Sanskrit là bodhi, có nghĩa là giải thoát (
Av. liberation/ awakening/ enlightenment) cũng đồng nghĩa với tiếng Sanskrit là nirvana (Hv phiên âm niết-bàn, Av. blowing out/ the extinction of illusion).
        Bardo Thodol là bộ tàng lục được Đại sư Tây Tạng Padmasambhaya sáng tác vào thế kỷ thứ 8, được chép lại bởi một đệ tử thân cận với Ngài là Yeshe Tsogyal. Quyển sách này được chôn ở ngọn đồi Gampo tọa lạc ở miền trung nước Tây
Tạng. Quyển sách này được khám phá bởi Sư Tây tạng Karma Lingpa vào thế kỷ thứ 14.




Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

Hành trình Tâm linh để sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.


Gs Nguyễn Vĩnh Thượng


    Hành trình Tâm linh để sống một Cuộc sống tốt đẹp hơn” (Spiritual Journey to living a better life”: Sống một cuộc sống an bình là chìa khóa để có một cái chết bình yên.
      Cuộc đời vốn vô thường. Vô thường trong từng giây, từng phút, từng sát-na (Srt. ksana, đơn vị thời gian ngắn nhất), mọi vật đều biến đổi không ngừng. Theo Phật giáo, đời người trải qua sanh, lão, bịnh, tử. Hể có sanh thì có sự kết thúc bằng cái tử.
      Như vậy, ai rồi cũng chết, nói chung tất cả chúng sanh đều chết, chúng ta đều đi đến cái chết. Mỗi giây phút là chúng ta đi gần tới cái chết. Khi chết, người ta bỏ lại tất cả: bỏ lại thân xác mình, bỏ lại của cải của mình, bỏ lại gia đình, bỏ lại bạn bè thân thuộc, bỏ lại quyền lực . . .
       Con người, nói chung, tin rằng mình phát xuất từ Đấng Tối Cao và cảm nhận chết không phải là hết mà chỉ là “qua đời” này để bước vào “đời sau.”

       Tín hữu Ki-tô-giáo thì tin rằng sau khi tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va nghe theo lời cám dỗ của Ma-quỷ, phạm tội, thì sự chết là cái giá phải trả của tội lỗi, không ai có thê tự cứu mình bằng công đức của mình bởi vì công đức của loài người tựa như “áo nhớp” dưới mắt Đức Chúa Trời. Nhưng Ngài đầy lòng thương xót: Đấng Cứu Thế (còn gọi là Ki-tô hay Cơ-đốc) giáng sanh làm người vô tội chịu chết thế tội cho bất cứ ai nhận ơn cứu chuộc đó. Ấy là bởi đức tin, không phải bởi công đức, mà được trở về một cách an bình với Thiên Chúa, về nhà Cha sống vĩnh viễn phước hạnh. Tuy nhiên, các tín hữu Ki-tô hay Cơ-đốc-nhân làm việc lành suốt cuộc đời mình, không phải là làm “từ thiện” mà là làm việc theo “ý muốn tốt lành” của Đức Chúa Trời. Ngài ban sự sống miễn phí cho mọi người thì Ngài cũng ban sự sống phước hạnh miễn phí cho bất cứ ai chịu nhận.
     
      Chúng ta là những Phật tử bình thường, chúng ta tin rằng “nghiệp lực” sẽ ảnh huởng đến đời sống của kiếp sau khi tái sanh. Bởi thế nên chúng ta luôn cố gắng tạo nên các nghiệp tốt. Chúng ta thể hiện lòng từ bi đối với mọi người, mở lòng bố thí người nghèo khó, đối xử tốt với mọi người, chia sẽ những hiểu biết, tiền bạc theo khả năng; bởi vì tài sản, của cải thì phù du; không đấu đá tranh giành quyền lực hảm hại lẫn nhau . . . Như vậy, chúng ta thực hành được một cuộc sống tốt đẹp, sống một đời sống tử tế.
     Khi tạo được các nghiệp tốt trong cuộc đời này tức là chúng ta đã chuẩn bị cho một cuộc tái sanh ở đời sau được tốt đẹp. Nói khác chúng ta đã chuẩn bị cho một cái chết tốt đẹp bằng cách thực hành một cuộc sống tốt đẹp trong cõi đời này để kiếp sau sẽ tái sanh trong một hoàn cảnh tốt đẹp.
     Đức Dalai Lama XIV, trong lời tựa của cuốn sách: “Advice on Dying and Living a Better Life” đã viết:
       
Là một Phật tử, tôi coi cái chết như là một tiến trình bình thường, một thực tế mà tôi chấp nhận sẽ xảy ra cho đến khi nào tôi còn tồn tại trên trái đất này. Biết rằng tôi không thể thoát khỏi nó, tôi thấy không có gì phải lo lắng về nó. Tôi có khuynh hướng nghĩ về cái chết chẳng khác nào như các việc thay đổi quần áo khi chúng đã cũ và rách hơn là một sự chấm dứt sau cùng. Tuy nhiên cái chết không thể đoán trước được: chúng ta không biết khi nào nó đến hoặc nó sẽ diễn ra như thế nào. Vì vậy chỉ có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhất định trước khi nó thực sự xảy ra. Một cách tự nhiên, hầu hết chúng ta đều muốn có cái chết an bình, nhưng điều rõ ràng rằng chúng ta không thể hy vọng chết một cách an bình nếu cuộc sống của chúng ta đầy bạo lực,  hay nếu tâm thức chúng ta bị kích động bởi các cảm xúc như giận dữ, quyến luyến hay sợ hải. Vì vậy nếu chúng ta muốn chết một cách an bình thì chúng ta phải học cách sống thế nào cho tốt: hy vọng một cái chết an bình  thì chúng ta phải  tích dưỡng an bình trong tâm trí và trong cách sống của chúng ta.”
 
  (As a Buddhist, I view death as a normal process, a reality that I accept will occur as long as I remain in this earthly existence. Knowing that I cannot escape it, I see no point in worrying about it. I tend to think of death as being like changing your clothes when they are old and worn out, rather than as some final end. Yet death is unpredictable: We do not know when or how it will take place. So it is only sensible to take certain precautions before it actually happens. Naturally, most of us would like to die a peaceful death, but it is also clear that we cannot hope to die peacefully if our lives have been full of violence, or if our minds have mostly been agitated by emotions like anger, attachment, or fear. So if we wish to die well, we must learn how to live well: Hoping for a peaceful death, we must cultivate peace in our mind, and in our way of life.)
         (Dalai Lama XIV)
  
  
Tài liệu tham khảo chính yếu:
-Dalai Lama XIV, (Jeffrey Hopkins, Ph. D. translated & Edited), Advice on Dying and Living a Better Life, Ebury Publishing, 2004.
-Nguyễn Vĩnh Thượng,
bài viết: Đạo đức Phật giáo, Toronro: Website An Phong An Bình, 2019.