marque

*** Chào mừng bạn đang ghé thăm trang web An Phong An Bình***

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

ĐHVK Sài Gòn trong hồi ức

Tác giả: Không biết tên 

Giữa không khí nóng bỏng của thời cuộc những năm 1966-68, thế hệ “tuổi hai mươi” của một số anh chị em chúng tôi lúc bấy giờ còn may mắn được ngồi trên ghế nhà trường: Khoa Triết Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ở đó, những đầu óc măng tơ được êm đềm “dẫn vào Triết học”, được khuyến khích “nhập môn” (chứ chưa dám nói đến “nhập thất”) vào một thế giới lạ lùng, bí hiểm nhưng cũng đầy quyến rũ gợi lên bao “thao thức”, “trăn trở”, “suy tư” của tuổi trẻ. Và nhất là, lại được “dẫn vào”, được “nhập môn” bằng chính những bàn tay êm ái của nhiều vị Thầy khả kính với các phong cách khác nhau. Muốn tìm “lối vào” triết Đông ư ? Chúng tôi có Thầy Nguyễn Đăng Thục uyên bác và bừng bừng tâm huyết (trong một giờ học, Thầy chỉ mạnh tay vào một quyển sách chữ Hán – hình như là quyển “Đạo giáo nguyên lưu” - rồi gằng giọng hỏi: “thế hệ chúng tôi mất rồi, ai trong các anh chị còn đọc được những quyển sách này ?”); có Thầy Kim Định bay bổng, Thầy Nguyễn Duy Cần cặm cụi, Thầy Lê Xuân Khoa hào hoa... Còn triết Tây ? Chúng tôi có Thầy Nguyễn Văn Trung (những vấn đề cơ bản, Marx), Thầy Lý Chánh Trung (đạo đức học), Thầy Lê Thành Trị (Husserl, Sartre...)... Nhưng, “sợ” nhất vẫn là Thầy Nguyễn Văn Kiết ! Thầy nổi tiếng nghiêm khắc, lại dạy rất khó.  

Bốn tác giả lớn nhất và khó nhất của triết học cổ điển Đức (Kant, Fichte, Schelling, Hegel) được Thầy dồn lại trong một “cours” (giáo trình) chỉ ngót trăm trang, đọc muốn vỡ đầu mà chỉ có thể hiểu được lỏm bỏm. Mà nào phải chỉ cần đọc để tìm hiểu thôi đâu, còn “phải học” để đi thi nữa chứ; thi hỏng thì... “Thủ Đức” đang chờ sẵn ! (Chắc vì biết thế nên Thầy Lý Chánh Trung ít khi nào “nỡ” đánh hỏng chúng tôi ! Tệ lắm thì được nghe Thầy nhắc nhẹ: “Anh có đi nghe cours tôi không ?” rồi cho 10 điểm trung bình !). Cho đến một hôm, khi đang giảng về Fichte với các bài “Diễn văn cho dân tộc Đức” nổi tiếng hùng hồn trước cuộc tấn công của Napoleon, Thầy Kiết nhìn chúng tôi và trầm ngâm: “Tình hình hiện nay, ai sẽ là người đọc “Diễn văn cho dân tộc Việt” ? Câu hỏi ngắn nhưng gây chấn động tâm tư, vì đến từ một người Thầy tưởng như không hề quan tâm đến thế sự! Chúng tôi càng bất ngờ nhưng rồi cũng hiểu được tại sao sau Tết Mậu Thân 68, Thầy, lúc ấy đã lớn tuổi và sức khỏe yếu nhiều, đã lặng lẽ chia tay chúng tôi vào tham gia kháng chiến(1). Tôi không hiểu hết những lời Thầy dạy về Kant... (dù nhờ ơn Thầy mà lần đầu tiên được nghe những từ đầy “mê hoặc”: siêu nghiệm, võng luận, Antinomie...), nhưng Thầy đã ghi đậm lên tim tôi cái lẽ phải thông thường chẳng cần “triết lý “ cao xa: “quốc gia hưng vong...”. Công ơn Thầy lớn quá! 

Thầy Lê Thành Trị một hôm cầm quyển “Phê phán Lý tính thuần túy” (bản dịch tiếng Pháp) dày cộm, nâng cao lên cho chúng tôi thấy, rồi nói: “Các Ông các Cô” [Thầy luôn cố ý gọi chúng tôi như thế để tỏ lòng tôn trọng sinh viên trong “môi trường” đại học] học Triết học chuyên nghiệp thì phải đọc hết quyển này !”. Nghe lời Thầy, tôi tìm đến “Thư viện quốc gia” ở đường Gia Long (bây giờ là “Thư viện Khoa học xã hội” ở đường Lý Tự Trọng) rón rén mượn quyển sách... xem thử. Bác thủ thư nhận thẻ, ngước nhìn tôi bằng cặp mắt nghi ngờ, nhưng rồi cũng chịu khó xuống kho lục tìm. Ngót 15 phút sau, tôi mới được cầm trên tay quyển sách nặng trịch, bám bụi, trịnh trọng tìm một góc ngồi thật êm ái ở hành lang cổ kính, rồi dỡ ra... đọc. Lật tới lật lui năm bảy lần, thử ráng đọc vài đoạn mới biết sức mình có hạn, trong khi ngoài cửa sổ kia, hàng me xanh quá, và chiều Sài Gòn thơ mộng quá ! Cố ngồi náng thêm nửa tiếng đồng hồ mới dám... rón rén mang trả chỉ vì sợ gặp lại ánh mắt của bác thủ thư! May sao, chẳng biết nhờ đâu, tôi tìm đọc được bài giảng của Thầy Trần Thái Đỉnh – hình như là bài giảng của Thầy ở Đại chủng viện Xuân Bích -, sau này được in và công bố (“Triết học Kant”, NXB Văn Mới, 1974). Tôi không may mắn được Thầy trực tiếp dạy về Kant. Ở “Văn khoa”, chúng tôi chỉ được nghe Thầy giảng về triết học hiện đại, và cũng là lần đầu tiên được nghe Thầy giới thiệu về thuyết cấu trúc (bấy giờ gọi là “Cơ cấu luận”) mà nay chỉ còn nhớ được đôi câu trích dẫn đầy “ấn tượng”: “Chúng ta không nói mà bị nói; không làm mà bị làm” v.v.. của những F. Saussure, C.L.Strauss... mới toanh ! Nhờ Thầy, chúng tôi được biết ít nhiều về triết học hiện đại, nhưng với riêng tôi, bài giảng về Kant của Thầy nói trên thật đã “cứu nguy” đúng lúc để giúp tôi phần nào hiểu được “cours” hóc búa của Thầy Nguyễn văn Kiết và nhất là khóa giảng rất khó và rất sâu của Thầy Lê Tôn Nghiêm về quyển “Kant và vấn đề Siêu hình học” của M. Heidegger. Không hiểu Kant, làm sao hiểu nỗi M. Heidegger bàn gì về Kant ! Từ đó và mãi đến hôm nay, quyển “Triết học Kant” của Thầy Trần Thái Đỉnh (cùng với hai bản dịch rất quý của Thầy về Descartes: “Luận văn về phương pháp”/“Discours de la methode” và “Những suy niệm Siêu hình học”/“Meditations métaphysique”, 1962) và quyển “Kant và vấn đề Siêu hình học” của Thầy Lê Tôn Nghiêm luôn theo sát bên tôi không chỉ như kỷ vật đáng nâng niu của một thuở hoa niên mà còn như hai vị Thầy lặng lẽ, lúc nào cũng ở bên cạnh mình để sẳn sàng chỉ dạy mỗi khi cần ôn lại một định nghĩa, tìm cách dịch một thuật ngữ nào đó. Gần đây, khi dịch và chú giải quyển “Phê phán Lý tính thuần túy” của Kant (NXB Văn học 2004) (ôi, quyển sách đầy kỷ niệm trong tay Thầy Lê Thành Trị thuở nào !), tôi đã trộm phép Thầy Trần Thái Đỉnh để sử dụng lại một số thuật ngữ tiếng Việt quan trọng được Thầy dùng để dịch Kant mà đến nay tôi vẫn chưa tìm thấy cách dịch nào tốt hơn: “niệm thức” (Schema), “Ý thể” (das Ideal), “Phân tích pháp” (Analytik) v.v.., để chỉ xin đơn cử một hai ví dụ.
 

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Đường vào muà đông


Vạt nắng cuối thu rưng rưng. Bản tình ca cuối mùa thu gợi thương gợi nhớ. Cho dài nỗi nhớ mơ hồ. Theo từng hoa tuyết đầu mùa… bay… buồn. Dòng thời gian...một giấc mơ. Bể dâu chìm nổi. Tôi đứng nơi nầy mơ về quê nhà. Dấu xưa mờ nhân ảnh. Qua màn tuyết. Đưa tay mong giữ thời gian lại. Trong cõi mù sương còn ai ngóng trông. Tôi bỏ quên nụ cười theo ngọn gió cuối thu. Chiếc lá bay, mang giấc mộng tôi đi mất. Tiếng ai hát buổi chiều tàn thu, bạc mái đầu, bùi ngùi. Tình yêu đầu…trong đôi mắt mỏi. Ngạt ngào hương hồi ức mênh mông. Hàng cây trơ cành bở ngỡ nhìn chiếc lá, nằm lặng im trên nền tuyết tinh anh. Quay đầu nhìn lại, tìm trong đống ký ức chập chờn từng cái cũ cái mới, nhập nhằng, chồng chất, cõi nhớ quên. Trong cô đơn tôi thầm gọi tiếng Mẹ. Vòng tay nào, ánh mắt nào, ru tôi trong chiều nay. Ru tôi trong suốt khoảng đời lưu lạc. Ngày ấu thơ mở khép trong hồn. Ơi cơn mê của tôi! Thời gian tan như tuyết. Cả một trời giá lạnh vào đông.
Trầm Hương Ptt

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Điếu Văn Tiễn Đưa GS TS Nguyễn Thanh Liêm

Kính thưa các bậc trưởng thượng
Kính thưa quý vị giáo sư và quan khách
Kính thưa quý huynh đệ CHS Petrus Ký
Kính thưa bà Nguyễn thanh Liêm và tang quyến  

Thay mặt cho các đồng môn Petrus Ký  miền Nam California chúng tôi xin được chia sẻ nỗi đau đớn với cô và gia đình  trước sự ra đi vĩnh viễn của cố GS Nguyễn thanh Liêm, người thầy đáng kính của chúng tôi. Đây là một mất mát lớn lao cho cộng đồng VN hải ngoại, cho các CHS các trường trung học VN và cho gia đình của cố giáo sư, vì khi sống đối với Quốc gia GS luôn quan tâm đến hiện tình đất nước, tranh đấu cho Tự  Do Dân Chủ  đến hơi thở cuối cùng ... Đối với gia đình, GS là người chồng hiền hoà, mẫu mực, là người cha đáng kính, lo lắng cho các con. Đối với học sinh, cố giáo sư  chủ trương  đề cao tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo  nên khi ra đi GS đã để lại một di sản quý  báu cho mọi người, rất đáng ngưỡng mộ và hãnh diện. Xin cô và tang quyến bớt bi lụy đau buồn, hãy cầu nguyện để hương linh Phật tử  Quảng trí Thanh  ung dung tự tại nơi miền Cực Lạc, nhất là cô và gia đình hãy giữ gìn sức khoẻ, giúp chúng tôi tiếp nối những việc làm cố GS còn bỏ dỡ.

Nay xin phép cô, gia quyến và quý vị cho chúng tôi có đôi lời tiễn biệt với cố Giáo Sư, vị thầy mến yêu của chúng tôi. 

Kính thưa thầy, 
Tiếng thầy nghe thân thương và quen thuộc với tình thầy trò mình đã gắn bó suốt mấy mươi năm.

Dù biết rằng đời là Vô thường, và sự ra vào nhà thương như cơm bửa của thầy gần đây khiến chúng em biết sẽ có ngày hôm nay, nhưng sự ra đi của thầy cũng làm chúng em vô cùng đau xót. Từ nay còn đâu những buổi họp mặt vui vẻ, những buổi cơm thân mật tràn đầy tiếng cười, ấp đầy những lời dạy bảo.

Chúng em vẫn nhớ  ngày xưa trong những  giờ học Việt văn thầy đã khéo léo dùng thơ  Nguyễn công Trứ  để khuyên dạy chúng em làm người mà chúng em vẫn còn khắc ghi trong tâm khảm:         
          

                     Đã mang tiếng ở trong trời đất
                     Phải có danh gì với núi sông. 

Và trong mỗi kỳ họp mặt với Hội Ái Hữu Petrus Ký thầy thường nhắc nhở tới hai câu đối trước cổng trường mình:    
          

                Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt
                Tây Âu khoa học yếu minh tâm. 

Thầy đã làm tròn nhiệm vụ của người thầy với học trò, của người trai nước Việt, một công dân gương mẫu với tổ quốc Việt Nam:      
                     

                   Làm trai cho đáng nên trai,
                   Xuống đông, đông tĩnh, lên đoài, đoài tan. 

cho nên  học trò thầy đa số đều thành đạt, không thành danh cũng thành nhân, làm rạng danh thầy rồi. Sống là gửi, thác là về, thầy hãy yên tâm thanh thản ra đi về vùng đất mẹ, về Mỹ Tho bên giòng sông Cửu Long êm ả thanh bình.

Thầy đã lìa xa chúng em đúng ngày rằm tháng 07, ngày đại lễ Vu Lan mà các Phật tử, các chùa chiền đã dùng lời kinh tiếng mỏ chú tâm cầu nguyện cho các vong nhân. Rồi đây trong mùa Báo Hiếu hằng năm danh sách được cầu siêu độ sẽ có thêm tên thầy: Phật tử Quãng Trí Thanh. 

Thầy thương yêu ơi! 
Cám ơn thầy khi sinh tiền đã răn dạy chúng em không những dưới mái trường trung học mà còn ở trường đời, nay dù thầy đã ra đi nhưng những kỷ niệm, những lời dạy dỗ khuyên lơn của thầy sẽ là kim chỉ nam, là ngọn đuốc hướng dẩn chúng em sống sao cho phải đạo làm người ở cỏi Ta Bà này.                  

               
Xin Vĩnh Biệt thầy ... 
Kính chào toàn thể tang quyến và quý vị. 

Westminster, ngày 04 tháng 9 năm 2016

Trần vĩnh Trung (Petrus Ký 1956 - 1963)
Hội Phó, Đại diện Hội Ái Hữu Petrus Ký  Nam California



       Trần Vĩnh Trung, người thứ hai từ trái, và các bạn cựu học sinh Petrus Ký trong đám tang Thầy Nguyễn Thanh Liêm ngày 04 tháng 9, 2016 tại Nam California.
 
 
         Phan Tấn Ngưu (Petrus Ký 1960-1963), người thứ nhất từ trái, đến viếng tang lễ Thầy Nguyễn Thanh Liêm ngày 04 tháng 9, 2016 tại Nam California
 

 



 







Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

Thương tiếc GS Nguyễn Thanh Liêm của Thầy Trần Thành Minh

Vô cùng thương tiếc hay tin GS Nguyễn Thanh Liêm vừa từ trần ngày 17-8-2016 hưởng thọ 84 tuổi.
Tôi và giáo sư Liêm cùng học Petrus Ký năm 55-56, anh Liêm học lớp Philo (ban Triết), tôi học lớp Math Elem (Ban toán) cùng với GS Lê Văn Đặng. Sau tốt nghiệp sư phạm chúng tôi về dạy trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký năm 1958.
Rất đau buồn khi mất đi một người bạn đồng môn và người bạn đồng nghiệp thân thương.
Vì ở xa nên không đến phúng viếng được, xin các bạn đốt dùm tôi nén hương trước linh cửu Anh Nguyễn Thanh Liêm, chia buồn cùng tôi với gia đình Anh Liêm và cầu chúc linh hồn Anh Liêm sớm siêu thoát nơi miền cực lạc.

Trần Thành Minh
Cựu học sinh và cựu GS Petrus Ký

Bài liên hệ:
Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, Người Bạn Đồng Môn và Bạn Đồng Nghiệp của Tôi tại Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký - Bài viết của GS Trần Thành Minh

Nguồn: Petrus Ky-LHP   http://www.petruskylhp.org/

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

GS TS Nguyễn Thanh Liêm từ trần tại Quận Cam


QUẬN CAM (VB) -- Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Thứ Trưởng Bộ Giáo dục VNCH đã qua đời lúc 1:50PM hôm Thứ Tư trong Hospital Kaiser Irvine, Quận Cam.

GS Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm trên giấy khai sinh ghi ra đời năm 1934 tại Tân Hội Mỹ, Mỹ Tho, nhưng lớn lên tại làng Phú Túc, quận Bình Đại sau này lại thuộc về quận Hàm Long, tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre).


Xem tiếp, mời bấm vào đây:  GS TS Nguyễn Thanh Liêm
Nguồn: Việt Báo, 18/08/2016
https://vietbao.com/a256821/gs-tien-si-nguyen-thanh-liem-tu-tran-tai-quan-cam

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Tin buồn GS TS Nguyễn Thanh Liêm vừa qua đời



Sinh ký tử quy.

GS TS Nguyễn Thanh Liêm (20 tháng 11, 1933 – 17 tháng 8, 2016)
Cựu học sinh, cựu Giáo sư, cựu Hiệu Trưởng  trường trung học Petrus Ký, cựu Thứ Trưởng Bộ Văn hoá Giáo dục và Thanh niên thời Việt Nam Cộng Hòa, vừa qua đời vào lúc 1 giờ 50 phút chiều ngày hôm nay, thứ Tư, 17 tháng 8, năm 2016  tại bệnh viện Kaiser, ở Irvine, Nam California, USA, hưởng thọ 84 tuổi.
Chúng em, những đứa học trò được nuôi dưỡng, lớn lên trong triết lý giáo dục của Thầy: Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng, mãi mãi nhớ ơn Thầy, trân trọng sự nghiệp văn hóa Thầy lưu lại, kỷ niệm những giây phút bên Thầy là những hồi ức khó quên.
Nguyện cầu linh hồn Thầy thanh thản ra đi. Túi vũ trụ mặc đàn sau gánh vác.
Thành kính phân ưu cùng gia đình Thầy Nguyễn Thanh Liêm.

Nhóm cựu học sinh Petrus Ký (1956-1963) 

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Ngày Tôn Sư Trọng Đạo 2016


Hội Lê Văn Duyệt Foundation Tổ Chức Ngày Tôn Sư Trọng Đạo 2016
(nguồn: Viễn Đông daily New, Thứ Hai, 06 tháng 06, 2016)
(VienDongDaily.Com - 08/06/2016)
Bài THANH PHONG
GARDEN GROVE - Ngày Tôn Sư Trọng Đạo năm 2016 do Hội Lăng Ông Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt (gọi tắt là Hội Lê Văn Duyệt Foundation) tổ chức long trọng vào trưa Chủ Nhật ngày 05 tháng 6 năm 2016 tại Seafood Place Restaurant 12181 Brookhurst St, Garden Grove, Nam California.

Theo chương trình, buổi lễ sẽ do phu nhân cố Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu chủ tọa, nhưng vào giờ chót, vì lý do sức khỏe vị chủ tọa đã không thể có mặt, và ông Hoàng Đức Nhã, nguyên Bí Thư Tổng Thống và nguyên Tổng Trưởng Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi VNCH, thay mặt phu nhân cố Tổng Thống chủ tọa buổi lễ.
Đốc Sự Châu Văn Đễ, nguyên Chủ Tịch Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh, cố vấn sáng lập Lê Văn Duyệt Foundation, là Trưởng Ban Tổ Chức nói lời chào mừng và khai mạc ngày Tôn Sư Trọng Đạo 2016. Ngoài ra còn có Ban Điều Hành gồm ông Phạm Văn Tú (Tổng Thư Ký Lê Văn Duyệt Foundation), ông Hoa Thế Nhân, chị Vũ Đan (cựu Hội Trưởng Hội Cựu Nữ Sinh Lê Văn Duyệt), cô Cao Minh Châu (Chủ Tịch HĐQT Giải Khuyến Học), GS Nguyễn Trung Quân, nguyên Hiệu Trưởng Trung Học Phan Thanh Giản, Đoàn Thị Điểm Cần Thơ và GSTS Võ Kim Sơn.
- Giáo sư TS Nguyễn Thanh Liêm, Chủ Tịch Lê Văn Duyệt Foundation lên nói về ý nghĩa Ngày Tôn Sư Trọng Đạo.
Ông Hoàng Đức Nhã, thay mặt phu nhân cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lên phát biểu và thay mặt phu nhân Tổng Thống trao Bằng Vinh Danh cho GSTS Nguyễn Thanh Liêm vì những đóng góp vô cùng to lớn của ông cho nền giáo dục VNCH và cho việc phát huy văn hóa Việt tại hải ngoại. Ông Nguyễn Đình Thức, đại diện TNS Janet Nguyễn cũng lên trao Bằng Tưởng Lục của Nghị Viện Tiểu Bang California cho GSTS Nguyễn Thanh Liêm. Ngoài ra, ông Phát Bùi, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali, ông Nguyễn Văn Lực, bà Đặng Kim Trang, Chủ Tịch và Phó CT Cộng Đồng Việt Nam San Diego cũng lên bày tỏ lòng tri ân với GS Nguyễn Thanh Liêm. 
- Các nhà giáo dục có công với nền giáo dục Quốc Gia VN trước 1975 của VNCH cũng được Lê Văn Duyệt Foundation mời đến vinh danh, và Giáo Sư Nguyễn Trung Quân, nguyên Hiệu Trưởng Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ và GSTS Võ Kim Sơn thay mặt ban tổ chức vinh danh các nhà giáo: GS. Nguyễn Thị Loan Anh (GS Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ), GS Nguyễn Sơ Đông (GS Petrus Ký), GS Hồ Văn Hoàng (GS Sư Phạm Tây Ninh, Trung Học Đệ Nhị Cấp, Kỹ Thuật Tây Ninh); Nhà giáo Phan Như Hữu (Hiệu Trưởng các trường Tiểu Học trong tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng), GS Lê Hữu Khoan (GS Trung Học Công Lập, Tư Thục và Nông Lâm Súc Tây Ninh); GSTS Trần Minh Lợi (GS Trung Học Qui Nhơn Nghĩa Thục và Sư Phạm Bổ Túc Ban mê thuột và Huế); GS Nguyễn Thị Mai (GS âm nhạc trường Gia Long), Nhà giáo Huỳnh Thị Ngọc (Giáo viên sáng lập Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Bá Học và TTVH Hồng Bàng), Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục VNCH); GS Nguyễn Thị Hoàng Oanh (GS Đồng Khánh Huế, Phan Chu Trinh Đà Nẵng, Trưng Vương Saigon); GS Nguyễn Khoa Diệu Quyên (GS Trung Học Pacifica, cựu Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Các Trung Tâm Việt Ngự Nam California), GS Đàm Trung Pháp (Giảng viên Anh ngữ Đại Học Y Khoa Saigon, Giám Đốc TT Sinh Ngữ Đại Học và Đại Học Sư Phạm Saigon), TS Nguyễn Văn Thùy (GS Trường Võ Bị QGVN & Đại Học Sư Phạm Cần Thơ), GS Nguyễn Vĩnh Thượng (GS các trường Petrus Ký, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn An Ninh, Sư Phạm Saigon, Marie Curie và GS Phạm Thị Trí (GS các trường Tống Phước Hiệp Lý Thường Kiệt, Trung Thu, Petrus Ký). Mỗi giáo sư đều có nêu tiểu sử và thành tích đầy đủ trong tập san Lê Văn Duyệt Foundation.
- Cũng trong Ngày Tôn Sư Trọng Đạo, cô Cao Minh Châu, cựu học sinh Lê Văn Duyệt, đã lên phát biểu về cảm tưởng của mình.
- GS Nguyễn Vĩnh Thượng, Cựu học sinh trường Petrus Ký (1956 - 1963), đã phát biểu cảm tưởng của mình về thầy Nguyễn Thanh Liêm và tri ơn các Thầy Cô đã dạy mình.

Đốc sự Châu Văn Để, Trưởng Ban Tổ Chức, nguyên Chủ Tịch Tổng Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh, Cố Vấn Sáng Lập Lê Văn Duyệt Foundation.

Đốc sự Nguyễn Phú Hùng, Trưởng Ban Văn Nghệ Lê Văn Duyệt Foundation, đã điều khiển chương trình văn nghệ trong buổi lễ Tôn Sư Trọng Đạo với chủ đề "Tri Ơn Thầy Cô".

- Diển văn của GS TS Nguyễn Thanh Liêm, Cựu Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên, VNCH; Chủ Tịch Lê Văn Duyệt Foundation, 2016:
https://www.youtube.com/watch?v=LiaqkEx-oJo




- Ông Hoàng Đức Nhã, Cựu Tổng Trưởng Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi,VNCH, phát biểu:

- GS Nguyễn Trung Quân, Nguyên Hiệu Trưởng Trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ, Nguyên Hội Viên Hội Đồng Văn Hoá Giáo Dục VNCH, vinh danh 8 nhà giáo:

- GS TS Võ Kim Sơn, Nguyên Giáo Sư Đại HọcSư Phạm Saigon, Nguyên Giáo Sư Đại Học Fullerton, Hoa Kỳ, vinh danh 7 nhà giáo:

- VIDEO TOÀN BUỔI LỂ : Tôn Sư Trọng Đạo, 05 June 2016:


Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Cảm tưởng về GS TS Nguyễn Thanh Liêm và tri ơn Thầy Cô của một cựu học sinh Petrus Ký trong lễ Tôn Sư Trọng Đạo ngày 05 tháng 6, 2016 tại Garden Grove, Santa Ana, Nam California.


Lời tác giả: Chúng tôi đến phi trường Los Angeles từ Toronto vào chiều ngày thứ Năm 02 tháng 6, 2016 để  dự  lễ Tôn Sư Trọng Đạo ngày 05 tháng 6, 2016 do Hội Lê Văn Duyệt Foundation tổ chức. Trước đó, tôi có nhận được email của bạn Trần Vĩnh Trung (Petrus Ký 1956-1963) nói rằng “Thầy Liêm muốn mày nói về Thầy trong ngày lễ TSTĐ”. Cách đây trên một tháng tôi đã gởi bài “Cảm tưởng của một học sinh Petrus Ký” (1) đến Hội Lê Văn Duyệt Foundation , bài này được đăng ở trang 28 trong tập san Tôn Sư Trọng Đạo 2016.Chiều  thứ Sáu 03 tháng 6,2016, vợ chồng tôi  đến thăm Thầy Nguyễn Thanh Liêm. Thầy có mời hai vợ chồng tôi đi ăn cơm chiều, nhưng thấy sức khoẻ Thầy không tốt, không tiện đi ra ngoài, chúng tôi xin hẹn với Thầy để khi khác. Chúng tôi đã ở lại tâm sự với Thầy khá lâu. Trước khi chúng tôi ra về, Thầy dạy rằng: “Nói về Thầy trong ngày lễ Tôn Sư Trọng Đạo, nhưng nhớ nói ngắn thôi vì có nhiều người nói nữa” , tôi kính cẩn trình với Thầy : “Dạ, em sẽ nói những gì em đã suy nghĩ về Thầy”. Chiều thứ Bảy 04 tháng 6, 2016, bạn Trung chở chúng tôi đi viếng vài ngôi chùa lớn ở Santa Ana, rồi chở chúng tôi về khách sạn. Sau đó tôi liền lấy giấy ra sơ thảo bài phát biểu vào ngày mai Chúa Nhật 05 tháng 6, 2016.
Sau đây là bài phát biểu của tôi trong ngày lễ trọng đại này.
Nguyễn vĩnh Thượng


-Kính thưa Quý vị Quan khách.
-Kính thưa Quý Vị Đại diện các Hội đoàn và các Cơ quan truyền thông.
-Kính thưa Quý Thầy Cô và Thầy Nguyễn Thanh Liêm.
-Cùng các Anh Chị Em cựu học sinh Petrus Ký và các trường bạn.
Thật là một vinh hạnh cho tôi được đại diện các anh em cựu học sinh Petrus Ký khóa 1956-1963 để nói vài lời trong buổi lễ hôm nay.
Trước hết, tôi hết sức cảm động  khi đứng trước cuộc sum họp đông đủ của quý vị trong buổi lễ Tôn Sư Trọng Đạo này, xin cám ơn quý vị.
Tiếp theo đây, tôi xin đại diện các bạn tôi trân trọng cám ơn sự dạy dỗ của các Thầy Cô, của Thầy Nguyễn Thanh Liêm. Ngày nay, anh em chúng tôi nhiều người đã có danh phận là nhờ sự hun đúc của nền giáo dục đặt trên nền tảng của triết lý siêu việt:  giáo dục nhân bản, giáo dục dân tộc và giáo dục khai phóng.
Tôi đã may mắn được Thầy Nguyễn Thanh Liêm giảng dạy môn Việt văn ở lớp Đệ Tam (lớp 10) niên khóa 1960 – 1961 tại trường Trung học Petrus Ký, Sài gòn. Đối với tôi, Thầy Nguyễn Thanh Liêm không những là vị Thầy dạy Việt văn ở lớp Đệ Tam mà còn là một bậc Thầy về xử thế ở ngoài đời nữa.
Thầy Nguyễn Thanh Liêm là một chánh khách trung thành với chế độ VNCH. Trên 40 năm sống lưu vong nơi đất khách quê người, Thầy luôn luôn hoạt động hướng về triết lý chính trị của chế độ VNCH, Thầy luôn luôn thể hiện tư cách đạo đức lý tưởng của nhà lãnh đạo VNCH. Trong quá khứ, Thầy Nguyễn Thanh Liêm đã là một nhà lãnh đạo hành chánh thanh liêm, khoan dung và giàu tình thương (great compassion). Tôi rất  quý mến các đức tính cao quý của Thầy Liêm, nhất là tấm lòng dồi dào tình thương đối với mọi người.
Thầy Nguyễn Thanh Liêm là một nhà giáo dục nhân bản: Thầy đã được un đúc trong một nền giáo dục nhân bản truyền thống của dân tộc Việt Nam.Khi Thầy là giáo sư, sau đó là một nhà lãnh đạo hành chánh cao cấp trong ngành giáo dục, Thầy đã thực hiện cái triết lý giáo dục cao quý nầy để dạy học sinh và để điều khiển nền giáo dục Trung Tiểu học của VNCH. Triết lý giáo dục của chế độ VNCH là một triết lý giáo dục siêu việt :
- giáo dục nhân bản (humanistic education).
- giáo dục dân tộc (nationalistic education).
giáo dục khai phóng (open-minded education).
Thầy Nguyễn Thanh Liêm là một vì sao sáng trên vòm trời văn hóa dân tộc. Khí hậu ở Tiểu bang Iowa rất lạnh lẽo vào mùa Ðông, nên Thầy đã lựa chọn dời về tiểu bang California. California là nơi có nắng ấm, người Việt Nam quây quần ở tiểu bang này rất đông, tình đồng hương rất nồng nàn. Ngoài công việc làm hằng ngày, Thầy Liêm là người rất thích hoạt động cho các hội đoàn như các Hội Ái hữu Cựu Học sinh Petrus Ký, Gia Long, Nguyễn Ðình Chiểu ...và nhiều hội đoàn khác trong các sinh hoạt văn hóa, xã hội và chính trị.Thầy đã thành lập Hội  “ Lê Văn Duyệt Foundation”. Thầy đã chủ trương Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Ðồng Nai Cửu Long. Tập san này chuyên nghiên cứu về địa chí, văn học, văn nghệ, lịch sử v.v...của miền Nam Việt Nam; tựu trung để cho độc giả biết rằng miền Nam Việt Nam đã có một nền văn hóa đặc thù của phương Nam.
 Tuy công việc đa đoan, Thầy thường vui lòng viết lời giới thiệu cho các tác phẩm khảo cứu giá trị, các tập truyện ngắn, tiểu thuyết  đến cộng đồng Việt Nam
hải ngoại. Thầy đã làm việc không biết mệt mỏi và không ngừng nghỉ, viết nhiều bài khảo cứu, nghị luận, và dấn thân đóng góp vào các sinh hoạt xã hội, chính trị v.v...nhằm mục đích bảo tồn và phát huy nền văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Ngày Chúa nhật 17 tháng 4 năm 2016 tại thành phố San Jose, California, Hoa Kỳ, Hội Ái hữu cựu học sinh Petrus Ký đã tổ chức buổi ra mắt quyển “Tuyển tập  Nguyễn Thanh Liêm”. Buổi ra mắt sách này rất thành công. Đây là một quyển sách đã tuyển chọn các bài biên khảo của Thầy về giáo dục, văn hóa, chính trị, tôn giáo, danh nhân … của Việt Nam. Tuyển tập Biên khảo của Thầy Nguyễn Thanh Liêm là một gia tài văn hóa rất quý báu mà Thầy đã truyền bá cho cộng đồng người Việt Nam.
Hôm nay, tôi ước mong quyển “Hồi ức của cuộc đời Thầy Nguyễn Thanh Liêm” sớm được ấn hành để chúng ta có thể học hỏi được những kinh nghiệm sống của Thầy trải qua những sự biến chuyển của dòng lịch sử Việt Nam và thế giới.
Thầy Nguyễn Thanh Liêm quả là một vị Thầy gương mẫu cho muôn đời (Vạn thế sư biểu).
Tôi kính chúc Thầy Nguyễn Thanh Liêm được dồi dào sức khỏe để tiếp tục công việc bảo tồn và phát huy văn hóa nhân bản, dân  tộc và khai phóng ở hải ngoại, và chuyển ngọn lửa thiêng về Việt Nam để phục hồi lại văn hóa truyền thống của dân tộc ta.
Tôi trân trọng cám ơn và kính chào tất cả quý vị.
Santa Ana, ngày 05 tháng 06 năm 2016.                                           
Nguyễn Vĩnh Thượng
Cựu học sinh trường Trung học Petrus Ký (1956 – 1963)

Nguồn: Video YouTube toàn bộ buổi lể TSTĐ ngày 05 tháng 6, 2014, dài 2 tiếng 24 phút. Xem NVT phát biểu tại thời điểm 1 tiếng 57 phút đến 2 tiếng 03 phút, dài 6 phút:



o-O-o
(1)  Bài viết “Cảm tưởng của một học sinh Petrus Ký”  đã  được đăng ở trang 28 trong tập san Tôn Sư Trọng Đạo 2016 của Hội Lê Văn Duyệt Foundation , nguyên văn như sau:

Cảm Tưởng của một cựu học sinh  Petrus Ký.
-Kính thưa Phu nhân của Cố Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu.
-Kính thưa Quý vị Quan khách.
-Kính thưa Quý Vị Đại diện các Hội đoàn và các Cơ quan truyền thông.
-Kính thưa Quý Thầy Cô và Thầy Nguyễn Thanh Liêm.
-Cùng các Anh Chị Em cựu học sinh Petrus Ký và các trường bạn.
Thật là một vinh hạnh cho tôi được đại diện các anh em cựu học sinh Petrus Ký khóa 1956-1963 để nói vài lời trong buổi lễ hôm nay.
Trước hết, tôi hết sức cảm động khi đứng trước cuộc sum họp đông đủ như hôm nay mặc dầu quý Quan khách, quý Thầy Cô và Anh Chị Em vô cùng bận rộn, nhiều vị đã đến từ nơi rất xa.
Tiếp theo đây, tôi xin đại diện các bạn tôi trân trọng cám ơn sự dạy dỗ của Thầy Cô, của Thầy Nguyễn Thanh Liêm. Ngày nay, anh em chúng tôi nhiều người đã có danh phận là nhờ sự hun đúc của nền giáo dục có nền tảng là một triết lý siêu việt:  giáo dục nhân bản, giáo dục dân tộc và giáo dục khai phóng.
Các Thầy Cô và Thầy Nguyễn Thanh Liêm đã truyền đạt nền giáo dục siêu việt này cho chúng tôi. Đặc biệt trước năm 1975, Thầy Nguyễn Thanh Liêm với cương vị lãnh đạo ngành giáo dục Trung Tiểu học đã duy trì và phát huy triết lý giáo dục này. Rồi khi vận nước bị cuốn theo cơn gió lốc trong cuộc cờ chính trị của các cường quốc, Thầy Nguyễn Thanh Liêm và rất nhiều vị khác đã phải rời bỏ quê hương để sống lưu vong nơi đất khách quê người. Nơi đây, Thầy Nguyễn Thanh Liêm đã tiếp tục bảo tồn và phát huy nền văn hoá giáo dục nhân bản của dân tộc Việt Nam, Thầy đã hoạt động không biết mỏi mệt và không ngừng nghỉ  tuy rằng tuổi đời đã cao.
Một lần nữa, tôi xin đại diện các Anh Chị Em cựu học sinh Trường Trung Học Petrus Ký ghi nơi đây lòng biết ơn sâu sắc từ những học trò của các Thầy Cô và nhất là Thầy Nguyễn Thanh Liêm; trân trọng cám ơn quý quan khách.
Trân trọng kính chào toàn thể Quý vị.        
 Santa Ana, 05 tháng 06 năm 2016.                
 Nguyễn Vĩnh Thượng
 
Cựu học sinh trường Trung học Petrus Ký (1956-1963)




Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Ngày tựu trường


   Tác giả Anatole France (1844 – 1924)
    Dịch giả Bình An




Lời dịch giả: Đoạn văn ngắn này được trích từ quyển tự truyện “Le Livre de mon ami”(Cuốn sách của bạn tôi) của nhà đại văn hào người Pháp là Anatole France (1844 – 1924). Ông đã đạt được giải thưởng Nobel về văn học (Nobel Prize in Literature) vào năm 1921. “Le Livre de mon ami” là một cuốn hồi ức ghi lại những kỷ niệm của tác giả trong những ngày thơ ấu và niên thiếu, truyện này được xuất bản vào năm 1885. Tác giả đã tạo dựng một nhân vật chính là chàng tuổi trẻ Pierre Nozière. Anatole France đã ghi lại hồi ức của mình qua nhân vật Pierre Nozière.

 *-*-*

Tôi sẽ kể cho bạn nghe những gì mà hằng năm làm tôi nhớ lại: đó là bầu trời mùa thu đầy xao động, những buổi ăn chiều đầu tiên dưới ánh đèn và những chiếc lá đã đổi màu vàng trên những cành cây lay động; tôi sẽ kể cho bạn nghe những gì mà tôi nhìn thấy khi đi ngang qua vườn Luxembourg vào những ngày đầu tháng Mười: lúc ấy trời man mác buồn nhưng đẹp hơn bao giờ, đó là lúc những chiếc lá vàng rơi, từng cái, từng cái một rơi xuống bờ vai của những pho tượng trắng.

Điều tôi trông thấy ở trong vườn vào lúc ấy là một cậu bé, hai tay trong túi quần, cập da đeo trên lưng, trên đường đi tới trường cậu nhảy nhót như một con chim sẻ.

Chỉ có trí tưởng tượng của tôi mới nhìn thấy những gì qua cậu bé ấy; vì cậu ta chính là hình bóng của chính tôi cách đây hai mươi lăm năm.

[ . . . ] Cách đây hai mươi lăm năm, cùng lúc này, có một cậu bé băng ngang qua khu vườn xinh đẹp này để mong tới trường học trước 8 giờ sáng. Cậu ấy đã thấy lòng xe thắc lại: đó là ngày tựu trường.

Cậu bé ấy đã nhảy tung tăng, sách vở mang trên lưng và con vụ ở trong túi. Ý nghĩ gặp lại bạn bè làm cho cậu cảm thấy vui vui trong lòng. Cậu ấy biết rằng  sẽ có biết bao câu chuyện để kể lại cho bạn mình nghe và chính mình sẽ nghe bạn bè kể lại biết bao câu chuyện khác.

[ . . . ] Thế là cậu ấy băng ngang qua vườn Luxembourg trong không khí mát mẻ của buổi bình minh. Những gì cậu ấy trông thấy lúc bấy giờ thì tôi cũng trông thấy lại ngày hôm nay.

Cũng cùng một bầu trời, cũng cùng một lối đi, những cảnh vật vẫn còn giữ linh hồn của ngày xưa, linh hồn đó làm cho tôi vui, làm cho tôi buồn, và làm cho tôi bâng khuâng, nhưng ngày nay cậu bé ấy không còn nữa.

Đó là lý do tại sao càng về già tôi càng nhớ lại ngày tựu trường của những  ngày tháng thời thơ ấu.
Anatole France



Nguyên văn tiếng Pháp:
                              
La rentrée des classes
Anatole France (1844 – 1924)
extrait de Le livre de mon ami (1885)


Je vais vous dire ce que me rappellent tous les ans, le ciel agité de l’automne, les premiers dîners à la lampe et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent ; je vais vous dire ce que je vois quand je traverse le Luxembourg dans les premiers jours d’octobre, alors qu’il est un peu triste et plus beau que jamais ; car c’est le temps où les feuilles tombent une à une sur les blanches épaules des statues.

Ce que je vois alors dans ce jardin, c’est un petit bonhomme qui, les mains dans les poches et sa gibecière au dos, s’en va au collège en sautillant comme un moineau.

Ma pensée seule le voit ; car ce petit bonhomme est une ombre ; c’est l’ombre du moi que j’étais il y a vingt-cinq ans .

[…]  Il y a vingt-cinq ans, à pareille époque, il traversait, avant huit heures, ce beau jardin pour aller en classe. Il avait le coeur un peu serré : c’était la rentrée.

Pourtant, il trottait, ses livres sur son dos, et sa toupie dans sa poche. L’idée de revoir ses camarades lui remettait de la joie au coeur. Il avait tant de choses à dire et à entendre!

[. . .] C’est ainsi qu’il traversait le Luxembourg dans l’air frais du matin. Tout ce qu’il voyait alors, je le vois aujourd’hui.

C’est le même ciel et la même terre; les choses ont leur âme d’autrefois, leur âme qui m’égaye et m’attriste, et me trouble ; lui seul n’est plus.

C’est pourquoi, à mesure que je vieillis, je m’intéresse de plus en plus à la rentrée des classes.
Anatole France










Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Tôi đi học


 THANH TỊNH (1911 – 1988)

Nguồn: trích từ tập truyện ngắn “Quê Mẹ” của Thanh Tịnh, do NXB Đời Nay xuất bản năm 1941 ở Hà Nội.



Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Năm mươi năm

(1960 - 2010)

 Kính tặng Thầy Nguyễn Thanh Liêm

Dương Quân
Cựu học sinh Petrus Ký (1957-1964)

Năm mươi năm, học một bài
Thuở trong cửa lớp những ngày khiêm cung
Văn chương biển rộng khôn cùng
Tuổi hoa niên mộng vẩy vùng biển khơi 

Năm mươi năm, thoắt qua rồi
Mà như bụi phấn còn rơi áo thầy
Rằng không- sương tuyết đã dầy
Bôn ba, vầng trán cũng dài nếp nhăn 

Năm mươi năm, dẩu muộn màng
Vẫn là từ tốn, phong quang nét cười
Thiện căn, gieo hạt làm người
Vẫn bền công cán đầy vơi thế trần. 

Năm mươi năm, cỏi phù vân
Vẫn kiên trì những bước chân mở đường
Bên kia là một cố hương
Bên nầy thân ái, nhún nhường, bao dung
Nở hoa từ cội tâm đồng
Sử kinh vẫn chặt tấm lòng nước non
Ơn thầy tạc dạ sắt son
Sáng gương mô phạm,mãi còn vinh danh.       
                              
Dương Quân 
(Trích từ tập thơ “Như thật như ” trang 148-149 của nhà thơ Dương Quân, Hoa Kỳ, 2010).




Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Những Kỷ niệm dưới mái trường Petrus Ký

 LPK NGUYỄN KIM QUANG (1953- 1960)


Tôi  thường viết về những kỷ niệm thời thơ ấu nơi mình sinh ra và lớn lên, viết về ngôi trường tiểu học mình từng theo học, viết về con đường làng… một cách khá dễ dàng. Nhưng hôm nay muốn viết về những kỷ niệm thời niên thiếu dưới mái trường Trung học Petrus Ký thật không dễ, có lẽ tại vì Trường Petrus Ký là một trường trung học chỉ dành riêng cho con trai, chung quanh trường không có một lủy tre, hay một con đường có lá me bay, trước cổng trường cũng không có một hàng quán như xe kem hay xe đậu đỏ bánh lọt v.v…
Lục trong ký ức thì nhớ trường nằm trên đường Nancy thời đó, sau này gọi là Đại lộ Cộng Hòa và bây giờ có tên là đường Nguyễn Văn Cừ. Đầu đường Nancy có Công trường Khải Định nằm trên giao lộ các con đường Chasseloup Laubat (Hồng Thập Tự), 11è R.I.C Frédéric (Nguyễn Hoàng), Drouhet (Hùng Vương),   Nancy  (Cộng Hòa) và Hui Bon Hoa (Lý Thái Tổ)…. Khu vực này có Công viên Âu Lạc nằm ở ngã sáu đầu đường 11è R.I.C. (Nguyễn Hoàng).  Công viên Âu Lạc cũng không thơ mộng gì lắm vì nó ở ngay bên cạnh đường rầy xe lửa Saigon – Mỹ Tho, buổi trưa các công nhân làm việc gần đó thường hay đến nghỉ lưng…
Bên kia cổng Trường Petrus Ký là những dãy nhà im ắng bên ngoài có hàng rào che chắn, hàng ngày nơi cổng chính có nhiều công chức mặt lạnh như tiền đi ra đi vào. Đó là doanh trại cũ của Quân đội Pháp có tên là Thành Ô-ma (Camp des Mares), năm 1955 trại này là hành dinh của Ủy Hội Quốc tế Kiểm soát Đình Chiến Đông Dương, sau đó là Nha Công An Nam Phần và kế đến là Bộ Tư Lệnh Cảnh sát Quốc Gia Việt Nam.
Trước cổng Trường Petrus Ký có hai trụ cột xi-măng cao khoảng 4 mét ghi khắc hai câu đối chữ Hán do giáo sư Ưng Thiều làm năm 1951 để chỉ đạo đức học tập và trí dục cho học sinh và được ông Hiệu trưởng Phạm Văn Còn chấp thuận:
    Khổng Mạnh Cương Thường Tu Khắc Cốt
    Tây Âu Khoa Học Yếu Minh Tâm.

Trên hai trụ cột là tấm bảng chiều ngang có ghi hàng chữ:
    Trường Trung học Petrus Ký
Dọc theo bên này đường của trường lác đác có vài cây phượng đến mùa hè trổ bông lai rai, không đẹp và nên thơ như những hàng phượng thắm của một số trường khác…
Đi về phía đường Armand Rousseau (đường Thành Thái) là một học khu có nhiều trường Cao đẳng và Đại học như Trường Sư Phạm Quốc Gia, Trường Đại học Sư Phạm, Đại học Khoa học, sau này có thêm Trung Tâm Thính Thị Anh ngữ, Trung Tâm Sinh Ngữ dạy nhiều ngôn ngữ Anh, Pháp, Nhật, Đức, Y-pha-nho… đây là những lớp học buổi chiều do giáo sư Hoàng Gia Lịnh làm Giám đốc, những ai tốt nghiệp hai năm tại Trung tâm này sẽ được bổ nhiệm dạy sinh ngữ tại các trường trung học hay làm việc tại các cơ sở của Bộ Ngoại Giao…  Học sinh hay người lớn muốn vào học Trung Tâm này chỉ ghi danh kể cả Anh Văn, riêng môn Pháp văn phải qua kỳ thi tuyển rất khó; năm 1960 tôi đậu hạng 60/62 trên tổng số hơn 1000 người tham dự vào lớp Pháp văn do Giáo sư Maugé người Pháp dạy, sinh viên trong lớp có nữ Trung úy Hồ Thị Vẽ, sau này chị Vẽ là nữ Trung Tá Chỉ huy phó Đoàn Nữ Quân Nhân QL.VNCH, khi đi học chị Vẽ thường lái xe du lịch và nói tiếng Pháp như một cô đầm chính quốc.

Năm 1953 xong lớp Nhứt Trường Tiểu học Tân Định, tôi đậu vào Trung học Petrus Ký với hạng thứ 264 trên 460 học sinh được tuyển chọn với trên 3000 học sinh các tỉnh thành Miền Nam tham dự. Trường thời đó gọi là Lycée Petrus Ký (viết tắc là L.P.K) cho nên đậu vào Petrus Ký là một vinh dự lớn cho mình và cho gia đình; báo Thần Chung năm 1953 có đăng danh sách học sinh trúng tuyển vào Petrus Ký nơi trang nhứt.
Ngày đầu tiên vào trường, đứng xếp hàng dưới những tàn cây sao cao ngất bên hông những dãy lớp học đồ sộ uy nghi, chúng tôi mặc đồng phục quần short và áo sơ mi trắng chỉnh tề theo hàng ngũ lần lượt đi vào sân trong,dưới sự hướng dẫn của các giám thị và dừng lại ở trước cửa mỗi lớp học một cách có trật tự. Khi vừa qua khỏi cổng vào sân bên trong, nhìn bên phải giữa hành lang chính (préau) thấy thầy hiệu trưởng Phạm Văn Còn, thầy giám học Trương Văn Huấn và thầy tổng giám thị Nguyễn Văn Trương oai vệ đứng đó càng làm cho học sinh chúng tôi thấy cái không khí uy nghi của ngôi trường hơn.

Năm đầu vào học, trường còn dạy chương trình Pháp nên gọi là 7è moderne, các thông báo, các phần thưởng, các hình phạt…  vẫn còn dùng tiếng Pháp; qua năm sau trường đổi qua chương trình Việt nên gọi là Đệ Lục. Tôi học Đệ Lục B cùng với các bạn Đỗ Ngọc Yến (cựu chủ bút báo Người Việt) –  đến giờ sinh ngữ Yến và hai bạn nữa qua học Hán Văn với thầy Ưng Thiều, chúng tôi 37 người còn lại học Anh Văn với thầy Nguyễn Văn Sang, thầy Đinh Xuân Thọ. Cùng lớp Đệ lục B có các bạn hiện giờ đang ở Orange County như anh Nguyễn Minh Quân, Giám đốc ở Phủ Đặc Ủy Tình Báo Trung Ương, anh Nguyễn Văn Ức,cựu Trung tá Không Quân…

Năm 1955 một biến cố chính trị và quân sự xảy ra vì có sự tranh chấp chính quyền giữa Thủ tướng Ngô Đình Diệm và các lực lượng giáo phái. Trường Petrus Ký cũng bị ảnh hưởng vì Lực lượng Bình Xuyên của ông Bảy Viễn đóng quân tại trường. Sau khi thương thuyết giữa Chính phủ và Lực lượng Bình Xuyên bất thành, một đơn vị lính Dù phần đông là người Nùng của Chính phủ tấn công vào trường. Phía Bình Xuyên yếu thế, từ từ rút lui ra phía sau đường Trần Bình Trọng và chạy về Tổng Hành Dinh ở bên kia cầu Chữ Y. Quân Chính phủ làm chủ tình hình,xông vào trường lục soát và nhanh chóng báo cáo về Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã bắt được ông Bảy Viễn. Nhưng người mà quân Dù báo cáo bắt được không phải Bảy Viễn mà là ông Hiệu trưởng Phạm Văn Còn đang mặc một complet tussor màu hột gà, mang kính trắng gọng vàng rất oai nghiêm…

Lớp Đệ Lục B còn có anh Lưu Thanh Giao hiện ở VN, Giao là con thầy Lưu Thanh Niên, giáo sư trường Kiến Thiết, Giao ngồi cuối lớp phía trái, trong giờ học anh thường rù rì với các bạn bên cạnh, có bữa anh đưa cho xem tin tức trong một trang in roneo, thỉnh thoảng anh nhờ anh em ký ủng hộ một thỉnh cầu nào đó… Ở các lớp khác cũng vậy, hầu như lớp nào cũng đều có vài anh làm việc giống như anh Giao. Các bạn này do các anh lớp trên hay các anh sinh viên, nhất là sinh viên trường Luật Saigon theo Phong Trào Bảo Vệ Hòa Bình của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ móc nối cài vào để sẵn sàng rủ rê học sinh yêu sách, xuống đường biểu tình, kêu gọi đình công, bãi thị khi cần….Phần đông các bạn đã tế nhị né tránh những anh này và chăm chỉ học hành…Tuy vậy, cũng có một số người và ngay cả tôi cũng bị ảnh hưởng vì những bạn này rất hiền từ, tích cực tham gia sinh hoạt phong trào hướng đạo, hiệu đoàn, văn nghệ, thể thao, nhất là tình nguyện đi xây dựng giúp đồng bào bị hỏa hoạn ở các khu Bàu Sen, Nancy, cầu Chữ Y… Mỗi lần đi như vậy rất vui đều có các anh lớp trên hay các anh chị sinh viên hướng dẫn, có cả các chị bên Gia Long đi tiếp tế nước uống, chăm sóc y tế, ca hát:
    Hò lơ! hó lơ! hò lờ! rất vui…

Tôi đi theo nhóm của anh Nguyễn Văn Thiện (sinh viên Trường Luật) ngoài việc giúp đồng bào xây dựng nhà cửa, anh Thiện còn phổ biến các bài thơ của Tố Hữu làm trước năm 1945 rất hay như các bài : Ta Đi Tới, Mã Chiến Sơn,…  về âm nhạc thì anh dạy hát và đờn bài Mùa Hoa Nở (Dân Liên Xô ca hát trong vườn hoa…). Được biết anh Thiện là một trong những người lãnh đạo Phong trào Thanh Niên SVHS theo Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, anh là người Bến Tre có bí danh là Trường Giang, lúc còn học ở Collège Le Myre De Villers anh đã quậy rồi… Và khi học Luật anh đã theo Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và sau đó, anh xin vào dạy Sử Địa các lớp Đệ nhất ở Petrus Ký. Anh Nguyễn Văn Thiện sau bị bắt cùng với giáo sư Vũ Ký và một số giáo sư khác trong Phong Trào Trí Vận và bị đài đi Côn Đảo. Sau năm 1975 anh Thiện được thả về và làm hiệu trưởng Trường Petrus Ký từ năm 1975 đến năm 1977. Khi được thả từ trại cải tạo miền Bắc về, tôi có đến thăm anh Thiện và hỏi về tình hình đất nước, anh ngập ngừng và nói: Anh đã lầm! Nhưng tôi nghĩ anh không lầm và các người bạn của anh như các ông luật sư Nguyễn Hữu Thọ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa cũng không lầm, nhưng các anh đã bị các “người anh em ngoài nớ” bán đứng cho Cộng sản Quốc tế…

Chắc nhờ ham học và bị ràng buộc kỷ luật gia đình nên tôi đã “thoát” được “bùa mê” của các thầy chú, nếu không thì đã trở thành đệ tử của Lê Văn Tám hay là sư phụ của Nguyễn Văn Trổi rồi…
Tôi nhớ ngày 6 tháng 11 năm 1955, học sinh Petrus Ký được lệnh tập họp trên đường Thống Nhất cùng học sinh các trường khác trong Đô Thành để đón mừng đoàn quân chiến thắng quân Bình Xuyên từ Rừng Sát trở về. Đến 10 giờ sáng từ đàng xa hướng Thảo Cầm Viên (Sở Thú) đã thấy đoàn quân từ từ tiến tới theo tiếng nhạc quân hành, dẫn đầu là Đại tá Dương Văn Minh, Tư lệnh Chiến dịch Hoàng Diệu, tiếp theo sau là Bộ Tham Mưu và các chiến sĩ oai hùng. Đoàn quân dừng lại trước khán đài dựng giữa Công trường Nhà thờ Đức Bà và Đại lộ Thống Nhứt được các đoàn thể công chức, sinh viên học sinh và dân chúng hoan nghinh nhiệt liệt, choàng vòng hoa,… sau đó nữ ca sĩ Khánh Ngọc lên khán đài ca bản Chiến Sĩ Của Lòng Em, cô hát tiếp nhạc phẩm Em Chỉ Yêu Có Anh Binh Nhì rồi nheo mắt nhìn ông Đại tá một cách tình tứ lãng mạn…

Mười ngày trước đó, chúng tôi cũng tập họp tại địa điểm này để dự cuộc diễn binh mừng Ngày Quốc Khánh đầu tiên do Tổng thống Ngô Đình Diệm chủ tọa và khai sinh nền Đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa.
Theo thời gian, chúng tôi lớn dần lên và qua kỳ thi bằng Trung học Đệ I Cấp thời đó rất khó với tỷ số thi đậu toàn quốc từ 18 đến 20%., nhưng học sinh Petrus Ký đã đậu 90 – 95%.

Lên Đệ Tam mọi người thấy mình như đã trưởng thành vì ngoài giờ học văn hóa, học sinh còn phải tham dự Lớp P.M.S (Preparation Militaire Supérieure) tức là Lớp Huấn Luyện Cao Đẳng Quân Sự. Sau hai năm học lớp này ai thi đỗ được bằng P.M.S thì khi đi lính sẽ tự động được mang cấp bậc Chuẩn úy trừ bị. Những người có bằng P.M.S lúc đó ai cũng hãnh diện ‘ta đây’ là sĩ quan, nhưng sau này đã phải lỡ khóc lỡ cười khi bị động viên vào quân trường Thủ Đức vì họ chưa quen nhiều với khẩu súng Garant, Carbine hay Thompson…  chưa được thực tập chỉ huy cấp Trung đội, Đại đội, thì… đã phải khăn gói quả mướp lên đường ra đơn vị chiến đấu… trên  vai mang cái lon Thượng sĩ gân (Chuẩn úy) còn mới toanh.

Nhớ lại thời học Cao Đẳng Quân Sự sinh viên phải mặc đồng phục kaki trắng, mang giày bố trắng, đầu đội bê-rê đen phía sau có 2 tua màu vàng đỏ, rất oai hùng. Mỗi lần có dịp mặc bộ “nhung phục” này là có nhiều  chàng P.M.S đi qua Gia Long, Trưng Vương để dợt le…  Nhiều trự chiều Thứ Bảy đi ăn kem, bát phố Bonard cũng mặc bộ đồng phục này cho oai… Nhưng, khi bị khách nhàn du nhất là cánh phụ nữ thấy “lính lạ” nhìn họ chăm chăm thì các chàng tò te quíu chân quíu cẳng đi băng xiên băng nai hai hàng giống như mấy mợ có bầu đi chợ rồi các chàng từ từ lặn mất, chứ không oai hùng như sau này ở quân trường Thủ Đức về phép với bộ quân phục thẳng nép, cầu vai có gắn alpha….
Bắt đầu niên khóa 1958- 1959 lớp Huấn Luyện Cao Đẳng Quân Sự không còn nữa. Tôi còn nhớ đầu năm 1958, trong giờ học P.M.S. tại một trại lính cũ của quân đội Pháp để lại trên đường Hùng Vương (sau này là Trường Quân Y) Trung tá Nguyễn Xuân Vinh, Tư lệnh Không Quân QLVNCH, tức nhà văn Toàn Phong đã đến dạy Toán với đề tài: Tình cảm của Thúy Kiều đối với Kim Trọng bằng một biểu đồ Parabol. Hôm đó cũng có ca nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đến biểu diễn ca và đàn guitar bản Nắng Chiều ra mắt lần đầu tiên của anh tại lớp P.M.S này.

Lớp Đệ Tam B4, chúng tôi thường gọi là Đệ Tam Bê Bối, nổi tiếng quậy nhất trường, sau này ra trường có nhiều anh rất thành côngnhư Trần Khánh Vân (đang ở Santa Ana),  làm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Phát Triển Gia Cư, anh Phạm Văn Ngym khóa 18 Võ Bị Đà Lạt (đã chết trong trại tù Miền Bắc), làmTrung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 46/SĐ25BB. Năm 1957 anh Ngym, anh Huỳnh Công Khanh và tôi cùng học Đệ Tam B4, anh Khanh học giỏi và sau này là giáo sư dạy Toán nổi tiếng ở Saigon, khi đi lính chúng tôi lại phục vụ cùng chung một đơn vị là Sư Đoàn 25BB, Ngym là Trung tá, tôi Đại úy, anh Khanh Chuẩn úy. Với kỷ luật quân đội, Chuẩn úy Khanh rất e dè  ké né khi gặp bạn cũ là Trung tá Ngym. Ngày đầu tiên anh Khanh về trình diện Trung Đoàn bị Trung tá Ngym chỉ thị vác ba-lô theo Đại Đội Trinh sát 46 đi giải vây đồn Bò Cạp (Củ Chi) đang bị địch tấn công, đêm đó giáo sư bụng bự Huỳnh Công Khanh suýt anh dũng nền nợ nước và rất oán giận anh Ngym. Khi gặp Ngym tôi nói: “Mầy ác quá! Nó mới ra trường mà”. Ngym nói: Võ bị Đà Lạt là vậy đó! Nhưng sau đó, anh Ngym đã tế nhị và kín đáo giúp đỡ bạn, cho anh Khanh về làm việc ở hậu cứ và thường xuyên cử anh đi liên lạc với các bạn cùng khóa ở Petrus Ký, phối hợp với anh Trần Khánh Vân và các bạn khác để tổ chức Họp mặt Tất Niên mỗi năm tại Đền Đức Thánh Trần trên đường Hiền Vương… Mỗi lần họp mặt rất vui, bạn bè khắp nơi bốn vùng chiến thuật về khá đủ.Một lần họp mặt Tất Niên, Trần Khánh Vân cho tôi biết thầy Nguyễn Văn Gần dạy Sử Địa đã thi đỗ bằng Tiến sĩ Văn chương Pháp, (thi viết tại Saigon, thầy phải mua vé hàng không khứ hồi đi Paris để thi oral và thầy đã đậu).

Một người học Lớp Đệ Tam B4 nữa là anh Nguyễn Tấn Phận (đang ở San Jose), là tùy viên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, sau là tùy viên Đại tướng kiêm Thủ tướng Trần Thiện Khiêm… anh Phận có lúc làm Quận trưởng Gò Dầu, Tây Ninh.
Lên Đệ Nhất, tôi đổi qua Lớp Đệ Nhất A với các bạn:
– Phùng Vĩnh Tước, hiện ở Santa Ana, Tước nổi tiếng khi làm Cảnh sát trưởng Quận Tân Bình đã dám bắt Cậu Mười (anh Bà Khiêm) về tội đánh bài.
– Trần Tự Lập (con thầy Trần Văn Thử dạy toán) Trưởng ty Cảnh sát Trà Vinh, nổi tiếng trong việc bắt giữ Ngô Công Đức, một dân biểu đối lập VNCH. Trần Tự Lập sau về làm Trưởng ty Cảnh sát Quận 10 và làm CHT Cảnh sát Đô thành vài ngày trong Chính phủ sau cùng của VNCH.
– Nguyễn Thế Phúc, Nha sĩ Quân y, hiện ông bà nha sĩ Phúc còn làm việc, văn phòng trên đường El Cajon, San Diego……
Trong thời gian 7 năm theo học Petrus Ký tôi nhớ có 4 vị hiệu trưởng:

1- Thầy Phạm Văn Còn: hiệu trưởng (1951-1955)
Hồi đó gọi là Proviseur Phạm Văn Còn. Thầy Còn không thuộc ngành sư phạm, nhưng là một công chức cao cấp của Xã Tây (Tòa Đô Chính) thời Thủ tướng Trần Văn Hữu có bằng cấp cao nên được bổ nhiệm về làm hiệu trưởng lo việc giáo dục, đồng thời thầy cũng theo dõi học sinh và giáo sư đễ không phải xảy một vụ Trần Văn Ơn thứ hai tại Trường Petrus Ký.

2- Thầy Nguyễn Văn Kính: hiệu trưởng (1955-1957):
Thầy Nguyễn Văn Kính hiệu trưởng từ Vĩnh Long được bổ nhiệm về điều hành trường thay thế thầy Phạm Văn Còn. Thầy Kính có vẻ cởi mở hơn thầy Còn, chân thầy Kính đi cà vẹo, có lẻ bị tật hay tai nạn bên chân trái, nhưng thầy lại là trưởng đoàn hướng dẫn đoàn Lực sĩ Việt Nam Cộng Hòa tham dự Thế Vận Hội Mùa Hè Úc Châu năm 1956 tại Melbourne trong lúc đang làm hiệu trưởng. Thầy Kính có hai đứa con trai học cùng lớp với tôi năm Đệ Lục là anh Nguyễn Vĩnh Thuận và Nguyễn Trung Hiếu.

3- Thầy Nguyễn Văn Thơ (1957-1958)
Bắt đầu niên khóa 1957 thầy Nguyễn Văn Thơ, giáo sư Pháp văn của trường thay thế thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Kính. Thầy Thơ làm hiệu trưởng một thời gian ngắn nên tôi không nhớ nhiều về thầy. Tuy nhiên, thầy có giọng nói đặc biệt khàn khàn nên các anh trên các lớp Seconde và Première gọi thầy là monsieur Perroquet (con két).

4- Thầy Nguyễn Văn Trương (1958-1960)
Thầy Nguyễn Văn Trương người Bình Dương, tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm Hà Nội, thầy làm Tổng Giám Thị nhiều đời hiệu trưởng, năm 1958 thầy được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Petrus Ký thay thế thầy Nguyễn Văn Thơ. Thời gian thầy Trương làm hiệu trưởng, trường có nhiều thay đổi, nhất là trong sinh hoạt hiệu đoàn, thể thao văn nghệ… nhiều học sinh sau này nổi tiếng có danh thủ bóng bàn Pham Gia Inh, cầu thủ bóng tròn Phạm Huỳnh Tam Lang… ; đặc biệt trong các trận tranh tài thể thao giữa học sinh Petrus Ký và Chu Văn An,nếu có học sinh nào đánh lộn với Chu Văn An bị thầy Tổng giám thị Nguyễn Văn Toản phạt consigne (cấm túc) thì thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Trương tha hết…

Về việc huấn luyện thể dục thể thao,trường Petrus Ký có sân vận độnglớn nhất trong các trường ở Đô Thành  Saigon, nằm phía sau giáp với đường Trần Bình Trọng. Niên khóa chúng tôi học, thầy Bích là Trưởng ban Thể dục Thể thao và 2 phụ tá huấn luyện là thầy Quý và thầy Giỏi.
Các năm học đệ nhất cấp chúng tôi học âm nhạc với thầy Marcel (lai Pháp, chân thầy có tật) thầy dạy nhạc rất hay, qua một năm ai cũng biết căn bản nhạc lý, thầy đàn dương cầm, học sinh viết lại note nhạc giống như viết một bài chánh tả. Có hôm thầy tập học sinh hợp ca nhạc phẩm Quanh Lửa Hồng của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, hát hai bè lên bổng xuống trầm như một ban hợp ca trong nhà thờ:
    Trong đêm thâu quanh ánh lửa hồng
     Dưới ngàn cây xanh lá …
Học Pháp văn từ cấp nhỏ có các thầy Phạm Văn Ba, thầy Phạm Văn Sửu, thầy Trương Văn Cao. Lên đệ nhị cấp chúng tôi học Pháp Văn với thầy Tuấn (sau thầy về trường Ngô Quyền), thầy Huỳnh Văn Hai (thầy nghỉ hoài vì bận đi họp đại biểu Quốc Hội), cô Hồng từ Gia Long qua, giờ cô dạy cả lớp rất vui vì cô dạy rất hay, cuối giờ cô Hồng thường hát một hay hai bản nhạc Pháp…
Giờ Sử Địa ở đệ nhứt cấp chúng tôi học với thầy Lê Xuân Khoa, tôi còn nhớ thầy dạy về nước Iraq, thầy gọi là Lưỡng Hà Địa vì đất nước này có hai con sông Tigris và Euphrates…

Lên đệ nhị cấp chúng tôi học sử với thầy Trần Văn Quế, người Tây Ninh, thầy tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội, có lúc thầy là đại biểu của Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh làm việc ở Miền Bắc và sau thầy về dạy ở Petrus Ký, giờ thầy dạy chúng tôi được biết nhiều chuyện đông tây trên thế giới, thầy dạy như ở đại học, vô lớp để nghe, về nhà lật sách học bài. Một lần thầy cho biết thầy cùng học Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội với nhà cách mạng Nguyễn Thái Học, nhưng ông Nguyễn Thái Học học trên thầy mấy lớp. Thầy Quế thuộc nhóm Caraven 17 người ký tên yêu cầu Chính phủ Ngô Đình Diệm cải tổ nội các và cải cách chính trị. Sau đó cả nhóm Caraven bị bắt đi tù. Thầy Quế được giáo sư Trương Công Cừu bảo lãnh ra và từ đó thầy không còn sinh hoạt chính trị nữa…

Tôi còn nhiều kỷ niệm với các thầy cô khác, nhưng bài viết đã khá dài tôi xin ngừng ở đây, nếu có dịp sẽ trở lại viết về các thầy cô dạy các môn khác…
        *        *
Trên đây là những gì tôi nhớ về ngôi trường thân yêu nơi tôi đã từng theo học 7 năm từ năm 1953 đến 1960, tôi biết mỗi thời kỳ có những thay đổi về nhân sự, chương trình học tập …  nhưng chắc chắn rằng truyền thống Petrus Ký không thay đổi đó là kỷ luật và trật tự. Muốn vào học Trường Petrus Ký học sinh của vùng Saigon và các tỉnh phía Nam phải qua kỳ thi tuyển rất gay go, và chính vì được chọn lọc như vậy cho nên học sinh Petrus Ký đậu rất nhiều và rất cao trong các kỳ thi.

Cho nên chúng tôi lúc nào cũng rất tự hào nhận mình là dân Petrus Ký.-/-

11-20-2014
LPK. NGUYỄN KIM QUANG(1953-1960)

Nguồn: nguyentanphan's blog